Viết thêm câu chuyện về chị Út Phận (tiếp theo và hết)

PHẠM THÔNG 08/09/2020 09:27

Ngày hôm sau chúng tôi đến nhà chị Út Phận. Chị Út, Huẩn, con dâu, cháu gọi dì ruột đón tiếp chúng tôi. Tất cả hồ sơ chị đã để sẵn trên bàn. 

Đầu tiên chị đưa cho Sơn xem tập lý lịch làm khi giải quyết chế độ nghỉ việc: “Người ta chỉ cho tôi hưởng chế độ rất ít ỏi, họ tính từ khi tôi được thả ra khỏi trại cải tạo vào đầu tháng 3 năm 1975 đến năm 1981. Có nghĩa họ chỉ tính cho tôi thời gian công tác trong ngành lương thực của huyện Tam Kỳ cũ, những phần tôi khai từ năm 1960 đến 1975 đều bị bỏ qua. Đây đây, có bút tích của ai tui không biết mà đành đoạn như vậy đây. Tôi nói mấy, kêu mấy cũng không được. Đến đoạn làm hồ sơ có công để thưởng huân, huy chương tôi cũng trớt hướt. Đó đó, các anh ngó trên tường nhà tôi có cái giấy khen, bằng khen nào đâu”.

Tác giả Phạm Thông và ông Vũ Hồng Sơn (từ bên phải) cùng bà Võ Thị Phận trong ngày gặp lại sau khi được “minh oan”.Ảnh: V.H.S
Tác giả Phạm Thông và ông Vũ Hồng Sơn (từ bên phải) cùng bà Võ Thị Phận trong ngày gặp lại sau khi được “minh oan”.Ảnh: V.H.S

Vùng đất này hầu như ai cũng có chế độ, thời đó trai gái nào trộng xác đều tham gia du kích. Không du kích chính thức thì du kích B. Út Phận thì đã mười mấy năm lăn lộn với hiểm nguy mà thằng con trai duy nhất đi học cao đẳng cũng xét lên, xét xuống. Chị lại uất nghẹn: “Cái số tui sao mà khổ vậy. Có lẽ ông già Quới biết trước nên đặt cho tui cái tên Phận. Số phận, phận người hay sao vậy. Nói thiệt với chú, thời con gái tui phơi phới, da trắng non mà xông pha không kể chết, ăn nói vận động quần chúng đâu ra đó. Xuân Mậu Thân tôi trong tổ đi đầu của đoàn biểu tình kéo xuống quận lỵ Lý Tín. Tôi bị bắt nhốt ở nhà lao Quảng Tín gần 3 năm”.

Chị xìa ra miếng giấy, nói: “Giấy tui xin được của Công an huyện Núi Thành sao lục từ tàng thư của địch có ghi đây: “Võ Thị Phận là tên Việt cộng ngoan cố”. “Ngoan cố” thiệt, tui không khai vấn đề gì có hại cho cách mạng trong suốt thời gian ở tù. Tui mà phản thì phản lúc ở tù. Trong tù bọn địch dùng mọi cực hình, thủ đoạn mua chuộc, tôi vẫn chịu đựng được. Thế thì khi ra tù lấy cái cớ chi nói tôi phản, bắt cá hai tay. Chắc ông Can đã nói hết cho các chú nghe rồi. Ổng nói chi cho hết được, chắc chỉ nói giai đoạn biết tui, giao nhiệm vụ cho tui”.

Rồi chị thò tay rút miếng giấy của bà Năm Mãi xác nhận, đại ý: “Chị Võ Thị Phận là cán bộ cơ sở của phụ nữ huyện, cán bộ phụ nữ thôn, phụ nữ xã liên tục nhiều năm...”.

Chị Út là cán bộ ở cơ sở trước khi bị địch bắt, chuyện đó ai cũng biết. Một người dân thường đội bom, đội pháo, nhà cháy chục lần, che lều ở trong bụi lau, bụi lách trụ tại vùng giải phóng chừng đó năm trời cũng đủ để thưởng huân chương, huống chi chị Út là một cán bộ phụ nữ. Thằng Huẩn lách địch đem cơm cho cách mạng, mới 10 tuổi đã nghe mẹ dẫn lính ngụy về giao súng cho cách mạng, đến ngày đất nước thái bình phải bị xét đi xét lại khi làm giấy tờ đi học cao đẳng sư phạm, đau như nhát dao cứa ruột chị Út.

...

Hồng Sơn về Hà Nội một tháng chờ đơn, nhiều lần gọi điện thoại cho tôi. Tôi xác định mấy ông này quyết tâm thật. Đơn do chị Út Phận ký đến với một đồng chí cán bộ ở Trung ương và lãnh đạo tỉnh cùng lúc. Các đồng chí ở tỉnh ra họp Trung ương có nhận ý kiến chỉ đạo của cấp trên về vụ chị Võ Thị Phận. Tỉnh triển khai, các đồng chí ở bộ phận chuyên môn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy bắt đầu vào cuộc. Mấy cán bộ được phân công tiệm cận nhân chứng và có thể (theo tôi nhận định) phối hợp với công an thẩm tra tàng thư của địch.

Rứa là tôi hết trách nhiệm. Ngồi chờ, lo lắng. Lo mà tin.

Đúng một năm tròn, tháng 3 năm 2019, toàn bộ hồ sơ liên quan đến chị Võ Thị Phận được minh bạch hóa.

Nghe Huẩn nói khi cho chị biết tin giải oan, con dâu, con ruột phải ngồi sát bên mẹ. Mấy đứa sợ mẹ lên huyết áp bất ngờ. Mừng quá, không khéo lại khổ.

Nỗi oan nước đã giải quyết. Chị Út được trả chế độ tù yêu nước. Nhưng việc làm chế độ có công còn khó, vì mỗi giai đoạn phải có 2 người chứng mà nhân chứng từ 1960 đến 1975 còn lại rất ít. Tôi nói với Huẩn: “Khó mấy cũng cố làm cho mẹ, vì cái khó nhất đã vượt qua. Chú thấy chị Út sức khỏe ngày càng tệ, cố lên”.

Nghe nói mọi việc xong, Vũ Hồng Sơn từ Hà Nội bay vào ngay. Thấy Sơn, Tuấn vào chị Út mừng rơi nước mắt: “Các con đã trả lại được thân phận cho cô sau 44 năm. Cô cám ơn các con vô cùng!”. Hồng Sơn lễ độ: “Chuyện này thì chúng con phải có trách nhiệm, đó là nghĩa cử của thế hệ hôm nay. Mong cô sức khỏe để sống an nhiên cùng con cháu. Chủ yếu là các đồng chí ở cơ quan có trách nhiệm, họ đã tiến hành công việc cẩn trọng, công tâm, công phu. Ghi nhận là ghi nhận các đồng chí trẻ ở các cơ quan. Họ làm việc liên quan đến cô như làm cho mẹ, cho bà”.

Hai đứa cháu nội của chị Út cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ thành công này. Hai đứa con trai của Huẩn, đứa lớn nhận bằng tiến sĩ khoa học ở Úc lúc 27 tuổi, làm Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại nước sở tại; một đứa đang làm hướng dẫn không lưu tại sân bay Đà Nẵng.

Lúc này Huẩn mới lên tiếng: “Thưa với mấy anh mấy chú, tôi thì sao cũng được, mình là đàn ông mà. Mừng với nỗi mừng khôn tả, mẹ tôi đã được trả lại giá trị, trả lại công lao. Dẫu muộn nhưng vẫn là nguồn động viên lớn cho mẹ, thỏa lòng con cháu mỗi khi nghĩ, tưởng đến mẹ, đến bà nội mình. Gia đình tôi rất biết ơn mọi người đã đồng hành bằng trái tim nồng cháy yêu thương. Tôi nghĩ đây là điều an ủi mẹ. Oan nước đã giải, oan nhà thì sao đây? Chim có tổ người có tông. Đối với tôi và các con, chuyện này vô cùng hệ trọng. Tôi, đứa con trai luôn tin mẹ. Con mà không tin mẹ thì tin ai. Tôi tin tôi có tông”.

Huẩn ngừng một lát rồi xúc động nói: “Tôi vẫn luôn kính trọng cha mình, chắc có lý do nào đó vô cùng khe khắt ông mới làm thế. Giận thì giận, nhưng tôi vẫn kính trọng, tôn thờ ông. Trời đã định con là con của cha, của mẹ. Không ai cãi trời được! Mẹ tôi vẫn đẹp như trong tiểu thuyết!”.

PHẠM THÔNG