Tú Quỳ, nhà thơ trào phúng Quảng Nam

CHÂU YẾN LOAN 13/08/2019 09:42

Tú Quỳ là nhà thơ hiện thực trào phúng xuất sắc của Quảng Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, cùng thời với Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở miền Bắc, Học Lạc, Nhiêu Tâm ở miền Nam.

Mộ Tú Quỳ.
Mộ Tú Quỳ.

Xuất thân

Tú Quỳ tên thật là Huỳnh Quỳ, hiệu Hướng Dương, sinh ngày 15.5 năm Mậu Tý (1828) tại làng Giảng Hòa, tổng Quảng Hòa, huyện Duy Xuyên (nay là xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc). Tú Quỳ xuất thân trong một gia đình có ông nội, cha và chú đều đỗ Tú tài. Thuở nhỏ Tú Quỳ theo học với cụ Tú Sáu tức cụ Tú Trần Thế Thận ở Phi Phú, Gò Nổi, Điện Bàn, một nhà Nho rất được người địa phương kính trọng. Năm 19 tuổi ông thi đỗ Tú tài, sau đó thi tiếp nhưng cũng chỉ đỗ Tú tài dù lần nào ông cũng đỗ đầu. Ông về quê vui với việc dạy trẻ và dùng văn chương bày tỏ lòng yêu quê hương đất nước, yêu nông dân nghèo, đả kích những thói hư tật xấu của xã hội và con người một cách thẳng thừng.

Ông qua đời tại quê nhà ngày 6.3 năm Bính Dần (17.5.1926), hưởng thọ 98 tuổi. Ông ra đi để lại niềm thương tiếc trong lòng mọi người, ngay cả những đối tượng bị ông đả kích mạnh mẽ cũng ngậm ngùi, kính trọng khóc ông bằng bốn chữ “Túc xưng quân tử” và tôn vinh ông là “Đại súy Đường”.

Tú Quỳ sống vào thời phong kiến suy tàn và thực dân xâm chiếm đất nước. Ông luôn mang nỗi đau mất nước, sự uất hận đối với bọn vua quan bù nhìn, cường hào ác bá bán nước cầu vinh, những kẻ lạm dụng chức quyền hà hiếp nhân dân. Ông dùng ngòi bút của mình để châm biếm, đả kích chúng bằng một giọng điệu khá cay độc, đả phá những hủ tục, những thói mê tín dị đoan và những kẻ lợi dụng sự mê muội của quần chúng để trục lợi, do đó thơ văn trào phúng của ông chiếm số lượng khá lớn và làm nên tên tuổi của ông.

Đả kích hủ tục, quan tham

Tú Quỳ không tin những phép màu của thần thánh và những kẻ khuất mặt có thể cứu nhân độ thế, cải tử hoàn sinh. Ông mỉa mai, đả kích, trào lộng thói mê tín dị đoan của quần chúng, dễ dàng tin theo những lời mê hoặc của bọn buôn thần bán thánh đến nỗi phải tán gia bại sản, tiền mất, tật mang trong các bài: Trả lễ thần làng, Cây đa thần, Phú ông Mốc...

Đây là hình ảnh hùng hổ của vị pháp sư trong bài Văn tế phù thủy của Tú Quỳ: “Ứm một tiếng hung thần đều khiếp, chi những loài ma chợ ma Chăm. Thổi một hơi yêu khí tan liền, chỉ khảy chút móng tay cũng đủ”. Từ đó Tú Quỳ nhận xét: “Người dường ấy mà pháp tài dường ấy, lẽ phải thân cung tráng kiện đương tứ vạn niên. Số về đâu mà sao hạn về đâu, xui nên hồn phách bất an mãn tam thiên số”. Cuối cùng ông mỉa mai: “Kìa kìa bát vạn thần binh, lục viên sứ giả, sao không thâu thủ sanh hồn? Hỡi hỡi Tề Thiên Đại Thánh, Thái Thượng Lão Quân sao chẳng hộ trì Pháp chủ?”. Pháp sư kia chết liệu ai cứu nổi?

Lợi dụng sự mê tín dị đoan của người dân, bọn cường hào dùng mọi thủ đoạn bịp bợm để bòn rút, buộc dân làng đóng góp tiền bạc, công sức tổ chức cúng tế để kiếm tiền bỏ túi. Sự kiện đó được Tú Quỳ đả kích trong bài Vịnh cây đa thần: “Lệnh trên phán xuống dám đâu rề rà! Giảng Hòa, Mỹ Lược, Giao Hòa. Việc chi cũng giữ chữ hòa kiếm ăn”.

Bản chất ích kỷ, vô nhân đạo của bọn hào lý được Tú Quỳ vạch trần trong bài Văn tế lý trưởng: “Ỷ thế cậy quyền mượn phép nước thu đa nộp thiểu. Ăn của dân của sự đã nhiều. Ăn của miếu của đình quá lắm...”.

Bài Vịnh hát bội Quảng Nam là bức hý họa hình tượng bọn bán nước hại dân vô học, bất tài cúi đầu thờ hai ông chủ: vua bù nhìn và thực dân, vênh váo hà hiếp, bóc lột nhân dân:

Nhỏ mà không học lớn làm ngang
Trống đánh ba hồi đã thấy quan
Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu
Vô buồng đứng dưới cặp ông làng....
...Tuy chẳng vinh chi nhưng cũng sướng,
Đã từng trợn mắt lại phùng mang”.

Suýt chết vì vạch trần tướng Nghĩa hội

Khi phong trào Nghĩa hội Quảng Nam do Tiến sĩ Trần Văn Dư phát động, Tú Quỳ sốt sắng chiêu mộ nghĩa binh. Đến lúc Trần Văn Dư bị thọ nạn, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu lên thay thế, ông vẫn phục vụ cho Nghĩa hội nhưng lúc bấy giờ có một số người đã lạm dụng quyền lực và uy tín của phong trào để hà hiếp nhân dân, do đó ông đã dùng ngòi bút của mình để đả kích và vạch trần. Tú Quỳ viết bài vè Đánh đạo phản đối những thành viên bất tài, cơ hội, thiếu đạo đức: “... Đạo ví chạy cời, Thất kinh trốn mất. Tướng chi lấc xấc, Tướng nghé tướng trâu,...”.

Nội dung của bài vè phản ánh trung thực hành động của một số thành viên tiêu cực của phong trào. Trong thời buổi mà mọi người không ai dám đá động đến những sai trái của các tướng lãnh Nghĩa hội, thì Tú Quỳ lại dám chỉ trích thẳng thừng những ông tướng say rượu, những ông tướng ghiền thuốc phiện, những ông tướng đố kỵ, xem sinh mạng của nhân dân không bằng cỏ rác: “...Tướng say nhào đầu, Tướng ghiền cố xác, Những là tướng lác, Đứng đám cho nhiều...”.

Tú Quỳ còn mỉa mai bọn này ngu dốt như trâu, bò, mèo, tôm, như loài cóc bẩn thỉu, đầu óc rỗng tuếch chỉ biết có miếng ăn trước mắt trong các bài Trâu già, Con bò, Con mèo, Con tôm, Con cóc... :

“Chắp miệng khoanh tay ngồi ngó tới
Vật gì bay tới đớp ăn chơi”.

Ông đả kích không e dè, khoan nhượng khiến những đối tượng bị chỉ trích vô cùng căm tức tìm cách hãm hại ông. Họ vu cho ông chống lại Nghĩa hội, phản bội cuộc đấu tranh chống xâm lược của toàn dân, bắt giam ông tại Tân Tỉnh và kết án tử hình. Nhờ sự sáng suốt, suy xét chín chắn, cụ Nguyễn Duy Hiệu đã hiểu được nhiệt tình yêu nước thương dân và tinh thần muốn xây dựng cho phong trào có được những người lãnh đạo tốt chứ Tú Quỳ chẳng có tội tình gì nên tha bổng cho ông và mời ông tham gia, giữ việc vận lương cho phong trào nhưng ông từ chối. Ông trở về tiếp tục dạy học và di chuyển khắp các tỉnh ở miền Trung.

Với bản chất dí dỏm, ưa trào lộng, Tú Quỳ còn sáng tác những bài thơ trào phúng để tạo nụ cười hồn nhiên lúc trà dư tửu hậu như các bài: Vịnh bà khách Xáng, Bỡn cô bán thuốc Bắc, Vịnh hộp quẹt, Không răng, Chuồng bồ câu, Vịnh ông tướng...

Sáng tác của ông gần gũi với quần chúng, ông không dùng những điển tích cầu kỳ mà dùng những từ ngữ, những cách nói rất bình dân, rất Quảng Nam. Đôi khi ông có dùng vài từ Hán, vài điển tích, nhưng đó là những từ và điển tích đã Việt hóa từ lâu nên ai đọc cũng hiểu.

Tú Quỳ là nhà thơ trào phúng xuất sắc có phẩm chất đặc thù - chất Quảng Nam. Sáng tác của ông là những viên kim cương lấp lánh bất chấp thời gian nhưng tiếc thay nó vẫn còn khuất lấp vì người đời biết đến chủ yếu bằng con đường truyền khẩu nên dễ bị tam sao thất bản và dần dần rơi vào quên lãng. Mong rằng các nhà nghiên cứu chú ý để làm sáng tỏ thêm một gương mặt đã làm phong phú cho dòng thơ văn trào phúng.

CHÂU YẾN LOAN