Cụ Huỳnh với Viện Dân biểu Trung kỳ
Ngoài tờ báo Tiếng Dân, thời gian sống và hoạt động ở Huế của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn gắn liền với Viện Dân biểu Trung kỳ với chức trách là viện trưởng.
|
Cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đón tiếp cụ Huỳnh Thúc Kháng cuối năm 1946. Ảnh tư liệu |
Theo PGS-TS. Nguyễn Văn Đăng (Trường Đại học Khoa học Huế), về cơ cấu tổ chức, thành phần nghị viên của Viện Dân biểu Trung kỳ được tổ chức bầu chọn dân biểu và chia thành 3 khối: khối dân đinh người Việt, khối đại diện cho các thương gia và khối dành cho dân đinh các dân tộc thiểu số. Hình thức này đã thu hút sự quan tâm của những người yêu nước lúc bấy giờ như cụ Huỳnh Thúc Kháng và coi đây là cơ hội để tham gia các hoạt động chính trị một cách hợp pháp với hy vọng dùng cơ quan này làm diễn đàn đấu tranh đòi tự do dân chủ.
Phương tiện thực hiện những cải cách
Trong kỳ bầu cử đầu tiên vào tháng 7.1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng ra ứng cử nghị viên Viện Dân biểu Trung kỳ tại khu vực bầu cử Tam Kỳ, gồm 3 huyện: Tam Kỳ, Thăng Bình, Tiên Phước. Trong Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, cụ Huỳnh kể: “Nhân có nghị định cải tổ Hội đồng Tư phóng ra Nhân dân đại biểu, tôi lấy địa vị người đứng giữa 2 giới tân - cựu, há lẽ bỏ qua”. Trong diễn văn đọc tại buổi tiệc trà ở Tam Kỳ ngày 10.7.1926 sau khi trúng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ, cụ Huỳnh bày tỏ: “Năm 1920, đặt ra cuộc tư vấn, năm ngoái tuyên bố hiệp ước mới, năm nay lại đổi tư vấn ra làm nhân dân đại biểu, mới mẻ thay giữa đất Trung kỳ mà nay có 4 chữ “Nhân dân đại biểu” xuất hiện ra, chưa nói nội dung thế nào, chưa nói hiệu quả thế nào, mà chỉ trông thấy 4 chữ danh nghĩa đường quang minh chánh đại, thì đã sinh lòng tin cậy”… Tại phiên họp khai mạc trong năm 1926, cụ Huỳnh được tín nhiệm bầu làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Dân biểu Trung kỳ. Với chức trách của mình, cụ Huỳnh đã sử dụng địa vị làm phương tiện thực hiện những cải cách vì dân, vì nước, nhiều lần phản kháng trực tiếp những đại diện của thực dân Pháp ở Trung kỳ.
Ngay khi nhận chức Viện trưởng, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nổi tiếng với sự phản ứng quyết liệt Khâm sứ Trung kỳ D’Elloy (thường gọi là vụ Đơloa - Huỳnh Thúc Kháng). Cuối năm 1926, D’Elloy được bổ nhiệm làm Khâm sứ tại Huế thay thế Pasquier, được cử điều động làm Toàn quyền Đông Dương. D’Elloy là một nhân vật có tư tưởng bảo thủ thực dân, khi lên nắm quyền, ông ta không thích các nghị viện trong Viện Dân biểu Trung kỳ cũng như những hoạt động của viện. Trong một tờ thông tư đề tháng 11.1926 gửi Viện Dân biểu, D’Elloy đã dùng “nhiều lời mạt sát, chửi mắng” làm cho các nghị viên phẫn nộ. Cụ Huỳnh lấy tư cách là Viện trưởng, chủ trì một phiên họp phản kháng, văn bản đươc công bố rộng rãi, cho đăng tải trên các báo trong nước vào tháng 2.1927, làm dấy lên dư luận xôn xao trong Nam ngoài Bắc. Trước sự phản ứng gay gắt của Viện Dân biểu, đứng đầu là cụ Huỳnh Thúc Kháng, toàn quyền Pasquier phải tìm cách xoa dịu với một số nhượng bộ nhất định. Không bao lâu sau đó, Đơloa bị triệu hồi về Pháp.
Về tư tưởng lập hiến
Mặc dù thời gian làm Viện trưởng không dài, chỉ hơn 2 năm (1926 - 1928), nhưng trong thời gian đó, một trong những chương trình hành động của Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng và của Viện Dân biểu Trung kỳ là đòi ban bố một hiến pháp dựa trên quyền lập pháp của viện. Trong kỳ họp của Viện Dân biểu Trung kỳ năm 1927, Viện trưởng và các nghị viên đã đặt ra vấn đề chính quyền của người Việt Nam ở Trung kỳ phải có một hiến pháp riêng, cũng có nghĩa là thêm hoạt động độc lập và rộng quyền tự trị hơn. Bản thỉnh cầu do Viện Dân biểu Trung kỳ gửi chính quyền bảo hộ đã nêu lên sự cần thiết phải có một bộ luật mới để dân chúng bớt “khổ đau” và “oan trái”, cho phù hợp với “nền chính hiến mới” ở Trung kỳ, đồng thời ghi rõ: “Nền chính hiến trong nước đã theo trình độ dân trí mà sửa sang, thời nền pháp luật trong nước cũng phải theo trình độ dân trí và chính biến mà thay đổi… Nền pháp luật không châm chước cổ kim mà cải chính cho thích thời nghi, hợp công lý, thời chẳng những thiệt hại đến tính mạng, tài sản quốc dân, mà lại phương hại đến cả nền chính hiến trong nước nữa… Nay xin lập ngay một hội đồng, lấy luật lệ Đại Pháp làm chính thức, lấy luật lệ cũ Bản quốc và luật lệ mới Bắc kỳ làm bàng thức, chăm chước đông tây, lấy kim cổ mà lập thành một bộ luật cho có giá trị, nghĩa là cho phù hợp với công lý nhân đạo”.
Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng, thay mặt Viện Dân biểu Trung kỳ đấu tranh trực tiếp với chính quyền thực dân Pháp. Ông khẳng định : “Chúng tôi sở dĩ nói đến vấn đề hiến pháp là vì thấy rõ trong xứ Trung kỳ này phụ thuộc dưới quyền bảo hộ gần nửa thế kỷ nay, mà chính thể trong xứ quyền hạn không được rõ ràng, trách nhiệm không được đảm thụ, trăm điều rắc rối bởi đó mà ra… Bởi vậy, để cho cuộc trị an trong xứ được lâu dài cùng các dây liên hệ giữa người Pháp cùng người Nam bền chặt thì cần thiết phải có một cơ thể chính trị, chia bộ phận mà có trách nhiệm, định quyền hạn mà có quy thức, để chỉnh đốn việc lợi ích trong xứ. Đó là một điều cốt yếu tức là hiến pháp vậy”. Với tư tưởng đó, Huỳnh Thúc Kháng đã khẳng định vai trò của hiến pháp trong bài diễn văn đòi quyền lập hiến đọc tại Viện Dân biểu Trung kỳ năm 1927: “Nhà nước mà cho hiến pháp là một cái nền nếp chính trị bền vững lâu dài trong xứ này, hợp với toàn thể ý nguyện trong nhân dân”. Và để làm được điều đó, cụ Huỳnh đã chỉ ra con đường xây dựng bản hiến pháp cho nước Việt Nam là phải lập ra một hội gọi là dự thảo hiến pháp và phải chú ý để nhân dân tự do đầu phiếu”.
Yêu cầu: việc học, việc thuế, việc hình
Trong kỳ đại hội thứ ba của Viện Dân biểu Trung kỳ ngày 1.10.1928, dưới sự chủ tọa của Khâm sứ Trung Kỳ Giabui (Jabouille), cụ Huỳnh đã có một bài diễn văn gây tiếng vang lớn. Trong đó, cụ chỉ trích gay gắt những chính sách hà khắc với người dân của chính quyền thuộc địa về thuế khóa, nạn cường hào, tham nhũng và bày tỏ Viện Dân biểu cần được trao thực quyền chứ không chỉ “mang cái tên trống mà chúng tôi khỏi phụ cái tấm lòng tin cậy của nhân dân”. Cụ Huỳnh cũng đã bày tỏ 3 yêu cầu cơ bản với chính quyền thực dân. Đó là việc học, việc thuế, việc hình: thi hành chính sách giáo dục bắt buộc và cho tự do lập trường học, đánh thuế hàng hóa xa xỉ và giảm thuế sưu; cải cách hệ thống tư pháp, xét xử để người Việt Nam có nhiều quyền bình đẳng hơn.
Nhân dịp này, cụ cũng nhắc lại đòi hỏi về một hiến pháp cho Nam triều với 3 đề đạt: “Một: Quan Toàn quyền đề đạt vấn đề đó sang Pháp đình, trước hết có một đạo sắc lệnh từ Giám quốc, một đạo chỉ dụ đức Bảo Đại chuẩn hứa và tuyên bố cho nhân dân biết rằng xứ An Nam bây giờ phải lập một cái hiến pháp. Hai: Lập một hội gọi là dự thảo hiến pháp cho toàn thể quốc dân sung vào để điều tra và thảo bản hiến pháp. Ba: Trong thời kỳ dự bị hiến pháp thì Viện Dân biểu điều lệ chương trình mở rộng quyền hạn thêm ra, và cách bầu cử nên cẩn thận chú ý để cho nhân dân được dự do đầu phiếu, không bãi bị…”. Ông cũng phản bác mạnh mẽ quan điểm “dân An Nam chưa có trình độ lập hiến” của chính quyền thuộc địa với lập luận: “Chúng tôi vẫn công nhận nhân dân xứ này chưa được toàn thể hiểu cái chính thể mới có, song xin thưa rằng đường có đi mà sau mới tới nơi, người có học mà sau mới biết chữ”.
Khẳng khái từ chức
Ngoài những nội dung về lập hiến, cũng trong phiên họp đại hội lần ba này, cụ Huỳnh Thúc Kháng còn đưa ra một số yêu cầu cụ thể, như mở thêm trường học, khai khẩn thêm đất hoang, mở thêm các công trình thủy lợi, giảm thuế đình, thuế điền, bỏ độc quyền muối, rượu, cải tổ bộ máy quan lại, mở rộng quyền của Viện Dân biểu. Trong Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, cụ Huỳnh viết : “Nhưng trải hai lần Đại hội đồng thường niên, tôi thấy rõ chân tướng của nó, tên là Dân biểu, kỳ thiệt chỉ là Phòng Tư phóng cải trang, không có ý nghĩa gì. Tháng 10 năm ấy (1928) tôi có bài diễn văn bế mạc, chỉ trích gắt gao chính sách của Chính phủ Pháp thi hành tại Trung kỳ, cho là kết hợp tình thế, khiến nhân dân thêm ác cảm, buộc phải cải cách, như tài chính, học chính, hình luật cùng hiến pháp, hòa ước các việc”.
Rõ ràng, với tư cách Viện trưởng của Viện Dân biểu, cụ Huỳnh Thúc Kháng sớm bất đồng ý kiến với các viên chức chính quyền Pháp vốn nghi ngờ cụ. Cụ giải thích rằng: “Mỗi lần tôi mở miệng để phát biểu một nguyện vọng, là quan Khâm sứ trách móc tôi phá hoại chủ quyền của người Pháp”. Cho đến khi cụ đọc bài diễn văn tại Viện Dân biểu Trung kỳ trước mặt Khâm sứ Trung kỳ Giabui, thì mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm. Một ngày sau khi đọc diễn văn, vào ngày 2.10.1928, cụ Huỳnh Thúc Kháng đưa đơn từ chức Viện trưởng với lý do đã hiểu lầm bốn chữ “Nhân dân đại biểu”. Cụ giải thích rằng, sự hiện diện của cụ là chướng ngại đối với công việc của viện. Cụ thấy nên hoàn toàn dốc chí cho tờ báo thì hơn. Sự kiện cụ Huỳnh tuyên bố từ chức Viện trưởng đã dẫn theo sự ly khai của hàng loạt các dân biểu tiến bộ. Cùng từ chức với cụ Huỳnh có Lê Văn Huân (Hà Tĩnh), Trần Đình Đàm (Nghệ An), Hoàng Đức Trạch (Thừa Thiên), Lương Quý Dy (Quảng Nam). Sự kiện này được Đông Dương thời báo ngày 18.10.1928 đánh giá: “Việc xảy ra ở Viện Nhân dân đại biểu Trung kỳ đã làm náo loạn dư luận Tây, Nam trong khắp cõi Đông Dương”.
Hành động từ chức của cụ Huỳnh đã thể hiện tinh thần cương trực và khẳng khái của một sĩ phu yêu nước, không chấp nhận làm tay sai cho thực dân Pháp. Đó là một thái độ sáng suốt, hợp thời, thể hiện lập trường chính trị của ông chứ không đơn thuần vì danh dự cá nhân. Có thể nói, thực dân Pháp đã thất bại trước tinh thần dân tộc, tư tưởng yêu nước, chủ trương hành động vì dân, vì nước của cụ Huỳnh Thúc Kháng.
TRƯỜNG ĐỒNG