Vị tướng già và căn phòng Trường Sa

XUÂN THỌ 16/11/2017 09:14

(QNO) - Tôi gọi là căn phòng Trường Sa, bởi ở căn phòng đó, vị tướng già cất giữ những kỷ vật khi đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa thời trai trẻ; tất nhiên, ở căn phòng này còn khá nhiều kỷ vật khác.

Căn phòng đặc biệt đó là của Thiếu tướng Nguyễn Viết Hoàng (62 tuổi) - nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 5, hiện đang sinh sống tại TP.Đà Nẵng.

Thiếu tướng Hoàng bên góc ảnh kỷ niệm chuyến thăm lại Trường Sa năm 2009. Ảnh: XUÂN THỌ
Thiếu tướng Hoàng bên góc ảnh kỷ niệm chuyến thăm lại Trường Sa năm 2009. Ảnh: XUÂN THỌ

Bốn năm ở Trường Sa

Năm 21 tuổi, chàng trai quê Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) hăng hái nhận lệnh đi Trường Sa, với nhiệm vụ tăng cường bộ binh trên đảo Trường Sa (lúc này ta chưa có lục quân), sau khi Trung Quốc gây nên cuộc hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988 đầy tàn bạo. Ban đầu, chuyến đi được hoạch định kéo dài 3 năm, song, trong hoàn cảnh tương đối căng thẳng, lại thiếu quân, nên Thiếu tướng Hoàng ở lại thêm 1 năm nữa.

Trong quãng thời gian này, Thiếu tướng Hoàng chủ yếu ở đảo Phan Vinh (từ tháng 8.1988 - 5.1991) với vị trí đảo trưởng; và đảo Trường Sa Lớn (từ tháng 6.1991 - 6.1993) với vị trí lúc đầu là đảo phó, sau này là đảo trưởng. Ba nhiệm vụ chính của Thiếu tướng Hoàng cùng đồng đội lúc bấy giờ là bảo vệ chủ quyền biển đảo, huấn luyện và xây dựng đảo. “Bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhất là Trường Sa, là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của người chiến sĩ. Trong thời gian này, tình hình trên biển tương đối căng thẳng sau sự kiện 14.3 Trung Quốc đánh chiếm một số đảo ở Trường Sa. Trung Quốc liên tục dùng tàu chiến, tàu cá ngụy trang để đi trinh sát các đảo, do đó, các đơn vị phải luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu. Đặc biệt, khi đối phương nổ súng, thì chúng ta mới có hành động tương ứng” - Thiếu tướng Hoàng cho hay.

Trong chuyến tăng cường bộ binh cho Trường Sa năm ấy từ Quân khu 5, Thiếu tướng Hoàng đi cùng 2 đồng đội, để huấn luyện cho bộ đội trên đảo. Lúc bấy giờ mỗi năm tàu đất liền ra đảo chỉ một lần vào mùa biển êm (tháng 4 - 5), nên yêu cầu cao tinh thần độc lập tác chiến, nhất là trong những trường hợp chưa có sự chi viện từ đất liền. Sau cùng, nhiệm vụ xây dựng đảo là khó khăn nhất, bởi lúc này thiếu thốn rất nhiều thứ như lương thực thực phẩm, phương tiện thông tin liên lạc, nước ngọt, sách báo… Tất cả những thứ này, chỉ nhận đúng một lần khi tàu từ đất liền ra, rồi tính toán sử dụng sao cho đủ trong vòng 1 năm. Ở bối cảnh này, Thiếu tướng Hoàng có nhiệm vụ xây dựng tư tưởng cho bộ đội trên đảo, để họ yên tâm vững tay súng.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng Thiếu tướng Hoàng vẫn đảm nhiệm Hội trưởng Hội Khắc phục hậu quả bom mìn TP.Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN THỌ
Dù đã nghỉ hưu, nhưng Thiếu tướng Hoàng vẫn đảm nhiệm Hội trưởng Hội Khắc phục hậu quả bom mìn TP.Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN THỌ

Vượt khó xây dựng đảo

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và công tác huấn luyện, xây dựng đảo cũng hết sức quan trọng. Lúc này trên đảo Trường Sa Lớn có 3 lực lượng, là bộ binh, trạm khí tượng thủy văn của Tổng cục Khí tượng và đơn vị xây dựng cầu cảng (của Bộ GT-VT) có nhiệm vụ tiếp cận các chuyến tàu chở hàng từ trong đất liền ra. Như trên đã đề cập, thì trong điều kiện thiếu thốn nên các chiến sĩ phải phân phối hợp lý, đủ dùng cho 1 năm. Chẳng hạn như gạo, một ngày, mỗi chiến sĩ chỉ được phép sử dụng 7 lạng. Còn nước ngọt, sau khi tắm bằng nước biển, mỗi chiến sĩ chỉ được “cấp” 1 lon nước ngọt (bằng kích thước lon sữa bò) đủ để làm ướt khăn, rồi lấy khăn lau sạch nước biển trên cơ thể. Lúc đầu chưa quen, da ai cũng bị ngứa ngáy, sưng, lở loét… đến tầm 1 tuần sau thì thích ứng được, cơ thể trở nên săn chắc.

Để có nguồn thức ăn tươi sống, sau những trận bão, các chiến sĩ ra nhặt lưới rách rồi vá lại để đánh cá. Vào mùa vích đẻ trứng, bộ đội trên đảo lấy trứng về để cải thiện bữa ăn. Tuy nhiên, do vỏ vích cấu tạo đặc biệt, nên không thể luộc chín mà chỉ có chiên. “Riêng trên đảo Trường Sa Lớn, lúc bấy giờ đã có thể trồng rau, chủ yếu là rau cải và rau muống. Tuy nhiên, mỗi lần trồng chỉ ăn được nửa tháng là cùng, vì diện tích ít, lại bị nước biển gây hại” - Thiếu tướng Hoàng kể. Trong hoàn cảnh như thế, tình đồng chí trở nên gắn kết, sẵn sàng chia sẻ nhau những ngọt bùi và cả cái nhớ nhà. Đó là nói vậy, chứ thật ra thời gian xây dựng đảo đã ngốn hết những nỗi niềm riêng của người lính đảo.

Thiếu tướng Hoàng cho hay, ở Trường Sa biển động hầu như quanh năm, và anh em luôn tất tả xây dựng đảo. Có những đảo xây dựng, đắp chân đảo xong, thì sóng lớn đánh sập. Khi ấy, những người lính phải dầm mình trong nước biển, lấy đất đá kè lại để giữ chân đảo, tránh bị sóng đánh trôi chân. Rồi đến khi biển lặng, mới dùng đất, đá và xi măng kè lại chân đảo. Công cuộc xây dựng và bảo vệ đảo trước sóng biển, luôn đặt người lính ở tâm thế sẵn sàng, bất kể mưa to, bão tố. Nhiều khi, sau cơn vật lộn hàng tiếng đồng hồ dài thườn thượt, cơ thể ai nấy cũng rã rời. Nhưng khi thấy đảo vẹn toàn sau dông bão, thêm vững chãi giữa biển khơi, một cảm giác thiêng liêng chạy đầy cơ thể, xua tan bao khó nhọc, dấy lên niềm tự hào.

Thiếu tướng Hoàng với chiếc túi nhựa để bảo vệ đồ đạc khỏi bị ướt khi vận chuyển từ tàu vào đảo Trường Sa. Ảnh: XUÂN THỌ
Thiếu tướng Hoàng với chiếc túi nhựa để bảo vệ đồ đạc khỏi bị ướt khi vận chuyển từ tàu vào đảo Trường Sa. Ảnh: XUÂN THỌ

Góc kỷ vật

Trở về từ Trường Sa, Thiếu tướng Hoàng được đưa đi học thêm rồi công tác ở nhiều nơi trước khi về nghỉ hưu với chức vị Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Trong những năm đời lính, rồi sĩ quan, Thiếu tướng Hoàng luôn lưu giữ những kỷ vật gắn liền với thời chinh chiến của mình. Để bây giờ, căn phòng ở tầng 2 của nhà mình, Thiếu tướng Hoàng có riêng một góc kỷ niệm. Với căn phòng này, vị tướng già mong muốn có không gian để sau này giáo dục con cháu; riêng tôi, khá ấn tượng với cách bài trí, sắp đặt. Trong số này, Thiếu tướng Hoàng quý nhất là một số kỷ vật ở Trường Sa như bao nhựa, vỏ ốc gai (mà ngư dân hay gọi là ốc u), chiếc võng…

Mở tủ lấy và đưa tôi xem cái bao nhựa, Thiếu tướng Hoàng cho biết nó dùng để chứa đồ đạc trước khi vận chuyển từ trên tàu vào đảo để tránh bị ướt. Còn riêng chiếc võng, vị tướng già cho hay, để có được chiếc võng này, hay chính xác để có được 1 chiếc võng, lính đảo phải mất hàng tháng trời để lượm lặt các sợ dây neo rồi về kết, đan lại. “Hồi đó Trường Sa tuy có máy phát điện bằng dầu diezel, nhưng chỉ để phục vụ chiến đấu. Nên mỗi khi trời nóng, lấy võng ra mắc dưới tán cây bàng vuông mà ngủ, mát lắm. Còn đối với vỏ ốc kỷ niệm, đó như nhắc nhớ một thời thiếu thốn, phải thường xuyên bắt ốc để có thịt tươi sống, cải thiện bữa ăn” - Thiếu tướng Hoàng giải thích.

Chiếc võng đan khi làm nhiệm vụ ở Trường Sa, giờ sợ bị hưng hỏng nên Thiếu tướng Hoàng cất giữ rất cẩn thận. Ảnh: XUÂN THỌ
Chiếc võng đan khi làm nhiệm vụ ở Trường Sa, giờ sợ bị hưng hỏng nên Thiếu tướng Hoàng cất giữ rất cẩn thận. Ảnh: XUÂN THỌ

Tất cả những kỷ vật Trường Sa, được Thiếu tướng Hoàng gói ghém, cất giữ cẩn thận vì sợ hư hỏng. Trên vách tường, vị tướng già dành hẳn không gian cho những tấm ảnh mà ông có chuyển trở lại Trường Sa công tác vào năm 2009. Chuyến đi ấy, trong trái tim vị Thiếu tướng luôn bùng cháy cảm xúc thiêng liêng, khi thấy những ngôi nhà của dân, những đứa trẻ chạy nhảy, ê a học bài. Rồi ông ghé thăm một ngôi nhà, ở đó có đôi vợ chồng trẻ và đứa con nhỏ quê ở Khánh Hòa, để lắng nghe những tâm sự giữ gìn biển đảo của họ; đôi mắt của những đứa bé long lanh đầy kiêu hãnh.

XUÂN THỌ

XUÂN THỌ