Ông Ích Khiêm: "Thiếu niên đăng khoa cao"

LÊ THÍ 06/01/2019 01:16

Ông Ích Khiêm (1832 - 1884) là nhân vật đặc biệt của Quảng Nam. Lâu nay nhiều người chỉ biết ông như một danh tướng với nhiều chiến công lẫy lừng và với tính tình ngang bướng, nhưng lại ít để ý đến thành tích tuyệt vời về khoa bảng và tài thơ văn của ông!

Lăng mộ Ông Ích Khiêm ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Lăng mộ Ông Ích Khiêm ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.

Khoa thi đặc biệt

Khoa thi Hương năm 1847 ở trường thi Thừa Thiên là một khoa đặc biệt trong khoa cử triều Nguyễn.

Đáng lý đây là chỉ là ân khoa vì thi không đúng theo lệ 3 năm một lần mà là khoa thi liền sau khoa thi Hương năm 1846 và cùng năm với khoa thi Hội. Sở dĩ như vậy vì năm 1846 là năm “tứ tuần đại khánh” của vua Thiệu Trị (1807 - 1847) nên tất cả khoa thi đều được cho là ân khoa. Sách Quốc triều Hương khoa lục của Cao Xuân Dục nói về khoa 1846: “Nhân dịp tứ tuần đại khánh của vua nên mở ân khoa, tăng số lấy đậu, chính khoa thì triển hạn năm sau”. (Nxb Lao động, 1992, tr.235). Mặt khác từ khoa này Thiệu Trị ra lệnh cho nâng số người đỗ lên 50 người (thay vì 38 người như quy định cũ) vì “kinh sư là đất đứng đầu tất cả” và “gần đây văn phong ngày một chấn khởi, sĩ số lại nhiều thêm lên”. Tuy nhiên các khảo quan cũng chỉ chọn được có 46 người.

Khoa này, được vinh dự đón vua Thiệu Trị ngự giá đến ngự lãm một số bài thi, một điều rất hiếm đối với các khoa thi Hương. Sách Đại Nam thực lục viết: “Vậy các quan tư xem  ngay bên ngoài trường chỗ nào cao ráo rộng rãi, dựng vọng lâu đến kỳ đệ nhị ta sẽ thân đến coi… Truyền chỉ cho quan trường đợi sau khi chấm quyển xong, chọn những quyển văn có thể xem được, lấy dăm ba quyển phong kín tiến lãm” (tr.1043).

Đề thi do Chánh chủ khảo Đỗ Quang ra: “Cúc thủy nguyệt tại thử” (Vốc nước trông thấy mặt trăng ở lòng bàn tay) bị nhà vua và các đại thần… chê, dù Đỗ Quang là tiến sĩ (đỗ khoa 1832) và đang giữ chức Tham tri bộ Lễ. Đọc đề thi vua Thiệu Trị cho rằng: “Đó là cái hư huyễn rất khó làm ra bài. Không biết sĩ tử cấu tứ thế nào cho hay” và “Chủ khảo Đỗ Quang cũng không biết làm thơ dù cho chính tay y làm, chưa chắc đã hay huống chi sĩ tử”. Còn Trương Đăng Quế thì bảo: “Đề bài ấy dầu sĩ tử ở ngoài đến 2 - 3 ngày làm cũng không đủ khả quan được” (Đại Nam thực lục, quyển 6, tr.1043, 1044).

Đối với Quảng Nam, khoa thi này lại càng đặc biệt: Quảng Nam có đến 9 người đỗ, chiếm 20% số người thi đỗ của cả trường Thừa Thiên, một tỷ lệ khá cao. Đây cũng là khoa có “ngũ phụng” của Duy Xuyên (5 người cùng đỗ), trong đó có “tam phụng” (3 người cùng đỗ) của làng Bàn Thạch (nay thuộc xã Duy Vinh), gồm: Nguyễn Lập (Bàn Thạch), Dương Thế Tuyển (Bàn Thạch), Võ Thành Doãn (Bàn Thạch), Trần Minh Hướng (Mậu Hòa) và Biện Thế Vĩnh (An Dưỡng). Lại có thí sinh nhỏ tuổi nhất của khoa và có lẽ của lịch sử khoa cử nhà Nguyễn thi đỗ. Đó chính là Ông Ích Khiêm, chỉ mới 15 tuổi, người mà sau này trở thành một nhân vật lịch sử đặc biệt với nhiều giai thoại độc đáo.

Một người “thừa văn, quá võ”

Ông Ích Khiêm xuất thân là một văn quan, thời thế biến ông thành võ tướng. Tuy nhiên sự nghiệp quân sự của ông quá sức lẫy lừng nên ít người nhắc đến thành tích khoa cử và sự nghiệp văn chương của ông. Đó là một điều đáng tiếc!

Về chuyện thi đỗ của Ông Ích Khiêm trong khoa thi năm 1847, sách Đại Nam thực lục cho biết: “Có cử nhân Ông Ích Khiêm, mới 15 tuổi, người Quảng Nam. Vua xem danh sách bảo thị vệ đại thần là Nguyễn Đức Hoạt rằng tú tài các khóa đều có người già về trường ốc, một chàng tuổi trẻ kia sao dễ vậy. Sai đòi ngay Ông Ích Khiêm đến xứ Thị vệ, ngự ra bài thi, đầu đề một bài thơ luật là Thiếu niên đăng khoa cao (tuổi trẻ đỗ cao). Đến khi quyển dâng lên vua nói: “Tuổi trẻ hơi có tài, tuy ý thơ chưa thông hoạt cho lắm. Có thể lấy được. Có điều tuổi còn ít chưa thể cho ra làm quan, làm hại cả tư chất tốt. Hãy chuẩn cho về quê học tập đợi sau trưởng thành tiến lên cũng chưa lấy gì làm trễ” (tr.1044).

Rất tiếc là hiện nay không tìm được nguyên văn bài thơ của Ông Ích Khiêm dâng lên Thiệu Trị lần đó, chỉ biết trong bài có hai câu:

Đắc lộ giai anh tuấn
Hà tài đáp thánh minh

Tạm dịch:
Thanh niên gặp buổi tiến lên
Có tài gì để đền bù thánh minh!

Nghe nói khoa này cả hai chú cháu Ông Ích Khiêm đều đi thi. Người chú tên Ông Ích Trị là người học giỏi có tiếng trong vùng, cũng là “thầy học” của cháu. Lần đó Ông Ích Trị đi thi là chính, dẫn Ông Ích Khiêm đi thi chỉ để “cho cháu quen dần với trường thi”. Không ngờ cháu lại cực kỳ vinh hiển còn chú thì… hỏng. Thế mới biết chuyện học tài thi phận ngày xưa.

Bên cạnh thành tích độc đáo về khoa cử, xin giới thiệu hai trong số nhiều bài thơ còn lưu lại của Ông Ích Khiêm để thấy ông là một nhân vật “thừa văn, quá võ”.

Bài thứ nhất, cũng là bài thơ cuối cùng trong đời của ông khi bị giải vào Bình Thuận và sau đó chết trong ngục. Cái hay của bài thơ là thể hiện được tính cương cường, bất khuất trước nghịch cảnh mà ông gánh chịu do thời thế gây nên và cái độc đáo của bài thơ là mỗi câu thơ sử dụng một con vật với tập tính tiêu biểu của nó:

Mình ốc mang rêu rửa sạch ai,
Rung cây nhát khỉ thói quen hoài.
Mèo quào phên đất chi khờn sức,
Sứa vượt qua đăng mới gọi tài.
Cậy mạnh chớ quen rờ dái ngựa,
Mình cao đừng ỷ đứng đầu voi.
Truông qua chứa khỏi đừng khinh khái (cọp)
Chim xổ lồng ra để đó coi!

Bài thứ hai làm khi ông đang giữ chức Tiểu phủ sứ ở Tuyên Quang, đang chống nhau với giặc Tàu. Bị quân triều đình nhà Thanh đánh gấp, quân của tướng Ngô Côn tràn sang vùng núi phía bắc nước ta, triều đình Huế phải đưa một loạt quan tướng lên chống đỡ, lại mở cửa để cho quân nhà Thanh vượt biên giới sang tiễu trừ tàn quân của Ngô Côn và chấp nhận lấy lương thực, tiền bạc của dân nuôi cánh quân nhà Thanh này. Nhìn thấy bọn quan quân Tàu “nghênh ngang” ông làm bài thơ chê trách bọn quan “bất tài vô tướng” của triều Nguyễn và cảnh báo triều đình về “hậu họa Tàu” đối với chủ trương “mở cửa” này.

Áo chúa cơm vua đã bấy lâu,
Đến khi có giặc lại thuê Tàu,
Từng phen võng giá mau chưn nhảy,
Đến bước chông gai thấy mặt đâu!
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu!
Ai ơi! hãy chống trời Nam lại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu!

Chỉ cần hai bài thơ thôi hậu thế đã biết khí phách, tấm lòng và tài năng của ông. Ông xứng đáng là vị cử nhân trẻ tuổi nhất của đất học Quảng Nam, một người “văn võ song toàn” hiếm thấy!

LÊ THÍ

LÊ THÍ