Tư liệu của làng Tứ Chánh An Hà

PHÚ BÌNH 08/09/2018 04:52

Theo quốc lộ 1 từ phía bắc vào, gần đến TP.Tam Kỳ, nhìn về phía đông có thể thấy tháp truyền hình như dáng một ngọn bút đang vẽ lên nền trời xanh. Tháp ấy đặt trên đỉnh đồi làng Tứ chánh An Hà xưa - một trong những ngôi làng cổ nhất của vùng nam Quảng Nam. Ở đây, nay thuộc khối phố An Hà Trung, phường An Phú, có thể tìm thấy nhiều tư liệu về lịch sử thành lập làng - và đặc biệt là một tập sổ bộ ruộng đất của làng được triều Nguyễn công nhận cách nay hơn 200 năm.

Từ sưu tầm của một vị cao niên

Chân dung cụ Ngô Duy Trí (1925 - 2015).
Chân dung cụ Ngô Duy Trí (1925 - 2015).

Vào năm 2013, khi tìm hiểu về các làng xã xưa ở vùng đông Tam Kỳ, chúng tôi có duyên gặp cụ Ngô Duy Trí - một cán bộ tập kết về hưu ở khối phố An Hà Trung. Năm ấy, cụ đã 85 tuổi, vẫn còn hết sức minh mẫn. Cụ Trí thuộc lớp người lúc trẻ có học chữ Nho. Thời Việt Minh, cụ tham gia hoạt động thanh niên rồi thoát ly làm công tác kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, cụ Trí tập kết ra Bắc, công tác trong ngành đường sắt ở Thái Nguyên. Sau năm 1975, cụ hồi hương và tham gia công tác ở chính làng mình. Từ lúc nghỉ hưu (1985), cụ miệt mài trau dồi vốn chữ Nho có sẵn từ thời trẻ để đọc và dịch bản gia phả tộc Ngô của mình rồi từ đó mở rộng ra giúp dịch gia phả cho các tộc phái ở các vùng lân cận.

Nhờ đó, cụ Trí biết được nhiều chi tiết về lịch sử di dân của nhiều tộc phái ở các làng xã vùng đông Tam Kỳ. Cụ đã soạn thành tập bản thảo “Ngô Duy Trí kể chuyện”. Trong bản thảo (chưa xuất bản) này, tác giả đã kể về công việc sưu tầm lịch sử làng của mình như sau: “Những sự kiện, những vấn đề tôi kể ra sau đây là trải qua nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu kiên trì của óc tò mò và tinh thần quyết tâm chịu khó… Tìm hiểu đến đâu, ghi đến đó, cũng không có thứ lớp gì. Trong này có vấn đề, có sự kiện đọc qua thấy mới lạ, trước nay chưa từng nghe thấy bao giờ…”. Cụ Trí khiêm tốn viết về phạm vi phổ biến tập nghiên cứu của mình như sau: “Tập văn tự này là tập ghi chép, tập sổ tay, tất nhiên không phải là sách mà phải qua thủ tục xuất bản của nó. Nếu ngoài con cháu tôi, vị nào bắt gặp tập này, xin cảm thông cho như thế!”.

Phó bản địa bạ làng Tứ chánh An Hà có đóng ấn triện của bộ Hộ thời Gia Long.
Phó bản địa bạ làng Tứ chánh An Hà có đóng ấn triện của bộ Hộ thời Gia Long.

Đây là một công trình nghiên cứu hết sức nghiêm túc. Tác giả đã chỉ ra hành trình di dân của dân làng mình từ miền Thanh Nghệ vào vùng phía đông sông Bàn Thạch - Tam Kỳ vào khoảng giữa thế kỷ 16. Có 8 tộc phái từ nhiều nơi họp lại (tứ chánh) quy dân lập làng được kể như sau: tộc Phạm (tiền hiền làng), tộc Huỳnh Đăng (từ Tống Sơn, Thanh Hóa), tộc Trần Tấn và tộc Nguyễn Văn (từ Nghệ An), tộc Trần Thế, tộc Nguyễn và tộc Ngô Hữu (từ phía Bắc - chưa rõ địa phương), và tộc Nguyễn Thiên (từ Đông Sơn, Thanh Hóa). Tên đầu tiên của làng Tứ chánh An Hà là “ấp An Lạc” (1578 - 1588) sau đó chuyển thành “thôn An Não” (1588 - 1683) rồi thành “xã Ngọc Sơn” (1684 - 1743) và cuối cùng là tên “xã Tứ chánh An Hà” (từ 1744). Ngoài ra cụ Trí còn dày công thu thập tư liệu tộc họ để đưa ra nhiều chi tiết phong phú về 39 tộc phái khác đã từng đến định cư và góp công xây dựng kể từ sau khi thành lập làng đến khoảng đầu thế kỷ 21. Có thể nói, đến nay, chưa có công trình nghiên cứu nào về lịch sử của một làng cụ thể ở Quảng Nam đưa ra được nhiều căn cứ xác thực từ nhiều tư liệu gốc như công trình của vị hưu trí đầy tâm huyết Ngô Duy Trí (đã qua đời năm 2015).

Đến tập địa bạ cách nay 200 năm

Trong công trình “Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn” do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh xuất bản tháng 11.2010, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã cho biết: Xã (xưa còn gọi là làng) Tứ chánh An Hà được phân tháp vào địa giới tổng Hưng Thịnh hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam thời đầu triều Nguyễn. Xã/ làng này có tứ cận như sau: “Đông giáp xã Quảng Phú (tổng Hưng Thịnh hạ huyện Lễ Dương), xã Ngọc Sơn (thuộc Liêm hộ, huyện Hà Đông) lấy bờ gò làm giới. Tây giáp xã An Thái (tổng An Thái trung, huyện Lễ Dương) lấy thủy đạo làm giới. Nam giáp xã Quảng Phú, xã An Thái lấy bờ ruộng làm giới. Bắc giáp xã An Thái lấy bờ ruộng làm giới” (sđd tr.183) và có tổng diện tích là 135 mẫu, 2 sào, 7 thước, 8 tấc.

Các chi tiết trên có thể tìm thấy trong một cuốn sổ bộ ruộng đất - còn gọi là địa bạ - hiện còn lưu ở nhà thờ cụ Ngô Duy Trí, do con trai cụ là thầy giáo hưu trí Ngô Tấn Dũng bảo quản. Cuốn địa bạ này được ký duyệt vào ngày 27.2 âm lịch niên hiệu Gia Long thứ 13 (1814) gồm 80 tờ chữ Nho viết cả hai mặt. Cuối cuốn địa bạ có ba văn bản xác nhận giới hạn tiếp giáp địa lý do hào mục các xã Quảng Phú ký ngày 15.9.1812, xã Ngọc Sơn ký ngày 12.1.1812 và xã An Thái ký ngày 16.10.1812. Tất cả trang địa bạ và ba văn bản đính kèm trên đều được đóng dấu kiềm giáp lai của một ty phụ trách việc lập bộ. Dấu kiềm này có bốn chữ triện mà chúng tôi nhận dạng là “Lệnh ty chi kiềm”. Đây là con dấu của Ty lệnh sử thuộc bộ Hộ thời vua Gia Long. Bản địa bạ hiện còn lưu tại gia tộc họ Ngô được ghi là “Phó chấp bằng” tức là bản phó được giao về địa phương lưu giữ. Bản này cũng được đóng dấu của bộ Hộ; trong khuôn dấu đỏ cỡ 9 x 9cm ấy có ghi năm chữ “Hộ bộ đường chi ấn” (ấn triện của bộ Hộ). Bộ này là cơ quan chuyên trách cao nhất của triều đình lo về nhân khẩu, ruộng đất, thuế khóa, kho tàng, định giá lương thực và điều hòa ngân khố nhà nước…

Qua nội dung cuốn địa bạ nói trên, có thể biết xã Tứ chánh An Hà xưa có 6 xứ đất là: Xuân Đăng, Thao Lao, Cây Chay, Đồng Lanh, Đông Núi Trọc và Cọp Voi. Mỗi xứ đất đều ghi cụ thể diện tích ruộng đất các hạng và tên các chủ ruộng - bao gồm người trong làng và ngoài làng. Có thể kê tên các làng, thôn, phường ngoài địa phương có dân sở hữu ruộng ở An Hà như sau: Tú Tràng, Chiên Đàn, Phú Quý hạ, Quảng Phú, Vĩnh Phước, An Mỹ tây, Thạnh Mỹ, Vĩnh An, Phước Lâm, Đức Phú, Hòa Mỹ tây, Tỉnh Thủy, Ngọc Sơn, An Thái, Tây An, Yên Đàn, Phước An, Mỹ Cang, Tam Kỳ (nay là các xã thôn ở vùng Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành). Cá biệt có dân ở địa phương khá xa như Tuân Dưỡng, Vân Đóa (nay là vùng Thăng Bình) cũng có ruộng được ghi trong địa bạ này.

Đặc biệt, qua địa bạ này, có thể biết tự dạng tên nôm của một xã ở huyện Hà Đông xưa mà đến thời vua Minh Mạng đã được cải sang tên chữ (Nho) cùng lúc với việc chuyển tên nôm sang tên chữ của các địa phương khác trong cả nước. Đó là làng/ xã Mỹ Thạch - nay là phường Tân Thạnh, vào thời Gia Long có tên là xã Đá Bạc.

Ngoài ra, cũng tại địa phương này, hiện lưu một văn bản thời Tây Sơn được tạo lập từ niên hiệu Quang Trung thứ 3 (1791) giao cho ông Nguyễn Văn Mạo người làng Tứ chánh An Hà lĩnh chức “Xã sử” với nhiệm vụ “kê khai và đôn đốc dân trong xã nạp thuế”. Đây là một trong ba văn bản gốc thời Tây Sơn hiếm hoi sót lại trên đất Tam Kỳ xưa.

PHÚ BÌNH

PHÚ BÌNH