Trái tim người cộng sản

THÀNH CÔNG 02/09/2021 06:01

Ở tuổi 95, ông trở thành chứng nhân duy nhất của huyện Phú Ninh trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8.1945. Những người cùng thời đã lần lượt ra đi. Ông giờ còn đây, vẫn giữ cho mình vẹn nguyên những ký ức của một thời lịch sử. Trọn cuộc đời, ông sống, cống hiến cho cách mạng, đến lúc về hưu vẫn đau đáu nỗi niềm với Đảng, với dân. Ông là Hồ Văn Lang (ở thôn An Thọ, xã Tam An, Phú Ninh).

Quãng đời hoạt động cách mạng được ông Lang chép lại bằng thơ, trong cuốn sổ tay luôn giữ cẩn thận. Ảnh: T.C
Quãng đời hoạt động cách mạng được ông Lang chép lại bằng thơ, trong cuốn sổ tay luôn giữ cẩn thận. Ảnh: T.C

Ký ức ngày khởi nghĩa

Những ngày cách mạng tháng 8.1945 vẫn không phai phôi trong trí nhớ, dù năm tháng đã vùn vụt trôi theo cuộc đời ông Hồ Văn Lang. Ông kể, từ 17 tuổi đã tiếp xúc với cán bộ cách mạng, đến năm 19 tuổi ông làm tổ trưởng tổ vũ trang bí mật của làng Chiên Đàn để chuẩn bị cướp chính quyền.

“Thời chúng tôi, khi Đảng gọi là sẵn sàng lên phía trước; dân kêu, luôn đi tới hàng đầu. Lạt muối, rau rừng, lòng vẫn thanh thản. Những người cộng sản, dù trong hoàn cảnh nào, thời nào phải giữ cái tâm trong, cái đầu sáng, phải nhớ và giữ trọn lời thề của mình với dân, với Đảng”.

(Ông Hồ Văn Lang - 73 năm tuổi Đảng)

“Tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị một tổ vũ trang để tham gia cướp chính quyền theo mệnh lệnh của trên. Tổ vũ trang bí mật của chúng tôi gồm có 5 người, chỉ có 3 cây súng và một số vũ khí thô sơ. Tình thế cách mạng trực tiếp xuất hiện, Tỉnh ủy quyết định khởi nghĩa trước, Chỉ thị cho các phủ, huyện khởi nghĩa trong ngày 18.8.1945.

Đêm 17.8.1945, Hội An giành được chính quyền. Tin tức bay về, chúng tôi sung sướng không thể tả, khí thế lắm. Bà con náo nức chuẩn bị gậy gộc, dao, rựa để lên đường tiến về phủ lỵ Tam Kỳ cướp chính quyền.

Ngày 18.8.1945, các tổ vũ trang dẫn đầu, đồng bào nối theo sau rầm rập kéo vào phủ lỵ. Đông đúc, rầm rộ nhưng vẫn được tổ chức thành hàng lối bài bản, chúng tôi đi trong náo nức. Già theo già, trẻ theo trẻ, vũ khí thì có gì dùng nấy. Từ cuộc đời nô lệ, tất cả bà con bừng lên niềm tin tự do từ cái ngày lịch sử ấy.

Chúng tôi rầm rập đi, không thấy đói, không thấy mệt, mà chỉ có một cảm giác là vô cùng sung sướng. Sau khi cướp chính quyền, bà con kéo về sân vận động xã, cả nghìn người hô vang trong buổi mít tinh” -  ông Lang hồi tưởng.

Những câu chuyện tuôn ra theo trí nhớ, ông nói, mỗi năm cứ đến tháng 8, lại nhớ về mùa thu lịch sử của năm 1945, nhớ những ngày đầu theo chân cách mạng. Ông còn cẩn thận ghi chép trong sổ tay thành một bài thơ, kể về ngày đầu gặp được cán bộ cách mạng ở miếu Trắng Trà Cai, ngày đứng tuyên thệ dưới “lá cờ Công Nông”, trở thành Hội viên Cứu tế đỏ và đội viên đội vũ trang bí mật.

“Không tự hào sao được, khi mình được góp mặt, được là chứng nhân trong thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc. Quảng Nam ngày 17 và 18 tháng 8.1945 góp tên trong 4 tỉnh đầu tiên giành chính quyền, cùng với Bắc Giang, Hải Dương và Hà Tĩnh.

Bằng giáo mác, gậy gộc, đồng bào theo chân Đảng, tìm thấy tự do, thấy cơm ăn áo mặc cho tương lai của chính mình. Cũng từ ngày đó, tôi một lòng theo Đảng” - ông nói. Tuổi Đảng của ông Hồ Văn Lang bây giờ là 73 năm, là một trong những đảng viên có tuổi Đảng cao nhất đang còn sống…

Trọn niềm tin cách mạng

Trong cuốn sổ tay cũ được cất giữ cẩn thận, ông Hồ Văn Lang ghi chép đầy đủ ký ức về những cột mốc của cuộc đời mình. Những năm tháng sau đó, ông tự học, qua công tác ở nhiều đơn vị, làm Chính trị viên Đại đội 73, Trung đoàn 93 (Quảng Nam - Đà Nẵng) rồi đi thoát ly sau đó.

Trong thời kỳ chống Mỹ, ông được đưa về chiến trường Thừa Thiên Huế, đổi tên thành Lê Anh Tuấn. Cái tên Lê Anh Tuấn đi theo ông suốt quãng đời hoạt động cách mạng sau này. Hoạt động một thời gian, ông được Trung ương rút về, làm công tác bảo vệ Đảng trong Ban Tổ chức Trung ương. Giấy tờ công tác những năm trước giải phóng, ông vẫn còn cất giữ.

Đi biền biệt trong hai cuộc kháng chiến, gia đình ông đã lập bàn thờ sau khi nghe tin ông hy sinh trong một trận càn của địch. Thời gian đang công tác tại Thừa Thiên Huế, ông nhận tin căn nhà bị dội bom. Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng. Ông xin về công tác tại Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đến năm 1979, ông được điều động tăng cường về Huyện ủy Tam Kỳ, rồi xuống cơ sở giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Tam An suốt 2 nhiệm kỳ. Cuối năm 1983, ông có quyết định nghỉ hưu.

“Vụ Bảo vệ Đảng, Ban Tổ chức Trung ương vào, bảo tôi trả quyết định nghỉ hưu, tiếp tục về Vụ công tác, nhưng tôi xin được nghỉ. Về nơi cư trú, tôi vẫn tiếp tục cống hiến, làm Bí thư Chi bộ, tham gia Đảng ủy xã phụ trách mảng dân vận, rồi làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh.

Hai mươi lăm năm công tác sau ngày nghỉ hưu, đến 2009, tôi mới chính thức xin nghỉ tất cả công việc. Thời gian đó, Vụ Bảo vệ Đảng Ban tổ chức Trung ương lẫn Ban Tổ chức Tỉnh ủy giao nhiệm vụ xác minh nhiều vụ việc liên quan đến cán bộ, tôi đều hoàn thành tốt, minh oan được cho nhiều người” - ông Lang nhớ lại.

Vẫn đau đáu một niềm tin trong trong lòng ông, khi trọn một đời cống hiến cho cách mạng. “Về hưu rồi nhưng tôi vẫn dõi theo các thế hệ sau này. Các cháu sau này làm được tôi mừng, phấn khởi lắm; nhưng cái nào làm chưa được, tôi góp ý thẳng, chỉ rõ.

Thời chúng tôi, khi Đảng gọi là sẵn sàng lên phía trước; dân kêu, luôn đi tới hàng đầu. Lạt muối, rau rừng lòng vẫn thanh thản. Những người cộng sản, dù trong hoàn cảnh nào, thời nào phải giữ cái tâm trong, cái đầu sáng, phải nhớ và giữ trọn lời thề của mình với dân, với Đảng” - ông nói.

Trái tim của người cộng sản 73 năm tuổi Đảng vẫn trung kiên, son sắt tới tận bây giờ…

THÀNH CÔNG