Hồ Học - Chiến tướng Nghĩa hội
Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền và nhân dân huyện Hòa Vang (bấy giờ thuộc tỉnh Quảng Nam) đã làm lễ “phá xiềng” cho ngôi mộ của Lãnh binh Hồ Học ở làng Vân Dương (nay là thôn Vân Dương, xã Hòa Liên), một liệt sĩ của phong trào Cần vương.
Mộ Hồ Học. |
Liệt sĩ của phong trào Cần vương
Hồ Học (còn gọi là Hồ Như Học), sinh năm 1855 tại làng Vân Dương, tổng An Hòa, huyện Hòa Vang (nay là xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Ông được nhân dân vùng tây Hòa Vang trước đây phong là Thống Hay, là một chiến tướng của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam.
Khi vua Hàm Nghi ban hịch Cần vương, Hồ Học đã mộ quân ứng nghĩa. Đội quân của ông đông cả nghìn người được nhân dân vùng Hòa Vang và bắc Quảng Nam bảo bọc. Khi Trần Văn Dư chính thức trở thành lãnh tụ của phong trào ông dẫn quân về hợp tác. Hồ Học đã mang quân của mình cùng Nguyễn Hàm (Tiểu La Nguyễn Thành) và các sĩ phu khác đánh chiếm tỉnh thành La Qua (Điện Bàn).
Khi Trần Văn Dư bị sát hại, Nguyễn Duy Hiệu lên thay, đã nhân danh vua Hàm Nghi phong cho Hồ Học chức Lãnh binh được quyền “tiền trảm hậu tấu” và phân công chỉ huy lực lượng nghĩa quân ở vùng tây bắc Hòa Vang, hoạt động từ đèo Hải Vân cho đến Phước Tường. Hồ Học đã xây dựng một hệ thống đồn lũy thành thế trận liên hoàn quanh Đà Nẵng để dễ bề phòng thủ và tấn công, thực hiện chiến tranh du kích theo lối đánh xuất quỷ nhập thần khiến quân Pháp và Nam triều phải điêu đứng vì bị uy hiếp và bị tiêu hao lực lượng. Quân Pháp và Nam triều phải co cụm lại trong khu vực quanh thành Điện Hải. Quân Thống Hay làm chủ cả một vùng nông thôn rộng lớn.
Cuối năm 1886, trong trận đánh ở Hố Chuối, do quân Pháp quá đông lại được tăng viện nên sau một ngày chiến đấu ác liệt, quân Nghĩa hội thất bại. Hồ Học cùng nhiều đồng đội như Tán Bùi, Đốc Sành, Lãnh Địa, Cai Á… bị bắt, nhiều người khác hy sinh. Hồ Học bị Pháp giải về Ty Niết ở Hội An. Một tên đại tá của Pháp (từ Hà Nội vào) và Án sát Quảng Nam trực tiếp hỏi cung ông. Khi họ dụ hàng, Hồ Học đã thình lình ném chiếc ghế dựa đang ngồi vào đầu tên đại tá người Pháp. Tên này tránh kịp. Một tên lính bắn vào ông để cứu chủ. Sau khi Hồ Học chết, người Pháp cho cắt đầu ông bỏ vào giỏ tre đem treo để “thị uy, răn đe” ở làng Lai Nghi (nay là phường Cẩm Hà, Hội An). Mười ngày sau, đồng đội của ông mới đánh cắp được đưa về an táng ở Vân Dương.
(Về việc ông bị bắt nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô lại cho là: “Thực dân Pháp mua chuộc được người hầu thân cận của Hồ Học và phục rượu cho ông say để bắt. Đêm đó, Hồ Học say như chết, thanh gươm thì người vợ đem cất, chỉ còn lại chiếc khiên bên cạnh. Khi tên phản bội dẫn Pháp đến, Hồ Học trở tay không kịp nên bị bắt khiêng về Ty Niết ở Hội An”).
Mặc dù con cháu ông làm ba ngôi mộ khác nhau để đánh lạc hướng kẻ địch, nhưng bọn Pháp và quân Nam triều vẫn truy tìm được ngôi mộ thật và cho xiềng lại bằng một sợi xích sắt, dù dưới mộ chỉ có cái đầu của ông, phần thân thể còn lại chỉ là cành dâu và đất sét. (Theo tục xưa, người ta lấy thân cây dâu làm xương, lấy đất sét nắn lại hình nhân để thay cho những người bị chết chém hoặc chết mất xác).
Mãi đến năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, ngôi mộ ông mới được nhân dân huyện Hòa Vang tổ chức lễ phá xiềng để giải phóng cùng với mộ của ngài Khâm sai Nguyễn Hữu Lịch ở Hòa Sơn.
Hiện nay, để xây dựng Khu công nghệ cao Đà Nẵng, mộ của Hồ Học đã được quy hoạch về Nghĩa trang xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang.
Ngàn sau còn vọng
Nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô cho biết: “Dân các làng Vân Dương, Hưởng Phước thường kể rằng: Để gây thanh thế, ông Học cho lính chặt dứa dại phơi khô, xẻ ruột đổ dầu mù u vào rồi đốt, mỗi người cầm một đuốc, vai thì gánh hai thân cây dứa đang cháy đi trong đêm, nên Pháp thấy quân Nghĩa hội nhiều vô kể. Tại bãi cát Thanh Vinh, ông Học cho quân đào một hầm dài 1km, cao 1,5m, dưới cắm nhiều chông, trên lấy cót tre đậy lại, rồi phủ cát và cỏ lên để ngụy trang. Quân Pháp từ Đà Nẵng kéo lên, quân ông Học lao vào đánh giáp lá cà rồi giả vờ bỏ chạy. Địch đuổi theo, liền bị rơi xuống hố”. (Báo Đà Nẵng số ngày 17.11.2008)
Hồ Học cũng là tác giả của chiến thắng Nam Chơn mà người Pháp sau này gọi là “Thảm kịch Nam Chơn”. Trận đột kích diễn ra vào đêm 28.2 rạng 1.3.1886, đã xóa tên một đoàn công tác cầu đường thuộc một đơn vị công binh ưu tú trong phái bộ quân sự Pháp tại Huế. Trận đánh này được Nguyễn Sinh Duy mô tả: “Nghe có tiếng động Besson chụp ngay lấy súng lục trên bàn, bóp cò rồi nằm sát đất. Nhưng đã chậm, nghĩa quân từ bốn phía gào thét, ập vào nhà đè Besson xuống, cắt ngay lấy thủ cấp, đoạn rút ra khỏi nhà. Tức thì, bao nhiêu mồi lửa cũng đồng thời phóng vào căn nhà tranh. Lửa bùng cháy. Bọn lính đánh bộ ngủ ở căn nhà bên cạnh bị đánh thức bởi tiếng súng và tiếng gầm thét. Bọn chúng hốt hoảng trong cơn ngái ngủ. Chúng không kịp cầm súng vì lửa đã bốc cao trong nhà. Nghĩa quân chặn hết các lối ra. Tất cả đều chết cháy… Nam Chơn hoàn toàn bị thiêu rụi, không thấy người An Nam nhưng bảy xác người Pháp trong đó có ba cái mất đầu mà một là của Đại úy Besson...” (Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, Nxb Đà Nẵng, 1998).
Trong tập truyện Hương máu (Nxb Trường Sơn, Sài Gòn, 1969), nhà văn Nguyễn Văn Xuân đã viết những dòng bất hủ, làm cho cái chết của Hồ Học càng trở nên bất tử: “…Một người cưỡi ngựa tiến lên trước, hai người cầm đuốc ngồi trên lưng ngựa tiếp liền theo sau. Nhiều binh lính khác cũng cầm đuốc, gươm tuốt trần, kèm một tù nhân đang thong dong đi ở giữa. Đó là một tráng niên, mặc bộ đồ màu đà, bị trói chặt cánh khuỷu vừa đi vừa ngửng cao cái trán, đầu tóc rối trước cơn gió lộng từ khoảng đồng rộng như dồn hết lại để thổi vào dưới cửa thành… Qua cửa thành lính không dẫn về phía nhà lao mà về phía Ty Niết. Hồ Học mím chặt đôi môi làm nổi bật cái cằm tua tủa những sợi râu cứng đơ, mặt hầm hầm bước đi chắc nịch…
…Người ta nghe một tiếng vút cái ghế dựa bằng gỗ trong tay ông đã lao tới như gió, đánh thẳng vào mặt viên đại tá. Y lấy tay đỡ thì một chân ghế đã xoẹt qua đầu, hất cái mũ của y xuống đất. Lập tức hàng chục vũ khí tung ra giữa lúc một viên hạ sĩ quan cận vệ của đại tá rút súng lục ra định bắn. Hồ Học liệng mình lao tới, đá song phi vào khẩu súng và vào mặt hắn. Nhưng không kịp, vệ sĩ thứ hai bắn liền hai phát vào hông. Ông ngã giục xuống vừa ôm bụng vừa trườn tới để với khúc côn. Nhưng không còn kịp nữa ông trút hơi thở cuối cùng…”.
LÊ THÍ