Sứ mệnh kẻ sĩ
Nguyễn Đình Hiến (1872 - 1947) tự Dực Phu, thụy Mạnh Khả, hiệu Ấn Nam, người làng Trung Lộc, huyện Quế Sơn (nay là xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn). Ông luôn ý thức về sứ mệnh kẻ sĩ, mà bài minh “Cổ kính trùng viên” là ví dụ.
Chân dung cụ Nguyễn Đình Hiến. |
Nguyễn Đình Hiến xứng đáng là một Nho sĩ tiêu biểu của đất Quảng. Ông không những nổi tiếng học giỏi, thông minh lỗi lạc mà còn là một danh thần của triều Nguyễn hết lòng trung với vua và hiếu với dân, lúc ra làm quan cũng như khi về trí sĩ không bao giờ xao lãng trọng trách của một Nho gia.
Nho sĩ đất Quảng
Tính cách Nho gia đó được thể hiện khá đậm nét trong bài minh Cổ kính trùng viên do Nguyễn Đình Hiến viết và được khắc vào bia dựng năm 1930. Trong bài minh này Nguyễn Đình Hiến giải thích vì sao ông trùng tu một cái giếng bỏ hoang “ở trước chùa Kim Tiên, phía tây đường Nam Giao thuộc ấp Bình An, phủ Thừa Thiên”. Đây là một bản văn không chỉ có giá trị cao về phương diện văn chương mà còn hàm súc cả về mặt tư tưởng, cho thấy Nguyễn Đình Hiến không chỉ là bậc lỗi lạc trong làng thơ phú mà còn là tay cự phách trong nghệ thuật viết truyện.
Ý tứ bài minh và dụng tâm của Nguyễn Đình Hiến ẩn chứa sâu lắng trong câu: “Người khuất giếng còn, đạo xưa vẫn tỏ, nỡ nào ngồi nhìn nó bị bỏ hoang sao?”. Nếu thơ văn để nói lên cái chí của người viết thì cái tài, cái chí, cái gan ruột của Nguyễn Đình Hiến đều gửi trọn trong câu minh này. Thường nhà Nho không nói nhiều, họ chỉ nói vừa đủ để gợi mở cho ta con đường đi thấu vào tâm can họ, rồi bỏ lửng ra đó buộc ta phải nhập vào với họ để hiểu họ. Ngay như ông Thượng Trừng Giang Phạm Liệu tỏ ra khá tâm đắc với bài minh của Nguyễn Đình Hiến cũng chỉ hé mở cho chúng ta thấy không gian tâm trạng của Nguyễn Đình Hiến khi bình chú bài văn này: “trong cái nhỏ thấy cái lớn”, bấy nhiêu đấy rồi thôi. Những ai đã đọc Kinh Dịch, nhất là những sĩ tử đêm ngày nghiền ngẫm Kinh Dịch chờ đợi khoa thi, hay những bậc đại khoa danh chiếm bảng vàng sẽ có một phản ứng tự nhiên khi đứng trước một cái giếng, nếu cái giếng ấy lại là giếng bỏ hoang, họ sẽ liên tưởng ngay đến quẻ thứ 48 của Kinh Dịch: quẻ Tỉnh.
Thị trấn Trung Phước. |
Quan Hiệp tá Đại học sĩ đã về trí sĩ cũng vậy, đứng trước cái giếng hoang, ngài nghĩ ngay đến quẻ Tỉnh: “cải ấp bất cải tỉnh” cùng đạo lý của nó cũng như sứ mệnh của một nhà Nho trước thế đạo nhân tâm. Vật nào cũng có đạo lý của nó, giếng cũng vậy. Nơi nào có người, nơi đó phải có nguồn nước để nuôi sống họ, giếng là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống, giếng cung hiến nước nuôi sống con người, ai đến cầu nước, giếng sẵn sàng cho, giếng không hề từ chối; ai muốn múc bao nhiêu nước cứ múc, giếng không bao giờ cạn. Con người có thể ra đi, thôn ấp có thể di dời, nhưng giếng vẫn tồn tại ở đó không thể di chuyển được. Đạo lý thường hằng, bất biến của giếng cũng là đạo lý của Nho gia, của kẻ sĩ sẵn sàng gánh vác việc nước, việc dân. Giếng bị bỏ hoang chẳng khác nào đạo lý bị mai một, vì vậy trách nhiệm của nhà Nho là phải trùng tu giếng, cũng đồng nghĩa với việc kẻ sĩ chấn hưng đạo đức. Phương chi cái giếng hoang ở đây chẳng phải là cái giếng bỏ đi mà còn tràn đầy sinh lực rất hữu ích cho những ai cần đến nó: “ném vật cứng xuống thì nghe tiếng kêu như ngọc, múc nước lên nếm thì cảm thấy ngọt mát” ấy là “đạo xưa vẫn tỏ, nỡ nào ngồi nhìn nó bị bỏ hoang sao?”.
Đến đây ta trở lại với nhan đề bài minh sẽ thấy thâm ý của Nguyễn Đình Hiến càng lúc càng sáng tỏ. Ông không nói việc làm của mình là cổ tỉnh trùng tu mà chỉ nói đến sứ mệnh của mình là xiển dương đạo lý “cổ kính trùng viên” gương xưa lại tròn, gương vỡ lại lành, đạo xưa lại tỏ.
Vãn hồi chính đạo
Phần sau của bài minh, Nguyễn Đình Hiến cho thấy ông đang làm công tác thanh nghị với người dân ở ấp Bình An để vãn hồi chính đạo. Khi dân trong ấp nói cho ông biết về hai chuyện lạ của giếng: “múc uống thì có thể chữa được bệnh dịch, lấp đi thì phát sinh đám cháy”. Họ cho là quái đản, họ tin vào ý kiến của thầy bói cho là chuyện của thần thánh. Nguyễn Đình Hiến thấy ngay mình phải có nhiệm vụ ngăn chặn tà thuyết, phải giải thích cho nhân dân thấy đấy chỉ là những hiện tượng tự nhiên không có chi là huyền hoặc cả. Là nhà Đông phương học tất nhiên ông vận dụng học thuyết âm dương ngũ hành để lý giải, kết luận đó là hiện tượng tự nhiên, đừng mê tín dị đoan. Đó là những gì ông thấy cần làm và phải làm với tư cách một Nho sĩ: “Ta cũng chẳng quan ngại gì lấy đạo y, đạo đất, đạo thần làm đạo trời, có thường, có biến, có lên có xuống, có mới có cũ, có phế có hưng mà thuyết pháp một hồi để cho người sau hiểu rõ”.
Để cho những lời giải thích của mình có tính thuyết phục hơn, phần sau cùng của bài minh, Nguyễn Đình Hiến dàn dựng một câu chuyện hoàn toàn hư cấu để tạo ấn tượng, gây niềm tin nơi người đọc. Ở phần này ông tỏ rõ là một nhà giáo dục tài ba, một nhà tâm lý học từng trải. ông hiểu rõ những người dân ông đang trò chuyện, họ đương mê nên ông phải dẫn họ vào cõi mộng, họ đương thực ông dẫn họ vào cõi hư. Bằng bút pháp đặc tả sinh động, với nghệ thuật dựng truyện bậc thầy, tác giả đã lôi cuốn người đọc vào không khí một buổi dạ tiệc tưng bừng, lộng lẫy, rất mực phong lưu, huyền ảo nơi cõi thần tiên. nhưng Nguyễn Đình Hiến là một nhà Nho chủ trương văn dĩ tải đạo, văn mà không có đạo không thể phục vụ nhân sinh, đạo mà không có văn không chinh phục được lòng người. Vì vậy, khi đã thành công dẫn dắt cảm xúc, ông không muốn người đọc sa đà trong cảnh mộng, ông lại dùng bút pháp hài hước “cọp có sừng sấn đến” trêu ghẹo chị Hằng, “Hằng Nga ửng hồng đôi má, phun vào mặt cọp một bụm nước lã lớn” khiến cho ai cũng phải bật cười làm thức tỉnh trí thông minh, óc phán đoán của họ, buộc họ phải nhận ra vấn đề. Tài tình nhất là ông đã dùng tiếng cười để chuyển cảnh như thủ thuật của các nhà làm phim hiện đại, từ đêm sang ngày, từ Nam Giao ra tận Thuận An “mâm ngọc đỏ” đã “lên khỏi lòng sóng biếc”, đã đến lúc con người thức tỉnh rời bỏ cơn mê.
Văn thơ Nguyễn Đình Hiến để lại không nhiều, nhưng chỉ riêng bài minh Cổ kính trùng viên cũng đủ cho văn học Quảng Nam nói riêng và văn học Việt Nam nói chung trải chiếu hoa cho ông.
NGUYỄN THIẾU DŨNG