Nữ đảng viên “buổi đầu gieo hạt”

LÊ NĂNG 24/03/2021 07:50

Tháng 4.1930, tại địa điểm Cây Thông Một (Hội An), Tỉnh ủy thành lập Chi bộ Hội An (mang mật danh Chi bộ Hà Mùi). Tháng 5.1930, Chi bộ Hội An kết nạp đồng chí Trần Thị Dư vào Đảng, là nữ đảng viên đầu tiên của thế hệ những người “gieo hạt giống cách mạng” trên địa bàn Quảng Nam.

Trần Thị Dư - nữ đảng viên chiến sĩ liên lạc đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.
Trần Thị Dư - nữ đảng viên chiến sĩ liên lạc đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.

Ngày 28.3.1930, tại bãi cát Trường Lệ, bên Cây Thông Một, Hội An, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập. Chưa đầy tháng sau, tháng 4.1930, cũng tại địa điểm này, Tỉnh ủy thành lập Chi bộ Hội An (mang mật danh Chi bộ Hà Mùi). Đến tháng 5.1930 Chi bộ Hội An kết nạp đồng chí Trần Thị Dư vào Đảng, là nữ đảng viên đầu tiên của thế hệ những người “gieo hạt giống cách mạng” trên địa bàn Quảng Nam.

Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng

Đồng chí Trần Thị Dư sinh năm 1910, quê ở làng Cẩm Phô, Hội An, từ nhỏ đã mồ côi mẹ nên phải đi làm ở xưởng chè Phi-a của Pháp để kiếm sống. Năm 1925, xưởng này đóng cửa, Trần Thị Dư về nhà đi bán mì vằn thắn. Thấy em gái mình có tư tưởng tiến bộ, anh trai Trần Cần giới thiệu cho đồng chí Hà Mùi tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng và giới thiệu để đồng chí Phan Văn Định kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Qua thời gian, Trần Thị Dư đã sớm bộc lộ tinh thần cách mạng, hoàn thành tốt mọi công việc được giao; được các đồng chí đi trước tin tưởng.

Tháng 12.1929, tại Cây Thông Một, người con gái của đất Hội An được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Trong cuốn “Buổi đầu gieo hạt”, đồng chí Phan Văn Định ghi: “Trong khi phát triển phong trào về cơ sở, chúng tôi rất chú ý tới các nhóm quần chúng ở Hội An. Tôi thấy các đồng chí Huỳnh Lắm, Trần Cần, Trần Thị Dư, Đỗ Vấn và Nguyễn Dần, những người làm nghề cắt tóc, thợ mộc, bán hàng rong v.v... là những quần chúng nghèo khổ, rất căm thù giặc Pháp, muốn chống Pháp. Qua một thời gian thử thách, tôi đứng ra kết nạp các đồng chí ấy vào tổ chức Thanh niên”. Trong giờ phút thiêng liêng của đời mình, trước sự chứng kiến của các đồng chí, Trần Thị Dư tuyên thệ suốt đời hy sinh cho cách mạng, không sợ gian lao cực khổ... Từ đó, Trần Thị Dư tích cực, hăng hái tham gia rải truyền đơn, in ấn tài liệu tuyên truyền cuộc vận động thành lập Đảng...

Vượt qua thử thách, tháng 5.1930, đồng chí Trần Thị Dư được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong “Buổi đầu gieo hạt”, đồng chí Trần Thị Dư ghi: “Buổi kết nạp thật đơn giản nhưng in dấu suốt cuộc đời tôi. Hôm đó trời hơi se lạnh nhưng bầu trời thoáng đãng, cao vọi. Cũng dưới Cây Thông Một, nơi tôi được gặp đồng chí Định lần đầu, tôi và vài đồng chí nữa đứng lắng nghe đồng chí Định đọc Điều lệ Đảng. Đọc xong đồng chí Định hỏi tôi: “Đồng chí có chấp nhận điều lệ ấy không?”. Tôi trả lời “có” mà rưng rưng nước mắt. Có một cái gì đó dâng lên nghẹn ngào trong ngực. Tôi sung sướng và cảm động quá. Đồng chí Định nói tiếp: “Chấp nhận điều lệ tức là chấp nhận sự gian lao cực khổ, chấp nhận cả sự hy sinh tính mạng khi cần thiết vì lợi ích của Đảng...”. Tôi đứng trang nghiêm tuyên thệ trước Đảng, trước các đồng chí về quyết tâm theo Đảng của mình”.

Kiên định lời thề

Sau khi được kết nạp Đảng, Trần Thị Dư được giao nhiệm vụ phụ trách Phụ nữ Giải phóng và làm liên lạc, in ấn tài liệu, rải truyền đơn cách mạng. Lúc này, cơ quan Tỉnh ủy đứng chân tại nhà ông Nguyễn Gừng - tại xóm Da, ấp Xuân Lâm, Cẩm Phô, Hội An. Để che mắt bọn mật thám, các đồng chí trong Tỉnh ủy và Chi bộ Hội An bàn bạc, cân nhắc và đi đến quyết định hết sức táo bạo là tổ chức “đám cưới giả” giữa Trần Thị Dư - đảng viên của Chi bộ Hội An và Nguyễn Lộc - đảng viên ở Duy Xuyên, lúc này làm thợ cắt tóc tại Hội An, để đưa cán bộ của ta vào ở hợp pháp trong đó. Đồng chí Trần Thị Dư còn được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ liên lạc với phân Xứ ủy Trung Kỳ ở Đà Nẵng để nhận các mẫu in và phân phát tài liệu, truyền đơn cho đầu mối cơ sở đảng ở các phủ, huyện trong tỉnh.

Tháng 10.1930, cơ quan Tỉnh ủy bị lộ, các đồng chí Xứ ủy, Tỉnh ủy và Thị ủy Hội An bị bắt gần hết. Trần Thị Dư và Huỳnh Lắm cũng bị bắt và giam ở nhà lao tỉnh sau đó đưa xuống nhà lao Hội An. Sau thời gian bị giam cầm, tra tấn, đày ải, cuối năm 1932, Trần Thị Dư được ra tù. Cuối năm 1933, đồng chí Huỳnh Lắm từ nhà tù Lao Bảo trở về lại địa phương trong đợt ân xá tù chính trị. Trần Thị Dư và Huỳnh Lắm nên duyên vợ chồng và tiếp tục móc nối cơ sở hoạt động ở Hội An. Do hoạt động công khai trong những năm 1936 - 1939, đến tháng 8.1940 đồng chí Huỳnh Lắm bị địch bắt đưa đi giam ở Trà Khê, Gia Lai - Kon Tum. Chồng bị bắt, một mình nuôi con nhỏ, đối mặt với bao khó khăn chồng chất nhưng Trần Thị Dư vẫn tham gia hoạt động ở địa phương và có nhiều đóng góp tích cực trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hội An.

Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) ở Hội An, Trần Thị Dư tiếp tục bươn chải với cuộc sống vất vả và không ngừng nỗ lực góp sức mình. Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, Trần Thị Dư được tổ chức bố trí tập kết ra Bắc và sau đó công tác ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đến ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Sau này Trần Thị Dư về nghỉ hưu tại Đà Nẵng, đồng chí từ trần năm 1997, hưởng thọ 87 tuổi.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Thị Dư luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Bà luôn xông xáo đi đầu trong vận động, tuyên truyền giác ngộ quần chúng hưởng ứng các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo. Không may rơi vào tay giặc, Trần Thị Dư lại sáng lên niềm tin tranh đấu trước những đòn chí tử của kẻ thù để bảo vệ thanh danh, uy tín của Đảng và chí khí kiên trung của người cộng sản.

LÊ NĂNG