Chuyện Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng vinh quy

TRẦN ĐÌNH HẰNG 10/10/2021 06:04

Hành trình Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng vinh quy bái tổ lưu dấu rõ nét bao sự kiện lịch sử văn hóa trên con đường thiên lý xưa và tôn vinh thêm truyền thống giáo dục khoa bảng nổi danh của xứ Quảng.

Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng.
Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Quảng Nam nổi tiếng đất học, được tạo nên bởi nhiều kỳ tích gắn liền với những con người, hoạt động cụ thể trong việc xiển dương sự học, đem tài trí sĩ phu giúp đời, giúp nước. “Ngũ phụng tề phi”, “con trai đất Quảng ra [Huế] thi”... đã góp phần tạo nên hồn cốt riêng có của trí thức xứ Quảng, vừa có chút “gàn” của cụ đồ Nghệ, lại nổi danh tính cương trực nhập thế “hay cãi”. Nhờ vậy mà từ đầu thế kỷ 20, Trừng Xuyên Phạm Liệu, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898), Tham tri Công bộ đã khởi xướng lập nên Quảng Nam đồng châu (Đồng hương Quảng Nam) tại Huế, để tương trợ nhau trong cuộc sống, trong sinh hoạt, đặc biệt là lập quỹ tương tế, trùng tu từ đường và lăng mộ Đoan Hùng quận công Nguyễn Văn Trương, lập Quảng Nam học xá với quy chế khuyến học rất đầy đủ, chi tiết.

Có lẽ từ truyền thống hiếu học đó, càng thấy rõ ảnh hưởng và tầm quan trọng của những sự kiện được coi là biểu tượng nổi bật như “Ngũ phụng tề phi” hay Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng vinh quy bái tổ (Giáp Thìn - 1904), càng cộng hưởng, làm bừng dậy không khí sôi động suốt từ miền quê Tiên Giang (Tiên Phước ngày nay) cho đến khắp cả xứ Quảng.

Bằng chứng nhận Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng.
Bằng chứng nhận Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

1. Khoa thi Hương năm Canh Tý (Thành Thái năm thứ 12 - 1900), trường Thừa Thiên do Binh bộ Thị lang Phan Huy Dũng làm Chủ khảo, Tham biện Nội các Hoàng Mạnh Trí làm Phó Chủ khảo, lấy đậu 42 người, trong đó đỗ đầu là Huỳnh Thúc Kháng (người xã Thạnh Bình, huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam). Cùng đậu trong khoa này có nhiều nhân vật Quảng Nam nổi danh khác như Nguyễn Đình Hiến (người Trung Lộc Đông, Quế Sơn), Phan Châu Trinh (người Tây Lộc, Hà Đông), Lương Thúc Kỳ (người Hà Tân, Diên Phước). Huỳnh Thúc Kháng thi đậu Cử nhân năm 25 tuổi, 4 năm sau lại thi đậu Hội nguyên Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1904) (Cao Xuân Dục, “Quốc triều Hương khoa lục”, Nxb. Lao động, 2011, tr.563).

Văn miếu Huế ghi nhận Huỳnh Thúc Kháng (黃叔沆) sinh năm Bính Tý (1876), người xã Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (tới cuối Bính Thìn - 1916, mới cắt đặt huyện Tiên Phước từ các tổng thượng du ở hai phủ Thăng Bình, Tam Kỳ). Năm Thành Thái thứ 8 (1896), ông được làm học sinh ở trường tỉnh, rồi thi đỗ Cử nhân khoa Canh Tý - Thành Thái thứ 12 (1900) và đến năm Giáp Thìn (1904), năm 29 tuổi, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, được khắc ghi trên Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Giáp Thìn niên hiệu Thành Thái thứ 16 (1904). Cùng đỗ Tiến sĩ ở khoa này còn có nhiều nhân vật nổi tiếng như Trần Quý Cáp, Hồ Sỹ Tạo, Nguyễn Mai (Phạm Đức Thành Dũng và Vĩnh Cao chủ biên..., 2000, “Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn”, Huế, Nxb. Thuận Hóa, tr. 558-559).

Tại di tích Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng (Tiên Cảnh, Tiên Phước) hiện trưng bày một số tài liệu đặc biệt có liên quan trực tiếp tới việc cấp bằng Cử nhân và cấp bằng Tiến sĩ vinh quy bái tổ của ông.

Văn bản về việc cấp bằng Cử nhân (Vi bằng cấp sự) nói rõ: “Nay các kỳ thi Hương ở Thừa Thiên đã xong. Đỗ hạng Cử nhân có 12 người. Bộ Lễ đã cho làm lễ bái vọng, lễ xong liền cho cấp bằng để về quê học tiếp chờ ngày thi Hội. Nay vâng chuẩn cấp bằng theo lệ định để đem về trình cho trường tỉnh, ở lại tỉnh học chờ khoa thi tiếp theo. Cử nhân Huỳnh Thúc Kháng (có tên cũ là Hanh) nhận lấy. Ngày mùng 5 tháng 5 năm Thành Thái thứ 12”.

2. Tư liệu liên quan đến sự kiện vinh quy bái tổ của tân khoa Tiến sĩ từ Bộ Binh, Bộ Lễ cấp (Vi bằng cấp sự) cho biết nhiều thông tin chi tiết. Theo đó thì “theo trình bày của Bộ Lễ, kỳ thi Điện đã xong, vâng ban danh hiệu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân cho Huỳnh Thúc Kháng, theo lệ được cấp các loại phục vụ cho việc vinh quy. Tiếp theo việc cấp bằng, sai phái 2 tên ở trạm Kinh thành cầm cờ và biển. Từ trạm An Nông thuộc Thừa Thiên trở về nam, mỗi trạm chiếu theo đó điều 2 tên cầm cờ biển, 2 tên phu khiêng võng lần lượt cho đến tỉnh nhà (phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) thì thôi. Đây là bằng cấp, Huỳnh Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân nhận lấy. Ngày 2 tháng 6 năm Thành Thái thứ 16”.

Đặc biệt trong Giấy đi đường vinh quy bái tổ của tân khoa Tiến sĩ thì lịch trình đã được điển chế hóa rất chi tiết. Theo đó thì Bộ Lễ cấp giấy quy định rõ: “Sau kỳ thi Điện hoàn tất, đã ban cho vinh quy, tiếp đó vâng cấp lãnh cờ biển vinh quy để khi đến tỉnh trình cho quan tỉnh để tiện việc về quê. Trừ thời gian đi và về, chỉ được ở lại quê nhà trong hạn 2 tháng theo lệ, sau đó hãy trở về Kinh đến Bộ Lại hầu việc. Nay vâng cấp. Đây là bằng cấp. Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Huỳnh Thúc Kháng (xã Thạnh Bình, tỉnh Quảng Nam) hãy tuân theo. Ngày 2 tháng 6 năm Thành Thái thứ 16” (Lê Minh Khiêm dịch, tài liệu VICAS Huế thu thập, 2020).

Qua đây có thể thấy để thực hiện lệ vinh quy bái tổ thì ít ra cũng có hai người phu trạm cầm cờ cầm biển, hai phu khiêng võng, lần lượt luân phiên thay đổi qua từng trạm. Vinh quy bái tổ trong trường hợp này, thực sự là một hoạt động lễ nghi chính thống rất được trọng vọng, có ảnh hưởng thiết thực đến mỗi một cá nhân, làng quê và cả cộng đồng, nổi bật hiệu ứng tích cực.

Từ thời Gia Long, vùng Thừa Thiên là dinh Quảng Đức, có 6 trạm là Đức Phúc, Đức Thọ, Đức Cao, Đức Nông, Đức An, Đức Mỹ, mỗi trạm có 80 phu. Quảng Nam có 7 trạm là Nam Chân, Nam Hoa, Nam Giản, Nam Phúc, Nam Ngọc, Nam Kỳ, Nam Vân, mỗi trạm có 50 phu. Đến thời Minh Mệnh thì có sự đổi gọi các tên trạm ở Thừa Thiên: Đức An thành Thừa An, Đức Mỹ thành Thừa Mỹ, Đức Nông thành Thừa Nông, Đức Cao thành Thừa Hóa, Đức Thự thành Thừa Lưu, Đức Phúc thành Thừa Phúc (“Thực lục”, tập II, tr. 234-235, 309).

Chính lộ trình này đã lưu dấu rõ nét bao sự kiện lịch sử văn hóa trên con đường thiên lý xưa, mạch nguồn kết nối từng mảnh đất, con người và tinh hoa đất Việt suốt chiều dài lịch sử. Hành trình Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng vinh quy bái tổ là một tư liệu quý, độc đáo, càng tôn vinh thêm cho di sản nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở quê hương Tiên Phước cũng như truyền thống giáo dục khoa bảng nổi danh khắp xứ Quảng.

TRẦN ĐÌNH HẰNG