Tiến sĩ đầu tiên của người Cơ Tu
(Xuân Canh Tý) - Sau tháng năm miệt mài đèn sách, Alăng Thớ (sinh năm 1985, giảng viên Đại học Đà Nẵng) đã bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp tại Úc, trở thành tiến sĩ đầu tiên của đồng bào Cơ Tu ở Quảng Nam.
Tôi biết Alăng Thớ từ khá lâu, hồi anh còn học tiểu học. Năm 1995, sau nhiều năm đạt danh hiệu học sinh giỏi, trong ngày bế giảng cuối khóa tiểu học, Thớ là người đầu tiên và duy nhất vinh dự được cố già làng Bh’riu Prăm (nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ tịch UBND huyện Đông Giang) tuyên dương trong niềm vui của thầy cô và học sinh toàn trường. Kể từ đó, Thớ luôn là tấm gương cho học trò miền núi trên chặng đường theo đuổi ước mơ con chữ.
Người truyền cảm hứng
Ở các huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, đồng bào Cơ Tu nhắc đến Alăng Thớ như một niềm tự hào về nghị lực và tinh thần vượt khó. Hồi đó, cái đói, cái khổ là rào cản khiến nhiều học sinh vùng cao phải bỏ học giữa chừng. Theo cha lên rẫy, giúp mẹ trông em, con chữ với lũ trẻ vùng cao như màn sương núi mịt mù. Số học sinh đến lớp ngày càng vắng dần. Nhưng với Thớ thì khác, chuyện đến trường là đam mê cháy bỏng. Dù mưa lũ hay nắng hạn, ngày ngày Thớ miệt mài vượt đường rừng đến lớp trước sự cảm phục của người làng.
Tại nhiều hội thảo quốc tế do các đơn vị uy tín tổ chức như Viện Hàn lâm Khoa học quản trị Úc và New Zealand (ANZAM); Hiệp hội Các nhà nghiên cứu quan hệ công nghiệp Úc và New Zealand (AIRAANZ); Tổ chức Vì sự tiến bộ kinh tế - xã hội thế giới (SASE)…, Alăng Thớ được mời để trình bày đề tài của mình và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Alăng Thớ tâm sự, quá trình học tập ở nước ngoài đã giúp anh có cơ hội được giao lưu với một số học giả gốc thổ dân ở các nước Úc, New zealand, Mỹ và Canada. Anh nhận ra rằng, ở môi trường chung đó, người dân tộc thiểu số của các nước rất tự tin và tự hào về bản sắc văn hóa truyền thống. Vốn đặc trưng của dân tộc được họ giới thiệu rộng rãi, trở thành biểu tượng ở nhiều công viên, trường học danh tiếng trong khu vực. Và anh nghĩ cũng sẽ làm được điều đó cho dân tộc mình.
Thớ kể, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên người anh cả đã phải bỏ học giữa chừng, nhường cho Thớ và một người anh nữa được đi học. Điều đó càng khiến Thớ quyết tâm học tập. Alăng Thanh - anh trai của Thớ kể, ngày trước chưa có điện, hằng đêm Thớ ngồi bên bếp lửa học bài. Ngày đó dù nghèo khó gia đình vẫn gắng mua chiếc đài để làm bạn đồng hành giúp Thớ có thêm kiến thức về xã hội bên ngoài, đặc biệt là việc tự học thêm tiếng Anh, tiếng Trung trên sóng phát thanh. “Thớ rất chịu khó và ham học nên năm nào cũng đạt học sinh giỏi” - anh Thanh chia sẻ.
Tôi nhớ lần gặp Thớ cách đây vài năm, lúc đó Thớ là sinh viên năm cuối của Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, về Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (TP.Hội An) để chia sẻ kinh nghiệm học tập và trao đổi hướng nghiệp cho học sinh của trường. Trong suốt buổi, Thớ nói rất nhiều về tinh thần vượt khó, sự tự tin và ham học hỏi, xem đó là yếu tố quan trọng mang đến sự thành công của mỗi người. Bởi, Thớ hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc không ít học trò vùng cao chưa thực sự có bước đột phá trong học tập là vì tính tự ti trong cách nghĩ của cộng đồng miền núi chưa được loại trừ. “Đây, cuốn sách tiếng Anh này, các bạn thấy không, nó đã nhàu nát rồi. Ngày nào mình cũng cầm nó để đọc, từ ngày này qua tháng nọ, suốt nhiều năm trời. Ý mình muốn nói với các bạn, chính là sự siêng năng, chăm chỉ. Việc học tập cũng phải có phương pháp, nếu không, rất khó để các bạn thành công” - Thớ chia sẻ, giữa những tràng pháo tay tiếp nối.
Niềm tự hào xứ núi
Ở tuổi 34, Alăng Thớ đã trở thành giảng viên “cứng” của Đại học Đà Nẵng. Thớ kể, năm 2010, sau hơn 2 năm giảng dạy tại Phân viện Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, anh trúng tuyển học bổng đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Minghsin (Đài Loan). Hoàn thành khóa học, Thớ được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp của phân viện. Sau đó, Thớ trúng tuyển học bổng tiến sĩ của Chính phủ Việt Nam theo Đề án 911 tại Trường Đại học Victoria (New Zealand). Cũng thời gian này, Thớ trúng tuyển học bổng tiến sĩ của Chính phủ Úc và chọn Học viện Công nghệ Hoàng Gia Melbourne (TP.Melbourne, bang Victoria, Úc) làm nghiên cứu sinh. Đó là năm 2015.
Thớ nói, đề tài luận án tiến sĩ của anh tập trung nghiên cứu ở lĩnh vực tiếng nói và sự hòa nhập của cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) tại nơi làm việc trong các cơ quan nhà nước. Nghiên cứu này sẽ xác định các “rào cản”, đồng thời thúc đẩy tiếng nói của cán bộ người DTTS tại nơi làm việc. “Điều này rất quan trọng, bởi tiếng nói và sự hòa nhập của cán bộ DTTS sẽ góp phần vào việc hoạch định và thực thi các chính sách của Chính phủ liên quan đến sự phát triển của cộng đồng người DTTS” - Thớ chia sẻ.
Cuối năm 2019, Alăng Thớ bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Học viện Công nghệ Hoàng Gia Melbourne (Úc), trở thành người Cơ Tu đầu tiên có học vị tiến sĩ ở nước ngoài.