Đạo thầy trò dầm dãi nắng mưa
Người nằm dưới ngôi mộ Ông Thầy trên ngọn đồi ở xã Duy Trung (Duy Xuyên), theo cách gọi dân gian địa phương, là Nguyễn Đức Huy. Ông là người thầy của rất nhiều môn sinh đất Quảng và cũng từng làm thầy của nhà vua. Thế nhưng mộ phần của ông nay chỉ còn hai tấm bia chỉ dấu...
Vị thầy khả kính
Theo tấm bia thực địa Ấn Phong tiên sinh thần đạo bi tại ngôi mộ (cũng chính là bài văn bia Thái thường tự thiếu khanh Trà Kiệu Nguyễn tiên sinh bi minh) và văn bản Trùng tu Thái thường tự thiếu khanh Nguyễn tiên sinh từ đường ký, ông tự Bá Diệu, người Trà Kiệu đất Nam châu (tức Quảng Nam).
Tiên tổ là người ở Trung Phường, sau thân phụ dời về ấp Viên Thành (Trà Kiệu) làm nghề dạy học và bốc thuốc theo nghiệp cũ gia đình. Ông là con trưởng trong gia đình và dưới có 3 em.
Ông rất mực hiếu thảo, “ba năm cư tang, khóc hết máu bên mộ; dựng lều giữa đầm núi, lam sơn chướng khí không ngại bệnh, sói tru, rết chạy chẳng kinh sợ”. Bên ngoài tỏ ra khoan thứ nhưng bên trong lại rất cương quyết. Việc cư xử trong nhà, lấy điều nhân nhường, khuôn phép làm trách nhiệm bản thân.
Về sự nghiệp giáo dục, ông có kiến thức siêu việt, hiểu biết sâu rộng, đậu tú tài nhiều khoa. Năm Minh Mạng 21 (1840) được tiến cử lên triều đình, sắc thụ Hàn lâm viện Điển bạ sung chức Giảng tập cho hoàng tử.
Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) được nhận chức Kiểm thảo biên tu và vẫn sung chức Bạn đọc với hoàng tử. Năm Tự Đức nguyên niên (1848), thăng chức Thị giảng sau đó giữ chức Thị độc. Những chức vụ Giảng tập, Bạn độc (Bạn đọc), Thị giảng, Thị độc cho thấy ông gắn liền với việc giảng dạy cho nhà vua, hoàng tử.
Ông có “phương pháp dắt dẫn (nhà vua, hoàng tử) đến việc thiện”. Ông còn thành công trong sự nghiệp giáo dục nước nhà ở chỗ đào lý mãn thiên hạ, “mở rộng học đường”, nhà học đông như cửa chợ. Tiêu biểu trên bia mộ Ấn Phong tiên sinh thần đạo bi còn lưu khắc đến 100 môn đồ của ông.
Ông là vị thầy khả kính về cả đức hạnh và đạo học. Học trò ông là Phạm Phú Thứ đã thốt lời ca tụng: “Lớn lao thay đạo đức bậc thầy, từ lâu nay mới một lần được thấy sự tôn nghiêm”.
Học trò tri ân
Nhớ ơn ông là thầy dạy học của mình, vua Tự Đức bổ cho chức Viên ngoại lang và “muốn trao chính sự sẽ dùng vào việc lớn”. Nhưng không may ngay sau đó ông mất sớm tại quan sở ở kinh. Nhà vua rất thương tiếc, truy phong Trung thuận đại phu Tán trị doãn Thái thường tự thiếu khanh, ban cho tên thụy là Đoan Cẩn và cấp khoản tiền lớn lo chôn cất. Các vị thân công cũng cảm niềm nuôi dạy mà tặng đồ khâm liệm rất hậu.
Khi ông mất, “các bạn học trong ngoài nói lên những lời đau thương”; linh cữu ông được đưa từ kinh về quê nhà, “những học trò đang làm quan đều xin về”. Tại ngôi mộ ông, ngoài tấm bia do các con của ông dựng còn có một tấm bia rất to khác do học trò của ông dựng để nêu “ân đức tót vời” của thầy.
Hơn 20 năm sau kể từ ngày ông mất (1871), học trò của ông lại bàn nhau “mua ruộng tế” là đóng tiền mua ruộng để đến ngày giỗ thầy thì làm lễ tế bái. Đặc biệt, học trò của ông còn tổ chức quyên tiền làm nhà thờ cho ân sư. Học trò của ông cho rằng những việc làm như thế là “trách nhiệm của các học trò”.
Tổng số tiền học trò quyên góp để mua ruộng tế và làm nhà thờ cho ông hết hơn 2.000 quan (là số tiền rất lớn nếu so với “bậc lương tối thiểu” trong ngạch lương lúc bấy giờ là 16 quan/1 năm).
Ông còn được “tri ân” khi mà 2 người con của ông là Bá Thiều và Trọng Ấn sau 3 năm đoạn tang đều được bổ Ấm sinh cho vào học trường Giám, sau đó được bổ các chức vụ ở châu, phủ.
Nắng mưa di tích
Ngôi mộ Ông Thầy tọa lạc ở Nỗng Sắn, cách trụ sở UBND xã Duy Trung vài cây số, tọa trên đỉnh đồi thoai thoải, có quang cảnh phong thủy rất đẹp, tuy nay có phần bị phá cách do người ta đang làm biến đổi công năng ao sen trước mộ (ông chủ đất cho biết trước đây làm ao cá và bây giờ làm nơi nghỉ chân “sinh thái”). Chưa tìm được những tài liệu liên quan đến ngôi mộ, nên không biết được ngôi mộ trước kia có kiến trúc, quy mô như thế nào.
Hiện chỉ thấy ngôi mộ rất đơn sơ, không có quynh quách, ngay cả nấm mộ cũng chỉ sè sè không thể phân biệt với mặt bằng xung quanh nếu không có 2 tấm bia dựng tại đó chỉ dấu. Bao bọc quanh ngôi mộ, thậm chí sát ngôi mộ là những gốc keo lá tràm. Chủ đất cho biết thời ông đã trồng được mấy lứa keo tại đó.
Hai tấm bia bằng đá sa thạch trơ trọi ở vùng đất có khí hậu nóng gắt như Duy Trung đã bị phong hóa rất nhiều. Phần lớn chữ khắc trên bia đã mòn mờ, không đọc được. Tấm bia còn hứng đạn chiến tranh nên bị lõm sẹo và làm mất chữ.
Dẫu biết rằng, dù trong hoàn cảnh dầm dãi nắng mưa, công trạng, đức hạnh của vị thầy nằm dưới ngôi mộ và tinh thần báo đền ân sư của những học trò thể hiện trong tấm bia tại ngôi mộ “mãi mãi bất hủ” (chữ của Phạm Phú Thứ dùng cho ông) nhưng tôi vẫn không khỏi ưu tư: Tại sao ngôi mộ Ông Thầy chưa được xếp hạng di tích? Tại sao không phát huy giá trị di tích này đối với sự nghiệp văn hóa - giáo dục tỉnh nhà?
Thiết nghĩ, ngành giáo dục địa phương trước mắt vận động kinh phí để làm nhà bia cho ngôi mộ Ông Thầy thì vô cùng ý nghĩa. Việc này thể hiện tiếp nối truyền thống đạo nghĩa thầy trò đất Quảng. Đồng thời có được nhà bia sẽ bảo vệ tốt hơn cho tấm bia công đức do đại thần Phạm Phú Thứ soạn, bởi tấm bia này không chỉ thể hiện đạo học mà trên đó còn lưu dấu tinh thần khoa cử, nhiều gia đình dòng tộc sẽ nhận ra và tự hào về cha ông họ từng là người có học khi dựa vào danh sách môn sinh trên tấm bia ngôi mộ Ông Thầy.