Dã Hàng Trần Quý Cáp
Năm 1908 khi đang còn bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo, Phan Châu Trinh nghe tin người bạn cùng chí hướng bị thực dân Pháp và Nam triều sát hại đã làm bài thơ khóc bạn: “Anh biết cho chăng hỡi Dã Hàng? Thình lình sóng dậy cửa Nha Trang. Lời nguyền trời đất còn ghi tạc. Giọt máu non sông đã chảy tràn. Tinh Vệ nghìn năm hồn khó dứt? Đỗ Quyên muôn kiếp oán chưa tan”. Người bạn đó là chí sĩ Trần Quý Cáp, Dã Hàng là tên tự.
Đền thờ Trần Quý Cáp tại Nha Trang – nơi ông tuẫn nạn. Ảnh: T.L |
Huỳnh Thúc Kháng trong “Thai Xuyên Trần Quý Cáp tiên sinh tiểu truyện” cho biết: “Tiên sinh tính Trần, sơ danh Nghị kế danh Quý Cáp, tự Dã Hàng, hựu tự Thích Phu. Quảng Nam, Điện Bàn nhân, Bất Nhị xã, Thai La kỳ thôn dã, nhân hiệu Thai Xuyên”.
Về tên tự Dã Hàng
Trần Huỳnh Sách trong “Tiểu sử tiên sinh Trần Quý Cáp” nói rõ hơn: “Tiên sinh lúc thiếu thời tên là Trần Nghị, năm niên hiệu Thành Thái Ất mùi (1895) cụ Đốc học Trần Đình Phong bổ tiên sinh vào Tỉnh học sanh mới đổi tên Trần Quý Cáp, tự Dã Hàng hiệu Thai Xuyên, biệt hiệu Thích Phu”.
Tên thiếu thời của ông cho ta liên tưởng đến tên Giả Nghị (200 TCN - 168 TCN) đời Hán, người Lạc Dương, do giữ chức Thái phó cho Trường Sa Vương nên còn gọi là Giả Thái phó, nổi danh là tư tưởng gia, văn học gia đời Hán, tác giả bài “Quá Tần luận” danh tiếng. Sau này Trần Quý Cáp cũng có bài “Sĩ phu tự trị luận” lừng lẫy đương thời.
Thân phụ Trần Quý Cáp tên là Nhượng. Ông Nhượng ban đầu cưới vợ ở xã Đông Bàn, sinh hai trai. Về sau cưới bà họ Phan ở Phong Thử, sinh ra ông và một người con gái. Vì là con trai thứ ba nên ông có chữ lót là Quý, theo thông lệ, con đầu lót chữ Mạnh, con giữa lót chữ Trọng, con út lót chữ Quý.
Chữ Cáp có nơi ghi là 合, chữ này còn đọc là hợp hay hiệp là hội hợp lại, (ăn) khớp nhau. Nhưng Song nguyên Huỳnh Thúc Kháng ghi là 恰 thì phải chính xác hơn. Chữ Cáp 恰 còn đọc là kháp nghĩa là vừa vặn, đúng mực, thỏa đáng. Chính vì chữ Cáp này mà ông mới lấy tự là Dã Hàng 野航, lấy điển từ câu thơ của Đỗ Phủ trong bài Nam lân (Láng giềng). Tên và tự của ông nằm trong câu thơ thứ sáu của bài Nam lân: “Dã hàng cáp thụ lưỡng tam nhân”. Nam lân nói về một người láng giềng ở xóm bên nam, trên bờ Cẩm Giang không xa nhà tác giả, người đó vấn khăn ô giác cân tiêu biểu cho một ẩn sĩ, cuộc sống thanh bạch nhưng phong phú về tinh thần, hòa hợp với thiên nhiên, giao du rộng. Bài thơ phù hợp với lối sống của Trần Quý Cáp khiến ông ưa thích nên từ đó đặt tự cho mình. Dã hàng là chiếc thuyền con ở nông thôn, thuận tiện cho việc đi lại trên sông nhưng hẹp chỉ vừa đủ chở hai ba người.
Chữ dã hàng đã gây nhiều tranh cãi, dẫn đầu là Hoàng Đình Kiên. Hoàng Đình Kiên (1045 - 1105), tự Lỗ Trực, biệt hiệu Sơn Cốc đạo nhân, Phù ông, người Phân Ninh, Hồng Châu (thuộc Giang Tây ngày nay). Ông là nhà thơ trứ danh đời Bắc Tống, học trò của Tô Thức, người đời thường gọi chung là Tô - Hoàng. Hoàng Đình Kiên cũng là một trong những người viết chữ đẹp thời Bắc Tống. Theo Hoàng Đình Kiên, hàng là tàu lớn, đĩnh mới là thuyền con nên không thể nói dã hàng mà phải nói dã đĩnh, nghi là chép sai thơ của Đỗ Phủ. Nhưng đĩnh âm trắc nên đứng trong câu thứ sáu sẽ không đúng luật, nhiều người đã bác bỏ ý của Hoàng Đình Kiên vẫn cho là Đỗ Phủ đã viết là dã hàng và dã hàng phải là thuyền con nên chỉ đủ chỗ cho hai ba người ngồi; trong số này có Trần Quý Cáp tuy không tham gia vào cuộc tranh cãi nhưng mặc nhiên đã bác ý kiến của Hoàng Đình Kiên vì đã lấy tự là Dã Hàng.
Trần Quý Cáp còn có một tự nữa là Thích Phu 適夫, chữ thích lại càng làm rõ hơn nghĩa chữ Cáp, và một lần nữa nhấn mạnh chữ Cáp phải viết là 恰 mới đúng, vì Cáp và Thích đều có nghĩa như nhau. Thích: Vừa, vừa vặn, đúng lúc. Tô Thức: Thích hữu cô hạc, hoành giang đông lai (Vừa lúc có một con hạc lẻ bay ngang sông từ hướng đông lại - Hậu Xích Bích phú). Cáp/kháp: Vừa vặn, vừa đúng. Nguyễn Trãi: Nhất biệt gia sơn cáp thập niên (Từ giã quê hương vừa đúng mười năm - Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác, theo Hán Việt tự điển trích dẫn).
Và định mệnh cuộc đời
Tên và tự của Trần Quý Cáp tuy mới đổi sau nhưng dường như đã thể hiện định mệnh của ông, mọi việc diễn ra trong cuộc đời ông đều vừa vặn, đúng lúc, trùng khớp với yêu cầu của bản thân và lịch sử dân tộc. Điều đó đã thể hiện rất rõ: Thuở nhỏ Trần Quý Cáp nhà nghèo không có sách để học thì lại gặp nhà cụ Phụ đạo Nguyễn Thành Ý có nhiều sách ở gần và sẵn lòng cho ông mượn, nhờ thế mà ông học giỏi. Khi ông đến học với cụ cử Lê Cung ở Nông Sơn lại khớp với lúc Trần Đình Phong, một ông đồ Nghệ giàu lòng yêu nước, có tài năng và đạo đức làm Đốc học Quảng Nam. Trần Đình Phong đã lặn lội đến các vùng lân cận tuyển chọn những học sinh xuất sắc đem về đào tạo nhờ thế mà Trần Quý Cáp mới trở thành một trong 6 Nho sinh ưu tú. Tại trường Đốc Thanh Chiêm ông lại gặp Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng để rồi sau này tham gia phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh khởi xướng và trở thành một trong ba nhà lãnh đạo lỗi lạc của phong trào.
Năm 1906 ông được bổ Giáo thọ Thăng Bình đúng vào lúc phong trào Duy tân đang hoạt động mạnh mẽ. Ở cương vị Giáo thọ, Trần Quý Cáp đã có cơ hội làm một cuộc cách mạng giáo dục, hợp pháp hóa chủ trương dạy chữ quốc ngữ, truyền bá tân học để khai dân trí. Ông đã biến ngôi trường của chính quyền theo lối học khoa cử cũ thành ngôi trường lớn của Duy tân theo lối học mới, tiến bộ. Ông còn tổ chức những buổi diễn thuyết cổ động cho tân học gây xúc động mạnh mẽ trong hàng ngũ thân hào nhân sĩ khiến họ tự nguyện góp công, góp của dựng lên những ngôi trường Duy tân trong các xóm làng, mời thầy về dạy chữ quốc ngữ, chữ tây.
Những việc làm của ông Giáo thọ Thăng Bình được quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng, gây tiếng vang lớn khiến giới cựu học gai mắt, nhà cầm quyền xem như kẻ thù, do đó năm 1907 mới đổi ông vào làm Giáo thọ Ninh Hòa (Khánh Hòa) với mục đích tách ông ra khỏi phong trào cách mạng đang sôi sục ở Quảng Nam.
Trong lúc thực dân Pháp đang tìm cách ám sát Trần Quý Cáp vì lo sợ ảnh hưởng của ông đối với quần chúng, thì phong trào kháng thuế nổ ra khiến chúng có cớ bắt giam ông rồi tử hình dù không có bằng chứng.
Bấy giờ ông như một chiếc thuyền nhỏ lao vào phong ba bão táp mong chống chọi với thế lực hùng hậu của thực dân phong kiến. Chiếc thuyền nhỏ đã bị sóng gió bạo quyền nhấn chìm nhưng tên tuổi của ông đã đi vào lịch sử, tấm gương yêu nước của ông càng tỏa sáng và tinh thần sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc của Dã Hàng Trần Quý Cáp vẫn sống mãi trong lòng của dân tộc: “Thà chết! chết trong hơn sống đục. Ai mà sợ chết! chết như chơi” - Trần Quý Cáp.
NGUYỄN THIẾU DŨNG