Mỗi năm gọi một lần xuân
Ông Lê Đào, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), có lẽ là người hiếm có, khó tìm. Ở tuổi 93, ông vẫn đảm trách Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Hàn Giang và vẫn tiếp tục cho ra đời những bài thơ tình lãng mạn, ngọt ngào.
Nụ cười ở tuổi 93. Ảnh: H.V |
Bên dòng Sangker
Tôi biết ông từng là Trưởng đoàn chuyên gia của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) sang Campuchia giúp bạn ngay sau khi giải phóng (1979). Ở tuổi 93, giọng ông vẫn sang sảng, lối nói dí dỏm, hài hước, trí nhớ minh mẫn.
Bốn mươi năm trước, Quảng Nam - Đà Nẵng được giao giúp tỉnh Battambang xây dựng lại cuộc sống mới. Vậy là đoàn chuyên gia gồm 20 người gồm cán bộ chủ chốt các sở ngành dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đào đã dồn tâm huyết cho nhiệm vụ quốc tế suốt 3 năm. Tiếng là đi làm chuyên gia mà lương của anh em chẳng hơn ở nhà là bao, nhưng không một ai thoái thác trách nhiệm. Battambang sau giải phóng, tàn quân Pol Pot rút vào rừng núi, vùng ven nhằm lén lút gài mìn, tập kích nên an ninh luôn được siết chặt ngày đêm. Để sâu sát cơ sở, không quản hiểm nguy đến tính mạng, đoàn chuyên gia có những chuyến đi về các nơi từng là sào huyệt của bọn Pol Pot, nghiên cứu làm đập thủy lợi, mở thêm trường học, trạm y tế. Sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Quảng Nam - Đà Nẵng đã được bạn đánh giá cao và ghi nhận.
Nhớ cái tết đầu tiên trên đất bạn, ông Lê Đào bồi hồi: “Nghĩ lại thương anh em. Đang ở nhà đầm ấm với vợ con, có đèn điện, giao thừa có bánh trái đủ loại, qua bên ấy thiếu thốn trăm bề. Giúp mọi người vui, tôi bày trò hái hoa dân chủ, đố vui có thưởng khiến tất cả phải động não. Thế mà hào hứng lắm. Cái máu văn nghệ tiềm ẩn lâu ngày, bỗng dưng được “khai quật”. Sau này nhiều người vẫn nhắc mãi cái tết ấy”. Như động đến ký ức, ông lấy ra tập thơ “Tình ca quê nội” giấy đã cũ. Trong bài “Chung một nỗi niềm” ông viết tặng những người vợ trẻ ở Việt Nam: “Ở đây gian khổ nào sợ khổ/ Chỉ sợ em nhà vất vả thôi/ Thanh bình sẽ dứt trời giông tố/ Hạnh phúc thêm nồng vạn lứa đôi”. Bài thơ “Trên dòng Sangker”, ông sáng tác khi về Pailin, nơi có mỏ kim cương lớn nhất Campuchia. Giữa hoang tàn của vùng đất mới giải phóng, ông vẫn thấy dòng sông chảy xuyên suốt Battambang lãng mạn vô cùng: “Khăn cà ma đỏ rực. Ai đưa vàng về đây/ Em khoát nhẹ lòng tay/Kim cương chìm đáy nước/Cháy lòng anh ngọn đuốc/Soi sáng nhìn bóng sông…”. Ông dừng lại đột ngột giữa những câu thơ: “Tôi chuyên về kinh tế, từng làm Cục trưởng ở Bộ Công nghiệp nặng, rồi Giám đốc Sở Công Thương, Sở Xây dựng tỉnh mấy nhiệm kỳ. Qua bên đó làm việc với bạn cũng chỉ toàn nói chuyện bắc điện, xây nhà máy, chữa bệnh cho dân. Nhưng cái đẹp vẫn là hình tượng của thơ. Ngày ấy tôi luôn tin Battambang sẽ phát triển rất nhanh như ánh vàng trong tay cô em gái khỏa nước mặt sông”. Năm 2015, trở lại Campuchia, ông càng thêm tự hào về những hy sinh to lớn của quân tình nguyện Việt Nam và đội ngũ chuyên gia trong đó có ông đã góp một phần công sức xây dựng đất nước Chùa Tháp hồi sinh.
Vẫn một tình yêu
Tấm thẻ Đảng của ông Lê Đào khá đặc biệt khi kết nạp ngày 1.2.1943 nhưng đảng viên chính thức là năm 1945. Hỏi vì sao kéo dài đến vậy, ông cười: “Không phải chậm tiến đâu. Tôi được kết nạp Đảng khi đang là học sinh cấp 2 trường Chấn Thanh Đà Nẵng. Bị bắt ngay sau khi kết nạp, giam ở Hỏa Lò, Hà Nội cùng với các anh Nguyễn Sỹ Huynh sau này là Thiếu tướng Công an và giáo sư Hoàng Châu Ký. Đến Cách mạng Tháng Tám, tôi mới được tự do, vì thế thời gian thử thách tính cả khả năng chịu đựng, ý chí bất khuất trong tù”.
Tham gia cách mạng từ tuổi 15, là cán bộ tiền khởi nghĩa, lý tưởng cộng sản là mạch nguồn chảy mãi trong ông gần 80 năm qua. Ông viết trong bài thơ “Đảng và mùa xuân”: “Mỗi năm gọi một lần Xuân/ Mỗi năm tiếng Đảng bao lần gọi ta/ Xuân về thêu một mùa hoa/ Đảng về dệt vạn bài ca kết đoàn”. Ông khoe đến nay đã in được 10 tập thơ riêng, còn in chung với các bạn thơ trong câu lạc bộ thì không tính hết. Bình quân cứ 4, 5 năm ông in một tập. Ông tự nhận thơ mình mộc mạc, không cầu kỳ cao xa. Khiêm tốn vậy, nhưng đọc thơ ông mới thấy một tâm hồn dạt dào cảm xúc như tuyên ngôn của ông: “Trời sinh con mắt để nhìn/ Bàn tay cũng biết đi tìm bàn tay”.
Rời TP.Đà Nẵng về sống ở Duy Trinh (Duy Xuyên) đã lâu nhưng ông vẫn đảm đương chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Hàn Giang Đà Nẵng hơn 20 năm nay. Đó là chưa kể ông mới bàn giao chức Chủ tịch Hội Tù yêu nước thành phố sau mấy thập kỷ đảm đương. Hàng tháng ông lại bắt xe buýt ra sinh hoạt câu lạc bộ thơ. Có thời điểm ông vào ra liên tục xin các nhà tài trợ làm kinh phí cho câu lạc bộ gần 100 hội viên. Năm nay khi đã 93 tuổi, ông vẫn “tả xung hữu đột” không thiếu vắng một cuộc gặp mặt hay buổi giao lưu nào, kể cả ở Thừa Thiên Huế. Có khi sáng ra, trưa về; đầu giờ chiều ra, xế về lại Duy Xuyên. Hỏi tuổi đã già rồi, sao ông vẫn còn làm thơ tình, ông cười hóm hỉnh: “Lãng mạn là tôi lấy từ niềm vui sống với đời, tấm lòng vui vẻ với người, cảnh đẹp của đất nước, quê hương làm nguồn cảm hứng”. Dồn tâm sức cho quỹ khuyến học Tân Tân của xã, ông lặn lội đi khắp nơi vận động hàng trăm triệu đồng, đứng ra trao quà phát thưởng hàng năm cho học sinh. Giọng ông vẫn còn sang sảng, cuốn hút khi nói chuyện với các cháu thiếu nhi.
“Càng làm, càng khỏe”, cán bộ lão thành Lê Đào quả là tấm gương truyền năng lượng sống tích cực cho lớp trẻ.
HỒNG VÂN