Hoàng Diệu và thanh gươm để lại

LÊ THÍ 21/10/2017 09:43

Hoàng Diệu (1829 - 1882) xuất thân trong một gia đình khoa bảng hàng đầu của Quảng Nam. Ông đã hy sinh khi chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội, để lại cho đời sau khí phách và lòng yêu nước tuyệt vời cùng với thanh gươm mà ông mang theo khi tuẫn tiết ở Võ miếu. Về sau, người chắt nội của ông đã mang thanh gươm báu này đi giành chính quyền ở Hội An trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tin liên quan

  • Gặp hậu duệ Tổng đốc Hoàng Diệu
  • Hậu duệ Tổng đốc Hoàng Diệu(Bài 2)
  • Hậu duệ Tổng đốc Hoàng Diệu (Bài 1)
  • Cùng Hoàng Diệu ngắm mây trời…
  • Giỗ cụ Hoàng Diệu ở Sóc Trăng

Gia đình khoa bảng hàng đầu

Chân dung Hoàng Diệu.
Chân dung Hoàng Diệu.

Tộc Hoàng ở làng Xuân Đài, Điện Bàn (nay là làng Xuân Đài, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn) là một trong những gia tộc khoa bảng hàng đầu của “đất học” Quảng Nam, với một phó bảng và 5 cử nhân. Cụ Hoàng Văn Cự và bà Phạm Thị Khuê tuy xuất thân là một hương chức, làm ruộng nhưng các con cụ có nhiều người đỗ đạt. Trong số 7 người con trai thì một người mất sớm, sáu người còn lại đều đỗ đạt gồm một phó bảng, ba cử nhân và hai tú tài.

Hai người con lớn của cụ là Hoàng Kim Giám và Hoàng Kim Tích (sau đổi thành Hoàng Diệu) đều đỗ cử nhân trong khoa thi năm 1848. Hoàng Kim Giám không ra làm quan mà ở nhà dạy học, phụng dưỡng mẹ già và nuôi các em ăn học. Hoàng Diệu (Hoàng Kim Tích, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai) sau đó đỗ phó bảng (khoa thi năm Quý Sửu, 1853) và trở thành một danh sĩ hàng đầu của đất Quảng.
Hai người em đỗ cử nhân sau đó là Hoàng Kim Bảng và Hoàng Vỹ (Hoàng Chấn). Hoàng Kim Bảng đỗ cử nhân năm 1861 từng giữ chức Đốc học Quảng Ngãi, Án sát Quảng Bình, Hà Tĩnh; còn Hoàng Vỹ đỗ cử nhân năm 1870 làm tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Năm 1882, khi Hoàng Diệu tuẫn tiết ở Hà Nội, Hoàng Vỹ đưa linh cữu anh về quê an táng, sau đó xin ở nhà phụng dưỡng mẹ già. Một thời gian sau ông được cử giữ chức Đốc học Quảng Nam. Ông bị bức tử năm 1916 sau cuộc khởi nghĩa bất thành của vua Duy Tân.

Đến đời thứ hai, hai người con của Hoàng Kim Bảng đều đỗ cử nhân: Hoàng Đống, đỗ khoa Đinh Dậu, 1897 và Hoàng Dương, đỗ cử nhân khoa Bính Ngọ, 1906. Đó là chưa kể một người con rể của Hoàng Diệu là Phan Trân (cha Phan Khôi) cũng đỗ phó bảng, khoa Ất Mùi, 1895. 

Sang thời Tây học, tộc Hoàng cũng có nhiều người đỗ đạt và thành danh. Nhiều người cháu nội Hoàng Kim Bảng (gọi Hoàng Diệu là “ông nội bác”) đều là những giáo sư đầu ngành rất nổi tiếng, như: Hoàng Phê (Ngôn ngữ học), Hoàng Quý (Vật lý học), Hoàng Kiệt (Mỹ thuật), Hoàng Tụy, Hoàng Chúng (Toán học).

Huynh đệ đồng khoa

Khoa thi Hương năm 1848 tại trường thi Thừa Thiên, Tham tri Bộ Binh là Hoàng Tế Mỹ làm Chánh chủ khảo, Biện lý Bộ Lễ là Phan Huy Thực làm Phó chủ khảo. Khoa này có hai học trò người Quảng Nam dự thi và cùng đỗ cử nhân. Khi xem lại bài thi của các thí sinh thi đỗ, hai vị chánh, phó chủ khảo vô cùng bối rối vì hai bài thi có nhiều luận điểm giống nhau, lại là bài thi của hai anh em ruột. Sợ quá, hai vị bèn tâu lên Bộ Lễ và vua Tự Đức. Thấy vậy, nhà vua cho tổ chức phúc khảo và sát hạch riêng từng người, mỗi người ngồi một phòng riêng ở Tả vu và Hữu vu trong điện Cần Chánh (Đại nội Huế). Sau khi xét duyệt bài phúc khảo, nhà vua phê: “Văn hành công khí, quý đắc chân tài; huynh đệ đồng khoa, thành vi mỹ sự”, nghĩa là “sự hành văn là việc chung, cốt để chọn chân tài; hai anh em cùng đỗ một khoa đó là điều tốt đẹp”. Hội đồng giám khảo vui mừng, thở phào nhẹ nhõm. Thời đó, thi cử rất nghiêm ngặt, không khéo bị vạ oan.

Hai anh em ruột người Quảng Nam cùng đỗ cử nhân khoa thi đó một người tên là Hoàng Kim Giám, 22 tuổi; một người tên là Hoàng Kim Tích, tức Hoàng Diệu, 19 tuổi. May cho anh em Hoàng Diệu, gặp được một hội đồng giám khảo tài năng, dũng cảm và ông vua hay chữ lại rất công tâm trong việc thi cử.

Thanh gươm để lại

Con đường khoa cử của Hoàng Diệu khá suôn sẻ nhưng hoạn lộ thì lại nhiều gập ghềnh, mặc dù làm đến Thượng thư, Tổng đốc nhưng cũng bị giáng chức ba lần vì vạ lây. Từ nhỏ anh em ông đã được hưởng nền giáo dục gia đình rất tốt. Chuyện kể, khi làm quan ông có gửi về tặng mẹ một tấm áo lụa. Mẹ ông đã gửi trả lại kèm theo một chiếc roi dâu, hàm ý khuyên con phải thanh liêm, coi việc nước trên việc nhà. Đại Nam chính biên liệt truyện viết về ông: “là người tính tình cương trực, thanh liêm, lâm sự quyết đoán, có phong độ của bậc đại thần” (Nxb Thuận Hóa, 1995).

Mộ Hoàng Diệu ở làng Xuân Đài, Điện Bàn.
Mộ Hoàng Diệu ở làng Xuân Đài, Điện Bàn.

Năm 1880, Hoàng Diệu nhậm chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội, Ninh Bình) giữa lúc thực dân Pháp dã tâm muốn chiếm Bắc kỳ, còn triều đình Huế thì nhu nhược tiến thoái lưỡng nan. Trước khi đi nhậm chức ông về quê thăm mẹ, có ghé làng Đông Bàn thăm Phạm Phú Thứ, lúc này đang về nghỉ dưỡng ở quê. Hai ông đã đàm đạo về thời thế suốt một buổi sáng. Trước khi chia tay hai vị quan đầu triều đã vái lạy tạ từ nhau. Là hai người hiểu rõ thời thế hơn ai hết, cử chỉ ấy sau này được xem như lời chào vĩnh biệt!

Đến Hà Nội, ông vỗ an dân chúng, tập trung bố phòng chống giặc. Việc làm này được thân sĩ Hà Nội ủng hộ nhưng lại bị triều đình quở trách. Ngày mùng 8 tháng 3 (25.4.1882), Henri Rivière gửi tối hậu thư buộc phải giao thành. Trước thái độ ngang ngược của giặc, ông cho người đi thương lượng nhưng lại chuẩn bị để quyết chiến. Không đợi trả lời, H. Rivière ra lệnh công phá thành. Ông chỉ huy quân sĩ chống trả đến phút cuối cùng. Tướng sĩ dưới trướng lớp bị thương vong, lớp bỏ trốn theo giặc, ông chạy vào Võ miếu cùng với mười lính hầu, trong tay chỉ còn một thanh gươm. Ông viết biểu dâng về triều rồi lấy khăn buộc lên một cây táo thắt cổ tự vẫn để khỏi rơi vào tay giặc.

Nghe tin Hoàng Diệu tuẫn tiết, sĩ dân Hà Nội rất thương tiếc và ngày hôm sau đã đưa thi hài ông về mai táng tại khu vườn Dinh Đốc học Hà Nội. Gần nửa tháng sau, khi đang làm cỏ lúa gieo trên cánh đồng làng, bà Hoàng Diệu mới nhận được tin chồng tuẫn tiết ở Hà Nội. Bà đã ngất xỉu trên bờ ruộng. Chồng làm quan đến Thượng thư, Tổng đốc đại thần, vợ lại không xênh xang lên xe xuống ngựa mà chỉ là một nông dân bình thường, thật là một điều hiếm thấy xưa nay.

Về sau, hài cốt của ông được đưa về an táng giữa cánh đồng lúa xanh ngát của quê mẹ. Hiện nay lăng mộ của ông đã qua nhiều lần trùng tu, được công nhận di tích văn hóa lịch sử quốc gia. Ông chẳng để lại tài sản gì cho con cháu, ngoài phẩm chất, khí phách tuyệt vời của một nho sĩ và một thanh gươm báu. Tất cả đã được con cháu tộc Hoàng lưu giữ như một thứ gia bảo “truyền tử lưu tôn”. Năm 1945, người chắt nội của ông đã mang thanh gươm ấy đi giành chính quyền ở Hội An trong Cách mạng Tháng Tám.

LÊ THÍ

LÊ THÍ