Người suốt đời gắn bó với chuyện xưa
Gọi học giả Nguyễn Q.Thắng là nhà khảo cứu lịch sử, nhà biên khảo văn học, hay là dịch giả Bộ Luật Hồng Đức và các tác phẩm văn chương chữ Hán đều đúng. Được anh Phan Đức Dũng, báo tin ông về thăm quê Trường Xuân - Tam Kỳ, tôi có cuộc hội ngộ với người dành cả cuộc đời để nghiên cứu về “danh, hiền và cố sự” nước Nam.
Học giả Nguyễn Q.Thắng tên thật là Nguyễn Quyết Thắng, sinh ra tại làng Trường Xuân, TP.Tam Kỳ. Ông lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ trước 1975. Ông là tác giả của 64 công trình nghiên cứu, biên khảo về lịch sử, văn hóa, văn học.
Câu nói gợi niềm đam mê
Học giả Nguyễn Q.Thắng đã ngoài 80. Ông có trí nhớ tuyệt vời, những chuyện xưa cũ cách đây hơn nửa thế kỷ, ông vẫn nhớ như in và kể lại rành mạch, khúc chiết. “Cụ dành cả đời để tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử, các nhân vật lịch sử xứ Quảng, cũng như nền văn học cổ, cận đại Việt Nam. Cơ duyên nào khiến cụ gắn bó với hai đề tài này?”, tôi hỏi.
Học giả Nguyễn Q.Thắng kể: “Hồi nhỏ, cụ thể là thời chống Pháp xâm lược đất nước ta lần thứ hai, có một người bà con tôi gọi bằng dượng, tham gia kháng chiến ghé về thăm nhà dì tôi. Thấy nhà có cuốn sách của Tự Lực Văn Đoàn, dượng đọc say mê.
Khi đọc xong, dượng bảo: “Hay, nhưng tiểu tư sản quá!”. Câu nói đó khiến tôi - lúc bấy giờ chỉ là cậu bé mười hai, mười ba tuổi, tò mò đọc thử. Đó là cuốn “Dọc đường gió bụi” của Khái Hưng. Đọc xong cuốn sách mà ông dượng bảo “Hay, nhưng tiểu tư sản quá!”, trong tôi trỗi dậy niềm đam mê văn chương và bắt đầu tìm hiểu về các tác giả - tác phẩm mà mình tình cờ vớ được”.
Cuộc sống thời trai trẻ đối với ông không gì quan trọng hơn là sách vở. Tốt nghiệp đại học, ông ở lại cố đô Huế, vừa giảng dạy tại Trường Trung học Đồng Khánh, vừa theo đuổi niềm đam mê từ nhỏ.
Sau Tết Mậu Thân - 1968, ông vào Sài Gòn học cao học rồi thạc sĩ. Lúc bấy giờ, do không thể trốn quân dịch, ông buộc phải đi lính. Do có trình độ học vấn cao nên ông được đưa đi học sĩ quan ở Trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường, ông được biệt phái sang ngành giáo dục giảng dạy ở Trường Đại học Cần Thơ cho đến ngày thống nhất đất nước.
Học giả Nguyễn Q.Thắng cho hay, sau năm 1975, ông tham dự “Lớp Mác - Lê nin dài hạn” kéo dài 18 tháng rồi về dạy học tại Trường Đại học Cần Thơ. Năm 1987, ông chuyển về giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh. Năm 1995, sau một trận ốm thập tử nhất sinh, ông nghỉ việc ở nhà đọc sách và viết sách.
“Trong thời gian tĩnh dưỡng sau trận ốm thập tử nhất sinh ấy, tôi lén bà vợ “viết chui” cuốn “Phong trào Duy Tân - gương mặt tiêu biểu” dày 700 trang in. Và nhờ cuốn sách này, tôi được Trung tâm Lưu trữ Pháp mời sang Paris dự Hội thảo “Việt Nam trong giờ phút đổi mới” và tham quan nhiều nơi ở thủ đô hoa lệ của Pháp” - học giả Nguyễn Q.Thắng cho biết.
Hứng thú với những điều mới lạ
Làm công việc biên khảo văn học, ngoài niềm đam mê, còn phải là một người chịu khó đọc, chịu khó chắt lọc và ghi chép cẩn thận, trên cơ sở đó có những nhận xét, đánh giá khách quan và xác đáng về một thời đoạn văn học, về các tác giả - tác phẩm có những đóng góp không nhỏ cho nền văn học nước nhà. Học giả Nguyễn Q.Thắng có đủ những tố chất đó.
Ông bảo, để có những nhận xét, đánh giá khách quan và xác đáng, ông phải đọc hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng vạn trang sách rồi nghiền ngẫm đối sánh. Thời trai trẻ không sao. Nhưng khi đã có tuổi, việc đọc và ghi chép cẩn thận đòi hỏi phải kiên trì, nếu không dễ bị “ngộp” đâm ra ngao ngán rồi tặc lưỡi buông xuôi.
Với ông, càng tìm hiểu về văn hóa của một vùng đất nào đó, càng đi sâu nghiên cứu về một tác giả thuộc hàng “cây đa cây đề”, ông càng cảm thấy hứng thú vì đã khám phá, phát hiện ra những điều mới lạ. Ông nói: “Tôi có thói quen dậy từ lúc 4 giờ sáng và làm việc miệt mài 17 - 18 tiếng/ngày. Cặm cụi với từng trang sách luôn đem lại cho tôi niềm vui. Tuy nhiên, cũng có những lúc tôi không làm gì cả, chỉ chơi thôi. Uống trà. Ngắm hoa…”.
Học giả Nguyễn Q.Thắng đã biên khảo và xuất bản nhiều công trình về lịch sử, văn hóa, văn học. Cuốn “Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam” dày 1.700 trang khổ 16 x 24cm được các nhà xuất bản (NXB) in đi in lại 14 lần. Còn cuốn “Văn học Việt Nam nơi miền đất mới” gồm 4 quyển, dày 5.500 trang khổ 16 x 24cm. Đây là bộ sách ông tâm đắc nhất, dành nhiều thời gian và tâm huyết để hoàn thành, viết về các tác giả từ Quảng Bình trở vào. Bộ sách khiến ông gặp không ít phiền toái song cũng mang lại cho ông niềm vui vì được độc giả nồng nhiệt đón nhận.
Ông cho hay, bộ sách “Văn học Việt Nam nơi miền đất mới” được NXB Văn hóa - Thông tin in lần đầu năm 2003. Không ít nhà nghiên cứu phê bình văn học xứ Bắc phê phán gay gắt, thậm chí lên tiếng đề nghị cơ quan chức năng thu hồi và tiêu hủy. Tuy nhiên, những ý kiến của ông trong bộ sách này, khi các nhà nghiên cứu phê bình văn học bình tâm nhìn nhận lại, thấy những gì ông viết “cũng có lý”.
Chính vì thế, bốn năm sau (2007), NXB Văn học tái bản bộ sách ấy, gây được tiếng vang đối với độc giả nói chung, các nhà nghiên cứu phê bình văn học nói riêng. Trong bộ sách đồ sộ này, ông dành nhiều trang viết tâm huyết về các nhà văn xứ Quảng như Phan Tứ, Nguyên Ngọc…
Những công trình viết về xứ Quảng
Là người con xứ Quảng, hẳn nhiên học giả Nguyễn Q.Thắng có rất nhiều bài khảo cứu về lịch sử, rất nhiều bài biên khảo về văn hóa, văn học ở vùng đất “chưa mưa đà thắm” được công bố trên các báo, tạp chí chuyên ngành. Rõ nhất là 5 công trình đã được in thành sách: Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước; Quảng Nam - Đất nước và nhân vật; Huỳnh Thúc Kháng - con người và thơ văn; Tam Kỳ qua sóng phế - hưng; Trường Xuân hương sắc.
Ông nói, xứ Quảng là vùng đất tương đối mới so với lịch sử Đại Việt. Vùng đất này hình thành cách đây khoảng 600 năm. Là vùng đất “cửa ngõ” nên dân nơi đây thấy trước mặt mình là bộ hành chứ ít ai dừng lại để ngao du, quan sát, ngắm nhìn ngoại cảnh. Do vậy, con người xứ Quảng ít khi nào thấy tâm hồn mình có thể thảnh thơi.
Sự ngừng nghỉ đối với người dân xứ Quảng chỉ là việc ảo tưởng. Bên cạnh đó, phong tục, tập quán, đất nước, thổ ngơi… là động cơ hối thúc con người trong xứ phải làm việc, suy nghĩ cho hợp với nội tâm cũng như ngoại giới mới có thể hòa đồng với thiên nhiên để tồn tại và phát triển. Những kiến giải của ông về cốt tính căn bản, tình cảm thường nhật của con người xứ Quảng: “Đó là sự vươn lên của tâm hồn, tinh thần bất khuất, đức tính chịu khó chịu khổ, hăng hái làm việc nghĩa”.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một người Quảng tiêu biểu cho tính cách Quảng. Và học giả Nguyễn Q.Thắng tìm hiểu, nghiên cứu về thơ văn và con người Huỳnh Thúc Kháng từ rất lâu. Luận văn thạc sĩ của ông là chuyên luận về cụ Huỳnh. Trong tác phẩm “Huỳnh Thúc Kháng - con người và thơ văn”, học giả Nguyễn Q. Thắng đã dành hẳn một chương mục viết về “Bài học Huỳnh Thúc Kháng”. Cụ Huỳnh cho rằng, “Á - Âu chung lại một lò/ Đúc nên tư cách mới cho rằng người”. Theo học giả Nguyễn Q.Thắng, đó là quan niệm, chủ trương vô cùng thực tế và cũng rất lý tưởng để cứu nguy dân tộc. Viết về quê hương xứ Quảng không nhiều so với số lượng công trình mà ông công bố (5/64 công trình) nhưng hai cuốn “Quảng Nam - đất nước và nhân vật” và “Huỳnh Thúc Kháng - con người và thơ văn” do ông biên khảo đã giúp thế hệ hậu sinh hiểu rõ hơn về những nhân vật lịch sử, về quê hương xứ sở mà mình đang sống.
Trong cuộc trò chuyện với tôi, ông bảo bây giờ tuổi cao sức yếu nên công việc biên khảo lịch sử, văn hóa, văn học gặp không ít khó khăn. Thêm vào đó, sách thuộc đề tài mà ông dành cả đời để tìm hiểu, nghiên cứu cũng khó xuất bản vì khó… bán chạy! Cuốn “Danh, hiền và cố sự” (tập 2) dày gần 400 trang, ông đã hoàn thành bản thảo từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được xuất bản. Tôi an ủi ông: “Thời đã thế thế thời phải thế…”. Học giả Nguyễn Q.Thắng gật đầu cười hiền.