Quà tặng của cụ Thượng Phước Sơn
Mỗi lần nhắc đến TS.Phan Quang người dân Quế Sơn không chỉ tự hào quê hương họ đã đóng góp một con “chim phụng” cho “Ngũ phụng tề phi” của Quảng Nam mà còn tri ân người đã tặng hai món quà đặc biệt, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng đất nghèo trung du. Đó là một ngôi trường và một ngôi chợ!
Con “chim phụng” của một gia đình khoa bảng
Phan Quang sinh năm 1873 tại làng Phước Sơn, nay là xã Quế Châu, huyện Quế Sơn. Ông là một trong hai tiến sĩ Nho học của huyện (người thứ hai là Phạm Nhữ Khuê). Thuở nhỏ, ông rất thông minh, là một trong những học sinh xuất sắc của trường Đốc Quảng Nam. Năm Giáp Ngọ (1897), ông đỗ cử nhân, năm sau đỗ Tiến sĩ đệ tam giáp trong khoa thi được vinh danh là “Ngũ phụng tề phi” của Quảng Nam. Khi vinh quy bái tổ, ông cùng Phạm Tuấn được Tổng đốc Đào Tấn tặng 4 câu thơ:
Vận hội tuần hoàn ngũ thập niên
Thử bang tương kế xuất danh hiền
Trúc Ba nhơn khứ Hà Ba tại
Nhụy bảng do truyền Giáp Ất niên
Trần Gia Thoại dịch:
Cơ trời mấy chục năm qua
Cõi Nam liên tiếp sinh hoa ngạt ngào
Trúc tàn Hà nở thêm sao
Bảng đề Giáp Ất ai nào dám tranh.
Sau hai năm học thêm tiếng Pháp ở trường Tứ dịch quán, năm 1901, ông được bổ làm Tri huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) sau chuyển về Bố Trạch. Năm 1905, do chống đối người Pháp tăng thuế điền thổ ở Quảng Bình nên ông bị triệu hồi về kinh (Viên Công sứ Pháp ở Quảng Bình đòi tăng thuế điền thổ. Ông không chịu vì cho rằng đây là địa phương nghèo, đất đai cằn cỗi, thường xuyên chịu thiên tai, sưu thuế trước đã cao, mà còn tăng nữa thì dân sẽ chết đói. Làm quan mà không bảo vệ được dân thì làm quan để làm gì, nên ông xúi dân không nộp thuế). Mãi đến năm 1910, ông mới được bổ lại làm giáo thọ Tuy An (Phú Yên) rồi Tri huyện Hòa Đa (Bình Thuận), Án sát Bình Định. Sau về triều lĩnh chức Thị lang rồi Tham tri bộ Hình. Năm 1930, ông về hưu với hàm Thượng thư nên được dân gian gọi là cụ Thượng Phước Sơn.
Ông mất ngày 7.3.1939 ở quê nhà. Mộ ông đã được công nhận là Di tích Văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
Phan Quang sinh ra trong một gia đình khoa bảng hàng đầu của huyện. Khai khoa cho dòng họ là Cử nhân Phan Văn Thuật, đỗ khoa Canh Tý (1840), từng làm Biện lý bộ Hình, Bố chính Tuyên Quang. Ông nổi tiếng là một vị quan thanh liêm, có tài xử án, được dân chúng nơi trấn nhậm mến phục.
Cháu nội Phan Văn Thuật có Phan Quang đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898); Phan Vĩnh đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ (1906), Phan Xáng, Phan Ấm đỗ Tú tài.
Khoa cử Nho học suy tàn và chấm dứt vào năm 1919, tộc họ này không còn người đỗ đạt cao nhưng thành danh về mặt học thuật, văn học và quân sự. Con trai Phan Quang có sử gia Phan Khoang, tác giả của nhiều công trình nổi tiếng như Lịch sử xứ Đàng Trong, Việt Pháp bang giao sử lược, Việt Nam Pháp thuộc sử, Trung Quốc sử lược, Trung dung chú giải, Đại học dịch giải…; nhà văn Phan Du, tác giả của Quảng Nam qua các thời đại, Hang động mới, Hai chậu lan tố tâm (giải thưởng Văn hóa Á châu), Mộng kinh sư, Truyện con người… Cháu ngoại có nhà văn Vũ Hạnh (Nguyễn Đức Dũng), Bộ trưởng Võ Đông Giang (Phan Bá). Con trai Phan Vĩnh lại là những tướng tài: Tướng Phan Hàm, Phan Hạo.
Quà tặng cho quê nhà
Về trí sĩ ở quê, Phan Quang luôn đau đáu với việc đóng góp cho sự phát triển của quê hương. Năm 1937, ông đứng tên xin chính quyền Quảng Nam mở một ngôi trường ở địa phương để mở mang dân trí. Trường Tiểu học Quế Sơn là một trong những ngôi trường hiếm hoi ra đời sớm ở một huyện trung du của miền Trung thời bấy giờ. Năm 1938, đích thân Thượng thư bộ Học Phạm Quỳnh về cắt băng khánh thành ngôi trường.
Tự hào về ngôi trường này, TS.Phan Quang, đã viết câu đối ở cổng trường:
“Nền Tây tự, cuộc Tây viên, bức vẽ thợ trời thêm cảnh tượng,
Non Phước Sơn, nền Phước Đức, tiếng vang sấm dậy đất Nam bang”.
Khuôn viên trường Trung học Cơ sở Quế Châu ngày nay chính là trường Tiểu học Quế Sơn ngày đó.
Chuyện kể, trước đây ở vùng Phước Sơn không có chợ. Dân làng phải thức dậy từ nửa đêm lên Đông Phú hoặc xuống tận Hương An ở cách đó 5 - 10km để… đi chợ. Đời sống của người dân rất khó khăn.
Năm 1930, Thượng thư Phan Quang đến tuổi nghỉ hưu, ông vui vẻ rời kinh đô. Từ nay hết áo mão cân đai, vào luồn ra cúi chốn triều đình mà ông đã chán ngấy. Với ông được về an hưởng tuổi già nơi chôn nhau cắt rốn lại được đem chữ nghĩa, đạo lý dạy cho con cháu trong làng là một niềm vui.
Về làng ông mở tiệc ăn mừng và làm lễ tạ ơn hai đấng sinh thành. Nhân dịp này các quan ở phủ huyện cũng như chức dịch trong làng ngoài tổng đến chúc mừng và đề nghị được rước gánh hát về hát mừng. Quê ông vốn cũng là làng hát bội nổi tiếng, gánh hát Đức Giáo đã từng được vời ra diễn ở kinh đô Huế.
Vui niềm vui của vị khoa bảng, đại thần, mỗi người tự nguyện rước một gánh hát nổi tiếng về diễn mừng cụ Thượng. Mỗi đoàn diễn năm ba đêm mới hết “tuồng tích”, vì vậy lần đó dân làng Phước Sơn được xem hát bội suốt… ba tháng với cả chục đoàn hát nổi tiếng.
Thời trước, nghe có hát bội, không chỉ dân trong làng mà dân ngoài làng, ngoài tổng cũng nườm nượp đến xem. Cả ngàn người tụ tập, đông như kiến. Ban đêm, đèn đuốc sáng choang. Để phục vụ cho đoàn hát và cho dân tứ xứ đến xem hát bội, một số người mở các quán bên đường, gần vườn nhà cụ Thượng, nơi đang có sân khấu lộ thiên. Lúc đầu người ta chỉ bán các món ăn bình dân… vào ban đêm. Dần dần khi đám hát càng vào “cao điểm”, cả đêm coi hát, ban ngày phải lo việc làm đồng, không có thì giờ đi chợ nên các quán phục vụ cả mắm muối, dầu đèn… cho người dân trong làng.
Sau ba tháng, các gánh hát rút đi hết, cái chợ… “chồm hổm” thì vẫn tồn tại vì quá tiện cho người dân. Thấy tình cảnh như vậy, cụ Thượng thương tình cắt đất vườn nhà và xin quan huyện cho dân làng được lập chợ. Thế là người dân làng Phước Sơn có một ngôi chợ khang trang bên đường gần nhà cụ Thượng, đời sống trở nên dễ chịu hơn. Dân làng nhớ ơn cụ Thượng nên gọi là chợ “cụ Thượng”. Còn khách vãng lai khi đi ngang thấy ngôi chợ họp bên “đàng (đường) đi” nên gọi là chợ Đàng. Gọi riết thành quen. Danh xưng chợ Đàng tồn tại mãi cho đến nay. Ngày nay nói đến chợ Đàng bao giờ người lớn cũng kể về sự tích ngôi chợ cho con cháu nghe cũng là dịp để giáo dục tinh thần hiếu học và lòng nhân ái của một nhà khoa bảng.
Khách du lịch đến Quế Sơn khi đến viếng nhà thờ TS.Phan Quang, tìm hiểu về tinh thần hiếu học, học giỏi của người Quảng cũng như về thời niên thiếu của các nhà sử học, nhà văn Phan Khoang, Phan Du… vẫn thường ghé thăm chợ Đàng, mua vài thứ quà quê mộc mạc, khi biết lịch sử của ngôi chợ đã rất thích thú và “thấy lòng mình vui và nhẹ bớt vì không chỉ đơn giản là một cái chợ, một cái tên mà còn có cả cái tâm, tấm lòng vì quê hương, vì bà con xóm giềng của vị quan lớn ngày xưa…” (Thành Giang, Báo Vĩnh Long số ngày 26.6.2012).