Chuyến "trở về" của Phan Châu Trinh

LÊ THÍ 12/09/2021 06:54

Sau 14 năm đấu tranh trên đất Pháp, năm 1925 Phan Châu Trinh được một đồng chí thân thiết từ Việt Nam sang đón trong một chuyến “trở về” đầy xúc động!

Nhà tù Côn Đảo - nơi Nguyễn An Ninh trút hơi thở cuối cùng. Ảnh internet
Nhà tù Côn Đảo - nơi Nguyễn An Ninh trút hơi thở cuối cùng. Ảnh internet

Về nước

Năm 1922, sau khi gặp một số nhân vật từ trong nước sang Pháp tham dự cuộc đấu xảo ở Marseille như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh,… Phan Châu Trinh quyết định về nước tiếp tục công cuộc đấu tranh bất bạo động thực hiện đường lối “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Sau hơn 10 năm trên đất Pháp với rất nhiều hoạt động cụ thể, sôi nổi, Phan Châu Trinh không còn mơ hồ về một nước Pháp theo tinh thần “dân quyền” của Montesquieu và J.J. Rousseau mà ông đọc được trong Tân thư.

Ông đã chua chát thốt lên: “Thực trạng dân tình thế thái bên nhà, bọn mình biết rõ, bấy lâu nay, bọn mình ở bên này có đăng báo chương, hô hào các hạng người Pháp có lương tâm ngõ hầu giúp người An Nam đánh đổ cường quyền áp chế, nhưng kết quả chẳng được là bao. Cái khát vọng bình đẳng, tự do, bác ái mà ông Mạnh Đức Tư Cưu (Montesquieu), ông Lư Thoa (Rousseau) khởi xướng chẳng nhỏ được giọt nào trên đất An Nam mình” (Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911 - 1925, Nxb  Đông Nam Á, 1983, trang 135-140).

Cũng trong năm 1922, Phan Châu Trinh viết bài Tỉnh quốc hồn ca mới. Tác phẩm xác định lại đường lối dân chủ xuyên suốt của ông. Bên cạnh đó tác phẩm cũng tố cáo thực trạng tăm tối của xã hội thực dân phong kiến và những thủ đoạn tàn bạo của chính sách thuộc địa ở Việt Nam.

Các đồng chí trong nhóm “Ngũ Long tề khởi” cũng hưởng ứng chủ trương này của Phan Châu Trinh, dù không hoàn toàn theo cách của Phan Châu Trinh. Nguyễn An Ninh là người đầu tiên về nước vào cuối năm 1922 để “dọn đường” cho sự trở về của cả nhóm. Ngày 10.12.1923 báo, La Cloche Fêlée (Chuông Rè) của Nguyễn An Ninh ra số đầu tiên. Tiếp bước Nguyễn An Ninh, ngày 21.1.1924 Phan Văn Trường về tới Sài Gòn.

Còn Phan Châu Trinh nhiều lần yêu cầu chính phủ Pháp để ông trở về quê hương nhưng bị từ chối. Mãi đến năm 1924, khi thấy sức khỏe ông đã suy kiệt họ mới cho về. Phan Châu Trinh liền viết thư gửi Nguyễn An Khương nhờ cho con trai cụ Khương là Nguyễn An Ninh sang đón về.

Năm 1924, Nguyễn An Ninh sang Pháp lo việc chữa bệnh và nâng cao thể trạng cho Phan Châu Trinh để ông có thể “chịu đựng” được chuyến đi gian lao nhiều ngày trên biển.

Trong bài “Sang Pháp đón cụ Phan Châu Trinh về nước” đăng trên báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh ngày 15.8.2018, tác giả Nguyễn Thị Minh (con gái Nguyễn An Ninh) cho biết: “Nhận được thư, ông nội tôi lo lắm, vội chuẩn bị cho cha tôi sang Pháp gấp. Cái khó không phải là tiền bạc, mà khó là làm sao đưa cụ về an toàn. Suốt một tháng lênh đênh trên biển, sức cụ có chịu nổi không? Thời đó, nếu có rủi ro xảy ra thì đành phải vứt xác người chết xuống biển. Cha tôi liền mời hai vị mạnh thường quân lên Hóc Môn cùng ông nội tôi bàn bạc. Đó là ông Khánh Ký, chủ hiệu ảnh, là bạn của cụ Phan từ những năm bên Pháp và ông Huỳnh Đình Điển, chủ khách sạn Bá Huê Lầu, là một nhà tư sản yêu nước…

Sau khi bàn bạc, mọi người đã nhất trí như sau: Ông Khánh Ký và ông Huỳnh Đình Điển lo mọi chi phí đưa cụ Phan về nước và chi phí đi lại của cụ sau khi về Sài Gòn. Gia đình tôi lo chi phí thuốc men, ăn uống, chăm sóc cho cụ trong chuyến sang đón và sau khi về Sài Gòn.

Mọi hoạt động của cụ đều do cha tôi sắp đặt. Khi cụ khỏe đưa xuống khách sạn Bá Huê Lầu, khi mệt sẽ đưa về Hóc Môn. Bá Huê Lầu sẽ là nơi lo hậu sự cho cụ. Ho lao ngày đó là bệnh nan y không có thuốc chữa, chỉ có bồi bổ sức khỏe để kéo dài sự sống.

Ông nội tôi và ông chú Nguyễn An Cư, là lương y nổi tiếng đất Sài Gòn, lo làm thuốc bổ thành viên tễ mềm để cụ có thể nhai được. Cha tôi thì lo mua dụng cụ y tế, thuốc trợ tim, thuốc cầm máu để tiêm cho cụ. Má tôi chuẩn bị tiền để khi sang Pháp, cha tôi cùng bạn bè mua sắm mọi thứ cần thiết cho cụ”.

Nhờ sự chăm sóc chu đáo của Nguyễn An Ninh (nhất là nhờ thuốc tễ của hai lương y Nguyễn An Cư và Nguyễn An Khương) nên sức khỏe của Phan Châu Trinh đã khá lên. Ngày 29.5.1925, Phan Châu Trinh cùng Nguyễn An Ninh xuống tàu rời nước Pháp, đến ngày 26.6 thì về tới Sài Gòn. Dù được hai anh em cụ Nguyễn An Cư thuốc thang chu đáo nhưng rồi sau đó bệnh tình trở nặng, cụ Phan đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 21 giờ 30 ngày 24.3.1926.

Người đưa Phan Châu Trinh về nước

Nguyễn An Ninh sinh ngày 15.9.1900 ở quê ngoại - làng Long Thượng, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay là tỉnh Long An), là con trai của Nguyễn An Khương (người làng Mỹ Hòa huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định - nay thuộc TP.Hồ Chí Minh). Nguyễn An Khương là nhà giáo, lương y giỏi, một nhà Nho yêu nước, từng tham gia phong trào Đông du.

Năm 10 tuổi Nguyễn An Ninh từ quê ngoại lên Sài Gòn học tại trường dòng Taberd, sau đó chuyển sang trường Chalesoup Laubet. Nhờ học giỏi, năm 1916 ông được tuyển thẳng vào học tại trường Cao đẳng Y dược Hà Nội. Được nửa năm ông bỏ học chuyển qua học Luật. Năm 1918, ông sang Pháp học luật ở Đại học Sorbonne. Năm 1920 ông tốt nghiệp Cử nhân Luật.

Tại Pháp, ông tham gia các tổ chức yêu nước như Hội Liên hiệp Thuộc địa, nhóm Ngũ Long và bắt đầu có quan hệ mật thiết với Phan Châu Trinh.

Hưởng ứng chủ trương về nước đấu tranh trực diện với Pháp, năm 1923, Nguyễn An Ninh về nước xuất bản tờ báo La Cloche Fêlée (Chuông Rè).

Năm 1924 ông sang Pháp đón Phan Châu Trinh về nước.

Với đường lối đấu tranh trực diện không khoan nhượng, Nguyễn An Ninh đã nhiều lần diễn thuyết, viết nhiều bài báo lên án mạnh mẽ chế độ thuộc địa của Pháp và vì thế ông đã 5 lần bị thực dân Pháp bắt giam, kêu án nặng nề. Lần cuối cùng vào ngày 4.10.1939, ông bị kết án 5 năm tù, 10 năm biệt xứ, đày đi Côn Đảo và ông đã trút hơi thở cuối cùng tại đây vào ngày 14.8.1943.

Tinh thần yêu nước kiên cường, đấu tranh quyết liệt của Nguyễn An Ninh đã làm cho Phan Châu Trinh hết sức nể phục và yêu mến ông. Hai người đã trở thành cặp “đồng chí” thân thiết.

Bà Phan Thị Châu Liên, con gái lớn của Phan Châu Trinh cho biết: “Nguyễn An Ninh quấn quýt bên cậu tôi… Có lúc ông Ninh đòi làm con trai cậu tôi thay cho anh Phan Văn Dật. Cậu tôi cười: Làm con trai cũng vậy thôi, cốt yếu làm sao cho ích quốc lợi dân là quý hơn hết. Ninh xem cậu tôi như cha, mà cậu tôi cũng thương yêu Ninh hơn hết… Cậu thường bảo với nhà tôi (GS. Lê Ấm - NV) Ninh là người linh hoạt, nói năng đứng đắn, không ủy mị. Con nên bỏ thói rụt rè, quan cách, bắt chước thằng Ninh cho nó khí phách… Bà vợ ông Ninh rất dễ thương. Khi cậu tôi mất bà có xuống để tang như con trong gia đình” (Phan Châu Trinh trong mắt người con gái, Tạp chí Bách Khoa số 406 ngày 24.3.1974).

Qua cuộc đời đấu tranh của Nguyễn An Ninh và những thông tin của bà Châu Liên giúp chúng ta hiểu tại sao cuối đời Phan Châu Trinh lại nhờ Nguyễn An Ninh giúp đỡ  trong chuyến “trở về” đầy xúc động của mình.

LÊ THÍ