Liệt sĩ đầu tiên hy sinh dưới lá cờ đầu tiên

LÊ THÍ 16/01/2022 04:16

Trịnh Uyên là liệt sĩ đầu tiên hy sinh dưới ngọn cờ Ngũ tinh - lá cờ của Hội Việt Nam Quang phục.

Quốc kỳ và quân kỳ (được thiết kế năm 1912).
Quốc kỳ và quân kỳ (được thiết kế năm 1912).

Có người cho rằng chiếc khăn màu đỏ (để phủ các quả đựng lễ vật) được thêu thêm 4 chữ “Đại Nam khâm sứ” treo trên cột buồm con tàu chở sứ bộ Phan Thanh Giản - Phạm Phú Thứ sang Pháp năm 1863 là lá cờ đầu tiên của nước ta, nhưng thực ra đây chỉ là giải pháp “chữa cháy” cho một tình huống “khẩn cấp” mà thôi. Theo nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc thì: “Quốc kỳ đầu tiên của nước ta được quy định bằng văn bản là vào năm Nhâm Tý, 1912”. Đó là cờ Ngũ tinh của Hội Việt Nam Quang phục.

Cờ Ngũ tinh

Phan Bội Châu trong tác phẩm “Tự phán” đã giới thiệu về sự ra đời và ý nghĩa của cờ Ngũ tinh như sau: “Xưa nước ta chỉ có Hoàng đế mà không có cờ nước cũng là một việc đáng quái gở. Hội Việt Nam Quang phục mới chế định ra quốc kỳ bằng cờ Ngũ tinh, dạng huy thức dùng bằng cách ngũ tinh liên châu”.

Ông giải thích: “Nhân vì nước ta có năm địa bộ, sở dĩ dùng thức này để tỏ rõ cái ý năm địa bộ liên lạc làm một. Sắc cờ dùng hoàng địa, hồng tinh làm cờ nước; hồng địa bạch tinh làm cờ quân. Hoàng là để biểu thị nhân chủng ta. Hồng là biểu thị sắc nước ta: Nam phương thuộc hỏa, hỏa sắc hồng. Quân kỳ sở dĩ dùng bạch tinh là tỏ rõ mục đích quân, cốt đánh đổ chính phủ người da trắng”.

Đó là sự mô tả, còn thực tế sự thiết kế vị trí và hình dạng các ngôi sao cụ thể như thế nào trên nền cờ thì chưa rõ.

Gần đây nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc dựa vào tờ “Quân dụng ngân phiếu”, của Việt Nam Quang phục quân, phát hành năm Nhâm Tý, 1912 (được Giáo sư Nasu Izumi của Đại học Quốc gia Okinawa, Nhật Bản gửi tặng), trên đó có in quân kỳ để phục hiện hình ảnh quốc kỳ.

Theo đó thì quân kỳ có nền đỏ, bốn góc có bốn ngôi sao màu trắng là những chấm tròn (chứ không phải là hình ngôi sao 5 cánh). Bốn ngôi sao này được nối với ngôi sao màu trắng nằm ở trung tâm bằng những vạch lớn màu trắng.

Còn quốc kỳ có nền vàng, bốn góc có 4 ngôi sao màu đỏ được nối với ngôi sao màu đỏ ở trung tâm cũng bằng những vạch màu đỏ khá lớn. Như vậy giữa quân kỳ và quốc kỳ khác nhau chủ yếu ở màu sắc chứ không phải là hình dạng.

Trong cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội năm 1916 (có sự tham gia của vị hoàng đế yêu nước Duy Tân), lá cờ Ngũ tinh ban đầu như mô tả của Phan Bội Châu được thay đổi, dùng quân kỳ để làm quốc kỳ, còn quân kỳ thì giống quốc kỳ nhưng thêm một hình vuông màu xanh ở góc trên mặt trước.

Trong tuyên ngôn của Hội đồng Quân sự khởi nghĩa (tài liệu 71, Hồ sơ Toàn quyền Đông Dương, ANOM-GGI-65530) có ghi cụ thể: “Ấn của Nhà vua dùng như cũ. Ấn của Hội đồng Quân sự có hình vuông, khắc chữ “Việt Nam quân chính phủ”.

Quốc kỳ màu đỏ có 5 ngôi sao màu trắng. Quân kỳ cùng mẫu với quốc kỳ nhưng thêm một hình vuông màu xanh ở góc trên mặt trước” (Dẫn lại Nguyễn Trương Đàn, Chí sĩ yêu nước Thái Phiên qua tư liệu mới, NXB Đà Nẵng, 2017, trang 202).

Như vậy, lá cờ được Phan Bội Châu và các đồng chí thiết kế năm 1912, đã được tổ chức Việt Nam Quang phục hội của Thái Phiên và Trần Cao Vân “vận dụng” trong cuộc khởi nghĩa năm 1916 cho phù hợp với tình hình mới (có sự tham gia của vua Duy Tân).

Trong cuộc khởi nghĩa này chỉ có Tam Kỳ, Quảng Nam là nơi thực sự diễn ra khởi nghĩa vũ trang và lá cờ Ngũ tinh lần đầu tiên đã được các đội nghĩa binh sử dụng. Nhiều tài liệu cho biết “Chiều ngày 3.5.1916, các đội nghĩa binh với khoảng 650 người đã bí mật tập kết tại căn cứ Gò Chùa làm lễ tế cờ Ngũ tinh, chuẩn bị xuất binh.

Sau khi nghĩa binh uống rượu thề phục quốc, Tổng Lãnh binh Trần Huỳnh đọc tuyên cáo rồi bắn một phát súng lệnh. Lực lượng khởi nghĩa hướng về phía phủ lỵ Tam Kỳ theo lá cờ Ngũ tinh được giương cao từ tay Lê Ngạn” (Kỷ yếu Hội thảo 100 năm Khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội 1916 - 2016, Sở VH-TT&DL Quảng Nam năm 2016, trang 87).

Sau Tam Kỳ  vào năm 1917, cờ Ngũ tinh đã bay phất phới suốt 7 ngày đêm trên tỉnh lỵ Thái Nguyên từ ngày 30.8 đến 5.9.1917 trong cuộc khởi nghĩa của Lương Ngọc Quyến và Trịnh Văn Cấn (nhưng không rõ là theo lá cờ như Phan Bội Châu mô tả hay như lá cờ của cuộc khởi nghĩa năm 1916).

Người đầu tiên hy sinh dưới lá cờ Ngũ tinh

Kỷ yếu Hội thảo 100 năm Khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội 1916 - 2016 có viết: “Khi Trịnh Uyên, chỉ huy đội nghĩa binh Kim Đái leo lên cột cờ của phủ đường để hạ cờ Nam triều xuống thay bằng cờ Ngũ tinh thì bị bắn, hy sinh tại chỗ” (trang 88). Như vậy, Trịnh Uyên chính là liệt sĩ đầu tiên hy sinh dưới ngọn cờ Ngũ tinh.

Theo Phú Thiện - Ngô Đăng Khoa trong “Làng xã xưa trên địa bàn TP.Tam Kỳ” (NXB Hội Nhà văn, năm 2021) thì Trịnh Uyên sinh năm 1875 tại làng Kim Đái - ngôi làng mới được thành lập sau thế kỷ 16 nằm bên sông Quảng Phú và Trường Giang, nay là thôn Kim Đái, xã Tam Thăng.

Sau khi lập gia đình ông về sinh sống ở làng Ngọc Mỹ (nay là thôn Ngọc Mỹ xã Tam Phú). Tộc Trịnh là tộc khoa bảng và cách mạng của làng với Tú tài Trịnh Ngọc Đối (đỗ khoa 1879) và Cử nhân Trịnh Luyện (đỗ khoa 1912). Nhiều nhân vật họ Trịnh đã tham gia phong trào Nghĩa hội (1885), phong trào Kháng thuế (1908) và cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang phục hội (1916).

Từ 1914, Trịnh Uyên đã tham gia tổ chức Việt Nam Quang phục hội. Trước ngày khởi nghĩa ông được phân công chỉ huy đội Nghĩa binh của làng Kim Đới. Chiều ngày 3.5.1916, ông dẫn đội Nghĩa binh Kim Đới đến hội quân cùng các đội nghĩa binh của các làng khác của vùng đông Tam Kỳ tại Gò Chùa (còn gọi là Gò Đỏ), là khu rừng rậm rạp, gần nhà thủ lĩnh Đội trưởng Trần Thu. Sau lễ xuất quân, Trịnh Uyên được phân công là người treo cờ của tổ chức lên trụ cờ của phủ đường Tam Kỳ.

Đúng theo kế hoạch khởi nghĩa, khi các cánh quân đánh chiếm được phủ đường, Trịnh Uyên thực hiện nhiệm vụ. Nhưng khi đang trèo lên cột cờ thì ông bị lính Pháp phục ở ngoài bắn chết vào rạng sáng ngày 4.5.1916, hưởng dương 41 tuổi.

Sau khi hy sinh, Trịnh Uyên được gia đình và tộc họ đưa về an táng ở quê nhà, làng Kim Đới, phủ Hà Đông. Năm 2000, khi quy hoạch “Khu lăng mộ các sĩ phu yêu nước TP.Tam Kỳ” tại thôn Ngọc Mỹ xã Tam Phú, hài cốt ông được cải táng về đây. Người liệt sĩ đầu tiên chết dưới lá quốc kỳ đầu tiên, lại được về “nương náu” bên quê vợ như khi còn sống. Âu cũng là điều đặc biệt hợp với thực tế và có khi là ý nguyện của ông.

LÊ THÍ