Nặng lòng với quê hương

THANH VÂN 22/09/2017 13:27

Đạo diễn Trần Thanh Việt thuộc thế hệ trưởng thành trong chiến tranh, và gắn bó cuộc đời của mình với Đoàn ca kịch Quảng Nam - nơi ông đã có nhiều cống hiến cho nghệ thuật sân khấu tỉnh nhà, đặc biệt là lĩnh vực dân ca kịch bài chòi khu V.

Những gương mặt trẻ của Đoàn ca kịch Quảng Nam. Ảnh: Facebook Đoàn ca kịch Quảng Nam
Những gương mặt trẻ của Đoàn ca kịch Quảng Nam. Ảnh: Facebook Đoàn ca kịch Quảng Nam

Đạo diễn Trần Thanh Việt sinh ngày 7.4.1948 tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên. Năm 1965, ông theo gia đình tản cư vào xã Bình Sa, huyện Thăng Bình và bắt đầu nghiệp diễn từ đây. Xuất thân trong gia đình không có ai theo con đường nghệ thuật, thế nhưng ông lại có năng khiếu về dân ca và từng tham gia phong trào văn nghệ khi còn là học sinh.

Một thời với chiến trường Quảng Nam

Đạo diễn Trần Thanh Việt.
Đạo diễn Trần Thanh Việt.

Học gần hết đệ nhị, chuẩn bị thi tú tài thì ông Việt đành xếp bút nghiên cùng đồng đội tham gia đánh địch giải phóng vùng đông Thăng Bình. Tháng 10.1965, ông vào Đoàn Văn công giải phóng Quảng Nam lúc đoàn vừa mới thành lập và đóng chân tại thôn Đồng Linh (Bình Phú, Thăng Bình). Ở vùng chiến khu, ông được học đạo diễn trong 9 tháng. Ông cho rằng mình là người may mắn bởi trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh ác liệt mà có cơ may được học nghiệp vụ đạo diễn sân khấu. Vốn đã mê câu hát dân ca, sử dụng được các loại nhạc cụ guitar, mandolin, nên sau khóa học, ông vừa là diễn viên dân ca, độc tấu bài chòi, vừa sáng tác kịch ngắn... Sau chiến dịch xuân Mậu Thân - 1968, Đoàn Văn công Quảng Nam về đóng ở Kỳ Yên. Đói cơm, lạt muối, mặc rách, sốt rét kéo dài… thế mà anh chị em diễn viên vẫn lạc quan yêu đời. Các chương trình của đoàn cũng chủ yếu là ca múa nhạc tổng hợp, ngoài ra còn diễn một số vở: “Một mạng người”, “Tiếng sấm Tây Nguyên”, “Đêm giao thừa”, “Lá cờ”… Giai đoạn này ông đã viết “Người mẹ Đồng Linh” độc tấu bài chòi. Thực tế từ những ngày gian khổ ở chiến trường đã tạo nên cảm hứng để ông viết tiếp “Người con gái Kỳ Vinh” (song tấu bài chòi). Rồi sau đó là vở kịch nói “Ba cùng” ra đời.

Trong những năm 1968 - 1975, chiến tranh ngày càng ác liệt, đời sống của anh chị em diễn viên cực kỳ gian khổ, nhiều diễn viên hy sinh, đoàn phải mượn cán bộ làm công tác tuyên huấn, có năng khiếu ca hát sang làm diễn viên. Và ông nên duyên với người vợ hiền bây giờ, khi bà công tác ở Ban Tuyên huấn được điều sang làm diễn viên của đoàn một thời gian.

Trở về

Năm 1975 đất nước thống nhất, ông về công tác tại Phòng Văn nghệ thuộc Ty Văn hóa - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1979, ông thi đậu vào Trường Đại học sân khấu điện ảnh TP.Hồ Chí Minh. 5 năm đèn sách, ông nhận đồng lương ít ỏi của cơ quan cộng với số tiền làm thêm trên đất Sài Gòn để kiếm sống và trang trải việc học hành. Khi ông tốt nghiệp ra trường, có người gợi ý ông nên ở lại trường giảng dạy nhưng ông đã quyết tâm trở lại quê hương. Ông trải lòng: “Những năm chiến tranh gian khổ ác liệt mình đã cống hiến tuổi thanh xuân. Đất nước hòa bình rồi, mình phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với quê hương”. Trong những năm 1986 -1987 ông đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam - Đà Nẵng phụ trách lĩnh vực nghệ thuật. Năm 1987, với vai trò là Trưởng đoàn Dân ca kịch, ông cùng các cộng sự bắt tay vào dựng vở “Muối mặn đời em” của Lưu Quang Vũ. Vở diễn tham gia Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 tại Nha Trang đã mang lại 1 HCV cho đoàn, 3 HCV và 7 HCB cho các diễn viên, và được Bộ Quốc phòng tặng giải xuất sắc năm 1994 về đề tài lực lượng vũ trang. Sau thành công của vở diễn đầu tay, ông tiếp tục dựng vở “Cha con người hát rong” của Ngọc Tranh, tham gia hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc đoạt 2 HCV cá nhân (Từ Minh Hiệp, Ngọc Thủy). Vở diễn này cũng được diễn tại Nhà hát Trưng Vương phục vụ đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Quảng Nam - Đà Nẵng.

Những năm bao cấp, từ lãnh đạo đến diễn viên của đoàn đều gặp không ít khó khăn, nhiều anh chị em diễn viên phải làm thêm đủ việc để trang trải cuộc sống gia đình, nhưng ít ai bỏ đoàn, bỏ nghề. Mỗi khi lên sàn tập, sàn diễn họ lại say sưa hóa thân vào vai diễn. Đó là nguồn cảm hứng lớn lao để rồi về sau, ông đã phối hợp với các nhà viết kịch, viết nhạc như Ngọc Tranh, Hoài Giao, Thu Phương, Đỗ Hồng Quân, Quỳnh Lan, Trọng Đài, Đào Quốc Tính… dựng nên những vở diễn có tầm, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả yêu sân khấu dân ca bài chòi trong và ngoài tỉnh. Đó là các vở: “Họ yêu nhau như thế”, tác giả Hoài Thu, “Đi giữa đời lặng lẽ”, tác giả Nguyễn Quang Vinh, “Nhà có ba chị em”, “Xuân Tím”, tác giả Nguyễn Thu Phương, “Một thời đất lửa”, tác giả Nguyễn Hoài Giao… Ông kể, trong bối cảnh chung của những năm 1989-1990, kinh phí không nhiều, trong khi mỗi một vở diễn nếu thuê đạo diễn phải trả chi phí từ 100 - 200 triệu đồng, mà như thế thì đã ngốn hết ngân sách được cấp, còn đâu kinh phí mà tổ chức biểu diễn ở cơ sở. Vì vậy ông phải lao vào công việc để giảm bớt chi phí cho đoàn.

Theo ông, nghề đạo diễn rất khắc nghiệt, nhất là dựng những vở dài, ngoài am hiểu về chính trị, phải có chiều sâu văn hóa, lịch sử và phải có vốn kiến thức nhất định ở lĩnh vực âm nhạc… Ngoài ra, yếu tố quan trọng để làm nên thành công của một vở diễn còn phải kể đến sự ăn khớp của bộ tứ: nhà viết kịch, nhà đạo diễn, người viết nhạc và họa sĩ. Nhưng người quyết định cuối cùng sự thành công của vở diễn vẫn là đạo diễn. Nó đòi hỏi đạo diễn phải có kiến thức toàn diện, có bản lĩnh chính trị và diễn đúng tuyến nhân vật, thuyết phục người xem bằng sự tưởng tượng sự thật. Ông nhớ có lần UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo dựng vở để tuyên truyền phục vụ Đại hội Đảng, ông mời nhà biên kịch Nguyễn Hoài Giao vào Quảng Nam để cùng tìm kiếm đề tài, xuống Bình Dương (Thăng Bình) rồi vào Núi Thành, cuối cùng câu chuyện vỡ òa qua một tập sách: Nhật ký Chu Cẩm Phong. Thế là vở “Một thời đất lửa” được ra mắt công chúng. Ông bảo: “Dân ca kịch là bộ môn nghệ thuật tổng hợp, những vở diễn dựng thành công nhờ mình có sự trải nghiệm thực tế, lại được đào tạo bài bản. Cộng với sự chịu khó nghiên cứu của mình và sự học hỏi, đam mê của các diễn viên, dù họ không được đào tạo qua trường lớp”. Theo ông, điều làm nên thành công của một đạo diễn, là vốn tri thức, vốn sống tích lũy được, cùng với năng khiếu cộng với sự khổ luyện, đó là những yếu tố quan trọng chắp cánh cho những vở diễn bay xa.

Mong muốn được truyền nghề

Ở cái tuổi 70 ông vẫn dõi theo bước đi của Đoàn ca kịch Quảng Nam, nơi mà lâu nay ông đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết để gầy dựng. Rời đoàn đã 10 năm nhưng máu nghề nghiệp trong ông vẫn còn âm ỉ cháy. Ông mong muốn được truyền nghề, truyền vốn hiểu biết tích lũy qua mấy mươi năm cho lớp trẻ. Theo ông, điều cần thiết bây giờ là tập trung tuyển diễn viên từ cơ sở, có lực lượng, có thầy, có giáo trình, giáo án bài bản… hy vọng sẽ có lực lượng kế cận cho đoàn. Ông bảo, nếu Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Quảng Nam mở các lớp bồi dưỡng về lý luận, viết kịch, đào tạo đạo diễn, diễn viên…, ông sẵn sàng vào giảng dạy, truyền nghề. 70 tuổi đời, 43 năm gắn bó với dân ca kịch bài chòi khu V, bây giờ nhìn về Quảng Nam, trong ông hãy còn đó đau đáu nỗi lo về lực lượng kế cận. Ông bảo, bây giờ chế độ đãi ngộ cũng đã được nâng lên, đời sống của diễn viên cũng có phần khá hơn trước; song cùng với chế độ đãi ngộ, ghi nhận sự cống hiến của họ thì việc đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cũng cần được quan tâm thường xuyên, thấu đáo thì mới hy vọng có được kết quả tốt.

Cả cuộc đời gắn bó với dân ca kịch bài chòi và đoàn ca kịch, ông đã cùng với cộng sự của mình góp phần đưa loại hình nghệ thuật này đến với các liên hoan, hội diễn toàn quốc, khu vực và đến với đông đảo khán giả trong cả nước. Và tôi biết, ông luôn nặng lòng với mảnh đất này.

THANH VÂN

THANH VÂN