Người cháu của tộc Phạm Đông Bàn và bài vè khâm sai
Sau cái chết của thủ lĩnh Trần Văn Dư và việc Pháp đem quân chiếm lại tỉnh thành La Qua, Nguyễn Duy Hiệu quyết định thành lập căn cứ Tân tỉnh ở Trung Lộc, Quế Sơn và ban bố hịch Văn thân Quảng Nam (do Phạm Như Xương chấp bút) – một việc mang tính chiến lược nhằm củng cố tinh thần của tổ chức và dân chúng.
Lăng mộ cụ Phạm Phú Thứ ở Điện Trung, thị xã Điện Bàn.Ảnh: LÊ THÍ |
vua Đồng Khánh quyết định thành lập một đạo quân hùng hậu, cử một viên Khâm sai chỉ huy kéo vào Quảng Nam, trước trấn áp Nghĩa hội, sau hiểu dụ dân chúng về tính chính danh của triều đình mới và vua mới Đồng Khánh. Để thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ, Đồng Khánh suy nghĩ chỉ huy đạo quân này phải là những người có “tiếng tăm” trong hàng ngũ Văn thân. Bàn tính mãi mới chọn được hai người có “lý lịch” phù hợp, là con cháu của những trọng thần “kinh lịch” và có nhiều mối quan hệ với Quảng Nam. Đó chính là Phan Liêm và Phạm Phú Lâm.
Phan Liêm là con của Phan Thanh Giản, người từng giữ chức Hiệp trấn Quảng Nam dưới thời Minh Mạng, bị cách chức vì can gián nhà vua tuần thú Quảng Nam vào năm 1831, cũng là Chánh sứ trong phái bộ Ngoại giao đi sang Pháp chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ vào năm 1864. Khi 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ lọt vào tay Pháp, Phan Thanh Giản đã tự tử. Phan Liêm và em là Phan Tôn khởi nghĩa ở Bến Tre chống Pháp. Về sau Phan Liêm về làm việc cho Pháp. Năm 1885, Phan Liêm được cử ra Huế làm việc bên cạnh Đồng Khánh. Còn Phạm Phú Lâm người làng Đông Bàn, huyện Diên Phước (nay là xã Điện Trung, Điện Bàn), đỗ cử nhân năm 1868, lúc đó giữ chức Biện lý Bộ Lại. Ông là cháu gọi Phạm Phú Thứ bằng chú ruột. Cha ông là Phạm Phú Hồng, đỗ cử nhân năm 1843, dưới triều Thiệu Trị, làm đến chức Kinh lịch tỉnh Phú Yên thì bị bệnh mất.
Năm 1886, Đồng Khánh cử Phan Liêm làm Tả trực kỳ Khâm sai chánh sứ chỉ huy đạo quân kéo vào Quảng Nam. Phụ tá cho Phan Liêm là Phạm Phú Lâm với chức Khâm sai phó sứ. Tháng 3.1886, đạo quân Khâm sai dưới sự chỉ huy của Phan Liêm và Phạm Phú Lâm, cầm cờ lệnh của vua, cùng 200 tờ cáo thị, xuất quân ở Huế, trực chỉ Quảng Nam. Khi đến Hải Vân quan thì Phạm Phú Lâm bỗng đột ngột ngã bệnh, nên giao hết binh quyền cho Phan Liêm và quay trở về kinh dưỡng bệnh. Phan Liêm một mình dẫn quân vào Đà Nẵng, sau đó kéo vào đóng ở La Qua, gần tỉnh thành Quảng Nam. Phan Liêm vốn bất tài chỉ dựa vào uy tín của cha và chút thành tích chống Pháp một thời nên chẳng trấn áp được gì quân Nghĩa hội.
Sau những cuộc giương oai diễu võ và đón rước linh đình, Khâm sai Phan Liêm liền cho gọi các xã lý đến, một mặt yêu cầu cung cấp lương thực thực phẩm cho quân sĩ, một mặt báo cáo tình hình của Nghĩa quân. Vốn ghét quân triều đình, các lý hương đều đánh lừa Phan Liêm bằng cách tâu là quân Nghĩa hội đã tan rã, còn một số đã rút lên tận miền thượng du. Hí hửng phen này sẽ lập được công trạng với Pháp và Nam triều, Phan Liêm liền cho quân tiến về miền tây Điện Bàn. Khi quân Khâm sai vừa đến Phong Thử (Điện Thọ), quân Nghĩa hội đã bốn mặt đổ ra đánh cho một trận tơi bời. Cuối cùng nhờ quân Pháp ở tỉnh thành kéo lên cứu viện, quân Khâm sai mới rút chạy được, về lại La Qua.
Sau trận Phong Thử, quân Khâm sai của Phan Liêm không dám hành quân ra xa tỉnh thành quá 5km, thỉnh thoảng mới bất ngờ đổ quân ra cướp một trận ở vùng lân cận. Để trấn an tinh thần quân Khâm sai và thị uy với Nghĩa hội, quân Pháp đã phối hợp cùng quân Khâm sai tổ chức hai cuộc hành quân sau đó, một vào vùng Gò Nổi và một lên tận Ái Nghĩa với âm mưu hạ đồn Núi Lở (Đại Lộc). Cả hai cuộc hành quân đều bị quân Nghĩa hội bẻ gãy, gây cho Pháp và quân của Phan Liêm nhiều tổn thất, nhất là trận Bãi Chài ở làng Vân Ly (Gò Nổi, Điện Phong), làm 7 ca nô và nhiều lính tập, lính Pháp chết chìm. Bài vè Khâm sai nổi tiếng ra đời trong bối cảnh chiến thắng giòn giã của quân Nghĩa hội nhằm bêu riếu Phan Liêm và đạo quân ô hợp của ông.
“Lẳng lặng mà nghe cái vè Sai đạo:
Danh vi trấp bảo, vụ dĩ an dân,
Khâm sai đại thần kéo vô Đà Nẵng.
….
Sau lên Phong Thử, quân Nghĩa tứ vi,
May chẳng hề chi, nhờ ba chú Pháp.
Thâu quân, yển giáp, trở lại La Thành.
Từ ấy thất kinh, vừa làm vừa sợ
Tướng chi tướng dở, vị luyện quân tình
Chẳng có Tây binh, e không khỏi chết…”.
Về chuyện đạo quân Khâm sai và bài vè sái đạo, trong bài “Cái vè Khâm sai cùng sự thực chung quanh nó”, tác giả Thạch Bổ Thiên cho biết: “Về sau dẹp quân Nghĩa hội được là do binh của người Pháp cả. Đạo Khâm sai chẳng hề làm trầy quân Nghĩa hội được một tí da”. (1)
Nhiều người vẫn bảo sở dĩ đạo quân Khâm sai như vậy là do sự bất tài của Phan Liêm. Nếu ngày đó Phạm Phú Lâm không bỏ về nửa chừng thì tình hình đã khác, quân Nghĩa hội sẽ gặp không ít khó khăn, vì ông là người có tài thao lược và vì thế cũng sẽ không có “Vè Khâm sai”. Sau này người ta mới biết, ngày ấy Phạm Phú Lâm chẳng đau ốm gì cả nhưng ông bỏ về vì hai lý do. Thứ nhất, ông là người yêu nước, đứng về phía vua Hàm Nghi chứ không phải Đồng Khánh. Vì thế ông không muốn đối đầu với Nguyễn Duy Hiệu, người mà ông kính nể. Thứ hai, khi nghe tin ông được cử làm Phó Khâm sai, Nghĩa hội đã cho người ra Huế, gặp ông và nói: “Nghĩa hội bảo nếu ông kéo quân về thì Nghĩa hội sẽ đào mả Phạm Phú Thứ và đổ xuống sông Thu Bồn”. (2) Kinh quá! Phạm Phú Lâm không muốn vừa có tội với nước vừa có tội với chú. Vì việc này, các quan Ngự sử đã đàn hặc và lột hết chức của ông. Sau này, khi Nghĩa hội đã tan rã và Thành Thái lên ngôi ông mới được phục chức.
Bàn về việc này người đời sau vẫn bảo, tộc Phạm ở Đông Bàn và xứ Quảng vẫn còn có phước. Nếu ngày đó Phạm Phú Lâm không vì tình nước tình nhà mà vẫn dẫn quân về đối đầu và gây thiệt hại cho Nghĩa hội thì không biết việc gì sẽ xảy ra. Trong chiến tranh người ta có thể không từ một thủ đoạn nào để giành chiến thắng hay để trả thù nhau. May thật! Mộ cụ Phạm Phú Thứ hiện vẫn còn ở làng Đông Bàn xã Điện Trung và được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, hàng năm đón nhiều khách đến viếng thăm.
_____________
(1) và (2): Tạp chí Sông Hương số 15, ngày 7.11.1936. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng Thạch Bổ Thiên là bút danh của Phan Khôi.
LÊ THÍ