Hai nhà báo tiên phong người Quảng

LÊ THÍ 17/06/2018 10:29

Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ là hai hiện tượng lạ của “lịch sử báo chí Việt Nam”. Cả hai đều là những nhà báo “tay ngang” nhưng đã sớm nổi danh, trở thành “tứ đại” của làng báo Sài Gòn. Giữa hai ông có nhiều nét tương đồng cũng như có mối quan hệ đặc biệt.

Đông Pháp thời báo và Trung lập báo - những tờ báo mà Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ thường xuyên viết bài.
Đông Pháp thời báo và Trung lập báo - những tờ báo mà Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ thường xuyên viết bài.

Trước hết hai ông là “đồng hương”, không chỉ là cùng tỉnh mà có thể xem là cùng huyện, cùng làng. Phan Khôi là con cháu của tộc Phan, một dòng tộc nổi tiếng của làng Bảo An (nay là xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn). Bùi Thế Mỹ là con cháu của tộc Bùi nổi tiếng của đất Duy Xuyên (Bùi Giáng, Bùi Kiến Tín, Bùi Văn Nam Sơn…). Tuy nhiên Bùi Thế Mỹ lại sinh ra và lớn lên ở quê mẹ. Mẹ ông là bà Phan Thị Duyên, người con gái tộc Phan làng Bảo An (Bà Quyên là em gái của nhà cách mạng Phan Thành Tài, người tham gia phong trào Duy tân (1905 - 1908) và cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân (1916), bị xử chém ở Vĩnh Điện). Hai ông còn là bà con gần với nhau. Đối với Bùi Thế Mỹ, bên ngoại luôn thuộc về “trái tim”, là tình cảm, luôn gắn với tuổi thơ của ông.

Mặc dù lớn hơn Bùi Thế Mỹ 17 tuổi nhưng về mặt làm báo hai ông là những người đồng thời. Phải đến năm 31 tuổi, Phan Khôi (sinh năm 1887) mới bắt đầu làm báo. Bài báo đầu tiên của ông viết bằng chữ Hán đăng trên Nam Phong tạp chí năm 1918. Năm năm sau, năm 1923, khi mới 19 tuổi, Bùi Thế Mỹ (sinh năm 1904) cũng đi vào nghề báo bằng việc cộng tác với tờ Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn.

Cả Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ đều là những nhà báo tay ngang. Chữ “tay ngang” được hiểu theo nghĩa là người không được đào tạo bài bản ở một trường lớp  báo chí cụ thể nào. Phan Khôi chỉ là một ông tú tài Hán học (khoa thi năm 1906), kiến thức về Quốc ngữ và tiếng Pháp là hoàn toàn do tự học. Còn Bùi Thế Mỹ chỉ mới học xong trung học. Năm 1923, vừa đỗ xong bằng thành chung ở Huế, Bùi Thế Mỹ đã khăn gói vào Sài Gòn vừa dạy học vừa viết báo. Tuy nhiên chỉ sau một thời gian cả hai ông đã trở thành những nhà báo cự phách của làng báo nước ta. Cả hai được vinh danh trong “tứ đại” của làng báo Sài Gòn thời đó (gồm Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ).

Về Phan Khôi: “Ông đã góp công nhiều vào làng báo, làng văn và trở nên nhân vật nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam” (Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam, tập I, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1997, tr. 477); “Ông Phan Khôi với bút hiệu Chương Dân và nhiều bút hiệu khác nữa có một địa vị đặc biệt trong làng báo và làng văn hồi tiền chiến” (Thiếu Sơn, dẫn lại trong Nhớ cha tôi Phan Khôi của Phan Thị Mỹ Khanh, Nxb Đà Nẵng, năm 2000, tr. 255). Hay: “Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn...” (Lại Nguyên Ân, Tạp chí Tia Sáng).

Về Bùi Thế Mỹ: “Chẳng bao lâu sau đã ông thuộc hàng cự phách trong làng báo miền Nam” (Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội 1991, tr.57); hay: “Bùi Thế Mỹ là một ký giả cự phách của làng báo Nam Việt trong thời kỳ tiền chiến, một kiện tướng thuộc thế hệ Nguyễn Phan Long, Diệp Văn Kỳ, Đào Trinh Nhứt, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Bá… Những chiến sĩ có lý tưởng quốc gia, muốn dùng ngòi bút để phổ biến những tư tưởng tự do, dân chủ, trình bày lập trường của một dân tộc đang bị đô hộ, muốn đập tan xiềng xích, để vươn mình lên sống mạnh theo truyền thống của một dân tộc đã từng có một lịch sử vẻ vang”. (Thái Văn Kiểm, Dòng thời gian).

Cả hai đều chủ yếu hoạt động báo chí và thành danh trên đất Sài Gòn. Bùi Thế Mỹ đầu tiên thay cho Nam Kiều Trần Huy Liệu (1901 - 1969), chủ trương tờ Đông Pháp thời báo, rồi sau đó làm chủ bút các tờ Trung lập báo, Tân thế kỷ, Thần chung và chủ nhiệm tờ Dân báo, tờ báo ông đuổi theo đến cuối đời. Đây là những tờ báo lớn của Sài Gòn. Còn Phan Khôi làm báo ở nhiều nơi (Hà Nội, Huế) nhưng thời kỳ “rực rỡ” nhất là ở Sài Gòn từ 1925 – 1933, “thời kỳ đánh dấu sự chuyển biến về chất của ngòi bút Phan Khôi” (Lại Nguyên Ân, Sơ lược về cuộc đời làm báo của Phan Khôi) với nhiều sự kiện như các cuộc “bút chiến”, việc trình làng “dòng thơ mới”… Điều này được người con gái ông xác nhận: “Từ 1925 - 1928, trong ba năm ấy, ông viết liên tục, rất sung sức, bài nào cũng có nội dung mới, nhiều ý kiến độc đáo hấp dẫn người đọc. Hồi đó, tên tuổi ông được nhiều người biết đến, không những trong các bạn đồng nghiệp mà còn trong đông đảo độc giả gần xa. Giới trí thức Sài Gòn thì tới lui tìm gặp ông để bàn bạc việc ra báo…” (Phan Thị Mỹ Khanh, sđd, tr. 40).

Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ đã cùng sử dụng bút danh Thông Reo. “Khi mới bắt đầu làm thơ, viết văn, ông (Bùi Thế Mỹ - NV) ký bút danh là Thông Reo, về sau khi làm chủ bút báo Điện tín ông ký là Lan Đình và bút danh này được ông sử dụng cho đến cuối đời” (Phạm Phú Phong, Bùi Thế Mỹ nhà báo ba ngang, Báo Quảng Nam). Lại Nguyên Ân cho biết khi viết cho tờ Trung lập báo, Phan Khôi cũng đã từng dùng bút danh Thông Reo như một “mặt nạ tác giả”: “Thế nhưng Thông Reo với chuyên mục Những điều nghe thấy thì vẫn xuất hiện đều đặn trên chính tờ Trung lập báo cho đến tận số cuối cùng, trước khi báo này đột nhiên bị cấm; và đáng lưu ý là Thông Reo đã viết một loạt bài hòa giọng với phe nhà báo lên án chủ nhân Phụ nữ tân văn là “con buôn hám lợi”. Vậy là chính nhờ “mặt nạ tác giả” đó, trang viết của Phan Khôi vẫn có thể xuất hiện ở những tờ báo mà tình thế và thời điểm khiến họ tên thật (vốn đi liền với nhân thân thật) của ông không nên hoặc không thể xuất hiện”.

Dù cộng tác với hàng chục tờ báo khác nhau nhưng Phan Khôi luôn ưu ái với 5 tờ báo mà Bùi Thế Mỹ là chủ nhiệm hoặc chủ bút (Đông Pháp thời báo, Trung lập báo, Thần Chung, Tân Thế kỷ, Dân báo). Phan Khôi đã viết hơn 600 bài cho tờ Trung lập báo, được xem là số lượng bài nhiều nhất mà ông viết cho các báo. Đặc biệt sự phối hợp giữa hai ông được nhiều người ca ngợi nhất là sự ra đời của mục “Phụ trang văn chương” trên cả hai tờ Đông Pháp thời báo và Trung lập báo. Đây được xem là dấu ấn về phương diện văn học của báo chí. Mục này bước đầu giới thiệu những khái quát văn học sử Việt Nam, nêu các lý luận văn nghệ, giới thiệu văn chương nước ngoài, vấn đề đạo văn, vấn đề “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”.

Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ chính là hai nhà báo tiên phong của đất Quảng. Tiên phong không chỉ ở việc đi vào làng báo rất sớm mà còn cả trong tài năng và thái độ trách nhiệm. Đó là niềm hãnh diện của người dân đất Quảng nói chung, người làm báo đất Quảng nói riêng!

LÊ THÍ

LÊ THÍ