Nguyễn Chỉ - Vì dân, vì Đảng trọn lòng son

NĂNG ĐÔNG 14/07/2018 10:27

“Tôi chết nhưng không ân hận gì vì đã làm tròn nhiệm vụ người cách mạng, các đồng chí phải giữ vững tinh thần tiếp tục đấu tranh cho sự nghiệp của Đảng…”. Đó là những lời nhắn nhủ của đồng chí Nguyễn Chỉ trước lúc hy sinh.

Đồng chí Nguyễn Chỉ.
Đồng chí Nguyễn Chỉ.

Đồng chí Nguyễn Chỉ là một chiến sĩ cách mạng, từng tham gia các phong trào yêu nước, từ phong trào Duy tân, Đông du đến phong trào đấu tranh cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Nguyễn Chỉ, còn có tên Nguyễn Kiểm (Nguyễn Lược - Cả Lược), sinh năm 1866 tại làng Diêm Trường, nay là thôn Thuận An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành. Những năm đầu của thế kỷ 20, các phong trào đấu tranh yêu nước Duy tân, Đông du... phát triển mạnh ở Quảng Nam. Phủ Tam Kỳ là nơi hưởng ứng tích cực các phong trào này. Tại Diêm Trường, Nguyễn Chỉ cùng cụ Trần Phương và một số người ở địa phương... cổ xúy cho các cuộc vận động cắt tóc ngắn, mặc âu phục, mở trường dạy chữ quốc ngữ, xây dựng hương ước, lập các hội tương tế, truyền bá văn thơ yêu nước... 

Tuy nhiên, do chưa có đường lối lãnh đạo đúng đắn của một chính đảng nên các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta bị thất bại. Không cam phận nô lệ, Nguyễn Chỉ vẫn tiếp tục đứng ra vận động nhân dân vùng cửa biển An Hòa tham gia hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang phục hội (tháng 5 năm 1916). Nguyễn Chỉ cùng cụ Trần Phương vận động thanh niên các làng Diêm Trường, Nghi Xuân gia nhập dân binh, luyện tập võ thuật, rèn sắm vũ khí, vận động các nhà khá giả ủng hộ tiền, lương thực, may sắm quân phục, sẵn sàng tham gia khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa bị lộ từ Huế, thực dân Pháp bắt các nhà lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Nhiều nơi không tiến hành khởi nghĩa như kế hoạch. Riêng phủ Tam Kỳ, không biết tin bị lộ nên khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch ban đầu. Quân khởi nghĩa tấn công phủ đường Tam Kỳ bị địch phản kích, lực lượng khởi nghĩa nhanh chóng tan rã. Cùng lúc đó, dân binh các xã Diêm Trường, Nghi Xuân, An Hòa tập trung tại nhà Nguyễn Chỉ chuẩn bị kéo sang cướp đồn Thương Chánh - Hiệp Hòa nhưng không thực hiện được vì cuộc khởi nghĩa tại phủ lỵ Tam Kỳ thất bại. Đa số những người tham gia trong cuộc khởi nghĩa ở phủ Tam Kỳ bị địch bắt và giam giữ. Trong số đó, Nguyễn Chỉ bị địch bắt, kết án 2 năm tù và giam ở nhà lao Vĩnh Điện.

Mãn hạn tù, tuy tuổi cao, Nguyễn Chỉ vẫn nuôi ý chí, chờ thời cơ đứng lên đấu tranh chống chế độ áp bức, bất công. Từ khi Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ra đời ở Tam Kỳ, Nguyễn Chỉ tiếp cận được nhiều sách báo tiến bộ, nhận rõ những hạn chế của đường lối cứu nước trước đây, nhanh chóng tiếp thu đường lối cứu nước mới theo ý thức hệ vô sản. Nguyễn Chỉ liên kết với các cụ Nguyễn Kế (ở Vân Trai), Võ Nghiệm (ở Khương Mỹ)... là những cốt cán của các phong trào yêu nước ở phủ Tam Kỳ cùng bị địch bắt giam trong cuộc khởi nghĩa năm 1916, thành lập nhóm hoạt động cách mạng dưới danh nghĩa hội buôn lâm thổ sản.

Sau khi Đảng bộ tỉnh Quảng Nam được thành lập, Đảng bộ đã chú trọng phát triển các tổ chức yêu nước, tại Diêm Trường, đồng chí Nguyễn Chỉ được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ cứu tế đỏ. Tổ cứu tế đỏ này hoạt động rất tích cực, nhanh chóng phát triển được nhiều hội viên. Đến cuối năm 1932, tại Diêm Trường đã phát triển thêm 2 tổ với 6 hội viên. Tháng 12.1933, đồng chí Phan Truy, Bí thư Chi bộ An Hòa được Tỉnh ủy Quảng Nam giao nhiệm vụ đến Diêm Trường liên lạc với đồng chí Nguyễn Chỉ và dựa vào tổ cứu tế đỏ chọn đối tượng, tổ chức kếp nạp đảng viên và thành lập chi bộ Đảng. Trên cơ sở đó, đồng chí Phan Truy đã tổ chức kết nạp đảng cho 3 đồng chí: Nguyễn Chỉ, Đinh Tần và Nguyễn Kế. Đồng chí Nguyễn Chỉ được tín nhiệm cử giữ chức Bí thư Chi bộ. Chi bộ lấy bí danh D. Lúc này đồng chí Nguyễn Chỉ đã bước sang tuổi 67, nhưng vẫn hăng say tham gia hoạt động cách mạng. Đáng lưu ý là đồng chí đã không quản ngày đêm, tích cực bám sát quần chúng để vận động và tuyên truyền tư tưởng cách mạng về tinh thần đấu tranh chống lại chế độ bất công của bọn tay sai phong kiến, nhằm giành lại tự do cho quê hương. Là Bí thư Chi bộ, đồng chí rất khéo léo trong công tác vận động quần chúng đấu tranh, xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương. 

Giữa lúc phong trào cách mạng đang phục hồi và có bước phát triển nhanh chóng, tháng 5.1935, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam bị địch đánh phá và bị vỡ nặng. Đồng chí Nguyễn Chỉ cùng các đảng viên của chi bộ ghép Diêm Trường - Nghi Xuân và 4 quần chúng không may bị địch bắt. Riêng Nguyễn Chỉ bị kết án 7 tháng tù và giam ở nhà lao tỉnh Quảng Nam, sau đó chúng chuyển đồng chí xuống nhà lao Hội An. Mặc dù tuổi già, sức yếu, nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết, nêu cao tinh thần kiên quyết đấu tranh với địch đến cùng trước sự đánh đập, tra tấn dã man của địch. Bọn cai ngục ở nhà lao lúc bấy giờ phải kính phục một con người như Nguyễn Chỉ và gọi Nguyễn Chỉ là “ông già yêu đời”. Ý chí chiến đấu của đồng chí Nguyễn Chỉ đã động viên, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của những đồng chí, đồng đội đang bị địch giam cầm, có tác dụng tốt đối với phong trào cách mạng ở bên ngoài.

Do bị địch tra tấn liên tục, chế độ ăn uống vô cùng kham khổ, đồng chí Nguyễn Chỉ đã trút hơi thở cuối cùng ngày 12.6.1935 tại nhà lao Hội An. Trước lúc hy sinh đồng chí đã nhắn nhủ: “Tôi chết nhưng không ân hận gì vì đã làm tròn nhiệm vụ người cách mạng, các đồng chí phải giữ vững tinh thần tiếp tục đấu tranh cho sự nghiệp của Đảng…”.

Sự hy sinh của đồng chí Nguyễn Chỉ đã gây xúc động cho nhiều người bởi tinh thần của người cộng sản lớn tuổi. Tại xà lim biệt giam, đồng chí Trần Học Giới, Tỉnh ủy viên lâm thời - người cũng bị bắt cùng với Nguyễn Chỉ, đã làm bài điếu như sau:

Nằm trên ván lạnh dạ nôn nao
Bỗng lính ngoài sân mở cửa vào
Mách: “có ông già cộng sản mất
Người nhà đến khóc thảm làm sao”
Nghe tin như sét đánh trên trời
Ai thế? tên gì? anh lính ơi!
Rằng: Nguyễn Chỉ quê Diêm Trường đấy!
Tuổi trên sáu mươi vẫn yêu đời.
Cụ Chỉ mất rồi. Ôi xót xa!
Đông du, chính biến cụ tham gia
Suốt đời yêu nước lòng chung thủy
Từ lúc tóc xanh đến tuổi già
Trước giờ tắt thở, trối trăng rằng:
“Cách mạng thành công sắp đến nơi”
Tin tưởng thanh niên người nhắn lại:
“Con đường cộng sản tiến lên thôi”
Cụ theo tiền bối, chúng tôi còn
Nuốt lệ xin thề với nước non
Học thuyết Mác - Lênin, Cộng sản
Vì dân, vì Đảng trọn lòng son
Mong cụ ngày mai dưới suối vàng
Nằm nghe chúng cháu hát ca vang
Việt Nam bẻ gãy xiềng nô lệ
Viếng cụ nay xin khấn mấy hàng.

Ghi nhận những cống hiến đồng chí Nguyễn Chỉ - nhà yêu nước, người đảng viên cộng sản đồng thời là Bí thư Chi bộ đầu tiên của đất Tam Giang, tháng 2.1946, thực hiện chủ trương sáp nhập xã lần thứ nhất, xã Diêm Trường được sáp nhập với xã Nghi Xuân và lấy tên là xã Nguyễn Chỉ.

NĂNG ĐÔNG

NĂNG ĐÔNG