Trần Hoành - "vua vượt ngục"

LÊ THÍ 13/08/2017 08:10

Nhiều người yêu mến gọi Trần Hoành là “vua vượt ngục”. Trần Hoành hiệu là Phước Bình, sinh năm 1878, người làng Phước Bình (nay là xã Sơn Viên, huyện Nông Sơn). Ông từng làm đốc công ở mỏ than Nông Sơn nên thường được gọi là Cửu Cai.  

Mộ Trần Hoành nằm trong khu lưu niệm Phan Bội Châu ở thành phố Huế.
Mộ Trần Hoành nằm trong khu lưu niệm Phan Bội Châu ở thành phố Huế.

Thầy giáo của phong trào Duy tân

Năm 1904, ông bỏ việc ở mỏ than tham gia phong trào Duy tân, trở thành thầy giáo dạy Pháp văn và thể dục tại các trường duy tân trong tỉnh. Để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân, ông đứng ra mở trường Phước Bình ở gần đèo Le thuộc huyện Quế Sơn cạnh căn cứ Trung Lộc. Nguyễn Văn Xuân cho biết: “Bởi thế, theo đề nghị của Phan Châu Trinh, phải lập thêm một trường lớn cỡ Diên Phong và Phú Lâm: trường Phước Bình. Trường này, Giám đốc là Cửu Cai Trần Hoành… Ông là một nhà chính trị sau này rất nổi tiếng ở Côn Lôn nhờ những vụ vượt ngục rất oanh liệt… Nhờ tổ chức giỏi nên chỉ trong một thời gian ngắn trường đã có quy củ. Lại nhờ có vị trí thuận lợi nên ai không thể học ở Phú Lâm hay Diên Phong thì lên học ở đó. Ở trường này bày ra phương pháp ấn loát mới mẻ bằng đông sương. Tức là nấu rau câu để nguội thành xoa xoa rồi ấn tấm giấy viết sẵn cho chữ dính vào đó. Xong mới lấy các tờ giấy khác để in…” (Phong trào Duy tân, Nxb Đà Nẵng, 1995, trang 178).

Năm 1908, phong trào Duy tân phát triển mạnh, đỉnh điểm là cuộc dân biến với các cuộc biểu tình cự sưu kháng thuế nổ ra khắp miền Trung. Thực dân Pháp và Nam triều đổ tội cho các nhà yêu nước nên đàn áp dã man phong trào. Một loạt các nhà Duy tân như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Nguyễn Thành, Lê Cơ... bị bắt, bị đày ra Côn Đảo hoặc Lao Bảo. Trần Hoành cũng bị truy bắt, ông bỏ trốn nhưng cuối cùng bị bắt và giam ở nhà lao Nghệ An. Năm 1912, ông vượt ngục nhưng không may bị bắt lại bị kêu án chung thân đày ra Côn Đảo. Có tài liệu cho là sau khi vượt ngục ông trốn về quê ẩn náu. Năm 1916, ông lại tham gia cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân. Khởi nghĩa không thành ông bị bắt đày ra Côn Đảo. Rất tiếc các tài liệu chính thống nói về cuộc khởi nghĩa của vua  Duy Tân không thấy đề cập tên ông và ở Côn Đảo dù rất thân với Huỳnh Thúc Kháng nhưng cụ Huỳnh lại không hay biết gì về hoạt động này của ông. Trong Thi tù tùng thoại cụ Huỳnh cho biết: “Tấn kịch phiến biến Duy Tân (1916) ngoài đảo không nghe tin tức gì, lúc có bọn thợ nề trong đất (có mấy người Trung kỳ) theo sở Trường Tiền ra làm công trình khám mới có thuật đại lược, song câu chuyện nghe truyền không đích xác. Sau có Phan quân Xuân phổ (Tú Chẩm, Quảng Ngãi) bị đày lần thứ 2 ra đảo mới nghe được rõ”, (Nxb Nam Cường, trang 190).

Ra Côn Đảo được 5 năm, ông tìm cách vượt ngục lần thứ hai. Vào ngày 20.8.1917, ông cùng 5 tù nhân khác đóng bè vượt Côn Đảo. Nhưng vừa về đến Sài Gòn thì bị bắt sau đó đày trở ra lại Côn Đảo. Năm 1925, Trần Hoành được giảm án và được trả tự do. Ông ra sống cùng cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự - Huế với ý đồ tiếp tục hoạt động cách mạng. Khi báo Tiếng Dân được thành lập (1927), ông đã cộng tác mật thiết với Huỳnh Thúc Kháng trên cương vị là Quản lý nhà in, một lĩnh vực ít người biết vào thời đó.

Cũng trong năm 1927, tại Huế, dù bị thực dân Pháp theo dõi rất gắt, ông vẫn tham gia việc thành lập Tổ chức Phục Việt do Lê Văn Huân - bạn tù với ông và Huỳnh Thúc Kháng ở Côn Đảo - lãnh đạo.

Ông mất năm 1936 tại Huế, được an táng trong khuôn viên nghĩa trang Phan Bội Châu (đường Thanh Hải, phường Trường An, TP.Huế).

Chuyến vượt ngục ngoạn mục

Huỳnh Thúc Kháng đã dành 12/272 trang của cuốn Thi tù tùng thoại để nói về cuộc vượt ngục ngoạn mục của Trần Hoành.

Theo cụ Huỳnh, vào thời đó việc vượt ngục Côn Đảo là điều vô cùng khó khăn vì hòn đảo nằm giữa biển khơi lại được canh phòng rất cẩn mật. Muốn vượt ngục, tù nhân phải chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết nhưng lại khó tìm và khó cất giữ, như phương tiện để làm bè, nước ngọt mang theo, thực phẩm, diêm... Mặt khác muốn trốn phải có 4 - 5 người mới có thể khiêng bè xuống biển. Việc vượt ngục cũng rất nguy hiểm. Nhiều người mới trốn vô rừng chưa làm xong bè đã hết lương thực phải ra đầu thú; có người không làm xong bè hoặc không thể thả bè xuống biển. Có khi thả được bè thì lại không có gió nên cứ lừng lửng ven bờ, bị lính tuần tiễu đến bắt. Có người ra được biển khơi lại hết thực phẩm, nước uống, gặp sóng to gió lớn phải làm mồi cho cá. Một số khác đến được đất liền lại không thể vô bờ được hoặc vừa lên bờ bị bắt lại.

Người vượt ngục nếu bị bắt sẽ bị hành hạ đủ kiểu như xiềng chân nhốt hầm kín, “cạo nửa đầu tóc để xấu hổ và để cho Gardien, Ma tà dễ biết mà theo dõi”. Vì thế “nếu không phải là người có gan liều chết sống thì không ai làm cái thượng kế trong 36 chước ấy”.

Còn đây là diễn biến cuộc vượt ngục, cụ Huỳnh kể trong Thi tù tùng thoại: “Sau khi xuống bè nhờ gió ra khơi, rồi lênh đênh trên mặt biển, trên trời dưới nước, chiếc thân như cánh bèo tha hồ gió sóng đưa đi đâu thì đưa, trải 5 - 6 ngày đồ ăn vẫn còn không đói lắm nhưng nước ngọt đem theo đã gần kiệt phải hạn chế chỉ ngậm từng ngụm để thấm giọng chứ không ai được uống nhiều nên nghe khát khó chịu. Nước biển mặn vẫn không uống được nhưng mỗi lần nghe khát, hai tay nắm thành bè nhúng mình xuống nước cho ướt cả thì nghe thơ được chục phút, nửa giờ, hễ khát thì làm như thế để dành nước ngọt lại vì đã 4-5 ngày mà trời biển mênh mông chẳng thấy gì cả. Sáu anh em trên bè ai nấy đều tuyệt vọng nằm xuôi tay chưn, tính chắc làm mồi cho cá mập chớ chả mong gì cả.

Đến ngày thứ 6 vừa tảng sáng, trông thấy núi và đất liền cách xa mình chừng 1 cây số. Ôi thôi ai nấy đều trỗi dậy, kẻ chèo người chống, dầu khí lực đã kiệt mà sức mạnh ở đâu đưa đến, ai nấy đều làm việc rất hăng hái. Khốn nỗi càng gần bờ bao nhiêu thì sóng cứ xô ra bấy nhiêu. Mãi tự buổi mai tới buổi chiều mà không vô được. Trong lúc thấy cái đường sống đã ở ngay trước mắt mà không sao đi đến, mong thấy có người trong đất gọi cứu mà không thấy ai. Sau mệt quá, nghỉ một độ lâu rồi cả 6 người cùng nhau chống một hồi, vào tận bờ được, ai nấy như con mèo đói... Khi ghé vào một xóm xin nước uống mới biết đó là một làng thuộc tỉnh Bình Thuận...”.

Và cái kết: “Tôi vào Nam làm thầy dạy học giả buôn trầm, quế, nay đây mai đó, thỉnh thoảng có gặp người quen. Một bữa trọ nhà tên khách nọ. Họa đâu đưa đến, đêm đó có Cảnh sát và ông Cò tới xét á phiện hay rượu lậu gì đó thấy tôi người lạ hỏi, tôi khai người Trung kỳ, bèn túm luôn đem về bót, rồi giải về Trung kỳ. Khi tàu đến Tourane lên Tòa bảo người nhìn, tôi biết không chối khỏi, bèn khai thiệt tù trốn ở Côn Lôn. Thế là giải tôi lại Côn Lôn”.

LÊ THÍ

LÊ THÍ