Thống chế tượng binh Lê Văn Hoan

LÊ THÍ 28/11/2021 07:29

Thống chế Lê Văn Hoan (1758-1828) là người đã từng làm quan trải qua 4 đời vua thuộc hai vương triều đối nghịch, một mất một còn với nhau: Tây Sơn và nhà Nguyễn. Có được như vậy nhờ ông đã vượt qua được quan niệm “trung thần bất sự nhị quân” mà luôn đặt “đất nước” lên trên “triều đại” và nhất là tình cảm mà ông luôn dành cho đàn voi trận, một “tài sản quý giá” luôn phục vụ cho lợi ích của đất nước.

Ngôi mộ của Thống chế Lê Văn Hoan tại thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng.
Ngôi mộ của Thống chế Lê Văn Hoan tại thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng.

Tượng binh dưới thời nhà Nguyễn

Vào thời đầu nhà Nguyễn, quân đội khá hùng mạnh với khoảng 150.000 người,  gồm hai loại vệ binh và cơ binh: Vệ binh là quân đội chính quy, thường tại ngũ, chủ yếu đóng ở kinh đô cùng các địa phương (trấn, tỉnh), được tuyển chọn kỹ lưỡng nên còn được gọi là tuyển binh. Cơ binh thuộc loại lính ở địa phương nên còn gọi là biền binh hay mộ binh, khi có chiến sự mới tập trung, thời bình thì cho về quê làm ruộng.

Quân đội được tổ chức từ nhỏ đến lớn lần lượt là: Ngũ có 5 người do Ngũ trưởng chỉ huy; hai Ngũ là một Thập, có 10 lính do một Cai chỉ huy;  năm Thập là một Đội với 50 lính do Chánh, Phó suất đội chỉ huy.

Vệ hay Cơ gồm khoảng 500 - 600 lính do một Vệ úy hay Chưởng vệ chỉ huy. Doanh có 8 Vệ với khoảng từ 2.500 - 4.800 lính do một Đề đốc có hàm Chánh tam phẩm hoặc Tòng nhị phẩm chỉ huy.

Toàn bộ quân đội chia làm 5 Đạo gồm: Trung quân, Tả quân, Hữu quân, Tiền quân, Hậu quân; do 5 vị Thống chế có hàm tòng nhất phẩm chỉ huy. Tất cả quân đội được “điều động” bởi Bộ Binh.

Đạo quân chính quy gồm 4 binh chủng chính: bộ binh, pháo binh, thủy binh, tượng binh và kỵ binh chỉ dùng trong các nghi lễ mà thôi.

Tượng binh là binh chủng đặc biệt của quân đội triều Nguyễn, binh chủng này đã có từ thời các chúa Nguyễn và nhiều lần gây kinh hoàng cho quân Trịnh. Sau ngày thống nhất đất nước (1802), Gia Long đã dựa theo thời trước để tổ chức loại binh chủng này. Dựa theo tấu trình của Bộ Binh vào năm Minh Mạng thứ 10 (1829), ta biết được lực lượng này vào thời đó có khoảng 471 thớt voi với 3.700 quân, bố trí như sau:

Tại Kinh đô đặt 3 vệ tượng binh, mỗi vệ 10 đội, gồm 150 thớt voi và 1.500 lính. Tại Bắc Thành, tượng binh gồm 3 cơ, mỗi cơ 5 đội, với 110 thớt voi và 750 lính. Tại Gia Định thành, tượng binh cũng gồm 3 cơ, có 10 đội với 75  thớt voi và 500 lính.

Tại các trấn (tỉnh) được bố trí như sau: Quảng Nam có một cơ gồm 5 đội với 35 thớt voi và 250 lính. Nghệ An có một cơ với 3 đội gồm 21 thớt voi và 150 lính. Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thanh Hoa mỗi nơi một cơ với 2 đội, gồm 15 thớt voi và 100 lính. Quảng Trị, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Bình chỉ có 1 đội, gồm 50 lính và 7 thớt voi.

Các đơn vị tượng binh cũng có tên gọi khá đặc biệt, ở Kinh thì gọi chung là Kinh tượng với ba vệ nhất, nhị, tam. Ở các địa phương thì gọi theo tên của địa phương. Bắc thành gọi là Bắc tượng, Gia Định thành gọi là Gia tượng, mỗi nơi có ba cơ với tên gọi tiền, tả, hữu.

Tại các trấn (tỉnh) dùng tên (đầu hoặc sau) của trấn để gọi: Trị tượng (Quảng Trị), Quảng tượng (Quảng Bình), Thanh tượng (Thanh Hóa), Bình tượng (Bình Thuận), Phú tượng (Phú Yên), Nam tượng (Quảng Nam), Ngãi tượng (Quảng Ngãi), An tượng (Nghệ An)…

Trang bị cho mỗi thớt voi chiến khá đơn giản chỉ gồm 1 lá cờ đỏ thêu, 1 cây cờ có mũi giáo bằng sắt, cuộn dây thu kết thúc đằng trước bằng sắt; 30 cây lao phi mũi bằng sắt, 20 cây lao phóng bằng sắt, 1 câu liêm sắt, 2 quả chuông đồng. Sự trang bị này kém xa so với tượng binh thời Tây Sơn, lúc đó có cả đại bác.

Binh chủng tượng binh dưới triều Nguyễn được chỉ huy bởi những tướng tài không những có nhiều kiến thức về quân sự mà còn phải hiểu biết về đàn voi chiến. Hai vị Thống chế tiêu biểu chỉ huy tượng binh thời đầu nhà Nguyễn là Lê Văn Hoan và Phạm Văn Điển.

Thống chế tượng binh Lê Văn Hoan

Lê Văn Hoan sinh năm 1758 tại làng Cẩm Toại, tổng Lệ Sơn (nay là thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng). Theo nhà nghiên cứu Lê Duy Anh trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng ( số 6 - năm 2015 ) thì Lê Văn Hoan từng theo phò Nguyễn Huệ và được cử chỉ huy tượng binh với chức Đô đốc quản doanh tượng binh.

Ông cũng từng chỉ huy đoàn voi chiến với hơn 100 thớt voi tham gia trận chiến giải phóng kinh đô Thăng Long vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 bên cạnh Đô đốc Long và Đô đốc Bảo.

Sau khi Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời vào năm 1892, triều Tây Sơn bắt đầu suy yếu. Quang Toản nhu nhược để triều thần tranh giành quyền lực, chém giết lẫn nhau. Lê Văn Hoan rất buồn lòng lại cảm thấy rất dễ bị vạ lây, nguy hiểm đến tính mạng vì không thể đứng trung lập giữa các phe phái.

Mặt khác, lúc này quân Nguyễn Ánh đã phản công trên khắp mặt trận. Không muốn quân lính dưới trướng bị sát hại, nên vào năm 1799, Lê Văn Hoan giải tán đội tượng binh cho quân sĩ dưới trướng “giải giáp quy điền”. Còn ông quay về quê ẩn náu. Đội tượng binh sau đó lọt vào tay Nguyễn Ánh.

Năm 1802, sau khi lên ngôi Gia Long biết được lòng nhân của Lê Văn Hoan đối với quân sĩ lại không có người đủ tài để “quản” đàn voi của Tây Sơn để lại nên  xuống chiếu tha tội cho Lê Văn Hoan và triệu ông ra quản lý, huấn luyện cho đội tượng binh này. Không thể thoái thác lại vì quá nặng lòng với đàn voi mà mình đã dày công huấn luyện nên Lê Văn Hoan đã dẹp tình riêng với chủ cũ quay lại với đàn voi chiến.

Suốt thời Gia Long ông chỉ làm đến chức Cai cơ (hàm tòng tứ phẩm), chỉ huy một cơ trong binh chủng tượng binh ở các trấn. Năm 1820, ông được thăng chức Vệ úy thị nội (Chỉ huy một vệ với khoảng 500 quân ở Kinh đô).

Năm 1825, vua xuống chiếu thăng chức Thự Thống chế tượng quân (Phó Thống chế, hàm Chánh tam phẩm) cho ông và giao chỉ huy 5 Vệ tượng, chuyên cai quản Vệ Hùng cự và Ngũ kích. Năm 1827, quân Xiêm La xâm phạm nước Ai Lao (Lào) rồi tiến chiếm vùng núi Nghệ An.

Vua Minh Mạng sai Lê Văn Hoan đem đội tượng binh ra Nghệ An trấn giữ biên giới, tham gia đánh dẹp quân Xiêm. Sau khi đánh đuổi được quân giặc ra khỏi bờ cõi, Lê Văn Hoan được vua Minh Mạng trọng thưởng và thăng chức Đô thống chế Chưởng phủ sự.

Ngày 7.4 năm Minh Mạng thứ 9 (1828), Lê Văn Hoan lâm bệnh qua đời. Sách Đại Nam Thực lục viết: “Thống chế Tượng quân là Lê Văn Hoan qua đời. Hoan là người lão thành trọng hậu vua đang tin dùng. Khi nghe tin qua đời than tiếc mãi. Tặng chức Đô thống thụy là Vũ khắc, cho thêm tiền tuất 200 lạng bạc, 5 cây gấm Tống. Cho con là Cai đội Lê Văn Tạo làm Quản cơ thí sai cơ Thị tượng” (Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa năm 2006, Quyển 2, trang 729).

Mộ của ông hiện còn tại thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Hai bên mộ có một cặp voi đang phủ phục chầu hầu. Năm 2019, mộ Lê Văn Hoan đã được công nhận là Di tích Văn hóa - lịch sử cấp thành phố.

LÊ THÍ