Xuân Quý - người mẹ kiên cường
Nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý (SN 1941 tại Hà Nội) là phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam. Theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, tháng 4.1968, Xuân Quý gửi đứa con gái mới tròn 16 tháng tuổi cho gia đình, vượt Trường Sơn vào Nam, tham gia lực lượng văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ.
Nhà văn Dương Thị Xuân Quý. |
Trong lá đơn xung phong vào Nam, Dương Thị Xuân Quý viết: “...Nguyện vọng tha thiết nhất của tôi là được xông vào những nơi chiến đấu ác liệt nhất để chiến đấu cho lý tưởng vinh quang của mình bằng tất cả sức lực và trí tuệ cao độ nhất…
...Nếu phải hy sinh tính mạng, tôi sẵn sàng, không một mảy may tính toán. Tôi không sợ chết, tôi chỉ sợ không xứng đáng để được chọn làm những nhiệm vụ vinh quang là hy sinh xương máu, hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam".
Nguyện vọng được vào miền Nam chiến đấu cháy bỏng là vậy, chị vào chiến trường như người lính thực thụ, gùi gạo, chống những đợt càn quyét của địch, vượt qua mọi hiểm nguy, chống chọi với những cơn sốt rét rừng và ghi lại những năm tháng ác liệt nhất, hào hùng nhất của nhân dân Quảng - Đà. Người phụ nữ Hà Nội chưa đầy tuổi 30 đó, không chỉ vượt được tất cả mọi thử thách của người lính vào chiến trường mà còn phải vượt cái thử thách lớn nhất đặt ra cho người mẹ là phải xa con - đứa con chỉ mới 16 tháng tuổi.
Yêu nước nên phải xa con
Yêu đất nước nên phải xa con vào Nam chiến đấu, nhưng khi được vào Nam, thì nỗi nhớ con của người mẹ trẻ, làm nên sức mạnh vô biên để nhanh chiến thắng kẻ thù để mau được về với con. Đó là sự cắt chia, đó mới thật là một nỗi đau, một sự hy sinh cao cả - cho cả hai mẹ con. Nhưng người mẹ ấy đã vượt lên được nỗi đau, như biết bao bà mẹ Việt Nam khác trong cuộc chiến đấu này. Trong thư viết cho người bạn thân, Xuân Quý kể: “Mình vào chiến trường giữa lúc chiến trường gặp nhiều khó khăn quá, nhưng mình rất mau “nhập chiến trường”. Ngoài nỗi nhớ Ly và Hà Nội ra, mình không sợ gì cả”.
“Bé Ly con yêu của cha/ con ở lại với bà/ mẹ cha ra mặt trận/ cha đi ngày con chưa đầy sáu tháng/ mẹ đi ngày con vừa đầy năm/ Cha mới tính thầm/ Nay con đã gần ba tuổi/ Giặc Mỹ dẹp chưa xong/ Cha chưa thể về con ạ/ Mẹ thì…/ Mẹ không bao giờ về nữa/ Mẹ không bao giờ về nữa”. (thơ Bùi Minh Quốc) |
Ngày 5.5.1968, trong Nhật ký Trường Sơn, bên dòng sông Xê Pôn, chị viết: “Sáng hôm nay Chủ nhật. Cho đến hôm qua vẫn không biết là mình đang sống đêm thứ Bảy. Nhưng sáng hôm nay thì biết, biết ngày Chủ nhật đang qua. Sáng nay, ở căn nhà gạch dưới dốc đê làng Mễ ấy, những bố, những mẹ của đám trẻ con sơ tán lại về mang cho chúng những chiếc bánh ngọt và những chiếc hôn. Còn Ly của chúng ta. Ly của chúng ta chẳng có bố về thăm, cũng chẳng có mẹ. Ly ngồi xổm trên gường nhặt rau với bà. Móng tay của Ly chắc dài và đen nhèm. Khổ thân con ta bao nhiêu. Muốn làm việc gấp bội lên để xứng đáng với sự hy sinh của con. Ly ơi, mẹ hứa, mẹ hứa sẽ bù đắp cho con bằng sự làm việc của mẹ. Con ơi, sáng nay mẹ đã vừa đi vừa khóc vì thương con. Mẹ khóc giữa hàng quân, người đi trước không nhìn thấy mẹ khóc, người đi sau không nhìn thấy mẹ khóc...”.
Nỗi nhớ thương con
“... Ly ơi, Ly truyền cho mẹ một sức mạnh ghê gớm. Sáng nay đi giữa rừng Lào, mẹ đã thầm hứa với con: Từ nay phải bắt đầu những trang viết. Phải có thật nhanh những sáng tác từ chuyến đi kỳ diệu này. Ly ơi, mẹ thầm hứa với Ly rằng mẹ sẽ vượt qua tất cả, sự vất vả, nỗi gian khổ, và những khó khăn... mẹ sẽ hết sức tranh thủ để có thể viết được ngay con nhé”.
Nhà văn Hồ Duy Lệ nói chuyện với thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Duy Thành về nhà văn Xuân Quý. Ảnh: QUẾ HÀ |
Ngày 9.6.1968, tại Trạm 64 Kông Tum: ...Hôm nay Bé Ly của chúng ta đầy 18 tháng rồi. Bé Ly ơi, con nói sõi rồi nhỉ?
Thế là con đã được một năm rưỡi. Ly đã lớn, Ly đã biết gọi "ông, bà”, đã biết chạy đi chơi với chị Liên. Chắc bây giờ Ly của mẹ đang ở Hà Nội, mẹ tin như thế. Ly mặc chiếc áo hoa cổ lá sen tay bồng mẹ may cho và đi chơi cả ngày. Không, con gái của mẹ sẽ chẳng gặp điều gì bất hạnh đâu. Và chính con, con đã phải chịu cái điều bất hạnh lớn nhất trong đời con là phải xa mẹ và bố quá sớm… Lúc nào mẹ cũng nghĩ về con với niềm tự hào vô hạn...”.
Ngày 9.8.1968, chị ghi nhật ký cho con, khi bị sốt rét nặng: “Ly con ơi. Mẹ bị ốm nặng lắm, nhưng vẫn giở tất cả các ảnh của con ra ngắm nghía. Chắc bây giờ con lớn hơn một chút rồi. Con đã 20 tháng đấy. Mẹ nhớ con trong cơn sốt mê man. Mẹ mơ thấy mẹ ở 195 Hàng Bông và chuẩn bị vào trường 105 để đi B...
... Bé Ly yêu thương của Mẹ! Thế là mẹ vào chiến trường tròn một tháng. Mẹ đã trải qua những gian khổ cơ bản. Gùi, cõng, di chuyển, đào hầm, đói, thiếu rau, B52, sốt rét... Ôi, cái thứ sốt mới đáng sợ làm sao. Nó chỉ rét nhôn nhốt nhưng nhức đầu và đau xương kinh khủng lắm con ơi. Ghê gớm nhất là nỗi nhớ, mẹ nhớ Ly, nhớ ông bà và các bác, nhớ 195, nhớ Hà Nội và bạn bè của mẹ.
Ly của mẹ! mẹ báo một tin để con mừng nữa là ngày hôm nay mẹ bắt đầu làm người cán bộ của Tiểu ban văn nghệ Ban Tuyên huấn khu 5, chính thức làm người lính của lực lượng văn nghệ giải phóng... Hôm nay... bắt đầu từ hôm nay... Ly, bé Ly yêu dấu của mẹ ơi! Hôn con, hôn con, hôn con”.
Ngày mẹ con xa nhau
Nhân ngày con gái đầy 2 tuổi (ngày 9.12.1968) chị viết “Bài thơ tặng con: Buổi ấy bên rặng tre/ Thơm má con nhè nhẹ/ rồi tôi bước lên đê/ con bỗng kêu “mẹ! mẹ!.../ Ôi tiếng con bập bẹ/ Biết gọi mẹ lần đầu/ lại là ngày tạm biệt/ ngày mẹ con xa nhau/ Lòng tôi chợt quặn đau/ Mắt tôi mờ bóng khói/ ngoảnh nhìn về phía sau/ con vẫn như đang gọi/ Thương con vừa đầy tuổi/ Đã xa cả mẹ cha/ Đêm đêm trong giấc ngủ/ vắng mẹ ôm cổ bà...”.
Ngày 15.12.1968, chị nhận được thư nhà, biết bé Ly đã nói được 2 tiếng một, và biết trả lời: Bố đâu? Đi Nam. Mẹ đâu? Đi Nam.
Chị viết: "Ôi, thương Ly vô hạn. Cứ nghĩ vậy mình lại khóc. Khổ thân con quá. Đời nó có cái mốc thật kỳ lạ. Đẻ ra vừa biết cười là bom đạn. Vừa biết cười lên tiếng là xa bố, vừa nhú răng là sơ tán. Vừa biết gọi mẹ là xa mẹ và vừa biết nói hai tiếng thì nói “Đi Nam”".
Bao nhiêu gian nan nguy hiểm nữ nhà văn - nhà báo - chiến sĩ này đều vượt qua, chỉ nỗi nhớ con là nặng trĩu hằng đêm. Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết những câu này tặng vợ: “Anh hiểu lắm em ơi/ Một người mẹ lên đường ra trận/ Vượt đỉnh Trường Sơn/ Còn dễ hơn/ Vượt qua nỗi nhớ con thăm thẳm”.
Đêm 8.3.1969, Dương Thị Xuân Quý hy sinh khi cùng du kích xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên) tìm đường thoát khỏi vòng càn quét của địch. Chị hy sinh, đồng chí của chị đều ở xa, không ai nghe được lời nói cuối cùng của chị khi ngã xuống. Nhà văn Nguyên Ngọc đã nghĩ rằng: “Tôi cứ tin lời cuối cùng của chị là một tiếng gọi: Con!”.
Giới thiệu tác phẩm và dâng hương tưởng niệm nhà văn Dương Thị Xuân Quý Nhân kỷ niệm 50 năm nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý hy sinh (8.3.1969 - 8.3.2019), chiều qua 7.3, gia đình nhà văn Dương Thị Xuân Quý tổ chức giới thiệu tác phẩm “Dương Thị Xuân Quý - Nhật ký chiến trường” do Nhà xuất bản Văn hóa - văn nghệ TP.Hồ Chí Minh tái bản lần thứ 4 tại Gallery Vũ Trọng Thuấn (Sơn Trà, Đà Nẵng). Đông đảo văn nghệ sĩ và bạn bè thân hữu của gia đình nhà văn Dương Thị Xuân Quý tham dự buổi ra mắt. * Sáng cùng ngày, tại thôn Thi Thại (xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên), Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Nam, Ban liên lạc Văn nghệ sĩ - Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ, Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Quảng Nam và gia đình tổ chức lễ viếng, tưởng niệm 50 năm ngày nhà văn - nhà báo Dương Thị Xuân Quý hy sinh. Dự lễ tưởng niệm còn có các thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Duy Thành - đơn vị nhận chăm sóc phần mộ nhà văn Xuân Quý. Sau phần dâng hương tưởng niệm, những người có mặt tại buổi lễ đã cùng ôn lại những kỷ niệm, những câu chuyện về cuộc đời và cống hiến của Dương Thị Xuân Quý với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung và với văn chương cách mạng nói riêng. Đại diện gia đình nhà văn Xuân Quý cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam, với thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Duy Thành đã thường xuyên viếng thăm, dành thời gian chăm sóc phần mộ nhà văn suốt nhiều năm qua; nhất là gia đình anh Võ Bắc - người đã hiến đất xây mộ và bia tưởng niệm nhà văn. Cũng tại lễ tưởng niệm, nhà văn Hồ Duy Lệ - nguyên Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật Quảng Nam và là bạn văn, đồng chí với nhà văn Xuân Quý đã có cuộc nói chuyện với các thầy cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Duy Thành về tinh thần làm việc, chiến đấu và hy sinh của nhà văn Xuân Quý. (BẢO LÂM - BẢO ANH) |
HÀ AN