Tấm gương ngời sáng
LTS: Ngày mai 1.10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (TP.Tam Kỳ), Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng - người con ưu tú của dân tộc Việt Nam và quê hương Quảng Nam. Trong bài viết gửi đến Báo Quảng Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã có những góc nhìn sinh động về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của cụ Huỳnh qua các giai đoạn lịch sử của đất nước. Đồng thời khẳng định, lễ kỷ niệm lần này là dịp để thế hệ hôm nay tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của cụ Huỳnh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Báo Quảng Nam trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Võ Văn Thưởng (tiêu đề và các tít phụ do Tòa soạn đặt).
Một lòng vì dân, vì nước
Nổi tiếng thông minh và hiếu học từ thuở nhỏ, 24 tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương, 28 tuổi đỗ tiến sĩ, nhưng Huỳnh Thúc Kháng không xác định học để làm quan, mà là để giúp dân, giúp nước. Kế thừa truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương Quảng Nam “địa linh nhân kiệt”, trực tiếp chứng kiến nỗi đau “nước mất nhà tan”, Huỳnh Thúc Kháng sớm quyết chí gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp cứu dân, cứu nước.
Tiếp thu tư tưởng dân chủ, dân quyền tiến bộ của phương Tây, Huỳnh Thúc Kháng cùng với một số chí sĩ yêu nước tiêu biểu đầu thế kỷ XX như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp... chủ trương cứu nước theo phương châm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đòi chính quyền thực dân mở rộng các quyền tự do, dân chủ. Đặc biệt, Huỳnh Thúc Kháng đã tham gia khởi xướng cuộc vận động Duy tân ở Trung kỳ, từ đó phát triển thành phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng nhân dân. Do vậy, Huỳnh Thúc Kháng bị chính quyền thực dân bắt giam và kết án chung thân đày ra Côn Đảo. Nhưng chế độ lao tù phản động, tàn bạo của kẻ thù đã không khuất phục được, mà trái lại, còn tôi luyện thêm ý chí bất khuất, kiên cường, tinh thần yêu nước nồng nàn của Huỳnh Thúc Kháng.
|
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi cùng các em học sinh chụp hình lưu niệm tại Di tích Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Trung Bộ, tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: N.ĐOAN |
Được giảm án và trả lại tự do sau 13 năm bị đày ải tại nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo (1908 - 1921), Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục các hoạt động yêu nước, chống chế độ thực dân, phong kiến. Với cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ, vượt lên những hạn chế trong khuôn khổ pháp luật của chính quyền thuộc địa, Huỳnh Thúc Kháng đã khởi xướng và tổ chức các cuộc đấu tranh đòi mở rộng các quyền tự do, dân chủ, tăng thêm quyền hạn của Viện Dân biểu, chống âm mưu của thực dân Pháp nhằm biến cơ quan dân cử thành cơ quan bù nhìn. Khi nhận thức được chính quyền thực dân không bao giờ muốn Viện Dân biểu thực sự là cơ quan đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, Huỳnh Thúc Kháng đã khẳng khái từ chức Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ.
Ngay sau đó, Huỳnh Thúc Kháng dành tâm huyết cùng những người bạn đồng chí hướng xúc tiến thành lập tờ báo Tiếng Dân (do cụ Huỳnh làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút). Đây là tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Trung kỳ, thể hiện rõ tinh thần yêu nước và tiến bộ. Hoạt động suốt 16 năm (1927 - 1943), báo Tiếng Dân trở thành một hiện tượng đặc biệt trong làng báo chí Trung kỳ và cả nước. Mặc dù bị chính quyền tìm mọi cách kiểm duyệt gắt gao và phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật thực dân, nhưng dưới sự dẫn dắt khéo léo của Huỳnh Thúc Kháng, tờ báo luôn luôn bảo đảm tôn chỉ là phản ánh “Tiếng Dân”, tố cáo mạnh mẽ những hạn chế, xấu xa của chính quyền thuộc địa, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, thương nòi và ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc. Dẫn dắt, định hướng tôn chỉ hoạt động của tờ báo và viết hàng nghìn bài dưới nhiều bút danh khác nhau trên báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng thực sự là linh hồn của tờ báo; nêu một tấm gương mẫu mực về năng lực viết báo và nghệ thuật làm báo trong điều kiện hết sức khó khăn về tài chính, tổ chức nhân sự và những trở lực từ phía chính quyền thực dân.
Tinh thần đại đoàn kết
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc, đồng thời cũng mở ra một trang mới trong sự nghiệp vì nước, vì dân của Huỳnh Thúc Kháng. Đánh giá cao tấm lòng vì nước, vì dân và tài năng, đức độ của cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng mời cụ tham gia Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Mặc dù đã ở lứa tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn và tình cảm chân thành đối với người đứng đầu nhà nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng nhận lời tham gia Chính phủ, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, phụ trách bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và công tác nhân sự trong bộ máy chính quyền. Cụ Huỳnh đã đem hết tâm sức, sát cánh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thử thách, hiểm nghèo trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” ở thời điểm cuối năm 1945 đầu năm 1946.
Cống hiến nổi bật của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với đất nước và dân tộc tập trung ở quãng thời gian giữ cương vị Quyền Chủ tịch Chính phủ (Quyền Chủ tịch nước), là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp. Thực hiện phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng đã điều hành Chính phủ tập trung vào các nhiệm vụ tối cao của toàn dân tộc; khéo léo, chủ động trong quan hệ đối nội, đối ngoại, tích cực chuẩn bị thế và lực của toàn dân, sẵn sàng đối phó với âm mưu mở rộng xâm lược của thực dân Pháp. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã chỉ đạo lực lượng công an nhân dân vạch trần tội ác và kiên quyết trấn áp những kẻ phản bội quyền lợi dân tộc, đe dọa sự tồn vong của chính quyền cách mạng, làm tổn hại tính mạng và lợi ích của nhân dân, đặc biệt là giải quyết vụ án Ôn Như Hầu. Cụ thẳng thắn nêu quan điểm: “Đoàn kết là cần để xây dựng nền dân chủ cộng hòa, nhưng không thể vin vào đoàn kết mà làm những điều phi pháp. Tôi khuyên mọi đảng phái, mọi phần tử quốc dân đoàn kết. Nhưng cũng vì quyền lợi quốc gia, tôi phải đem ra trừng trị trước pháp luật những kẻ làm điều phi pháp”.
Đánh giá cao vai trò của Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hợp lực của quốc dân, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”. Ghi nhận những cống hiến to lớn của cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng cụ Huân chương Sao vàng - huân chương cao quý nhất. |
Cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng là người tiêu biểu cho chính sách đoàn kết của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cụ đã tích cực tham gia vận động và thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (29.5.1946) nhằm đoàn kết, tập hợp những cá nhân, tổ chức yêu nước chưa có điều kiện tham gia Mặt trận Việt Minh. Với uy tín rất cao về tài năng và đức độ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được cử làm Hội trưởng. Dưới sự lãnh đạo của Hội trưởng Huỳnh Thúc Kháng, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam đã thực hiện xuất sắc vai trò đoàn kết, tập hợp các cá nhân, tổ chức yêu nước cùng tham gia sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất Tổ quốc, tự do và hạnh phúc của toàn dân.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tuy tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế nhưng cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn gánh vác trọng trách đại diện Chính phủ đi kinh lý các tỉnh miền Trung, vận động đồng bào tham gia kháng chiến… Từ trần ngay trên đường đi công tác (ngày 21.4.1947 tại Quảng Ngãi), cụ Huỳnh đã hiến dâng đến phút cuối của cuộc đời mình cho đất nước. Những lời chào vĩnh quyết gửi đến Hồ Chủ tịch, anh em binh sĩ và các đảng phái tôn giáo càng làm sáng lên nhân cách lớn của nhà chí sĩ: “Bốn mươi năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước nhà đã độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết”.
Trong thư Gửi toàn thể đồng bào sau ngày cụ Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng tạ thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng khẳng định: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao… lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi…, là người mà giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”. Cuộc đời của cụ Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương ngời sáng về tinh thần yêu nước chân chính, đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết; đồng thời là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Học tập tấm gương hết lòng vì nước, vì dân Kỷ niệm 140 năm Ngày sinh quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, thành tựu và kinh nghiệm của 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới cả ở trong nước và quốc tế. Hôm nay, chúng ta tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng. Đồng thời cũng là dịp để chúng ta học tập tấm gương một nhà lãnh đạo - nhà yêu nước tài năng, đức độ, hết lòng vì nước, vì dân. Soi rọi vào đó để nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình, mỗi người ở mỗi vị trí, cương vị cụ thể đều có thể đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tưởng nhớ, biết ơn nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, thế hệ hôm nay nguyện “theo gương dũng cảm, nối chí quật cường của cụ”, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. |
VÕ VĂN THƯỞNG
(Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương)