Vị tướng đầu tiên hy sinh trong trận chiến 1858
Lê Đình Lý là vị tướng đầu tiên của triều Nguyễn đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ Đà Nẵng trước cuộc xâm lăng của thực dân Pháp vào năm 1858, cách đây đúng 160 năm.
Hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng vào năm 1858 (theo Võ Văn Dật trong Lịch sử Đà Nẵng, Nxb Nam Việt, 2007). |
Chiến trường Quảng Nam năm 1858
Từ chiều ngày 30.8.1858, 14 chiến thuyền và 2.000 quân viễn chinh Pháp - Y Pha Nho (Tây Ban Nha) đã có mặt trên vịnh Đà Nẵng. Sáng ngày 1.9, không đợi phía Việt Nam kịp trả lời tối hậu thư hỗn láo của mình, Rigauld de Genouilly đã cho đại bác bắn cấp tập vào các vị trí quân sự của nước ta quanh vịnh Đà Nẵng, đặc biệt tập trung vào hai cứ điểm quan trọng là thành An Hải (ở bờ đông) và thành Điện Hải (ở bờ tây) sông Hàn. Một giờ sau Pháp cho quân đổ bộ và chỉ trong ngày 1.9 đã chiếm được toàn bộ vùng Sơn Trà. Ngày 2.9 họ tấn công vào các đồn ở phía tây đặc biệt là quyết chiếm thành Điện Hải và các đồn lân cận như Phước Ninh, Thạch Thang, Hải Châu, Thạc Gián… Sau khi cho quân chiếm và phá hủy hệ thống công sự, kho tàng, vũ khí… Pháp cho rút quân về lại Tiên Sa vì sợ một cuộc phản công mà họ chưa ước lượng được sức mạnh phải đương đầu.
Tin cấp báo về triều, vua Tự Đức vừa tức giận vừa bàng hoàng liền tìm cách đối phó. Nhà vua ra lệnh “kỷ luật” đội ngũ quan chức của Quảng Nam: Tổng đốc Trần Hoằng và Lãnh binh Nguyễn Tài bị cách chức, bắt hai ông phải đi theo quân để phục vụ nhằm chuộc tội. Hai viên chỉ huy thành An Hải và Điện Hải là Tôn Thất Phan và Tôn Thất Cháy cũng chịu chung số phận. Bố chánh và Án sát là Thân Văn Nhiếp và Lê Văn Phổ bị hạ bốn bậc nhưng tạm thời cho lưu dụng.
Sách Đại Nam thực lục viết: “... Trần Hoằng, Nguyễn Tài (thự Lãnh binh) không biết phòng bị trước khi có việc, sau lại không biết đốc sức đánh giặc, chuẩn đều cách chức bắt đi trước quân gắng sức làm việc. Bọn Văn Nhiếp, Văn Phổ đều giáng 4 cấp lưu dụng.... Luận tội các người để thất thủ các thành bảo ở Đà Nẵng. Bọn Tôn Thất Phan (thành thủ úy thành An Hải), Tôn Thất Cháy (thành thủ úy thành Điện Hải) 8 viên đều phải cách chức đi cố sức làm việc chuộc tội…” (Nxb Giáo Dục, 2007, quyển 7, tr.567).
Nhà vua cũng sai Hữu quân Đô thống Lê Đình Lý làm thống chế chỉ huy mặt trận Đà Nẵng. Phụ tá cho Lê Đình Lý với chức vụ Tham tán quân cơ là viên Hữu Tham tri bộ Binh (tương đương Thứ trưởng thường trực của Bộ Quốc phòng ngày nay) Phạm Khắc Thận. Khi tiễn Thống chế Lê Đình Lý vào chiến trường Đà Nẵng nhà vua căn dặn: “Cửa biển ấy từ Hải Vân đến Cu Đê một dải đều là đường quan báo, phải phòng thủ nghiêm ngặt để tiện thông hành. Ngươi quản lính đạo trước đạo sau đến ngay đất ấy, tùy nghi đóng đồn, liệu đất đặt chỗ canh phòng chớ để cho quân Tây dương lên bờ” (Sđd, tr.567).
Đến nơi Lê Đình Lý đóng quân ở Hòa Vang, chia phái lính và voi đóng đồn ở các sở: Chân Sảng, Câu Đê, Nam Ổ, Cẩm Lệ, Hóa Khuê, Kiều Xưởng và cho lính phòng chặn các chỗ yếu hại ở Cẩm Sa cùng cửa biển Đại Chiêm. Với kinh nghiệm trận mạc Lê Đình Lý đã cầm chân được quân Pháp, giữ được hệ thống đồn lũy còn lại. Tuy nhiên do nóng lòng trong việc đẩy Pháp ra khỏi Đà Nẵng, Lê Đình Lý đã được Tự Đức nhiều lần “dạy khôn” về chiến thuật, chiến lược và một lần bị kỷ luật khiển trách. Sách Đại Nam thực lục viết: “Lê Đình Lý giáng 4 cấp. Phan Khắc Thuận không biết bàn tính trước khi có việc giáng 3 cấp, cùng Vệ úy là Nguyễn Biểu, Nguyễn Ân 12 viên đều cách chức cho được lưu dụng; suất đội là bọn Trần Văn Đông 10 viên phải phạt đánh trượng ngay ở trước quân” (Sđd, tr.585).
Ngày 6.10.1858, Thiếu tá Jauréguiberry dẫn một đoàn tàu ngược sông Hàn, đổ bộ tấn công các cứ điểm phòng thủ của ta. Chúng cho phá lũy đất, nhổ rào tấn công đồn Mỹ Thị. Lê Đình Lý đem quân tiếp cứu, đánh nhau với quân Pháp ở Cẩm Lệ. Trận chiến rất ác liệt, Lê Đình Lý trúng đạn bị thương nặng nhưng quân Pháp cũng tổn thất nặng phải rút quân, đồn Mỹ Thị được giữ vững. Lê Đình Lý được đưa về Vĩnh Điện, tỉnh thành Quảng Nam để dưỡng thương.
Tin dữ đưa về kinh, Tự Đức vừa lo vừa giận liền sai Tham tri Lưu Lãng đem kiếm lệnh của nhà vua vào cách chức và xiềng chân tống giam viên chỉ huy đồn Hóa Khuê là Hồ Đắc Tú vì quá khiếp nhược đã đóng chặt cửa đồn không đi tiếp cứu và sai Thống chế Tống Phước Minh cấp tốc vào Đà Nẵng làm tư lệnh mặt trận. Vẫn chưa yên tâm, nhà vua liền điều Nguyễn Tri Phương - vị tướng tài giỏi nhất lúc bấy giờ về làm Tổng thống quân vụ Quảng Nam và Phạm Thế Hiển, Tổng đốc Biên Hòa - Định Tường về làm Tham tán quân vụ.
Vị tướng đầu tiên hy sinh
Lê Đình Lý sinh năm 1790 tại huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định. Lúc nhỏ con nhà nghèo nhưng có thiên tư về võ nghệ. Năm Minh Mạng năm thứ 10 (1829), ông ra đầu quân, được đưa tới trấn Định Biên và An Giang để bảo vệ biên giới, chống lại người Cao Miên. Tại đây ông lập được nhiều chiến công được thăng Cai đội.
Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), ông được thăng Vệ úy, theo các tướng Phạm Văn Điển và Doãn Uẩn đánh Cao Miên, lập công lớn, được Thiệu Trị ban thưởng cấp thẻ bài bằng vàng và gia hàm Lãnh binh. Năm 1845 ông giữ chức Lãnh binh An Giang, sau đó (1847) thăng Chưởng ấn quan phòng Đề đốc An Giang. Năm 1851 được thăng Thống chế. Năm sau được cử làm Tổng đốc Định Tường. Năm 1858 thăng thự Đô thống phủ chưởng phủ sự.
Khi chiến sự nổ ra ở Đà Nẵng, Sơn Trà bị chiếm, nhiều hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng bị Pháp chiếm hoặc phá hủy, ông được cử vào làm tư lệnh mặt trận. Sau trận đánh ngày 6.10.1858 ở Cẩm Lệ ông bị thương nặng phải đưa về Vĩnh Điện dưỡng thương. Ông xin về quê và chết ở đây chỉ sau mấy ngày, thọ 68 tuổi.
Sách Đại Nam liệt truyện viết về ông: “Đình Lý xuất thân ở võ bị, là người dũng cảm, trước kia ở Trấn Tây, thường lập chiến công, thưởng kim bài cho nêu khen, súng đồng ghi tên, mình giữ ấn hổ phù, trị nhậm cõi xa, thực là bậc tướng quân, việc gần đây vì bị thương nặng xin về làng, vua nghĩ thương tình phái thầy thuốc điều trị, đến khi chết ở nhà, hậu cấp cho gấm vóc bạc tiền, và vua làm câu đối văn tế ban cho, sai tỉnh thần sửa lễ tới tế điện, một tấm trung hồn, để thơm tờ điệp xưa, thực là đặc cách hơn cả mọi người. Năm Tự Đức thứ 32, được liệt vào thờ ở đền Trung Nghĩa…” (Nxb Thuận Hóa, năm 2006, tr.77).
Lê Đình Lý cũng là một trong rất ít vị tướng của triều Nguyễn được khắc tên trên súng thần công: “Chưa bao lâu, xét công Trấn Tây, vua dụ rằng: Đề đốc là Lê Đình Lý trước sau theo đánh dẹp, công lao rõ rệt, tấn phong làm Thắng công nam. Năm ấy sắc cho ghi công khắc tên vào súng đồng “Thần uy phục viễn” vị thứ 5” (Đại Nam liệt truyện, tr.76).
Lê Đình Lý là vị tướng đầu tiên hy sinh trong cuộc chiến chống thực dân Pháp xâm lăng. Vinh danh ông, nhiều thành phố trên cả nước có biển tên đường mang tên Lê Đình Lý.
LÊ THÍ