Thoại Ngọc Hầu trong mộc bản triều Nguyễn
Thoại Ngọc Hầu là một danh tướng lừng lẫy đã cống hiến suốt đời mình cho việc mở mang và phát triển bờ cõi, giữ vững bình yên cho vùng đất Tây Nam Bộ. Mộc bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới còn lưu giữ được rất nhiều bản khắc ghi chép về con người cũng như công trạng của ông đối với đất nước.
Theo vua chinh chiến khắp nơi
Thoại Ngọc Hầu tên là Nguyễn Văn Thoại (hay Nguyễn Văn Thụy) sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân Tỵ (1761), tại xóm An Trung, làng An Hải, thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Về sau ông theo gia đình đến định cư ở Vĩnh Long. Mộc bản sách Đại Nam Chính biên Liệt truyện sơ tập, quyển 27 đã dành ra 8 mặt khắc (từ mặt khắc 8 đến mặt khắc 15) ghi chép rất rõ về công thần Nguyễn Văn Thoại. Theo đó, vào năm Đinh Dậu (1777), khi mới 17 tuổi, Nguyễn Văn Thoại đầu quân theo Nguyễn Ánh tại Ba Giồng (Định Tường). Trong thế trận giằng co, trước sự truy đuổi ráo riết của quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh nhiều lần đã phải bỏ thành Gia Định, lưu vong sang nước ngoài lánh nạn. Có mặt trong đoàn phò giá Nguyễn Ánh chạy trốn, Nguyễn Văn Thoại được Nguyễn Ánh tin dùng cử đi sứ sang Xiêm 7 lần, qua Lào 2 lần nhằm tìm kiếm sự cứu viện.
Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, ban thưởng cho bề tôi có công giúp vua khơi phục cơ đồ. Nguyễn Văn Thoại được thăng chức Khâm sai Thống binh Cai cơ, rồi Khâm sai Thống binh Chưởng cơ, quản suất biền binh lưu thủ Bắc Thành. Năm Mậu Thìn (1808), Nguyễn Văn Thoại được cử làm Trấn thủ Định Tường, sau đó mang quân dẹp loạn ở Chân Lạp, làm Bảo hộ Chân Lạp, rồi trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, đóng quân ở thành Châu Đốc.
Đào sông Thoại Hà
Khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, thấy việc giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, mọi trao đổi hàng hóa thời bấy giờ giữa miền duyên hải Hà Tiên, Rạch Giá (nay thuộc Kiên Giang) phải đi vòng đường biển xa xôi, bất tiện. Để giải quyết thông thương và tháo bớt một phần nước lụt của sông Hậu ra biển Rạch Giá, Thoại Ngọc Hầu đã tiến hành việc đào kênh. Tháng 11, năm Đinh Sửu (1817), ông chỉ huy dân binh đào sông nối liền sông Đông Xuyên (Long Xuyên) với Rạch Giá để thông thương giữa trấn Vĩnh Thanh và trấn Hà Tiên.
Mộc bản sách Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ, quyển 56, mặt khắc 12 ghi về việc này rằng: “Vét sông Tam Khê, sông cách trấn lỵ Vĩnh Thanh 214 dặm. (Phía tây 4 dặm rưỡi, đến ngã ba hợp với sông Cần Đăng, phía tây nam 59 dặm đến cửa sông Lạc Dục, từ đấy về nam 57 dặm rưỡi đến Song Khê). Vua thấy đất ấy gần Chân Lạp, mênh mông lầy rậm, đường sông đi qua Kiên Giang bị bùn cỏ ủng tắc, thuyền bè không đi được, bèn sai Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại sửa sang đường sông, điều động dân Hán (Việt) dân Di (Miên) 1.500 người để vét, nhà nước cấp cho tiền gạo, khiến nhân lối cũ mà đào sâu rộng thêm. Hơn một tháng sông vét xong (ngang hơn 10 trượng, sâu 18 thước), dân Hán, dân Di đều lợi cả. Vua khen công của Thoại, đặt tên sông là Thoại Hà. Ở phía đông sông có núi Lạp Sơn, cũng đặt tên Thoại Sơn, cấm dân không được chặt cây cối”.
Để đánh dấu một công trình trọng đại, Thoại Ngọc Hầu đã cho soạn một bài văn, khắc vào bia đá và lập miếu bên triền núi Thoại để dựng bia.
Đào kênh Vĩnh Tế
Cũng trong thời gian từ năm 1819 đến 1824, vâng lệnh vua, Thoại Ngọc Hầu đốc suất dân binh trấn Vĩnh Thanh đào con kênh dài gần 100km nối liền Châu Đốc và Hà Tiên mang tên kênh Vĩnh Tế (đặt theo tên vợ chính của ông là Châu Thị Vĩnh Tế). Hiệu quả to lớn mà con kênh mang lại được sách Đại Nam nhất thống chí ghi nhận: “Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng”.
Đây là con kênh đào lớn nhất trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam. Kênh Vĩnh Tế đào song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành (thuộc thị xã Hà Tiên, Kiên Giang ngày nay). Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhất kỷ, quyển 60, mặt khắc 7 ghi về việc này rằng: “Vét đào đường sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên. Vua thấy Vĩnh Thanh và Hà Tiên tiếp giáp với Chân Lạp, việc công tư đi lại, trước không có đường thủy, bàn muốn nhân sông Châu Đốc mà đào cho thông suốt. Gặp Chiêu Chùy nước Chân Lạp là Đồng Phù đến chầu, vua triệu cho yết kiến hỏi han. Đồng Phù trả lời rằng: “Khai sông ấy thì dân Chân Lạp được nhờ lợi, vua Phiên cũng muốn thế, không dám xin mà thôi”. Vua khen và lấy làm vui lòng, dụ bảo thành thần Gia Định, đo từ phía Tây đồn Châu Đốc qua cửa Ca Âm, Cây Báng, đến sông cũ hơn 200 dặm, tính công đào đất và lượng sức người. Sai Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại và Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất dân phu 5.000 người và binh dân đồn Uy Viễn 500 người, Đồng Phù quản suất dân Chân Lạp 5.000 người, đến tháng 12 khởi công đào. Chiếu dụ dân Vĩnh Thanh rằng: “Đào con sông này công việc rất khó nhọc. Kế sách của nhà nước, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc”.
Mộ dân lập ấp
Thoại Ngọc Hầu có công rất lớn trong việc khẩn hoang, lập làng, mở mang vùng đất Châu Đốc, An Giang ngày nay. Năm Tân Tỵ (1821), khi đang giữ chức Bảo hộ quốc ấn nước Chân Lạp, kiêm lý việc biên vụ Hà Tiên, Nguyễn Văn Thoại được sự vua Minh Mạng xuống dụ rằng: “Châu Đốc là đất xung yếu, ngươi nên khéo phủ dụ, mộ dân buôn lập thành làng mạc để hộ khẩu ngày một tăng, đồng ruộng ngày mở mang”. Nguyễn Văn Thoại đã tổ chức khai hoang, mộ dân lập ấp. Ngoài ra, ông còn tự xuất của cải tư gia để xây dựng Hành cung và kho tàng ở đồn. Và kết quả là sau 6 năm (tức năm Đinh Hợi - 1827), ông đã lập được rất nhiều làng.
Mộc bản sách Đại Nam Thực lục Chính biên đệ nhị kỷ, quyển 43, mặt khắc 33 ghi rằng: “Án thủ bảo Châu Đốc là Thống chế Nguyễn Văn Thoại trước mộ dân dời đến ở đất biên thùy, đặt ra 20 xã thôn, vay của công 1.900 quan tiền và 1.500 phương gạo cho dân, đã hoãn cho nhiều năm, dân vẫn không trả được. Đến nay Thoại đem của nhà trả bù cho dân. Thành thần đem việc tâu lên. Vua nói: “Thoại làm như thế là tôn trọng của nhà nước đấy. Nhưng nghĩ những dân ấy mới chiêu tập đến, sinh lý chưa thừa, nay bắt Thoại đền, lòng trẫm không nỡ như thế. Hơn nữa Thoại ở biên thùy lâu ngày, dân tình thỏa hiệp, tiền gạo trả bồi ấy thì đúng số trả lại cho, có thể xem như của trẫm khen thưởng đấy”.
Bên cạnh việc mộ dân, lập ấp, Nguyễn Văn Thoại còn cho đắp lộ Núi Sam - Châu Đốc dài 5km, huy động gần 4.500 nhân công. Năm Ất Dậu (1825), ông cho đắp con đường từ Châu Đốc lên Lò Gò - Sóc Vinh nối các làng với nhau rất thuận tiện cho người đi lại.