Người đàn bà hát
Ở vùng đất xã Tam Thăng (Tam Kỳ) người ta gọi bà Lê Thị Hiên là “Người đàn bà hát”, quả không sai. Bà là một trong những đội viên tuyên truyền năm xưa đã đem lời ca tiếng hát cùng với các tầng lớp nhân dân tham gia chiến đấu, lao động sản xuất phục vụ kháng chiến. Và hôm nay “người nghệ sĩ già” đó vẫn say sưa sáng tác và truyền tụng những câu hò vè cổ động phong trào cách mạng, xây dựng quê hương cho lớp hậu thế.
1. Bà Lê Thị Hiên sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha và mẹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Nhà có 10 anh chị em thì 9 người tham gia cách mạng, trong đó 5 người đã hy sinh, vì thế tình yêu nước, lòng căm thù giặc hằn sâu trong bà từ nhỏ.
Năm 19 tuổi, bà làm giao liên, sau đó cảnh giới cho cán bộ hội họp và tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân đi theo cách mạng. Bà còn dùng lời thơ, tiếng hát kêu gọi lính ngụy quân, ngụy quyền buông súng, trở về với quê hương... Bằng sự mưu trí, dũng cảm, bà đã nhiều lần che mắt kẻ thù, bảo vệ an toàn thông tin và đường dây cách mạng. Ngày 20.3.1967, bà Lê Thị Hiên thoát ly, chính thức bước vào con đường hoạt động cách mạng...
Đất nước hoàn toàn giải phóng, bà chuyển sang công tác ở Hội LHPN xã Tam Thăng và nên duyên vợ chồng với ông Nguyễn Ngọc Anh. Ông cũng là dân Tam Thăng, tập kết ra Bắc, khi trở về quê thì vợ con đã hy sinh. Hai người nên nghĩa vợ chồng, nhưng cả hai bị nhiễm chất độc da cam, sinh được đứa con thì mất từ khi còn nhỏ. Rồi ông cũng về với tổ tiên, bà ở lại với làng Thạch Tân này, đem tiếng hát, lời thơ truyền lại cho đời và cũng là niềm vui để sống tuổi già.
2. Bà Hiên sáng tác và thuộc những bài dân ca cổ động thời kháng chiến như “Bài thơ Bác Hồ”; “Cái vè địa đạo”; “Giặc càn Tỉnh Thủy”; “Mười năm khói lửa điêu linh”; “Thấm tình quân dân”…; và những bài thơ do cán bộ, nhân dân sáng tác như “Gương anh cán bộ”; “Qua cầu danh dự”… Sau ngày giải phóng, bà tiếp tục sáng tác những bài vè “Đất nước nở hoa”; “Giữ lấy biển đảo quê hương”, “Địa đạo Kỳ Anh”…
Ngày xưa có nhiều đêm bà biểu diễn, các anh bộ đội, thương bệnh binh và đông đảo bà con vỗ tay cổ vũ. Lúc ấy không bao giờ nghĩ đến cái chết, chỉ nghĩ duy nhất một điều, còn hơi thở thì còn sáng tác và cất cao tiếng hát của mình để tuyên truyền ngọn lửa cách mạng. Khi đó, “sân khấu” biểu diễn chỉ cần một khu đất nhỏ bằng phẳng là đã có thể múa hát, đóng kịch.
Những cột mốc lịch sử của đất nước, của quê hương đều được bà ghi lại bằng thơ, bằng vè như trong bài “Thấm tình quân dân”: “Bảy mươi cho đến bảy hai/ Bộ đội tỉnh huyện về nằm ở đây/ Đặc công bốn chín còn đây/ Đánh đồn Ngũ Lợi ghé về nghỉ chân/ Củ khoai củ sắn chén xôi/ Khoai bùi trăm dạ trăm tình quân dân”. Hay bài thơ “Chiếc cầu danh dự” (cầu tiễn thanh niên lên đường tòng quân) do thanh niên, bộ đội sáng tác đến nay bà vẫn nhớ: “Qua cầu dừng bước trên cầu/ Ký tên vào sổ thề câu trung thành/ Trai hùng trên đất Kỳ Anh/ Thề non hẹn biển quyết giành chiến công”…
Khi truyền đạt đường lối chủ trương của Đảng, của Bác Hồ về đánh giặc, giữ nước, bà sáng tác “Bài thơ về Bác Hồ”: “Bác Hồ kêu gọi dặn dò/ Đồng bào ta phải nhớ cho rõ ràng/ Pháp và ta hai đường ký kết/ Hiệp định đình chiến ở Việt Nam/ Thừa nhận Pháp phải ghi rằng/ Chủ quyền thống nhất hoàn toàn về ta/ Quân đội Pháp rút ra khỏi nước/ Lãnh thổ ta sau trước vẹn toàn/ Chín năm tranh đấu gian nan/ Quang vinh giờ phút huy hoàng từ đây/ Tổng tuyển cử là ngày thống nhất/ Vào mùa thu tháng Tám không xa/ Làm cho Nam - Bắc một nhà/ Con đường thắng lợi của ta rõ ràng/ Ta thắng lợi vì đâu thắng lợi/ Vì nhân dân cương quyết hy sinh/ Nêu cao ý chí hòa bình”.
3. Để ghi nhớ chiến tích của lòng dân Kỳ Anh với kỳ tích đào địa đạo, bà viết: “Địa đạo Kỳ Anh vang lừng một thuở/ Dấu ấn năm xưa lịch sử còn ghi/ Chiến lũy ngầm cùng Vịnh Mốc, Củ Chi/ Vang dội chiến công thời kỳ chống Mỹ/ Diệt ác phá kèm đứng lên làm chủ/ Sáng bừng lên ngọn lửa quê ta/ Hệ thống đường ngầm trận địa bao la/ Lăn lộn từ góc nhà bờ tre dưới làng đất sỏi/ Căn cứ địa lòng dân hóa thành bất tử/ Bám đất giữ làng một dạ kiên trung/ Ta vẫn biết mỗi tấc đất, bụi cây cũng đầy máu lửa/ Cái giá hy sinh đâu kể được bằng lời/ Bản anh hùng ca để lại cho đời/ Một trang sử ghi vào huyền thoại”.
Hay cảnh khí thế, quân dân một lòng xây dựng địa đạo, sự sáng tạo, dũng cảm và gan dạ của các thế hệ đi trước, được thể hiện qua bài vè “Cái vè địa đạo”: “Lẳng lặng mà nghe/ Cái vè địa đạo/ Quân dân họp báo/ Phát động phong trào/ Xây dựng chiến hào/ Đánh quân cướp nước/ Kẻ cuốc người khiêng/ Kẻ đào người xúc/ Phụ nữ lập tức/ Gánh đất góp công/ Các bác các ông/ Đan phên dốt cọc/ Tiếng đào lối cát/ Vang vọng xóm làng/ Thiếu nhi sẵn sàng/ Đào nhanh như chớp/ Kẻ thù lớp tớp/ Bay muốn vào đây/ Có chiến hào này/ Quyết tâm đánh thắng/ Kỳ Anh cát trắng/ Sóng biển rì rào/ Gan dạ càng cao/ Vùng lên đồng khởi/ Bom thù càng xới/ Sức mạnh càng tăng/ Dân ta thật hăng/ Đào nhanh hơn nữa/ Trong vòng mấy bữa/ Thung lũng địa cầu/ Hầm nọ gối đầu/ Hầm kia liên tiếp/ Nghĩ sao cho xiết/ Địa đạo Kỳ Anh… Dẫu cho bom đạn/ Địch đánh địch càn/ Địa đạo quanh làng/ Đố bay kiếm được/ Dân ta yêu nước /Đoàn kết đồng tình/ Quyết chí hy sinh/ Để giành chiến thắng/ Cất cao tiếng hát/ Hố hụi hò khoan/ Cuốc xẻng xà beng/ Leng keng lốt cốt/ Quyết đào cho tốt/ Quyết đánh đến cùng/ Kỳ Anh anh hùng/ Lập công chiến thắng”.
Bây giờ tuổi cao, sức yếu nhưng bà Hiên vẫn tiếp tục sáng tác thơ, ca, hò, vè tuyên truyền về an toàn giao thông, bài trừ ma túy, ủng hộ người nghèo, thiên tai lũ lụt, kế hoạch hóa gia đình, giữ gìn môi trường, hiến máu nhân đạo… Những bài ca cổ động, nhân chứng sống của cụ bà Lê Thị Hiên là những câu chuyện lịch sử, là giá trị văn hóa phi vật thể tại khu di tích lịch sử Địa đạo Kỳ Anh, cần được giữ gìn và lưu truyền rộng rãi trong công chúng.