Ông Hồ Nghinh với dân và dân trí

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 17/02/2018 23:08

Ông Hồ Nghinh là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Nam - Đà Nẵng sau khi đất nước thống nhất. Ông là người khởi xướng xây hồ thủy lợi Phú Ninh, làm “chui” và sửa đổi nhiều việc trong cải tạo công thương nghiệp, không cho đụng đến các Khu di tích Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An sau năm 1975. Ông từng được điều ra trung ương giữ chức Phó ban Kinh tế Trung ương và góp phần quan trọng vào đổi mới năm 1986. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng ca ngợi ông: “Anh là một người trung thực và có chủ kiến rõ ràng!”.

Ông Hồ Nghinh trong những ngày ở chiến khu. Ảnh tư liệu
Ông Hồ Nghinh trong những ngày ở chiến khu. Ảnh tư liệu

Tôi có ba lần được gặp ông Hồ Nghinh. Lần đầu là lúc ông đến nói chuyện tại Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Lần thứ hai là lúc tôi đi cùng nhà báo Nguyễn Công Khế đến thăm ông trên đường Thích Quảng Đức, Gia Định năm 1988 và lần thứ ba là tại ngôi nhà ông ở những năm cuối đời trên đường Hồ Xuân Hương, Đà Nẵng.

Ba lần tôi may mắn gặp và nghe ông Hồ Nghinh nói khá nhiều chuyện. Nhưng rốt lại, vẫn thấy ông luôn nhấn mạnh đến lòng dân, sức mạnh từ dân và thêm một nấc nữa là nâng cao dân trí.

1. Trước khi chuyển về làm việc ở tạp chí Đất Quảng, tôi thường được mời dự các cuộc họp hội viên và nhất là đến nghe các vị lãnh đạo nói chuyện trong các buổi tổng kết. Một lần như vậy, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh đã đến thăm và nói chuyện. Ông nói về những khó khăn kinh tế - xã hội đang diễn ra và hoan nghênh các cố gắng của văn nghệ sĩ. Hoàn cảnh rất khó khăn mà anh chị em vẫn có nhiều tác phẩm, đó là một ý chí, một nghị lực rất lớn. Ông căn dặn văn nghệ sĩ phải đi sâu vào thực tế để biết cho kỹ vấn đề trước khi viết. Ông nói người nghệ sĩ cần luôn phải có hoài bão, nuôi dưỡng hoài bão của mình. Hoài bão đó chính là làm cho dân giàu mạnh, hạnh phúc. Muốn vậy phải thâm nhập vào đời sống của nhân dân mới hiểu được họ…

Sau này tôi lại được nhà báo - nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, người từng hoạt động bên ông Hồ Nghinh ở chiến trường nhắc đến một câu nói của ông thời chiến tranh: “Sức mạnh của chúng ta là ở dân. Không có dân là khó khăn nhất, là điều đau khổ nhất…”. Nhà văn Nguyên Ngọc là người khá gần gũi với ông cũng kể rằng trong thời chiến, ông Hồ Nghinh luôn nhắc: “Tất cả tài năng của ta là ở dân!”.

Tết Mậu Thân 1968 cách đây tròn 50 năm, với tư cách Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, ông Hồ Nghinh vào nội thành Đà Nẵng để chỉ đạo chiến dịch và quyết định rút quân để bảo toàn lực lượng. Sau chiến dịch không trọn vẹn ở Đà Nẵng, ông từng nói một câu nổi tiếng: “Sức mạnh của ta chính là dân!”.

2. Lần thứ hai tôi đi cùng nhà báo Nguyễn Công Khế đến thăm ông trên đường Thích Quảng Đức, Gia Định, trong lúc tổ chức bản thảo cho tạp chí Đất Quảng số Xuân Mậu Thìn 1988. Ông nhận lời kể chuyện xuân Mậu Thân và giao cho anh Khế chấp bút. Bài của ông, hồi ức của một Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà đã trực tiếp vào chảo lửa Đà Nẵng ngay trong ngày tết để chỉ huy chắc chắn sẽ rất thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Đất Quảng từ số này cũng bắt đầu in và phát hành tại TP.Hồ Chí Minh, nên cần những bài thật xuất sắc, độc quyền. Bài ông phải in ở những trang đầu. Thế nhưng đến ngày lên khuôn vẫn chưa có. Vậy là tôi xin ý kiến Tổng biên tập cố chờ. Một mặt chừa sẵn 6 trang đầu, nếu dài sẽ cho “leo” ở trang cuối; mặt khác “bám” anh Khế và… đến thăm ông!

Ông kể đã vào Đà Nẵng từ Thanh Quýt quê tôi trên một chiếc xe honda, lần đầu tiên đi loại này nên ôm cứng người chở. Anh thanh niên cơ sở thấy vậy sợ dễ bị phát hiện nên nói ông cứ thả lỏng, tự nhiên để tránh bị nghi ngờ. Ông đã vào trung tâm Đà Nẵng trong chiều 30 tết sau khi vượt qua hàng chục bót kiểm soát… Ông ở nhà dân, khi là nhà của một người phụ nữ mà ông từng gặp ở quê đã nấu nước chè cho ông uống; khi là nhà một công nhân nhưng khá giả từng là cảm tử quân hồi 9 năm... Ông thường xuyên di chuyển địa điểm để tránh bị phát hiện và kịp thời chỉ đạo chiến dịch. Mậu Thân ở Đà Nẵng tuy không hoàn toàn thành công vì nhiều lý do, nhưng ông bảo đã gây được tiếng vang và rút ra nhiều bài học về lòng dân: “Hai mươi năm qua, trong tình hình hôm nay (ý nói năm 1988 - NV) đặc biệt là cuộc chiến đấu đổi mới đất nước từ những thế lực bảo thủ, trì trệ có gốc rễ, tôi nghĩ rằng những bài học lớn trong quần chúng phải được tổng kết và càng phải học lại bài học “lấy dân làm gốc” trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội… mới đưa đất nước ra khỏi tình trạng khó khăn gay gắt hiện nay…”.

Tạp chí Đất Quảng số Xuân Mậu Thìn 1988 lần đầu in 5.000 bản ở Sài Gòn đã phát hành khắp phía nam không còn một tờ là một hiện tượng. Tôi nghĩ rằng bài của ông Hồ Nghinh và những ý kiến sâu sắc của ông về Mậu Thân, về lòng dân đã được nhiều người tìm đọc!

3. Những năm cuối đời ông Hồ Nghinh về ở hẳn Đà Nẵng, trong ngôi nhà trên đường Hồ Xuân Hương. Mỗi lần anh Nguyễn Công Khế ra Đà Nẵng, tôi đều cùng anh đến thăm, nghe ông kể chuyện.

Một lần, hình như vào năm 1998, tôi thấy ông viết mấy dòng lưu bút mở đầu cuốn “Sổ vàng” cho quỹ giải thưởng trường Tân Tân (do ông hợp sức sáng lập vào năm 1939 tại xã Duy Trinh, Duy Xuyên) quê ông là: “Để đạt được ba mục đích Độc lập - Tự do - Hạnh phúc phải đồng thời nắm vững ba phương pháp mà cụ Phan Châu Trinh đã đặt ra: Cao dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Ông bảo “Cao dân trí là cái gốc của sức mạnh quốc gia!” (theo nguyên văn chữ của ông; còn chữ cụ Phan dùng là “Khai dân trí” - NV).

Ba lần tôi may mắn gặp và nghe ông Hồ Nghinh nói khá nhiều chuyện. Nhưng rốt lại, vẫn thấy ông luôn nhấn mạnh đến lòng dân, sức mạnh từ dân và thêm một nấc nữa là nâng cao dân trí. Ông không cải tạo công thương nghiệp theo kiểu cào bằng, xây dựng hình thức các công ty công - tư hợp doanh trong xây dựng, vận tải của Quảng Ngãi, Đà Nẵng và chỉ đạo giữ lại cả các công trình cổ ở Hội An, Mỹ Sơn… cũng là điều dễ hiểu!

Lòng dân ấy sẽ mạnh lên biết bao nếu dân trí được nâng lên! Chắc hẳn trong suy nghĩ của một người uyên bác như ông đã có sẵn điều ấy!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG