Đỗ Thúc Tĩnh với sứ mệnh của nhà nho
Đỗ Thúc Tĩnh là vị tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của huyện Hòa Vang thời nhà Nguyễn, làm quan dưới triều Tự Đức. Ông cũng là một nhà doanh điền có tài được nhân dân Diên Khánh yêu quý gọi là “Đỗ phụ”. Khi nước nhà bị xâm lược, ông là một chiến sĩ tiên phong trong phong trào Cần Vương chống Pháp.
Đỗ Thúc Tĩnh tự Cấn Trai, húy Như Chương, quê xã La Châu, tổng Phước Tường Thượng, nay thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Ông sinh ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Dần (20.2.1818) trong một gia đình nghèo, mồ côi cha từ lúc nhỏ. Thân phụ ông là Đỗ Như Tùng, đậu Tú tài, làm Tri huyện An Định; thân mẫu là bà Đinh Thị Thoại (Đại Nam chính biên liệt truyện, Nxb Văn học 2004, tr. 825 - 827).
Thuở nhỏ ông rất chăm học, năm 28 tuổi đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ, niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846). Hai năm sau ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848). Nhân dịp đại đăng khoa này, Phạm Phú Thứ tặng ông câu đối: “Vân trình giá ẩn liên song tiệp. Quỳnh uyển xuân thâm phổ bát tiên” (Đường mây xe dấu, hai lần thắng. Vườn ngọc xuân sâu, ghi bát tiên - theo Phạm Phú Thứ, Giá viên toàn tập, tập 2 (quyển 21 - Đối liên), Nxb Đà Nẵng, tr.237). Năm 1850, ông được cử làm Thự Tri phủ Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa nhưng chỉ được mấy tháng thì mẹ ốm, ông xin về quê phụng dưỡng mẹ, rồi mẹ mất, ông ở nhà thọ tang ba năm.
Nhà doanh điền tài ba
Năm 1853, Đỗ Thúc Tĩnh được bổ làm Tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đất Diên Khánh vốn khô cằn, dân đói khổ. Với tấm lòng yêu nước thương dân, Đỗ Thúc Tĩnh đã đem hết tài năng và nhiệt tình để xây dựng vùng đất này. Ông tổ chức lại đời sống và sản xuất, bày kế bẫy cọp, sửa sang đường sá, khẩn hoang, lập ấp. Sử nhà Nguyễn chép: “Thúc Tĩnh tìm mọi cách vỗ về, mộ dân xiêu đến lựa đất cho ở, làm nhà cửa, cho cấp điền khí, kẻ ốm đau thời (cấp) thuốc thang, kẻ đói rét thời chẩn cấp, được người ta gọi là Đỗ phụ” (Đại Nam chính biên liệt truyện, tr.825).
Tháng 10 năm Giáp Dần (1854) ông được thăng Thự Ngự sử đạo Định An nhưng dân chúng phủ Diên Khánh yêu mến ông, làm đơn xin lưu lại nên nhà vua chuẩn y, cho ông sung hàm Thự Thị độc, cho giữ chức vụ cũ (Theo Đại Nam nhất thống chí tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.89-90). Tháng Chạp năm Ất Mão (1856) lại có chiếu bổ Đỗ Thúc Tĩnh làm Thự Viên ngoại lang bộ Binh, nhưng quan tỉnh xin cho ông lưu lại để hoàn tất công tác khai hoang lập ấp đề phòng thú dữ. Vua chuẩn y. Việc xong, quan tỉnh tâu lên, ông được thăng chức Hồng lô tự khanh. Vua Tự Đức có dụ rằng: “Thúc Tĩnh là người thanh liêm được việc, hơn cả trong đám phủ huyện, chuẩn cho y thực thụ hàm Thị độc, vẫn cứ lãnh Tri phủ phủ ấy, để khuyến khích người tuần lại” (Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.537). Năm 1858 ông được thăng Án sát tỉnh Khánh Hòa. Năm 1859 ông tiếp tục được thăng Bố chánh tỉnh ấy.
Sự nghiệp và công đức của Đỗ Thúc Tĩnh đối với nhân dân phủ Diên Khánh được cụ Phạm Phú Thứ khen “là bậc chăn dân tối ưu”. Khó tìm có vị quan nào được “liên trạc” (cất nhắc lên liên tiếp), khởi đầu chức Tri phủ trong tỉnh ấy lại được thăng dần lên đến chức Án sát rồi chức Bố chánh là chức quan đầu tỉnh như Đỗ Thúc Tĩnh.
Chiến sĩ Cần Vương
Tháng 2.1859, Nam Kỳ bị giặc Pháp xâm lược, vua Tự Đức muốn tìm người để vào phủ dụ tướng sĩ, tập hợp binh dân, mưu tính việc thu phục lại đất đai đã mất. Tháng 4 năm Tân Dậu (1861) Đỗ Thúc Tĩnh dâng sớ tình nguyện xin vua cho vào nam chiến đấu. Trong sớ có câu: “Dĩ lục tỉnh binh lương, thâu lục tỉnh thổ võ, bất phí triều đình nhất binh, nhất lương” (Dùng binh lính, lương thực vùng lục tỉnh để giành lại đất đai lục tỉnh, không tốn của triều đình một quân sĩ, một hạt gạo). Vua khen ông là người người trung nghĩa, khẳng khái, cho sung chức Khâm phái quân vụ, lại cấp cho ông 30 lạng bạc và ngựa trạm để đến hai tỉnh Vĩnh Long và Hà Tiên tuyên chỉ dụ cho sĩ dân, đồng thời chiêu mộ nghĩa dũng, sau đó sẽ hợp lực cùng Tổng đốc Trương Văn Uyển và Tuần phủ Phan Khắc Thận bàn bạc việc quân.
Thấy ông làm được một số việc, vua Tự Đức chuẩn cho ông làm Tuần phủ Định Tường. Tại đây, ông xin cho triệu tập binh sĩ, tích trữ lương thực, chọn chỗ hiểm để lập đồn. Lại xin thuê những người nước ngoài (như người nhà Thanh) ở Gia Định để làm nội ứng mặt thủy và mặt bộ. Vua xem sớ rồi dụ rằng: “Thúc Tĩnh xem xét tình hình, trù nghĩ phương lược... Tuy còn đương lắng chờ cơ hội, chưa thể vội vã đem dùng, nhưng vì nước làm việc như vậy là có lòng trung thành, (biết) mưu tính sâu xa. Thương tình nhà ngươi vất vả, cho thăng Lại bộ Thị lang, (song) vẫn lĩnh chức cũ” (Đại Nam chính biên liệt truyện, Nxb Văn học, 2004, Đỗ Thúc Tĩnh, tr.825-827).
Ông chiêu mộ nghĩa sĩ khắp nơi, phối hợp cùng lực lượng nghĩa quân của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương... góp phần đánh thắng giặc Pháp nhiều trận, xuất sắc nhất là trận đốt cháy tàu Esperance (Hy vọng) của Pháp trên sông Nhật Tảo năm 1861. Nhờ lập được một số thành tích, tháng 11.1861 ông được thăng chức Lại bộ Hữu thị lang.
Cái chết nhiều tiếc thương
Trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang diễn ra ác liệt, Đỗ Thúc Tĩnh đang gánh vác trách nhiệm nặng nề, nhiều kế hoạch chưa kịp triển khai, thì chẳng may ông qua đời tại Định Tường, hưởng dương 45 tuổi.
Về cái chết của Đỗ Thúc Tĩnh có nhiều tài liệu nói khác nhau. Quốc sử quán triều Nguyễn ghi: “Mùa hạ, tháng 4 (1862)... Lĩnh Tuần phủ Định Tường là Đỗ Thúc Tĩnh (người Quảng Nam đỗ Đồng tiến sĩ) mất, truy tặng hàm Tuần phủ. Thúc Tĩnh thấy Gia Định không giữ được, xin đi tuyên dụ vỗ về tướng sĩ, chiêu mộ dân binh để mưu khôi phục lại. Có chí nhưng chưa làm xong. Vua (Tự Đức) tiếc lắm! Lại cho thêm gấm Trung Quốc 1 cây, lụa 5 tấm, vải 10 tấm, bạc lạng 80 lạng và các lục dụng các con (Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo dục tr.767). Khi vua nghe tin ông mất đã than tiếc và châu phê: “Người ngay có tài chẳng may bị chết sớm, bộ máy nhà nước bị trở ngại, cũng nên biết vậy! Người mà không có tay chân giúp phỏng làm được việc gì đây. Chỉ biết nuốt nước mắt khóc mà thôi” (Đại Nam thực lục, tập 7, Nxb Giáo dục, tr.760).
Cũng có nhiều tài liệu lại cho rằng Đỗ Thúc Tĩnh tử trận khi chống trả cuộc tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha vào trung tâm Mỹ Quý.
Sau khi ông mất, vua Tự Đức phái khâm sai đến tận nhà thay mặt vua phúng điếu. Thi hài ông được đưa về an táng tại làng Hương Lam quê ông, nay là thôn 5 xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Mộ ông được xếp hạng di tích quốc gia năm 2007.
Đỗ Thúc Tĩnh đã thực hiện đúng sứ mệnh của một kẻ sĩ. Trong thời bình ông ra tài kinh bang tế thế để xây dựng đất nước, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Còn khi Tổ quốc lâm nguy, ông hăng hái cầm gươm xông trận, lập nhiều chiến công. Tiếc thay ông đã từ giã cõi đời quá sớm khi trọng trách chống ngoại xâm còn mang nặng hai vai.