Phan Đấu - người du kích năm xưa đã ra đi

HỒ DUY LỆ 28/02/2017 08:43

Tháng 3.1947, tròn 70 năm trước, một mũi quân Pháp, sau khi chiếm thị xã Hội An, thì theo sông Thu Bồn tiến vào Hồng Triều, Bàn Thạch của Duy Xuyên... Từ quyết tâm chống giặc của Chi bộ Lạc Câu và Chi bộ Hội Sơn - Nghĩa Lệ, Ban chỉ huy xã đội Lạc Câu phân công trực chiến đấu vùng Cây Mộc quyết chặn đánh quân Pháp dùng ca nô theo sông Trường Giang chạy qua xã Bình Dương vào chợ Mới Lạc Câu... Một trong những thanh niên tuổi hai mươi xung phong vào đội du kích của Lạc Câu đã có mặt trong cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng này là Phan Nghị. Trong đợt này, Phan Nghị đã cùng đội du kích vây bắt sống được một lính Tây lê dương ở đồn Hồng Triều đang đi lùng bắt dân...

Ông Phan Đấu (phải) bên thủ trưởng Võ Chí Công.Ảnh tư liệu
Ông Phan Đấu (phải) bên thủ trưởng Võ Chí Công.Ảnh tư liệu

Sinh năm 1928, năm 1944, tuổi 16 tuổi, Phan Nghị được cha xin vào học trường trung học Viên Minh ở Hội An. Nhân dịp nghỉ ăn Tết Ất Dậu 1945, Phan Nghị đi thăm thầy cũ thì Nhật đảo chính Pháp, ngày 9.3.1945, Phan Nghị bỏ học rời Hội An về Lạc Câu tham gia với hàng nghìn nhân dân Bình Dương, Bình Giang, hô vang: “Đả đảo phát xít Nhật, Việt Minh muôn năm…” rầm rập kéo lên Phủ lỵ Thăng Bình cướp chính quyền. Từ ấy, Phan Nghị tham gia hai cuộc kháng chiến: Cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi có Hiệp định Giơnevơ, tháng 7.1954, Phan Nghị không đi tập kết, xung phong ở lại, gia nhập vào đội quân bí mật, lấy tên Phan Đấu, tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Nhờ có vốn học trình độ primaire, sau đó có điều kiện vào học trường Trung học bình dân của Liên khu 5  - một trình độ văn hóa lúc bấy giờ rất ít cán bộ có và rất cần, nên khi công tác ở tỉnh, Phan Đấu được giao làm công tác văn phòng cho Tỉnh ủy, khi về Khu 5 thì được phân công làm công tác văn phòng cho Khu ủy, rồi được chọn làm trợ lý và thư ký cho Bí thư Khu ủy 5 - Võ Chí Công cho đến ngày Bí thư Võ Chí Công rời Khu 5 ra Trung ương làm Chủ tịch nước.

Một chiến sĩ du kích, một cán bộ của Đảng có một bề dày truyền thống cách mạng, luôn tiếp xúc đọc, nghiên cứu tài liệu sách báo, được tham gia và dự các cuộc họp quan trọng, nên ông là một trong những nhân chứng lịch sử - một người đã đóng góp ý kiến và tư liệu có giá trị cho các bộ sách lịch sử của xã Bình Dương, của huyện Thăng Bình, của tỉnh Quảng Nam, của Khu ủy 5. Và, là người có trí nhớ, có thể kể nhiều chuyện hay mà lịch sử chưa có điều kiện ghi thành sách.

Ông Phan Đấu (hàng đầu, bên phải) trong cuộc gặp gỡ giữa cán bộ lão thành cách mạng với các gia đình nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến tại Hội An. Ảnh: H.D.L
Ông Phan Đấu (hàng đầu, bên phải) trong cuộc gặp gỡ giữa cán bộ lão thành cách mạng với các gia đình nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến tại Hội An. Ảnh: H.D.L

Từ tháng 3.1975, ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, hàng năm, cứ đến tháng 3, ông Phan Đấu cùng một số vị lão thành cách mạng của Quảng Nam - Đà Nẵng, những người năm xưa đã đưa quân về giải phóng quê hương, còn có một nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng, không ai phân công, là đi thăm những gia đình, những cơ sở đã từng nuôi giấu, che chở cán bộ cách mạng... Tháng 3 này, ông Phan Đấu không còn thực hiện được mong mỏi của mình. Ông vào nằm bệnh viện gần một năm nay, cứ mong khỏe, xuất viện, để đi thăm một lần nữa, như đã hẹn với bà con.

Nhưng ông không thể thực hiện được nguyện vọng ơn nghĩa cuối cùng với nhân dân.

Ông đã ra đi, vào lúc 19 giờ, thứ Bảy, ngày 25.2.2017.

Biết tin ông Phan Đấu ra đi, nhắc lại đôi chuyện về ông như là lời biết ơn ông, một người con của Quảng Nam, một nhân chứng lịch sử đã góp phần cho đời sau hiểu hơn và quý hơn về một thời cha anh đã chiến đấu và hy sinh quên mình cho quê hương.

HỒ DUY LỆ

HỒ DUY LỆ