Những nhà văn xứ Quảng tuổi Tân Dậu

PHẠM PHÚ PHONG 11/02/2017 10:41

Lần giở các cuốn tự điển tác gia văn chương Việt Nam, suốt thế kỷ 20 có đến gần 60 tác gia cầm tinh con gà thành danh, nhưng chỉ có 3 người xứ Quảng, đều tuổi Tân Dậu (1921) và đều là những tác gia xuất sắc, những cây đại thụ lưu danh trong nền văn chương nước nhà.

Ba tác gia văn chương xứ Quảng: Lưu Quang Thuận, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Văn Xuân. (Từ trái sang phải).
Ba tác gia văn chương xứ Quảng: Lưu Quang Thuận, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Văn Xuân. (Từ trái sang phải).

Nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Thuận (1921-1981), sinh ra ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. Mới 13 tuổi, khi còn học tiểu học đã có truyện ngắn đầu tay “Đồng hào ván mới” đăng ở tuần báo Cậu ấm xuất bản ở Hà Nội. Năm 1937, ông vào Sài Gòn vừa đi làm vừa đi học, tiếp tục có thơ in trên các báo ở Sài Gòn, Hà Nội. Năm 1941, ông có kịch bản đầu tiên “Chu Du đại chiến Uất Trì” được dàn dựng và công diễn ở cả ba miền, trở thành một hiện tượng hiếm thấy ở sân khấu Việt Nam đương thời. Năm 1943, ông ra Hà Nội kiếm sống bằng nhiều nghề: viết báo, làm thơ, dàn dựng kịch, tham gia đoàn kịch Anh Vũ của Thế Lữ, rồi đứng ra thành lập tạp chí Sân khấu và nhà xuất bản Hoa Lư. Tham gia Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc, làm giám đốc Việt Nam ấn thư cục, rồi gia nhập quân đội (1948), hoạt động trong đoàn kịch Chiến thắng. Sau 1954, ông lần lượt về công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam, nhà xuất bản Văn học, báo Văn nghệ, nhà hát Chèo cho đến khi qua đời năm 1981. Sự nghiệp văn chương của ông khá đồ sộ, trong đó các tác phẩm tiêu biểu gồm 5 tập thơ, 17 kịch bản sân khấu đã được dàn dựng, trong đó có 8 vở kịch thơ, 5 vở chèo… Thơ, kịch thơ hay chèo của ông đều thấm đượm sự dung dị, đằm thắm, miêu tả cuộc sống đời thường, kháng chiến, nhưng hết sức nồng thắm tình làng nghĩa xóm, tình đồng chí đồng đội, tình nước tình người. Cả thơ và sân khấu của ông đều là sản phẩm của đời sống kháng chiến, mang hơi thở cuộc sống cần lao, là những sinh thể nghệ thuật thuộc về nhân dân, đặc sắc nhất là các vở chèo như Tấm Cám (1958), Mối tình Điện Biên (1959), Cành đào ra trận (1968), Nàng Sita (1981)…

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (1921-2001), sinh ra ở Đại Quang, Đại Lộc, khi học cao đẳng tiểu học và tú tài tại Huế đã có nhiều truyện ngắn in báo. Ông tham gia Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp tại liên khu Năm. Chính cuộc sống kháng chiến của những người nông dân chân lấm tay bùn ở quê hương thôi thúc ông viết nên cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn chương kháng chiến liên khu Năm là Con trâu (1952), và cũng chính là cuốn sách mở đường để sau 1954, một người chưa một ngày làm nông dân như ông, về làm Trưởng ban nông nghiệp báo Nhân dân. Năm 1962, ông trở lại miền Nam, làm Trưởng Tiểu ban Văn nghệ, Ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam và sau đó đảm đương nhiều trọng trách, như: hai lần làm Tổng biên tập báo Văn nghệ (1968-1974, 1975-1983), Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam… Nguyễn Văn Bổng có một gia sản văn chương khá đồ sộ, gồm 7 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn và bút ký, 1 vở kịch, 1 kịch bản phim truyện, 1 tập tiểu luận phê bình… chủ yếu xoay quanh hai mảng đề tài: nông thôn và người nông dân trong cách mạng dân tộc dân chủ; Sài Gòn và các thành thị miền Nam trong những năm chống Mỹ. Chính từ hai mảng đề tài này, ông đã được trao Giải thưởng Phạm Văn Đồng (1952), giải thưởng Hội văn nghệ Việt Nam (1954-1955), giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2000).

Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân (1921-2007) sinh ra ở Điện Phương, Điện Bàn. Năm 16 tuổi, ông vừa đi học vừa làm báo kiếm sống, cộng tác với các tờ báo nổi tiếng đương thời… Những truyện ngắn đầu tay đã thể hiện một bút pháp hiện đại, viết về cuộc sống cơ cực của người nghèo, cần lao, phu phen tạp dịch, trong đó có truyện Bóng tối và ánh sáng được tạp chí Thế giới trao giải nhất (1937). Ông tham gia Cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, làm Ủy viên kịch nghệ Hội văn nghệ Quảng Nam, rồi Ủy viên kịch nghệ Hội văn nghệ liên khu Năm… Sau 1954, ông ở lại miền Nam dạy học, viết văn, gồm nhiều thể loại, với 2 tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 3 công trình nghiên cứu, biên khảo. Điều quan trọng là tác phẩm nào của ông khi ra đời cũng gây ấn tượng lâu bền trong học giới và người đọc, trong đó có các biên khảo có giá trị học thuật về tiến trình văn nghệ miền Nam, về lịch sử phong trào yêu nước, hoặc về một tác phẩm văn học nổi tiếng, như Khi những lưu dân trở lại (1967), Phong trào Duy tân (1969), Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc (1971), hoặc tiểu thuyết Bão rừng (1957) được coi là “tiểu thuyết hiếm hoi đề cập việc khai thác thuộc địa trong những năm đô hộ của Pháp ở nước ta” (Bùi Thiên Thai, Tự điển văn học, tr.968). Hay, vào những năm cuối đời, ở tuổi ngoài tám mươi, tiểu thuyết Kỳ nữ họ Tống (2002) của ông vẫn đoạt giải A của Hội Nhà văn Việt Nam. Vì sự am tường đến mức uyên bác về mảnh đất, con người và lịch sử vùng đất, ông được nhà sử học Dương Trung Quốc tôn vinh là “nhà Quảng học” và được học giới trong và ngoài nước đồng tình với cái nghĩa của chữ “quảng” ở đây không chỉ là đất Quảng mà còn là rộng, uyên sâu.

Điều đặc biệt dễ nhận ra ở 3 tác gia xứ Quảng cầm tinh tuổi con gà này là ba người có đóng góp lớn chủ yếu ở ba miền khác nhau: người thì tài danh với nghệ thuật chèo xứ Bắc, người trở thành “nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại” ở phương Nam, người trở thành học giả, là “nhà Quảng học” của khúc ruột miền Trung. Điều quan trọng hơn, không chỉ họ đưa phẩm chất, bản lĩnh con người và văn hóa xứ Quảng đến với mọi miền của đất nước, mà còn khẳng định được năng lực của một thế hệ trí thức đa tài, sáng tạo được nhiều loại hình, loại thể nghệ thuật khác nhau và ở loại hình, loại thể nào, họ cũng là đỉnh cao của thời đại mình.

PHẠM PHÚ PHONG

PHẠM PHÚ PHONG