Người kết nối tình hữu nghị Việt - Lào
(QNO) - Sinh ra tại Cẩm Nam, TP.Hội An, cựu binh Lê Viết Muồng (tên tiếng Lào là Bô Nhơn) trở thành cầu nối tình hữu nghị 2 dân tộc Việt - Lào trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước Lào.
Ông Hoàng Châu Sinh (trái) trao quà cho cựu binh Lê Viết Muồng (áo vàng) trong một dịp viếng thăm bên Lào. Ảnh: LỘC HẢI |
Đến thăm ông tại nhà riêng ở bản Nộn-mi-say, huyện Lạ Màm (tỉnh Sê Kông, Lào), chúng tôi không khỏi thán phục và tự hào về ông, một người con xứ Quảng. Dù gần bước sang tuổi 90 (SN 1928), sức khỏe đã suy giảm nhưng trông ông Muồng vẫn minh mẫn và nhiệt huyết, đặc biệt khi kể về những tháng năm hào hùng của tuổi trẻ trên nước bạn Lào.
Thế hệ đầu tiên trên đất bạn Lào
Tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945 khi mới 17 tuổi, Lê Viết Muồng trở thành một trong 9 thành viên đầu tiên được Khu ủy khu V chọn làm công tác vận động cơ sở giúp nước bạn Lào. Năm 1948, ông cùng các thành viên trong đơn vị vượt Trường Sơn sang Lào để giúp nước bạn. Nhớ lại những năm tháng làm anh "Bộ đội Cụ Hồ", ông Muồng kể: "Sau khi có thỏa thuận giữa đồng chí Phạm Văn Đồng - đại diện Chính phủ ta và Hoàng thân Xuphanuvông - đại diện Chính phủ kháng chiến Lào, tôi được vinh dự chọn vào đội tiền trạm do đồng chí Hoàng Tăng làm đội trưởng, đồng chí Phan Xuân Phụng làm Chính trị viên. Trước khi xuất phát, đồng chí Phạm Văn Đồng dặn dò, đại ý: Các chú là người dọn đường, là đi vào nơi gian khó, luôn phải nhớ lời Bác Hồ "Giúp bạn là tự giúp mình"".
Xuất phát từ Tiên Phước, đội qua Phú Gia lên Giằng xây dựng địa bàn đứng chân khu vực giáp biên. Tại Giằng lúc bấy giờ có già làng người dân tộc Cơ Tu rất có uy tín trong vùng. Tuy vậy, do chưa hiểu về cách mạng nên thường tránh mặt đội. "Phải qua 6 tháng "3 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con dân làng, với người nhà của già làng, chúng tôi mới cảm hóa thuyết phục được già làng. Khi đã hiểu ra lẽ phải, già làng đồng tình và ủng hộ cách mạng rất tích cực. Kết quả, cả một vùng từ Tà Ngô đến Ốc Run đã nghe theo lời nói của già làng: Người Kinh người Thượng đoàn kết đánh Phalăng (giặc Pháp), giúp đỡ Bộ đội Cụ Hồ, tạo hành lang, căn cứ giúp bạn Lào cùng đánh Pháp..." - ông Muồng nhớ lại.
Sau khi xây dựng địa bàn đứng chân vùng giáp biên, đoàn vượt sang Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông). Tại đây, do bị kẻ địch tuyên truyền, hù dọa gọi người Việt là "Keo", "sẽ đến cai trị người Lào" nên khi đoàn đến, cả làng bỏ đi, chỉ còn người già yếu ở lại. Đội lại phân nhau vào từng nhà, gặp từng người tuyên truyền vận động. Các chiến sĩ trong đội xâm nhập vào dân tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán của dân, hòa mình vào lối sống ấy. Nhiều người phải "cà răng, căng tai", "đóng khố", "3 cùng" với dân, ngày hai buổi lên rẫy trồng sắn, tỉa lúa với người dân Lào; tối đến cùng uống rượu, múa lăm vông. Cũng từ đó, Lê Việt Muồng trở thành công dân Lào với tên gọi là Bô Nhơn.
Năm 1949, ông Muồng trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1955, khi tổ chức Đảng Nhân dân Cách mạng Lào hình thành, ông được chuyển sang làm đảng viên của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Năm 1970, ông Muồng tham gia Tỉnh ủy Saravan (Sê Kông lúc bấy giờ là bộ phận của tỉnh miền Đông Saravan), rồi Thường trực Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tuyên huấn. Năm 1981, ông được cử đi học trường Đảng ở Việt Nam, trở về là Phó Bí thư Tỉnh ủy. Khi tách tỉnh (1984), ông Muồng trở thành Bí thư Tỉnh ủy Sê Kông. Sau đó được điều về Trung ương, làm Phó ban Tổ chức chuẩn bị cho Đại hội V. Sau khi nghỉ hưu (năm 1992), ông được Tỉnh ủy và Hội người Việt ở Sê Kông mời làm cố vấn.
Di tích Hạ Lào, minh chứng cho tình đoàn kết giữa 2 dân tộc Việt - Lào trong chiến tranh tại Phú Ninh. Ảnh: LỘC HẢI |
Vun đắp tình hữu nghị
Ông Lê Viết Muồng được 2 Đảng và Nhà nước Việt, Lào tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại như Huy chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ các hạng cùng nhiều huân, huy chương, Bằng khen của nhà nước Việt Nam và Lào… |
Trở về đời thường, dù tuổi cao nhưng ông Muồng vẫn không ngừng nỗ lực vun đắp cho tình hữu nghị 2 dân tộc. Với ông, mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết Lào - Việt, Việt - Lào nói chung, Quảng Nam - Đà Nẵng - Sê Kông nói riêng rất thiêng liêng, đặc biệt đã được lãnh đạo 2 nước và các thế hệ tiền bối dày công vun đắp. "Qua thời gian sống, chiến đấu, công tác trên đất nước bạn, tôi tự hào được góp phần nhỏ bé của mình vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt - Lào. Tôi luôn tâm nguyện sẽ đem hết tâm, trí, lực của mình giữ gìn, phát huy mối tình đoàn kết keo sơn đặc biệt này. Đồng thời mong muốn lớp trẻ Việt - Lào hôm nay và mãi sau này kế tục truyền thống những người đi trước, giữ gìn, vun đắp cho quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững" - cựu chiến binh Lê Viết Muồng bày tỏ.
Với những đóng góp, cống hiến cho cách mạng, ông Lê Viết Muồng - Bô Nhơn đã trở thành niềm tự hào của 2 dân tộc Việt - Lào. Điều đó càng cao quý và ý nghĩa hơn khi đất Quảng có những con người làm rạng danh quê hương trên đất bạn. Nhận xét về cựu binh Lê Viết Muồng, ông Hoàng Châu Sinh - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Nam khẳng định, ông Muồng là tấm gương sáng đặc biệt tiêu biểu trong số hàng nghìn chiến sĩ, đồng bào ưu tú của Quảng Nam đã đóng góp công sức giúp nước bạn Lào qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cùng với căn cứ cách mạng, biểu tượng sinh động "Liên quân chiến đấu Việt - Lào" trên đất huyện Phú Ninh, mối quan hệ đoàn kết giữa 2 dân tộc luôn được nhiều thế hệ kế tục phát huy lên tầm cao mới, nhất là trong tình hình hiện nay.
"Phát huy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt - Lào, cũng như kế tiếp những truyền thống tốt đẹp mà những thế hệ đi trước như ông Lê Viết Muồng xây đắp, chúng ta cần tuyên truyền giới thiệu cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu thật sâu sắc về đất nước và con người Lào, nhất là truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường bất khuất và tình hữu nghị của nhân dân 2 dân tộc. Phải làm cho nhân dân thấy sự đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa 2 dân tộc Việt - Lào là quy luật, là yếu tố sống còn của cách mạng 2 nước, là di sản vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phomvihản đã dày công xây dựng" - ông Hoàng Châu Sinh chia sẻ.
LỘC HẢI