Người con ưu tú của đất Quảng Nam

THIỀU SỸ ĐĂNG 23/12/2019 10:14

Từng công tác ở Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ, và là cán bộ nghiên cứu công tác hậu cần, tôi quan tâm nghiên cứu hoạt động kinh tài và hậu cần trên chiến trường Khu 5 trong những năm kháng chiến đầy gian khổ. Tôi thực sự ấn tượng tốt đẹp về những nhà lãnh đạo tài năng trên mặt trận kinh tài, trong đó có ông Nguyễn Quang Lâm. Những đóng góp của ông đã được Đảng và Nhà nước đánh giá “Là một tấm gương sáng, tận tâm với Đảng, tận hiếu với nhân dân”.

Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Nguyễn Quang Lâm - Tám Tú, tên thật là Nguyễn Hoành, sinh ngày 30.12.1919 tại làng Vĩnh An, Tổng An Hòa, (nay là thôn Tân Thuận, xã Tam Xuân 2, Núi Thành). Sinh ra trong một gia đình nghèo, tuổi thơ ông được rèn đúc trong các phong trào đấu tranh, yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Quảng Nam. Mới 17 tuổi, Nguyễn Hoành đã chọn con đường đi theo cách mạng, sớm đứng vào hàng ngũ những người thanh niên yêu nước trong phong trào đòi dân sinh, dân chủ những năm 1936 - 1939. Chính nghề dạy học và với lòng yêu nước đã giúp Nguyễn Hoành có điều kiện tiếp xúc, giác ngộ và tập hợp nhiều thanh niên đi theo cách mạng. Sau đó họ trở thành những người cùng chí hướng và là đồng chí của ông.

Cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, trước yêu cầu nhiệm vụ mới trên chiến trường Khu 5, ông tự nguyện không tập kết ra Bắc. Từ tháng 10.1955 đến hết năm 1959, ông đảm nhiệm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Tháng 2.1960, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, ông được bầu lại là Bí thư Tỉnh ủy. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông đã cùng tập thể Tỉnh ủy lãnh đạo, củng cố các chi bộ bí mật, tổ chức quần chúng bí mật, xây dựng căn cứ  ở miền núi, vùng giáp ranh, căn cứ lõm ở đồng bằng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh khởi nghĩa vũ trang. Thành công nổi bật nhất là khởi nghĩa vũ trang Trà Bồng, miền tây Quảng Ngãi. Đây là mốc son quan trọng, mở đầu cho phong trào Đồng khởi và khơi thông dòng thác cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...

Nhạy bén trên mọi mặt trận

Gần 15 năm, từ cuối năm 1960 đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Quang Lâm chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tài, Hội đồng Cung cấp tiền phương. Là một trong những lãnh đạo chủ chốt trên mặt trận kinh tài, Hội đồng Cung cấp ở Trung ương Cục, Khu ủy Khu 5, ông luôn nêu cao tinh thần cách mạng của người cộng sản, kiên trì khắc phục mọi khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện “Đảm phụ nông nghiệp”, “Đảm phụ công thương nghiệp”, tổ chức lạc quyên ở các địa phương nhằm phục vụ kịp thời cho nhân dân và lực lượng vũ trang tiến hành các cuộc đấu tranh cách mạng.

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Nguyễn Quang Lâm được Trung ương giao đảm nhiệm Phó Thường trực cơ quan đại diện Trung ương Đảng, Chính phủ tại Trung Bộ. Trong điều kiện phải giải quyết hậu quả chiến tranh nặng nề nhưng ông đã điều hành việc ổn định đời sống, thực hành sản xuất đạt hiệu quả, làm tăng thêm niềm tin của nhân dân Trung Bộ đối với Đảng, Chính phủ. Tháng 12.1976, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, đảm nhiệm Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Hải sản. Tháng 3.1978, ông được Trung ương điều làm Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình và từ tháng 3.1983 đến năm 1985 ông được giao là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Mặc dù trên các cương vị khác nhau nhưng ông luôn thể hiện là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một cán bộ lãnh đạo có uy tín, lãnh đạo Bộ Hải sản vừa mới được thành lập vượt qua khó khăn, từng bước phát triển tạo tiền đề trở thành ngành kinh tế biển quan trọng của đất nước, góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo của nước ta. Với vị trí đứng đầu tập thể Tỉnh ủy Nghĩa Bình, ông đã quy tụ được đội ngũ cán bộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân, vượt qua khó khăn thử thách để tập trung phát triển kinh tế - xã hội  của tỉnh từng bước đi vào ổn định. Ông cũng có đóng góp thiết thực, khi tham gia chuẩn bị cho Trung ương bổ sung, hoàn thiện đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước.

Tư duy người lãnh đạo

Trong hoạt động thực tiễn thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông Nguyễn Quang Lâm đã nắm vững đòi hỏi của thực tiễn cần phải tổ chức đội du kích vũ trang tại chỗ để đấu tranh khởi nghĩa. Từ tư duy đó, ông trực tiếp cùng ăn cùng ở để chỉ đạo gây dựng và tổ chức thành lập đội du kích vũ trang người địa phương đầu tiên tại Sơn Nham - Sơn Hà. Đó là một trong những sáng tạo và nhạy bén của ông trong điều kiện thực tế phát triển lực lượng vũ trang Quảng Ngãi thời kỳ tiền khởi nghĩa theo đúng tinh thần về công tác xây dựng lực lượng để cùng nhân dân trong tỉnh thực hiện chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương Đảng, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trên địa bàn... Trong kháng chiến chống Mỹ, trên các cương vị lãnh đạo khác nhau ông Nguyễn Quang Lâm luôn có những tìm tòi suy nghĩ tìm ra những biện pháp phù hợp với thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu của bộ máy làm việc và cuộc chiến đấu trên chiến trường. Trong đó, nổi lên là tư duy chỉ đạo hoạt động thực tiễn thực hiện phương thức “phụ thu bằng thóc” do đồng chí Phạm Văn Đồng đề xuất.

Trên mặt trận kinh tài, ông Nguyễn Quang Lâm với tư cách là Trưởng ban Kinh tài, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Cung cấp tiền phương Khu 5, đã chỉ đạo tổ chức hậu cần theo khu vực, bên cạnh Hội đồng Chi viện tiền phương của tỉnh. Nhờ vậy ta đã khai thác có hiệu quả khả năng cung cấp vật chất, hậu cần tại chỗ trên từng khu vực bảo đảm cho tác chiến. Đồng thời tạo đà để kinh tài hậu cần phát triển vững mạnh. Nhờ đó, tổ chức hậu cần tại chỗ ở Khu 5 được tăng cường mở rộng theo chủ trương của Khu ủy Khu 5 là “lót gạo, lót đạn”, đảm bảo hậu cần đi trước một bước để chủ động kịp thời cho giải phóng hoàn toàn Khu 5, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ông Nguyễn Quang Lâm đã được Đảng, Nhà nước giao đảm nhiệm một số cương vị, trọng trách ở Trung ương và Nghĩa Bình, ông luôn thể hiện là người lãnh đạo có kinh nghiệm dày dạn trong công tác xây dựng Đảng và chính quyền. Cùng với tập thể lãnh đạo Bộ Hải sản xây dựng ngành hải sản, cùng với Bộ Tư lệnh Hải quân xây dựng phát triển dân quân tự vệ biển trên tuyến phòng thủ ven biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của nước ta; cùng với lãnh đạo Ban Kinh tế tham gia chuẩn bị cho Trung ương hoàn thiện một số chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước.

THIỀU SỸ ĐĂNG