Về phong trào kháng thuế ở Tam Kỳ
Dân gian vùng Tiên Phước, Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành xưa đã gọi cuộc Cự sưu - Kháng thuế năm 1908 là “Cạo đầu - Xin xâu - Khất thuế”. Hoạt động và sự hy sinh của một số nhân vật lãnh đạo phong trào này đã được ghi lại ở nhiều tư liệu.
Cuốn Kỷ yếu Hội thảo 100 năm Phong trào Chống thuế Quảng Nam do Sở VH-TT&DL Quảng Nam xuất bản tháng 11.2008. |
Từ những báo cáo của Trưởng đồn Đại lý Pháp
Từ 31.12.1906 đến ngày 5.1.1908 đã có 4 bản báo cáo của Trưởng đồn Đại lý Pháp tại Tam Kỳ về việc giới có học và những người tiến bộ ở địa phương vận động dân chúng chống nhà cầm quyền.
1. Báo cáo về việc phó bảng Phan Châu Trinh, tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, tú tài Huỳnh Tô (quê ở làng Ngọc Yên) có một chuyến đi mà viên chức Pháp ở Đồn Đại lý Tam Kỳ đoán là ra Huế (để liên lạc với các thành phần chống Pháp ngoài ấy - NV) vào ngày 12.2.1906 (tóm tắt báo cáo số 4 ngày 31.12.1906).
2. - “Tôi phải báo cáo hành động của một nhóm nhà Nho đã lợi dụng danh nghĩa buôn bán để theo đuổi mục đích, tôi chưa xác định rõ ràng nhưng thấy sẽ đến lúc nào đó tạo ra cho chúng ta những khó khăn lớn”.
- “Những tên này đều là Nho sĩ, là học sinh (thi hỏng - NV) bị trả về quê quán, hoặc tú tài, cử nhân không có việc làm, có cả những cựu quan chức Nam triều bị thôi việc. Họ tổ chức thành cái gọi là Hội buôn, để tạo ra dáng dấp buôn bán chứ thực sự không làm việc buôn. Tiệm của họ ở Tam Kỳ chỉ bày mấy thùng dầu hỏa và mấy cái dù, thực ra đó là nơi họ dùng để hội họp”.
Cuốn Thi tù tùng thoại của cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng do NXB Nam Cường ấn hành tháng 10.1951. |
- “Sau một thời gian hoạt động riêng rẽ, đến nay các thành viên hội đó tỏ ra muốn xen vào công cuộc quản lý nội bộ của đất nước”.
- “Tháng 4 vừa qua… trong vụ cử một chánh tổng, có một tên tú tài đã chạy đến phủ Tam Kỳ kháng cáo và tuyên bố đáng lý chức vụ chánh tổng phải giành cho bậc tú tài mới đúng”.
- “Từ đấy, thường là kín đáo hơn, họ tiếp tục gây sức ép với chính quyền ở tổng và xã. Trong các làng của nơi họ ở, họ trở thành những cố vấn của dân chúng. Không có lệnh nào ban hành ra mà họ không biết, họ được tham vấn ngay có nên thực thi hay không”.
- “Một người tốt nhất trong các chánh tổng đã bày tỏ sự lo ngại phải đối đầu với những người giỏi chữ nghĩa hơn ông ta và có ảnh hưởng lớn hơn”. (trích báo cáo số 10 ngày 1.7.1907).
Mộ cụ Trần Xán ở tổ 5, khối phố Hương Sơn, phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ- người trong ảnh là hậu duệ. Ảnh: P.BÌNH |
3. - “Hội buôn đã chuyển thành Hội học. Họ không đòi hỏi gì ở người dân tham gia hội. Thủ tục duy nhất đòi hỏi là phải cắt tóc ngắn… số người tham gia tăng rất nhanh”.
- “Có những làng trong một hay hai tháng qua đã tham gia hội cả làng. Đó là làng Tây Lộc, Thạnh Bình, Tài Đa, Tú Cẩm, Thanh Lâm và An Hòa. Những làng tham gia ít hơn một chút có Bình An, Tam Kỳ, Xuân Bình, Trường An và Chiên Đàn” (trích báo cáo số 14 ngày 1.11.1907)
4. - “…Các nhóm tụ tập dưới danh nghĩa Hội buôn trong vùng Tam Kỳ đã phát triển nhanh đến mức nếu ta còn tiếp tục thiếu quan tâm sẽ là khinh suất, thiếu lường trước và liều lĩnh” (trích báo cáo số 15 ngày 05.1.1908).
Trên đây là trích những tư liệu có liên quan đến vùng Tam Kỳ mà các hậu duệ của cụ Phan Châu Trinh sưu tầm từ các kho lưu trữ ở bên Pháp. (nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quảng Nam, 2008 do Sở VH-TT&DL Quảng Nam xuất bản tháng 11.2008, từ trang 219 - trang 225).
Nếu đọc thêm toàn văn các tư liệu này, có thể thấy cuộc cự sưu kháng thuế ở Tam Kỳ nói riêng và toàn tỉnh nói chung hoàn toàn không phải là một hành động bột phát mà là cả một quá trình đấu tranh chính trị có sự tham gia của nhiều tầng lớp dân chúng lúc đương thời - mà trong đó, phải đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò “khai dân trí”, “chấn dân khí” của người có học (nho sĩ) như các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Vĩnh Huy, Dương Thưởng, Dương Thạc… và của những người làm việc tại làng xã có ảnh hưởng lớn trong dân như Trần Thuyết, Trần Xán…
Đến cuốn “Thi tù
tùng thoại”
Hồi ức của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong “Thi tù tùng thoại” kể về thời gian cụ ở tù ngoài đảo Côn Lôn - bắt đầu từ tháng 8.1908. Cụ Huỳnh kể rất nhiều về hoạt động và sự hy sinh của những nhân vật tham gia Phong trào chống thuế cụ sưu năm 1908 - đặc biệt là chuyện hai anh em tú tài Dương Thưởng, Dương Thạc người làng Trường An (nay thuộc địa bàn huyện Phú Ninh). Hai ông tú này đã từng khiếu kiện việc thi cử không công bằng, đã từng thay mặt dân viết đơn tố cáo quan lại địa phương nhũng nhiễu, đã từng tham gia việc vận động dân bầu cho các người tiến bộ trong các cuộc bầu cử hương chức địa phương… Chính vì thế, sau cuộc vây phủ đường Tam Kỳ tháng 3.1908, hai cụ đã chịu tù đày. Ông anh Dương Thưởng bị đày lên Lao Bảo, ông em Dương Thạc bị đày ra đảo Côn Lôn (cùng lúc với cụ Huỳnh). Hai anh em đều chết trong tù. Sự hy sinh của họ - cùng với những người kháng thuế khác ở cùng thời điểm - đã gây nên một làn sóng chống đối âm ỉ mà mãnh liệt của tù nhân trong hai nhà tù trên.
Và những lời kể ở xã Tam Kỳ xưa
Vụ việc dân 7 tổng Vinh Quý, Chiên Đàn, Phú Quý, Đức Hòa, Đức Tân, Phước Lợi và An Hòa thuộc phủ Tam Kỳ đồng loạt kéo đến vây Phủ đường Nam triều và Đồn Đại lý Pháp đóng tại Tam Kỳ không chỉ được ghi lại trong sách sử mà còn trong lời kể dân gian nay vẫn còn truyền; trong đó, nổi bật nhất là sự hy sinh lẫm liệt của cụ Trần Thuyết - “ông trùm” từng giữ nhiệm vụ tổ chức và điều hành “Hội vây cọp” ở làng Phước Lợi. Dân gian truyền rằng: cụ Thuyết rất gan dạ và rất có uy. Vì thế, khi cụ hô một tiếng đòi bắt Đề Tuệ (một viên chức Nam triều gây nhiều tội ác với dân Tam Kỳ) thì bắt đầu là dân tổng Phước Lợi, sau đó là cả dân 6 tổng còn lại đồng thanh hô vang hưởng ứng. Kết quả là Đề Tuệ run sợ đến hộc máu và gục chết tại đồn Đại lý Pháp. Cụ Thuyết bị bắt ngay lúc ấy. Không lâu sau, vào ngày 16. 4.1908 (theo sách “Ngũ Hành Sơn chí sĩ” của Ngô Thành Nhân, Nxb Anh Minh, Huế, 1961) cụ bị xử trảm tại Gò Mả Đông, ấp Hương Sơn thượng, xã Tam Kỳ (nay là Di tích mộ chí sĩ Trần Thuyết - gần cầu Tam Kỳ cũ). Em ruột cụ Thuyết là Trần Tư cũng bị bắt giam ở lao Hội An rồi mất trong tù.
Tham gia chủ xướng cuộc vây phủ Tam Kỳ, duy nhất một người trốn thoát sau cuộc “khủng bố trắng” của Pháp và Nam triều, là ông Trần Xán, biệt hiệu Đông Anh, sinh năm 1881, ở ấp Hương Sơn thượng, xã Tam Kỳ. Năm 1906, sau khi hỏng thi Hương, ông về quê và tham gia hoạt động của Hội buôn rồi Hội học. Sau khi cụ Trần Thuyết bị xử chém, ông Xán trốn vào làng Bình Yên Trung thuộc vùng giáp ranh Quảng Nam - Quảng Ngãi. Từ năm 1909 đến 1913, từ nơi trốn tránh, ông Xán giả dạng người đi buôn, tiếp tục liên lạc kết nối các thành phần chống Pháp ở vùng phủ Tam Kỳ. Đến đầu tháng 7.1913, bọn người chỉ điểm cùng quê với ông, theo dấu ông liên lạc về gia đình, đã dẫn lính vào bắt, giải ra bến đò An Tân, đưa xuống thuyền về Tam Kỳ. Đến quãng sông Diêm Trường (gần chợ Trạm xã Tam Hiệp hiện nay), ông Xán vùng lên đánh bọn áp giải; rồi, tay mang còng, nhảy xuống sông tự tử. Bọn chỉ điểm và lính áp giải neo thuyền, bắt dân hai bên bờ lặn tìm. Hai ngày sau mới tìm thấy. Thi hài ông Xán bị Pháp và Nam triều đem về và cho phơi ở bến đò cũ Tam Kỳ (nay gần cầu Mới Tam Kỳ) suốt mấy ngày để thị uy với dân chúng; sau đó mới cho vợ ông Xán là bà Phan Thị Mật (mất năm 1957) đem về chôn. Bia mộ ông Xán (hiện ở tổ 5 khối phố Hương Sơn, phường Hòa Hương, TP. Tam Kỳ) ghi ngày mất là 09.7.1913.
PHÚ BÌNH