Bùi Thế Mỹ - nhà báo tiên phong người Quảng
Bùi Thế Mỹ là nhà báo tiên phong của Quảng Nam. Tiên phong không chỉ vì tham gia làng báo rất sớm mà còn ở thái độ trách nhiệm, sự dấn thân của một người làm báo trước thời cuộc.
Nhà báo Bùi Thế Mỹ
Bùi Thế Mỹ thuộc dòng dõi tộc Bùi, một dòng tộc nổi tiếng của huyện Duy Xuyên. Bùi Thế Mỹ sinh năm 1904, con trai trưởng của cụ Bùi Thiện quê gốc làng Vĩnh Trinh nhưng tổ tiên di cư lên sống ở làng Phú Nhuận, xã Đông An (nay là xã Duy Tân, Duy Xuyên). Bùi Thế Mỹ lại được sinh ra và lớn ở quê ngoại, làng Bảo An, phủ Điện Bàn (nay là xã Điện Trung, Điện Bàn). Mẹ ông là bà Phan Thị Duyên, con gái tộc Phan làng Bảo An, một dòng tộc khoa bảng hàng đầu của Quảng Nam. Bà là em gái của nhà cách mạng Phan Thành Tài (1878 - 1916).
Được hưởng truyền thống của hai gia tộc lừng lẫy, từ nhỏ Bùi Thế Mỹ đã tỏ ra rất thông minh, đĩnh ngộ. Sau khi học xong chương trình trung học với tấm bằng Thành chung, năm 1923, Bùi Thế Mỹ vào Sài Gòn dạy học và làm báo, viết văn.
Ông từng thay Trần Huy Liệu chủ trương tờ Đông Pháp thời báo, rồi sau đó làm chủ bút các tờ Trung lập, Tân thế kỷ, Thần chung và chủ nhiệm tờ Dân báo, tờ báo ông theo đuổi đến cuối đời. Ông ký các bút danh Hy Tô, Thông Reo và Lan Đình.
Trong thời gian làm chủ bút tờ Đông Pháp thời báo và tờ Trung lập, Bùi Thế Mỹ đã cùng Phan Khôi xây dựng “Phụ trang văn chương”. Mục này bước đầu giới thiệu khái quát văn học sử Việt Nam, các lý luận văn nghệ, giới thiệu văn chương nước ngoài, vấn đề đạo văn, vấn đề “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”… Mục Phụ trang văn chương được nhiệt liệt hoan nghênh tạo nên một dấu ấn về mặt văn học của báo chí!
Bùi Thế Mỹ là nhà báo yêu nước. Những tờ báo mà ông cộng tác hoặc đứng ra thành lập là những tờ báo tiến bộ, có uy tín ở Sài Gòn thời bấy giờ luôn thể hiện quan điểm yêu nước, đứng về phía nhân dân.
Mặc dầu là nhà báo nổi tiếng, cuối đời Bùi Thế Mỹ vẫn cảm thấy chưa hài lòng vì ông cho rằng mình là nhà báo “tay ngang” nên chưa có được những tác phẩm báo chí để đời!
Bùi Thế Mỹ mất ngày 27.3.1943 tại Sài Gòn, hưởng dương 39 tuổi. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có câu đối viếng ông:
Quốc văn báo giới nhị thập tải vu kim, đương đắc bằng trù thôi lão kiện;
Nguyệt đán châu bình Ngũ Hành Sơn du tích, khẳng giao bút thiệp khuất nhân tài.
Phú Bình dịch ý:
(Trong) Đội ngũ những người hoạt động báo giới quốc văn hai mươi năm nay, (ai cũng đồng lòng) ca ngợi anh (Bùi Thế Mỹ) là tay già dặn;
(Đọc) những bài bình luận - phê bình sắc sảo của người xứ Quảng này để lại, (ai cũng) thừa nhận làng báo từ nay đã vắng một nhân tài.
Bùi Thế Mỹ qua cái nhìn của hậu thế
Thời gian làm báo của Bùi Thế Mỹ không dài (20 năm) và chỉ là một nhà báo tay ngang (không được đào tạo bài bản về báo chí) nhưng Bùi Thế Mỹ đã có một chỗ đứng trang trọng trong đời sống báo chí nước ta. Điều này được thể hiện qua ý kiến của người đời sau:
“Ông là một nhà ngôn luận can cường, lỗi lạc, vang tiếng cả Trung, Nam, Bắc vào đầu thế kỷ thứ 20” (Tộc Bùi Vĩnh Trinh).
Tự điển Nhân vật lịch sử Việt Nam đánh giá ông: “Chẳng bao lâu sau ông đã thuộc hàng cự phách trong làng báo miền Nam” (Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Tự điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Khoa học xã hội 1991, tr.57).
“Bùi Thế Mỹ là một ký giả cự phách của làng báo Nam Việt trong thời kỳ tiền chiến, một kiện tướng thuộc thế hệ Nguyễn Phan Long, Diệp Văn Kỳ, Đào Trinh Nhứt, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Bá... những chiến sĩ có lý tưởng quốc gia, muốn dùng ngòi bút để phổ biến tư tưởng tự do, dân chủ, trình bày lập trường của dân tộc đang bị đô hộ, muốn đập tan xiềng xích, vươn mình lên sống mạnh theo truyền thống của một dân tộc từng có lịch sử vẻ vang” (Thái Văn Kiểm, Dòng thời gian).
Vinh danh Bùi Thế Mỹ, hiện nay trên cả nước, nhiều nơi có đường phố mang tên ông.
Bùi Thế Mỹ là nhà báo tài danh và yêu nước, thể hiện ở những tờ báo mà ông cộng tác hoặc điều hành. Đó là những tờ báo lớn, có uy tín, có số bạn đọc đông đảo và có nghiệp vụ cao và cũng là những tờ báo “đối lập”, luôn đứng trên lập trường quốc gia dân tộc, đứng về phía đa số quần chúng, bảo vệ cho quyền lợi của người nghèo, người lao động. Đó là các báo: Trung lập, Thần chung, Tân thế kỷ, Đông Pháp thời báo và Dân báo. Đọc những nhận xét về các tờ báo mà ông điều hành hay cộng tác là cách gián tiếp nghe một số đánh giá về ông:
“Trung lập báo là tờ báo phát hành 15.000 tờ một ngày, đứng đầu các nhật báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Tờ báo có cách trình bày đẹp trội hơn các đồng nghiệp khác” (Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, tr.104).
“Dư luận khắp nước mới thấy rõ cường độ đấu tranh của người chủ trương tờ Đông Pháp thời báo. Bài viết nào cũng mang sự nhiệt thành đối với quốc gia dân tộc và bài nào cũng là mũi dùi nhằm vào chính quyền thực dân. Chỉ tiếc tờ báo này không thọ được dài, đình bản vào năm 1939, dù có sự góp mặt của nhiều cây bút tài hoa như Phan Khôi, Phan Văn Hùm, Đào Trinh Nhất, Bùi Thế Mỹ” (Nguyễn Việt Chước, Lược sử báo chí Việt Nam, NXB Nam Sơn, Sài Gòn, 1974, tr.39).
Cốt tính Quảng Nam trong nhà báo Bùi Thế Mỹ
Nghề báo là một nghề đặc biệt đòi hỏi người làm báo phải có những tố chất riêng để đáp ứng. Một yêu cầu cơ bản nhà báo phải có là kiến thức nền phổ quát, rộng rãi để đáp ứng yêu cầu công việc. Ai cũng phải công nhận người Quảng rất hiếu học, không những học để thi cử mà còn học để nâng cao trình độ hiểu biết. Tinh thần hiếu học giúp cho một nhà báo người Quảng luôn luôn nâng cao kiến thức cơ bản của mình, vì thế rất nhiều người thành công trong nghề nghiệp. Bùi Thế Mỹ vào nghề chỉ với tấm bằng Thành chung. Không có tinh thần hiếu học cầu tiến ông khó có đủ kiến thức và uy tín để làm chủ bút những tờ báo lớn!
Nhà báo phải có sự tự tin cao. Người Quảng rất tự tin. Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Thế Mỹ… là những nhà báo “tay ngang” không được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ từ một trường lớp nào. Nhưng nhờ sự tự tin mà họ “ung dung” tham gia làng báo. Vừa làm vừa học hỏi vừa trau dồi kiến thức, nhờ thế họ rất thành công. Đặc biệt, nhà báo phải có tư duy phản biện. Nhờ tư duy này họ truy sự việc tới cùng từ đó tìm ra sự thật, tìm ra chân lý. Tư duy phản biện cũng giúp các nhà báo có khả năng diễn đạt rõ ràng, logic… một đặc trưng của văn phong báo chí. Mặt khác, tư duy phản biện giúp nhà báo luôn đổi mới, làm cho thông tin và nhất là nội dung của tờ báo không gây nhàm chán cho bạn đọc. Có lẽ đây là đức tính được thể hiện rõ nhất ở những nhà báo xứ Quảng, những người có truyền thống “Duy tân” và nhất là truyền thống “cãi” từ trong… huyết thống!
Nhà báo phải là người có bản lĩnh. Bản lĩnh để chịu được áp lực công việc, để đấu tranh với sự sai trái, luôn nói tiếng nói của sự thật. Bản lĩnh để luôn bảo vệ quyền lợi người yếu thế. Bản lĩnh để vượt qua sức ép của cường quyền, của sự cám dỗ vật chât. Người Quảng với tính ngay thẳng và can cường, đáp ứng rất tốt cho yêu cầu này. Không có bản lĩnh thì Bùi Thế Mỹ (cũng như nhiều nhà báo người Quảng khác) làm sao có thể trụ vững và thành danh giữa “kinh đô báo chí” Sài Gòn xưa nay! Nhiều người vẫn cho rằng tính cách của người Quảng xét ra phù hợp với nghề báo. Trong máu huyết của họ đã có sẵn những tố chất này.
Suốt cuộc đời làm báo, Bùi Thế Mỹ đã cho thấy ông có đầy đủ “tố chất” của một nhà báo giỏi, chân chính. Điều này một phần từ “tư chất” của ông, một phần khác từ truyền thống của quê hương. Bùi Thế Mỹ xứng đáng với danh xưng: Nhà báo tiên phong người Quảng!