Lê Đại Cang và sông Vĩnh Điện

TRẦN TRUNG SÁNG 01/04/2018 09:53

Cuộc đời nhiều thăng trầm của danh nhân Lê Đại Cang có một đoạn gắn chặt với lịch sử Quảng Nam, dấu ấn còn đến nay là sông đào Vĩnh Điện.

Tượng Lê Đại Cang.
Tượng Lê Đại Cang.

Sông Vĩnh Điện

Lê Đại Cang (1771 - 1847) còn gọi là Lê Đại Cương, tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, quê làng Luật Chánh xã Phước Hiệp huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định, là một trọng thần triều Nguyễn, qua 3 đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Ông nổi tiếng là một kẻ sĩ trung hiếu, tiết tháo, chính sự giỏi, văn võ toàn tài. Trong cuộc đời 41 năm làm quan, vào nam ra bắc sang cả Cao Miên, với nhiều chức vụ, từ tri huyện đến tổng đốc, thượng thư.

Trong đó có lần ông làm Cai bạ Quảng Nam, tổ chức việc khơi đào sông Vĩnh Điện thành công. Song cũng tại nơi đây, do sông Vĩnh Điện bị sụt lở, ông bị vua quở trách và cách chức nhưng cho cách lưu. Điều đáng chú ý, trong hơn 40 năm quan trường, Lê Đại Cang có đến hai mươi lần thăng quan tước, nhưng cũng có ít nhất năm lần bị bãi chức, một lần bị án “trảm giam hậu”. Riêng nhiệm vụ khơi đào sông Vĩnh Điện, sau khi ông được khen thưởng, ông lại bị xử tội.  

Theo Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm 1823, ông được điều làm Cai bạ Quảng Nam. Năm 1824, phụ trách huy động hơn 3.000 người khơi đào sông Vĩnh Điện dài 1.630 trượng thành công, được vua ban thưởng. Tháng 9.1824, Lê Đại Cang được điều vào làm Cai bạ Vĩnh Thanh. Tháng 5.1825, sông đào Vĩnh Điện ở Quảng Nam bị sụt lở, ông bị vua quở trách và cách chức nhưng cho cách lưu. Đây là lần cách lưu đầu tiên trong lịch sử. Đại Nam thực lục ghi: “Cai bạ Vĩnh Thanh là Lê Đại Cương vì trước kia trông coi đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, bờ sông vỡ lở bị xử tội đồ. Vua đặc cách gia ơn đổi làm án cách lưu. Bộ tâu rằng án cách lưu trước đây chưa có làm qua, xin nên truy thu hết bằng sắc từ lúc xuất thân đến nay, rồi làm bằng cách cấp của đình thần phát cho giữ lấy, đợi sau được vua khôi phục sẽ xét phẩm trật mà cấp trả lại. Vua theo. Sau đó lấy làm lệ”. Đến năm Minh Mạng thứ bảy (1826), vua lại sai khiến Thống chế Trương Văn Minh sửa sang đường sông, dời xuống hơn 40 trượng, mở rộng miệng sông để đón tiếp nước trên sông lớn, lấy dây giăng thẳng đem dân đào lại vài tháng mới xong. Năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), sông Vĩnh Điện được khắc trên Dụ đỉnh.

Người khiêng võng  

Lê Đại Cang từng hai lần từ vị trí ông quan bị triều đình cách chức xuống làm anh lính dõng, lao công đào binh, đi khiêng cáng tại vùng đất An Giang – Hà Tiên những năm 1832 - 1838.

Đòn khiêng võng của Lê Đại Cang được lưu giữ trong Bảo tàng Bình Định.
Đòn khiêng võng của Lê Đại Cang được lưu giữ trong Bảo tàng Bình Định.

Đáng chú ý là lần vào tháng 2.1838, loạn người Chân Lạp nổi lên ở Hải Đông, Khai Miên, thổ binh ở đây theo loạn đảng. Do không có mặt ở Nam Vang, Lê Đại Cang bị quy tội “khinh nhờn”, bị cách chức Tuần phủ An Giang kiêm Trần Tây tham tán đại thần, phải theo quân thứ Hải Đông hiệu lực, lần thứ hai đi làm lính khiêng võng. Tại đạo Trà Gi, quân thứ Hải Đông, Lê Đại Cang thấy binh đội ở đây tổ chức kém, tinh thần rệu rã nên đã xin quan phụ trách đạo này đứng ra huấn luyện binh đội ở đây từ yếu thành mạnh, có sức chiến đấu cao. Từ đó, ông đem quân kéo tới hợp với binh triều của Trương Minh Giảng, Dương Văn Phong đánh dẹp loạn đảng và giặc Xiêm. Giảng và Phong đem việc ấy tâu vua Minh Mạng mong vua cho Lê Đại Cang đoái công chuộc tội, nhưng vua không bằng lòng, còn truyền rằng: “Đại Cang bị cách hiệu, sao dám tự tôn mình là đại tướng, chẳng sợ phép nước, chẳng kiêng công luận. Vậy Đại Cang phải tội trảm giam hậu, Trương Minh Giảng giáng xuống làm Binh bộ thượng thư, còn Dương Văn Phong giáng 3 cấp”. Cuối năm 1838, Lê Đại Cang bị đưa về triều giam ít lâu rồi bị phát đi đồn điền ở Nguyên Thượng.

Năm Thiệu Trị thứ nhất, tháng 7 năm 1841, ông lại được vua Thiệu Trị phục chức Viên ngoại lang, khâm sai Bắc kỳ biện lý bang giao sứ vụ lo việc bang giao với Trung Quốc. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, ông được thăng thự Bố chánh sứ Hà Nội. Tháng 10.1842, ông 72 tuổi, xin về hưu, được vua Thiệu Trị chuẩn y. Năm 1842, Lê Đại Cang hồi hương. Ông khôi phục từ đường họ Lê ở làng Luật Chánh, lập ra chùa Giác Am để tu tâm dưỡng tính và lấy hiệu là Giác Am cư sĩ và lập Văn chỉ Tuy Phước làm nơi tụ họp văn nhân Tuy Phước khuyến tài khuyến học. Ông mất tại quê nhà ngày 24 tháng 8 âm lịch, tức năm 1847, thọ 76 tuổi.

Hiện tại từ đường họ Lê ở làng Luật Chánh thuộc huyện Tuy Phước, Bình Định, trong gian thờ chính điện, ngoài hoành phi, câu đối… còn có một kỷ vật lạ là chiếc đòn khiêng võng. Lịch sử của chiếc đòn khiêng cáng - biểu tượng sự thăng trầm cuộc đời làm quan của Lê Đại Cang.

Một đề tài hấp dẫn

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, Lê Đại Cang có mọi yếu tố đáp ứng cho một nhân vật điện ảnh. Cuộc đời đầy thăng trầm, nhiều lần bị giáng chức rồi lại nhờ chiến công mà phục chức, nay lên xe, mai xuống ngựa. Cái quý nhất là trong hoàn cảnh nào ông cũng không bất mãn, vẫn bình tĩnh làm tròn bổn phận của mình. So sánh một chút, những người có tí quyền hành, chỉ về hưu thôi đã suy sụp, chứ đừng nói đến việc duy trì phong độ khi bị biếm chức. Về chuyện chưa khai thác được cuộc đời của Lê Đại Cang đưa lên màn ảnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh coi là “món nợ” của những người làm phim ở Việt Nam.

Nhà thơ Thanh Thảo trong tập trường ca Người khiêng võng  (Nxb Hội nhà văn 2016) nhằm “tưởng nhớ cụ Lê Đại Cang tấm gương kẻ sĩ mọi thời” có đoạn: “có sao đâu, ừ thì khiêng võng/ suốt đời mình ngược xuôi ba động/ việc này đáng sá gì!/ chiếc đòn khiêng đã thành gia bảo/ tôi mang về tôi lại mang đi/ phải trải thấu chuyện đời nhẹ nặng/ mới biết làm người là ghé lưng/ không thoái thác không hèn nhát/ dẫu trên vai đòn cứa thấu xương...”. Nhà thơ Thanh Thảo cho rằng, chiếc đòn khiêng võng không khiến Lê Đại Cang trở nên giàu có về tiền bạc, trái lại, nó là một kỷ niệm đau đớn của đời ông. Nhưng ông quý trọng nó vì nó chứng minh bản lĩnh người quân tử nơi ông. Nó khiến ông giàu có về tâm hồn.

Ngoài cuộc đời làm quan, các tác phẩm Nam hành thi tập, Tĩnh Ngu thi tập của Lê Đại Cang còn để lại càng khẳng định ông là một thi nhân. Qua các tác phẩm này, giúp chúng ta hiểu được công việc khai mở đất đai bờ cõi của cha ông gần 200 năm trước, cuộc sống của người dân miền tây sông nước. Cuốn Lê thị gia phả ghi lại dòng họ Lê ở làng Luật Chánh - Tuy Phước cũng được các nhà chuyên môn đánh giá có nhiều giá trị về văn bản học.

Đến nay, đã có nhiều hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp danh nhân lịch sử Lê Đại Cang, những đóng góp của ông với Hà Nội và các tỉnh phía bắc, với An Giang và vùng biên giới phía tây nam. Hy vọng một dịp không xa, sẽ có một hội thảo Lê Đại Cang  tại Quảng Nam, để chúng ta có dịp tiếp cận thông tin đầy đủ hơn về lịch sử khơi đào con sông Vĩnh Điện.

TRẦN TRUNG SÁNG

TRẦN TRUNG SÁNG