Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy: Lặng lẽ những trang sách về xứ Quảng
Thật quá bất ngờ, cho đến khi chúng tôi đọc được lời chia buồn nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy qua đời trên Tạp chí Hồn Việt số tháng 9.2016, thì tang lễ của ông đã diễn ra từ 20 ngày trước đó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy. |
Thường khi mỗi lần đau ốm vào bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng), ông vẫn gọi điện báo tôi biết tin, đến chuyện trò, đùa vui (giống như muốn vấn an hoặc chia sẻ nỗi cô đơn khi đối mặt trước cõi hư vô). Gần đây, mỗi buổi sáng ngang qua quán cà phê chúng tôi ngồi, vẫn thấy ông chạy xe chậm lại, vẫy tay, cười vui, hoặc ghé vào dăm ba phút chia sẻ một công trình mới nhất, tâm đắc của ông về Quảng Nam, với gần 550 trang in, gồm 60 bài viết… Do đó, sự ra đi của ông trở nên đột ngột và khá thầm lặng như phong cách sống và làm việc nơi ông.
1. Theo lời kể của Nguyễn Sinh Duy, ông mồ côi cha từ sớm. Gia đình đông anh em, khi còn niên thiếu, ông đã phải sống nhờ bát cơm và cái chữ nơi người cậu ruột làm nhà giáo. Mười bảy tuổi, ông đã vào đời để mưu sinh. Cũng may, hồi ấy vừa tốt nghiệp được cái “bù rầy mè” (certificat d’Études Primaires) của chương trình giáo dục Cộng hòa Pháp tại Đông Dương, nên ông được nhận làm thư ký tiếp liệu cho một sở nhà binh Pháp tại Liên Trì - Đà Nẵng. Công việc này đơn giản, nhưng tính cẩn thận đòi hỏi khá cao. Ghi nhầm số lượng, ký hiệu danh bạ là có thể làm thất thoát nhiều món đồ giá trị hoặc phát giao nhầm món này sang món khác. Chính nhờ vậy, về sau, làm công tác nghiên cứu, ông quen tính cẩn trọng và chính xác đến từng câu, từng chữ.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy sinh năm Bính Tý (1936). Quê quán tổ phụ của ông ở làng Ngân Hà, phủ Điện Bàn, nay là thôn Ngân Giang (Điện Ngọc, Điện Bàn) đời cố di cư ra Đà Nẵng, tính ra đã tròn 120 năm. Từ trước 1975, ông đã có nhiều bài viết đặt lại vấn đề tìm hiểu các nhà chính trị, văn hóa Việt Nam trên các tạp chí Bách Khoa, Phổ Thông, Văn… dưới bút hiệu Thiện Sinh. Suốt mấy chục năm qua, với một thái độ lặng lẽ nhưng vô cùng nghiêm túc, Nguyễn Sinh Duy vẫn miệt mài biên soạn, đóng góp nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, nhất là các vấn đề sử học Quảng Nam. Ông qua đời vào ngày 10.9.2916 tại Đà Nẵng. |
Nhắc về việc bước đầu cầm bút, ông cho biết: “Từ nhỏ tôi cũng có viết dăm ba truyện ngắn và làm mấy bài thơ. Sau, tôi bỏ sáng tác quay sang biên khảo. Mà trong biên khảo, ngành học thuật có ích cho xã hội không gì bằng sử. Trong sử học đã có đủ các môn: nhân chủng học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, ngữ âm học, văn học, Folklor học, cổ tiền học… Tủ sách “Những mảnh gương” của Nhà Xuất bản Tân Việt, dường như tôi có đủ. Chính những tấm gương ấy đã soi sáng cho cái học làm người, nhất là trong những hoàn cảnh chao đảo, nghiệt ngã nhất”. Ông quan niệm, trong cõi học có 2 cách: Học người nay và học người xưa. Người xưa đã thể hiện bằng tất cả tim óc và ý tưởng làm tốt đẹp xã hội của họ. Viết về họ và hoàn cảnh lịch sử họ sống, phải kính cẩn thâm nhập từng hành vi, cử chỉ và sở học của họ. Đây là công việc xét người, xét việc để rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai, nên không thể làm bừa, làm ẩu để kiếm chút danh hão.
Đến hiện nay, những công trình nghiên cứu của Nguyễn Sinh Duy đã ấn hành được nhiều người biết, như: Trương Vĩnh Ký, cuốn sổ bình sanh (NXB Nam Sơn Sài Gòn 1974, NXB Văn học Hà Nội 2004); Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (NXB Đà Nẵng 1996); Trần Quý Cáp, chí sĩ Duy tân Việt Nam đầu thế kỷ XX (NXB Đà Nẵng 1995); Ngũ Hành Sơn (NXB Đà Nẵng 1996); Quảng Nam & những vấn đề sử học (NXB Văn hóa 2006)… Trong đó, những công trình về Quảng Nam được ông dành thời gian nhiều nhất, kéo dài đến tận cuối đời.
2. Gặp gỡ các bạn trẻ ham học hỏi, tìm hiểu về vấn đề nghiên cứu lịch sử, Nguyễn Sinh Duy thường lưu ý: “Người cầm bút cần tích lũy cho thâm hậu. Không nên bằng lòng với những công việc dễ dãi. Nên tìm việc khó mà làm. Trong sử học lại càng phải dày công nghiên cứu, đào sâu. Phải biết giới hạn tầm nhìn, tầm nghĩ của mình vào một vùng địa lý, lịch sử cụ thể, không nên viết tràn lan. Tôi có thể viết được những vấn đề văn hóa và lịch sử của Việt Nam, nhưng tôi tự khoanh vùng Quảng Nam quê hương mình để hiểu cặn kẽ hơn, thấu đáo hơn, viết cái gì mình biết rõ nhất, nắm chắc nhất, may ra tránh được nhiều sai lầm đáng tiếc!”.
Theo ông, cứ làm việc, cứ suy ngẫm từ một sự kiện nhỏ đến những sự cố lớn xảy ra trên mảnh đất thân thương, kết quả nỗ lực sẽ đưa đến tên tuổi, uy tín cho ngòi bút. Danh vọng phải có được bằng tự lực, tư duy độc lập, âm thầm nghiên cứu chứ không phải bằng la lối, rập khuôn dựa vào hào quang của các đại danh mà có được. Ông cho rằng, lịch sử văn hóa và học thuật của Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng được tích lũy nhiều trong thư tịch chữ Hán và Nôm. Người Pháp, khi tiến hành xâm chiếm và khai thác thuộc địa, họ dùng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp để đẩy lùi chữ Nho (Hán) và chữ Nôm trong chiến lược vô dụng hóa nền học thuật và văn hóa bản xứ. Nhưng họ có đủ thông minh thừa hiểu rằng cái gia tài truyền thống Việt Nam cần được đào sâu nghiên cứu để nhân đó áp dụng nhiều chính sách cai trị thích hợp, tránh làm đảo lộn một xã hội vốn đã ổn định bằng bề dày lịch sử và văn hiến.
Trường Viễn Đông Bác cổ, Hội nghiên cứu Đông Dương, Hội Đô Thành hiếu cổ, được mở ra tại 3 miền Bắc – Trung - Nam Việt Nam, tận dụng các tú tài, cử nhân Hán học lỡ thời ngồi dịch cái khối lượng chữ Hán và chữ Nôm của truyền thống bản địa, biên dịch thành công trình chữ Pháp hoặc chữ quốc ngữ. “Người học thời nay muốn nghiên cứu nghiêm túc, bài bản không thể không gia công học và đọc Hán - Nôm và chữ Pháp. Nếu không được như thế thì chỉ làm cái việc sao chép biên tập lại chứ không phải sưu tầm, nghiên cứu” – ông nói.
Trong những lần cuối gặp gỡ trước lúc nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy đi xa, đôi lúc tôi nghe ông trăn trở, tâm sự, muốn gửi lại những tài liệu và ý nguyện về các công trình biên soạn dở dang cho một bạn trẻ nào đó có kiến thức lịch sử, ngoại ngữ và niềm đam mê..., nhưng chừng như ông không thực hiện kịp điều đó. Và nhắc về những gì để lại cho mai sau, ông chỉ vắn tắt: “Tôi từng dặn lòng bằng những lời vàng ngọc trong sách Luận ngữ: “Đừng lo người không biết đến mình. Chỉ sợ mình có làm gì ra trò để được người biết đến hay không. Nhưng nếu không ai biết tới mình mà mình không hờn giận thì chẳng cũng là thái độ quân tử ư?”.
TRẦN TRUNG SÁNG