Trần Cao Vân với đất võ

LÊ THÍ 03/09/2019 09:56

Trần Cao Vân (1866 - 1916) có nhiều năm dạy học và hoạt động cách mạng ở Bình Định. Khi ông mất nhiều người dân nơi đây vẫn tin là ông “bất tử” và có người còn “lén” tổ chức lễ giỗ cho ông!

Ngôi mộ chung của Thái Phiên - Trần Cao Vân ở Huế.
Ngôi mộ chung của Thái Phiên - Trần Cao Vân ở Huế.

Trần Cao Vân và vùng đất Bình Định

Suốt cuộc đời cách mạng của mình, Trần Cao Vân đã dành gần 20 năm để hoạt động ở vùng Bình Định - Phú Yên, từ 1892 - 1909.

Năm 1891, chùa Cổ Lâm (nay ở xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc)  - nơi Trần Cao Vân tu hành thường xuyên bị khám xét, ông đành bỏ chùa về làng Đại Giang mở trường dạy học và tại đây ông đã kết hôn với bà Võ Thị Quyền - người phụ nữ chung thủy và lao đao suốt đời với ông. Năm 1892, ông cùng vợ và đệ tử Nguyễn Nhuận (xã Soạn) vào Bình Định, vừa mở trường dạy học vừa làm nghề địa lý, vì nhận thấy nơi đây có núi rừng hiểm trở, đất đai màu mỡ, người dân giỏi võ lại đầy nghĩa khí, rất thuận lợi cho việc xây dựng nghiệp lớn, giải phóng dân tộc. Nhờ thuyết Trung thiên dịch, ông sớm nổi tiếng trong vùng, tiếng tăm của ông lan vào tận  Phú Yên. Thân chủ dần trở thành đồng đạo, môn đệ!

Tại Phú Yên, Trần Cao Vân kết giao với Võ Trứ - vốn là cựu đảng Cần Vương. Hai người tỏ ra tâm đầu ý hợp, cùng nhau bàn cách tổ chức lực lượng chống Pháp. Năm 1895, hai ông bắt đầu xây dựng lực lượng. Năm 1898, cuộc khởi nghĩa nổ ra. Dân binh được trang bị mác, rựa, cung tên, cả người Kinh lẫn người Thượng khởi nghĩa ở Đồng Xuân. Binh lính dưới quyền Võ Trứ và Trần Cao Vân  đánh chiếm sông Cầu, tỉnh thành Phú Yên. Người Pháp gọi đây là cuộc khởi nghĩa của thầy chùa hay giặc rựa.

Cuộc khởi nghĩa thất bại. Quân lính phải rút vào rừng ẩn trốn. Khi quân Pháp phản công, nghĩa quân dần dần tan rã. Võ Trứ phải nộp mình để cứu đồng nhân. Trần Cao Vân bị ốm nặng ẩn trong rừng, sau đó cũng bị bắt. Võ Trứ bị án tử hình, còn Trần Cao Vân bị giam 11 tháng ở ngục Phú Yên.

Sau khi ra tù ông về lại Bình Định tiếp tục dạy học và truyền “đạo” Trung thiên dịch. Đệ tử ngày càng đông. Chính quyền lo ngại nên lại bắt ông bỏ tù, kêu án xử chém nhưng sau đó trong triều thấy đạo của ông chỉ có tính mê tín chứ không can hại đến quốc sự, nên chỉ phạt tù 3 năm khổ sai, vợ ông và một số đệ tử bị xử 7 tháng đến 5 năm tù. Thân phụ của Trần Cao Vân ở Quảng Nam cũng bị liên lụy, nhà bị khám xét và bị phạt 40 đồng vì tội không dạy dỗ con.

Mãn hạn tù, Trần Cao Vân về lại Quảng Nam sống trong túp lều tranh do các môn đồ dựng lên ở cửa hậu thành tỉnh (Vĩnh Điện). Lúc này phong trào Duy tân đang phát triển rầm rộ. Tháng 2.1908 xảy ra cuộc kháng thuế và xin miễn xâu tại tỉnh Quảng Nam, Trần Cao Vân lại bị bắt  giam ở nhà lao tỉnh, vì bị nghi ngờ là có nhúng tay xúi giục. Tòa án Nam triều tỉnh Quảng Nam kết tội các thân sĩ là "hô hào dân trí cổ võ dân quyền" chính là mầm mống xúi dân làm loạn.

Ngày 8.8.1908, án lệnh được thi hành, nhiều thân sĩ bị đưa ra Côn Đảo, riêng Trần Cao Vân còn phải chờ điều tra bổ túc ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, rồi cũng bị kết án chung thân khổ sai đày ra Côn Đảo vào năm sau 1909.

Duyên nợ của ông với vùng đất Bình Định - Phú Yên vẫn chưa hết. Sau khi ông ra tù ở Côn Đảo năm 1914, môn đệ ở vùng này vẫn tiếp tục liên hệ với ông. Nhiều người trong số đó sau này tham gia cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội mà ông cùng Thái Phiên là những lãnh tụ hàng đầu.

Bất tử trong lòng người dân!

Phan Khôi trong bài Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế năm 1916 đăng trên Tạp chí Sông Hương các số 6, 7, 8 tháng 10 năm 1936 cho biết: “Trần tuy trở về mà không ở nhà, thường hay ở trong Bình Định - Phú Yên. Ở đó y có nhiều người tin theo. Mỗi khi Trần về làng ở ít lúc, thì họ kéo nhau ra thăm, mang cả tiền bạc ra tư cấp cho nữa”!

Ông cũng cho rằng, Thái Phiên mới là người vạch chiến lược của cuộc khởi nghĩa. Trần Cao Vân chỉ giữ vai trò quân sư. Thái Phiên tìm thấy ở Trần Cao Vân một người có nhiều “môn đồ”, nhất là ở vùng Bình Định - Phú Yên, sẽ là lực lượng hùng hậu và tiềm năng to lớn về tài chánh cho cuộc khởi nghĩa.

Nhà nghiên cứu Lê Duy Anh, trong bài Tiết phụ Võ Thị Quyền (phu nhân Liệt sĩ Trần Cao Vân) đăng trên Tạp chí Xưa & Nay (số 279, tháng 3/2003) cho biết: sau  khi Trần Cao Vân bị xử chém tại làng An Hòa  ngày 17.5.1916 gia sản bị tịch thu, vợ Trần Cao Vân đã đưa gia đình vào sinh sống tại tỉnh Bình Định. Có lần con bà hỏi tại sao không ở quê nhà để có được sự trợ giúp của nội ngoại, bà con họ hàng mà lại đưa các con vào đây. Bà tâm sự với con rằng: “Quê hương là đất tổ thiêng liêng, đó là nơi chôn nhau cắt rún, làm sao mẹ có thể rời bỏ được! Nhưng đối với mẹ, đất Bình Định được xem như là quê hương thứ hai, gắn bó với mẹ nhiều kỷ niệm buồn vui qua tình đồng bào, nghĩa sĩ dân cùng chiến hữu. Sở dĩ mẹ đến nơi ấy cũng là nhằm gợi nhớ lại hình ảnh của cha con vang bóng lúc sinh thời…”. Thật vậy, 3 năm sống tại đây bà Quyền cùng gia đình đã được sự đùm bọc che chở của người dân. Mãi cho đến cuối năm 1919 xảy ra vụ treo cờ ở Phù Mỹ, Phù Cát liên quan Trần Cao Phong, con trai của Trần Cao Vân, bà cùng 2 con lại bị giặc bắt giam cầm. Ở tù một năm thì giặc giải giao bà cùng hai con về Quảng Nam cho thân nhân, lúc đó bà mới chịu về sống hẳn ở quê nhà.

Còn cụ Cử nhân Hà Ngại, người “đồng hương” Gò Nổi với Trần Cao Vân (Hà Ngại người làng Na Kham, nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn) trong tác phẩm Khúc tơ đồng (Nxb Trẻ, năm 2014,) cho biết khi ông đến nhậm chức Tri huyện Phù Cát (Bình Định) nhiều năm sau cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội, qua tìm hiểu dân tình đã phát hiện ra một điều làm ông kinh ngạc: Người dân Phù Cát vẫn lén lút làm đám giỗ cho Trần Cao Vân; họ thường sắm sẵn lễ vật và viết văn tế, chờ đến nửa đêm mới bày ra cúng (để tránh sự theo dõi của Pháp).

Có người còn cho là cụ Trần Cao Vân vẫn chưa chết. Hà Ngại viết: “Còn có một nguồn dư luận chuyền riêng với nhau trong bóng tối: Cụ Trần “còn sống”. Và ông kết luận: “Tôi chưa thấy ở đâu mà quần chúng tôn thờ lãnh tụ đến như thế”! (trang 116).

Cái chết lẫm liệt đã làm cho Trần Cao Vân trở nên bất tử trong lòng nhân dân.

LÊ THÍ