Người tù kỳ lạ
Ông Đỗ Xuân Thăng (sinh năm 1938, quê xã Tam Phú, Tam Kỳ) là người tù yêu nước có cuộc đời đặc biệt. Lý tưởng được nung nấu thuở thiếu niên, ý chí kiên cường đã trải tôi luyện hay số phận may mắn đã đưa đẩy cuộc đời ông qua nhiều ngã rẽ lạ lùng.
Chân trần lội cát
Ở tuổi 83, ông Đỗ Xuân Thăng (Đỗ Tao) vẫn còn khỏe và minh mẫn.
Lớn lên trong gia đình trọng chữ nghĩa, cha ông Thăng (lão thành cách mạng, tập kết ra Bắc từ 1954) có 6 người con, nhà nghèo nhưng vẫn cho các con đi học từ trường làng đến xã rồi lên huyện.
Bụng đói, chân trần lội cát hàng ngày để đến trường, vừa học vừa tránh đạn pháo của quân Pháp, nhưng ông Thăng luôn là nhân tố xuất sắc của lớp. Từ những bài học yêu nước được gieo mầm qua các thầy giáo ở trường, chứng kiến các chú cán bộ bí mật hoạt động tại quê mình đã khắc sâu trong ông hình ảnh đẹp đẽ về người cộng sản.
Sau năm 1954, địch khủng bố tàn khốc người tham gia kháng chiến. Phong trào của xã vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Chàng thanh niên Đỗ Xuân Thăng, có cha đi tập kết luôn nằm trong tầm ngắm của địch. Hiểm nguy không làm ông chùn bước.
Tham gia ký kiến nghị đòi thi hành Hiệp định đình chiến, mít tinh, đọc thơ cách mạng cho đồng bào nghe, tuyên truyền đường lối cách mạng…, không biết bao nhiêu lần ông bị địch bắt tra tấn. Thả rồi lại bắt, tấm thân gầy còm thêm xác xơ, vậy mà được thả ông lại về tiếp tục công tác.
Cũng chính vì “cứng đầu” mà suốt 3 năm, từ Tam Kỳ, ông bị đưa ra giam ở Hội An, làm khổ sai tận Khâm Đức, sau này chuyển đến Quảng Tín rồi bị đày ra Côn Đảo năm 1964. Thêm 3 năm ở “địa ngục trần gian”, đói khát, vũ lực đã chịu thua người tù bé nhỏ một dạ sắt son.
Chúng đưa ông vào Sài Gòn, giam ở Chí Hòa, từ đó đưa đi quân dịch ở trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Những ngày tập luyện quân sự ở thao trường, tranh thủ sự sơ hở của địch, ông đã bày mưu trốn thoát, đến được một nhà đồng đội tin cậy ở Sài Gòn. Thêm những ngày phập phồng vì địch bủa vây, cuối cùng ông vào được căn cứ thuộc Y4 Thành ủy Gia Định - Sài Gòn.
Một cuộc đời mới trải ra trước mắt ông, giã từ xà lim đế quốc sau gần 8 năm “cá chậu chim lồng”.
Lại vào tù, ra tội
Ở căn cứ, bao nhiêu lần ông thoát chết khi máy bay Mỹ bắn pháo, rốc két. Rồi xe bọc thép rượt, bị Mỹ lết phục..., cái chết như đuổi sau lưng. Nhưng đây lại là quãng thời gian ngắn ngủi sung sướng của ông. Ông Đỗ Xuân Thăng nhớ lại: “Điều hạnh phúc nhất là tôi có bầu trời tự do bên đồng đội và gửi được lá thư cho bác ruột theo đường dây về Quảng Nam. Nhờ vậy, sau bao biến cố, cha mẹ, họ hàng vẫn rất tin tưởng người con quê hương”.
Mạch cảm xúc đưa ông về những ngày sôi động bậc nhất của Sài Gòn bấy giờ: Chuẩn bị Tổng tấn công Mậu Thân 1968. Ông được làm căn cước giả lấy tên Lê Tự Hiền biên chế vào D44/99/D thuộc Biệt động Sài Gòn. Tuy nhiên khi vào được nội thành thì việc bắt liên lạc với đồng đội gặp trở ngại. Kế hoạch không suôn sẻ như dự kiến. Nửa tháng sau thì ông bị bắt khi đang trú ngụ nhà cơ sở, ảnh trên tờ căn cước giả không thật giống với người tù quá hom hem, gầy yếu. Một lần nữa ông trở lại Khám Chí Hòa. Bị tra tấn tàn bạo nhưng ông một mực khai làm giấy tờ giả để trốn quân dịch.
Chúng giam ông một thời gian rồi đưa vào Trung tâm huấn luyện Quang Trung, cho đi quân dịch. Nhờ sự can thiệp bí mật, khéo léo của tổ chức, ông được trao căn cước mới với tên Huỳnh Long, cắt đứt quá khứ trước đây. Cấp trên chỉ đạo ông tiếp tục ém trong hàng ngũ của địch chờ thời cơ mới.
Nhờ có trình độ văn hóa và biết ít nhiều về ngành y, ông được địch điều đi học y sĩ và giành thành tích xuất sắc nhất lớp, không phải ra quân trường mà chỉ làm y tá ở đơn vị mới tại Pleiku (Gia Lai).Tại đây ông gặp Đại úy Hà Thúc Ưa (sau này ông biết là tình báo của ta cài vào hàng ngũ địch) và Trung úy Đỗ Hoành Hoanh ở ban tâm lý chiến. Hai người thăm dò ông bằng cách tổ chức tờ báo tường.
Đọc bài báo của nhân viên mình, ông Hoanh gặp riêng và nói: “Cậu đừng giấu tôi. Trong bài thơ của cậu có nhiều chữ Y4 quá, đúng không? Có phải đơn vị của cậu ngày xưa?”. Ông ôm lấy bạn cười sung sướng vì đã tìm ra người đằng mình. Ông Hoanh giao nhiệm vụ cho Huỳnh Long thu mua lựu đạn của bọn lính và lấy bớt thuốc Tây trong kho gửi cho đường dây của ta. Ông cứ thế tiếp tục ở trong hàng ngũ địch đến ngày Tây Nguyên giải phóng.
Cuộc gặp bất ngờ
Tây Nguyên giải phóng, ông Thăng đưa vợ con về quê. Đến Tam Kỳ ngày 29.3.1975, ông gặp em trai là Đỗ Hùng Luân cũng tù Côn Đảo được trao trả. Đã hơn 10 năm, kể từ ngày thăm anh trai ở nhà lao Quảng Tín, người em mới gặp lại, cùng tự hào là họ đã đứng vững trên một chiến tuyến.
Một tháng sau, cha của hai ông từ miền Bắc về, sum vầy cùng các con. Điều may mắn là chính quyền địa phương đã tin tưởng hành trình tù đày của người con quê hương và cho ông được lựa chọn công việc mình sở trường: làm thầy giáo hoặc y tá. Ông đã chọn làm thầy giáo tiểu học.
Năm 1990, ông ra thăm Côn Đảo cùng thân nhân những người tù năm xưa. Khi ngồi nghỉ mát dưới gốc dương liễu ở nghĩa trang, ông gặp người đàn bà dáng thấp, đậm. Cả hai nhìn nhau ngờ ngợ. Bà đã nhận ra ông ở bộ phận Y4 và ông cũng kịp nhớ ra đó là chị Bảy Lùn (tức Phan Thị Soạn) nguyên cán bộ phong trào thuộc Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.
Bà hỏi: “Anh có cần tôi xác nhận gì không?”. “Cần lắm chứ, vì sinh mạng chính trị của tôi nằm ở bộ phận Y4 và D44/99/D”. Sau khi về Đà Nẵng, bà đã ghi giấy xác nhận cho ông, làm “tan sương” những uẩn khúc sau khi ông ra tù năm 1967 và chứng minh sự tin tưởng dành cho ông năm xưa hoàn toàn chính xác.
Tri ân đồng đội đã hy sinh ở Côn Đảo, ông Thăng nhiều lần ra lại nơi này. Lặn lội ngoài nghĩa trang Hàng Dương, phối hợp cùng nhân viên bảo tàng Côn Đảo tìm được 14 mộ liệt sĩ quê Tam Kỳ (cũ). Trước đó, ông liên lạc, kết nối tìm được hơn 20 đồng chí trải qua những năm tháng tù đày mà ông quen biết.
Từ sau khi về hưu năm 1999, ông tham gia Ban liên lạc Tù yêu nước Tam Kỳ, làm Phó Chủ tịch Hội, Phó Ban liên lạc Tù chính trị Côn Đảo; Chủ tịch Hội tù yêu nước xã Tam Phú. Từ sau năm 2017, tuổi đã cao, ông xin nghỉ hết các chức vụ ở thành phố và chỉ làm ở xã cho đến ngày nay. Vợ chồng ông có 4 người, con, trong đó có 3 người là đảng viên. Ông đã được nhận Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH với thành tích thương binh tiêu biểu; nhiều lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Giấy khen của thành phố...
Một cuộc đời tựa như bộ phim đã có cái kết viên mãn. Cựu tù yêu nước Đỗ Xuân Thăng nói rằng, ông còn sống đến ngày hôm nay là hồng phúc trong khi bao đồng đội đã ngã xuống vì tra tấn ở trong tù hay bom đạn tại căn cứ. Ông chỉ mong thế hệ sau này đừng bao giờ phải trải qua chiến tranh, mãi mãi được hưởng tự do và độc lập.