Tư liệu về Sơn phòng sứ Nguyễn Văn Xán
Trong các gia tộc của 5 vị Sơn phòng sứ phụ trách Sơn phòng Quảng Nam thời Nguyễn là Nguyễn Tạo, Nguyễn Văn Xán, Phan Bính, Nguyễn Đình Tựu, Trần Văn Dư, thì gia tộc cụ Nguyễn Văn Xán ở Tam Kỳ còn giữ lại được khá nhiều tư liệu.
Ông Nguyễn Văn Hóa - hậu duệ đời thứ tư - giới thiệu bộ tư liệu về ông Nguyễn Văn Xán. |
Từ sách vở và văn bia thời Nguyễn
Bộ Quốc triều Hương khoa lục ghi danh những người đỗ các khoa thi Hương thời Nguyễn (từ khoa Đinh Mão - 1807 đến khoa Mậu Ngọ - 1918) có tên ông Nguyễn Văn Hưng - người xã Quảng Phú, huyện Hà Đông xưa (nay là xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) đỗ cử nhân kỳ thi (ân khoa) năm Tự Đức nguyên niên (Mậu Thân - 1848). Cùng đỗ với ông Hưng kỳ này có 10 người Quảng Nam; trong đó có ông Hoàng Kim Tích - tức là Tổng đốc Hoàng Diệu rất nổi tiếng sau này. Dòng ghi chú về ông Hưng trong bộ sách trên viết: “làm quan đến chức Viên ngoại lang bộ Lại, thăng chức Sơn phòng sứ Quảng Nam”.
Những chi tiết đỗ đạt đã nêu được lặp lại trong văn bia “Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí” vinh danh những người đỗ đạt ở huyện Lễ Dương, tỉnh Quảng Nam. Tấm bia này hiện còn ở xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, có những dòng ghi nhận về ông Sơn phòng sứ nói trên như sau: “Hoàng triều Tự Đức nguyên niên, Mậu Thân - Ân khoa: cử nhân Nguyễn Văn Hưng (cải Xán); sĩ chí Hồng lô Tự khanh, lĩnh Quảng Nam Sơn phòng sứ, dĩ Sơn man nhiếp phục. Mẫu tang phụng chuẩn hồi, nhị nguyệt phục cung chức” (cử nhân khoa thi năm Tự Đức thứ nhất có Nguyễn Văn Hưng, sau đổi tên là Xán, làm quan đến hàm Hồng lô Tự khanh, lĩnh chức Sơn phòng sứ ở Nha Sơn phòng tỉnh Quảng Nam, có công thu phục những sắc dân thiểu số trên vùng núi của tỉnh. Được phép nghỉ việc để về quê thọ tang mẹ ruột, đến tháng Hai âm lịch được cho trở lại giữ chức Sơn phòng sứ như cũ).
Đến các bằng sắc lưu ở gia tộc
Theo chỉ dẫn ở sách và tấm bia nói trên, chúng tôi tìm đến thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ - quê của ông Nguyễn Văn Hưng (Xán) - để tìm hiểu. Địa phương này, vào thời Nguyễn có tên là thôn Phú Nhuận thuộc xã Quảng Phú, tổng Hưng Thịnh Hạ, huyện Lễ Dương (sau đổi tên là huyện Thăng Bình). Nhiều vị cao tuổi ở đây còn nhớ là ông bà họ đã từng nhắc đến chức danh “quan Hường” khi nói về ông Sơn phòng sứ này (Hường: cách đọc/nói trại âm - vì kỵ húy - chữ đầu của tên hàm Hồng lô Tự khanh; cách đọc này phổ biến từ thời Tự Đức về sau). Cũng tại đây, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Hóa, 68 tuổi - hậu duệ đời thứ tư của ông Nguyễn Văn Xán. Ông Hóa cho biết hiện còn giữ một số sắc phong và văn bằng của triều Nguyễn ban cấp cho ông cố của mình.
Ông Hóa trân trọng giở hòm gia phả đựng các giấy tờ trên cho chúng tôi xem. Bộ tư liệu này gồm 6 bản sắc phong viết trên giấy điệp vàng có hoa văn rồng hình rồng, đóng ấn “sắc mệnh chi bửu” của triều đình và một số bằng cấp thể hiện quá trình tham gia công việc làm quan của ông Nguyễn Văn Xán. Đọc hết và tóm tắt lại, có thể kể ra như sau:
Sau khi đỗ cử nhân, ông Hưng (lúc này đổi tên là Nguyễn Xán (阮 燦) ở quê chờ bổ dụng. Bốn năm sau (1862) mới được bổ làm “Quyền quản Thăng Bình phủ dõng” phụ trách việc huấn luyện dõng đinh (trai tráng phụ trách canh phòng ở địa phương) trong huyện; mãi hai năm sau nữa mới được giao hàm Hàn lâm viện Điển bạ phụ trách công việc giáo dục (Huấn đạo) tại huyện Hà Đông. Năm 1866 được giữ chức Giáo thụ (phụ trách việc học hành trong tỉnh) rồi được đưa về kinh đô làm việc tại viện Tập hiền (nơi được giao việc trình bày nội dung kinh sách và tư liệu bàn đạo trị nước cho vua và các quan cấp cao tham khảo) với hàm Tu soạn vào năm 1867. Hai năm sau, được giao giữ chức tri huyện ở huyện Phú Xuyên - lúc ấy thuộc tỉnh Hà Nội. Phú Xuyên là một huyện giàu, tại đây, ông tri huyện người Quảng đã vận động dân chúng đóng góp một số tiền lớn (150 quan) cho việc quân nhu ở vùng biên cương phía bắc và được giấy ban khen (tưởng thưởng lục - 1870). Từ khoảng năm 1872 về sau ông Xán lại về kinh đô giữ chức Viên ngoại lang ở Đại lý tự rồi Phó Võ học ở Võ học đường. Qua các công việc kể trên, có thể thấy ông Xán là người rành cả công việc quan văn lẫn quan võ. Vì thế, không lạ gì khi vào năm 1875 ông được triều đình bổ làm Quản đạo của Phú Yên - một vùng nhiều đồi núi vừa mới được tách thành một đơn vị hành chính đặc biệt gọi là “Đạo” lúc bấy giờ (theo Sắc phong ngày 28.10 âm lịch năm Tự Đức thứ 27 - 1875 ban quan hàm là Hồ Liệt đại phu).
Trong các bản sắc phong còn lại - ngoài bản ký ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch năm Tự Đức 30 (1877) ban quan hàm Trung Thuận đại phu, giao giữ chức Án sát sứ điều hành Ty Đề hình Án sát của tỉnh Phú Yên - chúng tôi không tìm thấy bản sắc phong giao giữ chức Sơn phòng sứ. Nhưng qua nội dung và ngày ký bốn bản sắc phong ban tặng cho thân phụ và thân mẫu của ông Xán thì biết là ông này đã được giao quan hàm Hồng lô Tự khanh, cho giữ chức Sơn phòng sứ phục vụ tại Nha Sơn phòng tỉnh Quảng Nam vào khoảng tháng 6 năm Tự Đức thứ 32 (1879).
Cuối đời và mộ phần
Tại gia tộc ở xã Tam Phú, chúng tôi chỉ được nghe kể là ông Nguyễn Văn Xán mất lúc đương chức tại nhiệm sở Sơn phòng Dương Yên (vùng Trà My hiện nay) nhưng hậu duệ không biết rõ là khoảng thời gian nào. Tại ngôi mộ ông ở khoảng giữa đồi Quảng Phú và ngã ba sông Tam Kỳ chỉ có tấm bia đá đề chữ “phụng tu” (khắc lại theo bia cũ) vào ngày 22 tháng 6 năm Đồng Khánh thứ ba (1888) với dòng chính như sau: “Hiển khảo Hồng lô Tự khanh sung bổn tỉnh Sơn phòng sứ Nguyễn Tĩnh Trai thụy Đoan Cẩn chi mộ” (Mộ cha chúng tôi, họ Nguyễn, hiệu Tĩnh Trai, có tên để thờ là Đoan Cẩn) với tên người dựng bia là các con trai của ông. Tra cứu trên mạng (ở trang http://www.vansu.vn/viet-nam/viet-nam-nhan-vat/1752/nguyen-van-xan) thấy có thông tin như sau: “Ông qua đời lúc đang tại chức nhằm ngày 8 tháng 11 năm Tân Tỵ (1881). Thi hài ông được đưa từ làng Dương Yên bằng đường bộ về an táng tại quê nhà (làng Quảng Phú), hưởng dương 53 tuổi”. Chưa rõ thông tin về ngày mất này lấy từ nguồn tư liệu nào? Chỉ có mấy dòng sau trích dẫn từ Đại Nam thực lục - bộ chính sử của triều Nguyễn chép việc của “tháng 4 năm Tự Đức 34 (Tân Tỵ - 1881)” cho biết chi tiết sau: “Bọn Man ở Quảng Nam quấy cướp các xã Phú Thọ, Trung Đạo, Xuân Bình, Trung Chính. Phó đề đốc Sơn phòng là Ngô Đắc Quang, Sơn phòng sứ là Nguyễn Văn Xán đều phải giáng” (bản dịch của Viện Sử học Hà Nội, NXB Giáo Dục, tập 8, trang 467).
Quan lại không làm trọn chức trách, phải chịu giáng, chịu tội là chuyện bộ sử nói trên đều ghi. Có một chi tiết về ông Nguyễn Văn Xán mà bộ sử này không ghi, nhưng người đời sau, khi đọc bộ sử Đại Nam thực lục, đã biết được một cách gián tiếp là: chính ông Xán và đồng sự, trong những ngày phụ trách Sơn phòng Quảng Nam đã góp phần bình ổn vững vàng vùng núi Quảng Nam; nhờ đó mà sau này, các lãnh tụ của Nghĩa hội Quảng Nam như Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu đã có điều kiện lập các căn cứ Cần vương chống Pháp một cách oanh liệt vào các năm 1885 - 1887.
PHÚ BÌNH