Chu Thuấn Thủy đến Đàng Trong

CHÂU YẾN LOAN 02/03/2019 03:21

Học giả Quán Chi Đào Trinh Nhất nhận xét về việc Chu Thuấn Thủy đến Đàng Trong: “(Người nước ta) tiếc một ông thầy chân Nho đến ở nhà mình 12 năm ròng rã mà nhà Nho mình thuở ấy không ai biết lợi dụng khải phát được điều gì, để cho ông thầy đâm chán, đem theo cái đạo học cao xa đi xứ khác mất” (Quán Chi - Bài giới thiệu về Chu Thuấn Thủy - tr.14).

Di tượng Chu Thuấn Thủy.
Di tượng Chu Thuấn Thủy.

Danh nho lưu lạc

Chu Thuấn Thủy tên thật là Chi Du, hiệu là Thuấn Thủy, người Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang, sinh năm 1600 dưới thời Vạn Lịch nhà Minh. Vì chán cảnh quan trường thối nát, từ khi còn trẻ, ông đã nuôi chí giúp đời, không chịu đi thi, chỉ theo thầy đọc sách ở Tùng Giang phủ (Nam Kinh) nhưng tài học của ông được nhiều người biết và kính trọng. Từ 1646 đến 1658, ông đã từ Chu Sơn Chiết Giang bôn ba sang Đàng Trong ít nhất 5 lần với mục đích tìm cách yểm trợ cho phong trào “Bài Thanh phục Minh” ở miền Nam Trung Quốc. Trong những lần đó, thời gian Chu Thuấn Thủy lưu trú lâu nhất khoảng 4 năm từ 1654 - 1658 và ông đã viết cuốn hồi ký “An Nam cung dịch kỷ sự” kể về những sự việc xảy ra trong khoảng hai tháng rưỡi từ khi ông bị quản thúc tại Hội An ngày 3 tháng 2 Âm lịch (tức ngày 17.3.1657), sau đó ông được chuyển ra phủ Chúa ở Dinh Cát (nay là huyện Triệu Phong, Quảng Trị) cho đến khi được thả về lại Hội An vào ngày 21 tháng 4 Âm lịch (tức ngày 2.6.1657) dưới thời Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687).

Trong “An Nam cung dịch kỷ sự” ông kể lại: nhận được hịch chiêu mộ người “biết chữ” của Quốc vương, Chu Thuấn Thủy ra trình diện ngày 3.2.1657, ông bị bắt mà “không có lấy một lời giải thích vì sao”. Khi biết ông chỉ là “cống sĩ” (trưng sĩ) không có khoa danh gì, các quan liền tỏ thái độ xem thường ông. Ngày 8.2, ông được đưa đến Dinh Cát để gặp Quốc vương.

Ngày yết kiến Quốc vương, “tất cả văn võ đại thần tụ tập ở mái phải của cửa chính, ngoài ra lính gác có vài ngàn người tay cầm đao, cung kính xếp thành hình tròn”. Đến trước chúa ông trình tấm danh thiếp, sau đó viết thêm vào hai chữ “đốn thủ” (kính cẩn cúi đầu). Các người đồng sự với ông tất cả đều lạy duy chỉ có ông là chắp tay chào. Quan hầu đứng cạnh chúa thấy ông chỉ viết mà không chịu lạy bèn dùng gậy viết lên cát chữ “bái” (lạy đi!). Ông mượn gậy viết lên trên chữ “bái” một chữ “bất” tức là “bất bái” (không lạy). Quan hầu nắm tay áo ông bắt ông lạy, ông gạt tay ra. Chúa giận lắm ra lệnh người hầu cầm trường đao lôi ông ra ngoài. Các quan văn võ cũng nổi trận lôi đình bảo ông “cậy thế Trung Quốc là nước lớn khinh thường nước nhỏ”, xin chúa đem ông ra chém.

Sau đó Quốc vương mật sai người vào Hội An nhiều lần để điều tra xác minh lời khai của ông có đúng sự thực không. Khi biết rõ là ông không có tội tình gì, các quan trong phủ Chúa mới bỏ ý định giết ông. Ngày 19.2 ông được thư của chúa Hiền mời ông ra giúp, nhưng ông từ chối vì chúa không đáp ứng được điều ông mong muốn như ông đã từng nói: “Đại vương tình cờ được một kẻ sĩ đến đây, nhưng không bàn luận được về chuyện đại sự quốc gia thiên hạ mà chỉ có nói đến một chuyện nhỏ nhoi là lạy hay không lạy… Nếu Đại vương biết đãi sĩ thì tiếng tốt sẽ để lại muôn đời, nhưng Đại vương lại không biết nghĩ đến tiếng tốt nên mới trách tôi là không lạy… Du giữ lễ mà chết thì có chết cũng không ân hận” (tr.38). Tuy vậy ngày hôm sau (20.2) ông đã nhận viết thay chúa bài hịch “Đại An Nam Quốc vương thư” (Thư viết thay cho An Nam Quốc vương) kêu gọi nhân tài ra giúp để chống lại quân giặc (quân Trịnh).

Khi ông được thả về lại Hội An thì đồ đạc trong phòng đã bị kẻ trộm lấy sạch, ông lại bị thổ huyết nặng, suýt mất mạng. Mãi đến mùa hè năm sau (1658) ông mới hồi phục rồi theo tàu buôn sang Nagasaki. Chu Thuấn Thủy đã đem sở học đóng góp vào việc truyền bá Nho học ở Nhật. Ông mất năm 1682, mộ của ông đến nay vẫn còn ở huyện Ibaragi (Mito-han ngày trước), bia mộ có đề “Minh Trưng quân tử Chu Tử mộ” (Mộ của Chu Tử, người quân tử được nhà Minh vời ra giúp) đúng theo nguyện vọng của ông từ khi còn bôn ba ở Việt Nam.

Bài học về trọng dụng nhân tài

Chu Thuấn Thủy đặc biệt chú trọng lối học thực hành (thực học) theo truyền thống Nho học của miền Giang - Chiết ( Giang Tô - Chiết Giang). Ông xem những lối học không mang lại lợi ích cho đời dù có hào nhoáng đến đâu cũng vô dụng. Trong thư viết từ biệt chúa Hiền ngày 21.4 ông nói:  “Theo ý Du, Ngũ kinh, Tam sử, Thất quốc, Lục triều nay không cần gấp… Những sách này hoặc là từ và ý quá sâu sắc, hoặc là học vấn quá thâm nguyên, hoặc là luận bàn ngang dọc, riêng rẽ, hay tổng hợp để nói lên bản sắc riêng, hoặc là lời lẽ nguyệt lộ phong tuyết quá văn hoa”. Và ông nhấn mạnh: “Từ dưới lên trên phải học, tốt nhất là học cái gần nhất”.

Người Nhật đã sớm nhận chân tài năng của Chu Thuấn Thủy nên trọng đãi ông ngay lúc mới sang khiến cho ông cảm kích mà tự nguyện hiến dâng sở học của mình. Mitsukuni đã viết về tinh thần thực học của ông như sau: “Cái học của tiên sinh nhấn mạnh về kinh bang tế thế. Giả thử nếu cần biến một vùng đất hoang thành phố thị, phải tập hợp sĩ nông công thương, thì một tay tiên sinh có thể cáng đáng để xây dựng nên phố thị. Thay vì thi thư lễ nhạc, tiên sinh thích nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc về cách canh tác ruộng nương và cách xây dựng nhà cửa, cách làm rượu, làm tương… Tiên sinh có thể dạy người ta bất cứ loại gì”.

Trong khi đó 12 năm sống ở Đàng Trong, tài năng, sở học của ông đã không được các quan lại đánh giá đúng thực chất mà còn gây cho ông lắm chuyện phiền hà, có lúc còn quản thúc ông và bệnh tật làm ông suýt chết khiến ông chán nản, hụt hẫng bỏ Hội An sang Nagasaki.

Chúa Hiền không dùng được Chu Thuấn Thủy có thể do nhiều điều kiện khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chính vẫn là chúa Hiền và quan lại nhà Nguyễn không biết trọng dụng ông ngay từ đầu. Mặc dù sau đó, chúa có viết thư mời ông ra giúp nhưng đối với ông đã quá muộn. Chúa Hiền là một vị chúa siêng năng cần mẫn, làm việc suốt ngày đêm, quên ăn bỏ ngủ, không màng yến tiệc, vui chơi để lo việc nước. Chúa đã lập những chiến công hiển hách, nhưng tiếc thay trong việc dùng người chúa lại thiếu quyết đoán.

Trong sớ tâu lên Giám Quốc Lỗ Vương, Chu Thuấn Thủy viết: “Quốc vương muốn khuất phục thần nhưng lại sợ tổn thương danh vọng, muốn chấp nhận thần nhưng trong bụng hổ thẹn với quần thần, nên cam tâm để mất người, vậy làm sao biết cách lễ sĩ (dùng người có tài từ bên ngoài như Chu)? Do đó Quốc vương đâm ra lưỡng lự nghi ngờ, không quyết định được” (tr.66). Giá như chúa Hiền đãi ngộ Chu Thuấn Thủy ngay từ khi mới gặp như chúa Sãi đối với Đào Duy Từ, đừng câu nệ những thủ tục phiền hà thì đâu đến nỗi ông phải bỏ Đàng Trong để sang Nhật Bản. Hiềm vì chúa và các quan lại chỉ xem ông như một người “biết chữ”, muốn dùng uy quyền để khuất phục ông mà không biết lấy lễ để chinh phục hiền tài như Lưu Bị “tam cố thảo lư” cầu Khổng Minh, vì thế đã đánh mất cơ hội quý báu cho Đàng Trong canh tân xứ sở.

CHÂU YẾN LOAN

CHÂU YẾN LOAN