Nguyễn Tạo - quan giỏi xứ Quảng

THƠM QUANG 17/05/2020 06:03

Nguyễn Tạo vốn có tên là Nguyễn Công Tuyển, tự là Thăng Chi, sinh năm 1822 tại làng Hà Lam, phủ Thăng Hoa (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Dưới triều Nguyễn, Nguyễn Tạo được đánh giá là vị quan tài giỏi, luôn dành tình yêu thương cho người dân quê hương xứ Quảng. Mặc dù là một bậc danh thần của triều đình, nhưng tới nay thân thế, sự nghiệp và hành trạng của ông lại được ít người biết đến.

Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 36, mặt khắc 18 ghi về việc Nguyễn Tạo từ chối việc quan để về ở ẩn.Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 36, mặt khắc 18 ghi về việc Nguyễn Tạo từ chối việc quan để về ở ẩn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Nguyễn Tạo lúc nhỏ nổi tiếng văn hay chữ tốt. Khoa thi Hương năm Bính Ngọ, niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846), Nguyễn Tạo đỗ Cử nhân. Mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục, quyển 2, mặt khắc 66 có chép về nhà khoa bảng Nguyễn Tạo như sau: “Nguyễn Công Tuyển  (阮 公 選), sau đổi tên thành Nguyễn Tạo         (阮 造). Quê quán: Hà Lam, Lễ Dương. Làm quan, chức Án sát Hải Dương; bị giáng chức”.

Nguyễn Tạo là anh của Phó bảng Nguyễn Thuật, Nguyễn Duật. Mặc dù hay chữ, nhưng Nguyễn Tạo không gặp may trong trường thi, 6 lần thi Hội đều bị đánh hỏng.

“Quan giỏi hiếm có”

Theo Mộc bản triều Nguyễn, sự nghiệp làm quan của Nguyễn Tạo trải qua nhiều chức vụ như Huấn đạo, Biên tu, Khởi cư chú viện Tập Hiền, Cấp sự trung khoa Lại, Thị độc học sĩ, Án sát sứ, Bố chính... Tuy nhiên, dấu ấn làm quan của ông được kể đến đó là năm Ất Sửu (1865), khi Nguyễn Tạo giữ chức Tri huyện Phù Cát (Bình Định). Vì huyện này mới được thành lập nên đất rừng rậm rạp, hổ báo, nạn trộm cướp còn nhiều. Nguyễn Tạo đã ra sức vỗ yên. Ông làm quan ở đó 3 năm mà ruộng đất được mở mang, nhân dân được nhờ cậy.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 39, mặt khắc 30 cho biết như sau: “Nguyễn Tạo trước lĩnh huyện Phù Cát, Bình Định, làm quan thanh liêm, công bằng, thuộc lại và dân tin phục, đồng ruộng ngày một mở mang, trộm cướp im hơi. Hai thôn An Lạc, Vĩnh Thắng dân nhiều, ruộng ít, Nguyễn Tạo khuyên thôn Chính Lợi nhượng cho 2 thôn An Lạc, Vĩnh Thắng 25 mẫu công điền (An Lạc 15 mẫu, Vĩnh Thắng 10 mẫu) để cày cấy và ở. Quan tỉnh Thân Văn Nhiếp đem việc tâu lên. Vua thưởng cho Nguyễn Tạo một chiếc tử kim khánh hạng nhất có khắc chữ “Liêm, bình, cần, cán”, thăng bổ làm tri phủ, rồi lục sức khắp cho các thú, lệnh trong kinh, các tỉnh ngoài đều biết để khuyến khích. Thôn Chính Lợi, cũng được thưởng một tấm biển có chữ “Thiện tục khả phong”.

Năm Ất Hợi (1875), vua Tự Đức quyết định cho đặt Nha Sơn phòng Quảng Nam và người được giao trọng trách lĩnh Doanh điền sứ Sơn phòng Quảng Nam không ai khác là Nguyễn Tạo. Từ đây, với nhiệm vụ của mình, Nguyễn Tạo càng ra sức vỗ yên nhân dân quê hương, đặc biệt là vùng thượng du. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 54, mặt khắc 22 cho biết: “Trước đây, mỗi khi tâu việc lên vua, Nguyễn Tạo thường kèm theo việc xin cho sửa trị miền núi Quảng Nam. Ông cho rằng miền thượng du thuộc hạt này, một giải tá giang từ đồn Bảo Định đến đồn Phúc Sơn, rừng gò hoang vu phần nhiều là rộng rãi, màu mỡ. Ông xin đặt Nha Sơn phòng, chọn người địa phương giỏi giang trông coi công việc, trích phái hương binh đến đóng để khai khẩn và lượng tha những tù phạm cho đến ở để khẩn khoang. Hiểu dụ những thân hào có vật lực (sức người, sức của), nếu ai tình nguyện chiêu mộ điền tốt, sắm lấy đồ vật, lương thực, điền khí, dồn lập thành đội ngũ, đặt người cai quản đưa đến khai khẩn, đều chiếu lệ có thưởng có phạt. Vua y lời xin, cho ông là người tốt, giỏi mà có lòng, cho đổi lĩnh chức ấy. Hôm vâng mệnh ra đi, ông được vua phê bảo rằng: “Ngươi đi chuyến này nên làm thế nào sớm được thành hiệu, khiến cho dân ngày thêm được vui về điều lợi”. Khi ông đến Sơn phòng, lại dâng sớ xin lấp sông Vĩnh Điện, đào sông Ái Nghĩa.

Ngoài ra, với tình yêu thương dân sâu sắc, Sơn phòng sứ Nguyễn Tạo trù tính tâu xin vua 8 điều có lợi cho dân, Mộc bản triều Nguyễn sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 59, mặt khắc 20, 21 cho biết như sau: “Xin ngăn cấm núi có tiếng (núi Trà Sơn và núi Ngũ Hành) để cho mạch đất hồi lại. Xin làm thủy lợi (đắp bờ đê, mở đê sông) để giúp việc làm ruộng. Xin hoãn việc tuyển lính thêm, để cho dân ốm lâu được tỉnh lại. Xin trừ hết thuế ruộng, thuế thân năm nay. Xin thuế thu về mùa đông năm nay, đổi làm mùa hạ sang năm thu cả làm một. Xin chẩn cấp để thư cấp bách cho dân. Xin đình chỉ việc phái người đi xuống để khuyên quyên tiền. Xin đình việc kê đơn cho đi mua mỡ trâu”. Sau khi được Bộ Hộ xét tâu lên, vua Tự Đức đã cho thi hành 7 trong 8 điều đó.

Đánh giá về sự nghiệp làm quan của Nguyễn Tạo, Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 36, mặt khắc 18 ghi chép lời tán dương của vua Tự Đức dành cho ông: “Nguyễn Tạo là người thanh liêm, thạo việc, làm quan ở đâu đều có tiếng tốt, được vua phê rằng: “Quan giỏi hiếm có”. Lại có dụ “Ai thanh liêm tài giỏi được như Nguyễn Tạo thì hậu thưởng”. Ông vốn được vua quyến luyến, yêu mến như vậy”.

Gác kiếm về vườn

Mặc dù được vua trao giữ nhiều chức vụ quan trọng và được đánh giá là vị quan giỏi của triều đình, nhưng càng về sau Nguyễn Tạo lại không mặn mà với nghiệp làm quan. Mộc bản sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập, quyển 36, mặt khắc 18 cho biết như sau: “Khoảng niên hiệu Hàm Nghi, ông được thăng chức Trước tác, sung chức Thừa biện Cơ Mật viện, ông xin từ chối không nhận. Gặp lúc kinh thành có báo động, tỉnh hạt xôn xao lên, bị quan Pháp nghi ngờ, ông phụng mệnh nhanh chóng về kinh theo Tả trực kỳ khâm sai Phan Liêm để về hiểu dụ cho yên, khi việc xong, lấy nguyên hàm ông được sung Thừa biện Sử quán, mới được mấy tháng, ông mắc bệnh xin về. Từ đó, Nguyễn Tạo không có ý định ra làm quan nữa. Ông làm sẵn ngôi mộ ở cái gò phía đông nam nhà, trồng nhiều hoa cỏ, cây cối, rồi thường mời thân thuộc, khách khứa đến đó du lãm, uống rượu luận văn hoặc bàn những việc hồng hoang, hải ngoại, cho qua những năm tàn, nghĩa là có phong cách của Đường Tư Không, Biểu Thánh, ông thọ 70 tuổi”.

Năm Thành Thái thứ 5 (1891), ông được truy thụ Thị giảng Hàn Lâm viện. Bấy giờ chính phủ Đại thần Văn minh đại học sĩ là Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp vốn quen biết ông, nhân đặt cho tên thụy là Hữu Khang.

Có thể nói, với nhân cách, đức nghiệp và công nghiệp như vậy, Nguyễn Tạo xứng đáng là một trong những danh nhân tiêu biểu của vùng đất xứ Quảng.

THƠM QUANG