Nặng lòng với sử học
“Muốn tìm chân lý, tất nhiên trước phải học lịch sử, học lịch sử chính là một cái con đường rất cần về phương pháp suy cầu chân lý vậy”. Từ tinh thần này, đã có một Huỳnh Thúc Kháng nặng lòng với sử học và tự đặt trách nhiệm khôi phục một cách chính xác, chân thực các sự kiện, thời kỳ, nhân vật lịch sử…
|
Ông Huỳnh Văn Thoàn - chắt cụ Huỳnh Thúc Kháng, với những số báo Tiếng Dân đang được lưu trữ tại Nhà lưu niệm cụ Huỳnh. |
Thức tỉnh hồn nước từ sử học
Mỗi năm, sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, các môn khoa học xã hội, đặc biệt ở môn Sử và Địa lý, luôn rơi vào tình trạng điểm thấp và không có thí sinh dự thi. Vì đâu nên nỗi? Phải chăng vì phương pháp giáo dục của thời hiện tại? Xin được nhắc lại câu nói nổi tiếng của cụ Huỳnh, đã từng đăng trên báo Tiếng Dân do cụ làm chủ bút: “Học sử làm gì? Học địa làm gì? Học địa để sống với non sông đất nước. Học sử để sống với người đã chết”. “Kẻ sĩ của đất Quảng” - Huỳnh Thúc Kháng với bút lực của một bậc ái quốc, suốt đời đeo đuổi sự nghiệp cứu nước, cứu dân, xác định trách nhiệm của mình đối với đất nước, với nhân dân: “Tôi tự xét đời sống sót sau vận kiếp này, không làm gì bổ ích cho đời, chỉ lưu cái trách nhiệm cỏn con là nhà học giả đối với quốc dân, không dám không gắng” (trích trong Huỳnh Thúc Kháng niên phổ, Thư trả lời Kỳ Ngoại hầu Cường Để). Và học giả Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm của mình, khi mỗi bài viết của ông là tấm ảnh phản chiếu chân thực một Việt Nam trong quá khứ với rất nhiều biến động.
Chính trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cụ Huỳnh Thúc Kháng, bằng quan niệm rằng, viết sử không chỉ để lưu lại cho hậu thế những tác phẩm lịch sử quá khứ, mà qua đó, có thể là vũ khí đấu tranh để thức tỉnh dân tộc, khêu gợi lòng yêu nước trên cơ sở của những hiểu biết quá khứ. Thạc sĩ Trần Thị Hợi (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, chính vì quan niệm về tầm quan trọng của sử học đối với vận mệnh đất nước như vậy, nên cụ Huỳnh đã sớm quan tâm và lo lắng đến việc nhận thức lịch sử trong các tầng lớp nhân dân. Trong tác phẩm “Thư trả lời Kỳ Ngoại hầu Cường Để” (1943), Huỳnh Thúc Kháng chỉ ra hiện thực khách quan khi xã hội đương thời chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của lịch sử. “Đương giữa khoảng giao thời mới cũ dở đứt dở nối này, lớp già tiêu mòn, ít ai nhắc lại việc cũ, lớp trẻ phù tháo thấy gần biết cạn, tin theo sách người ngoài một cách khinh suất (như sách người Pháp nói chuyện Việt Nam, chỉ thấy một mặt…), đối với cận sử nước Việt Nam từ 80 năm lại đây cùng tình trạng hiện tại trong nước, không khỏi có chỗ ngăn che cách biệt không phù sự thực”. “Thư trả lời Kỳ Ngoại hầu Cường Để” của cụ Huỳnh được giới nghiên cứu sử học thời nay xem như là cuốn sử lược 80 năm của dân tộc Việt Nam dưới thời thuộc địa. Từ thực trạng xã hội Việt Nam trong suốt 80 năm dưới ách thống trị của thực dân Pháp, đến tiến trình đấu tranh yêu nước của dân tộc trong những năm 1854 - 1940 trải qua 4 thời kỳ cùng các nhận định mang tính khách quan của người viết.
Không phải người viết sử chuyên nghiệp, nhưng Huỳnh Thúc Kháng luôn ý thức rằng viết sử là để khôi phục một cách chính xác, chân thực các sự kiện, thời kỳ, nhân vật lịch sử. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, những tác phẩm lịch sử của cụ Huỳnh bằng phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu lịch sử khách quan, khoa học, cộng với lòng yêu nước của một nhân cách lớn, không chỉ cung cấp nguồn tư liệu chính xác, khôi phục chân thực bức tranh lịch sử dân tộc qua các thời kỳ. Nhiều tác phẩm sử học tiêu biểu của cụ, như “Ba năm hội Cần vương Quảng Nam”, “Vụ chống thuế ở Trung kỳ năm 1908”, “Khởi nghĩa Duy Tân 1916”, “Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử”, “Huỳnh Thúc Kháng tự truyện”, “Thư trả lời Kỳ Ngoại hầu Cường Để năm 1943”… mang nhiều giá trị cho đến hiện tại. “Muốn biết việc sau, cần phải xem việc trước, lịch sử là cái kho chứa đựng những việc trước”, và như vậy, hiểu biết lịch sử là để biết quá khứ, rút bài học bổ ích cho hiện tại và tương lai.
Thời sự và lịch sử ở Tiếng Dân
Tiếng Dân, tờ báo đầu tiên mang đầy đủ phẩm chất của một tờ báo đại diện cho tiếng nói người dân ở Trung kỳ ra đời, với tôn chỉ “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mình muốn nói thì ít ra cũng giữ được cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Trong 16 năm tồn tại (1927 - 1943), Tiếng Dân luôn đứng về phía lợi quyền dân tộc. “Tiếng Dân mở đường cho ngôn luận báo chí đầu tiên, chứa đựng rất nhiều thông tin, và đặc biệt có thể tìm thấy ở đây tiếng nói của một bộ phận cấp tiến trong các tầng lớp xã hội Việt Nam. Đặc biệt Tiếng Dân được coi như diễn đàn đấu tranh công khai của những lực lượng yêu nước. Chúng tôi nghĩ rằng di sản của nó để lại cho chúng ta hết sức có giá trị, vừa nằm trong nền báo chí yêu nước công khai, vừa tạo ra một diễn đàn tập hợp lực lượng. Những năm 1945 khi có sự chuyển biến trong cách mạng Việt Nam, khá nhiều các nhân vật tham gia vào tờ báo này đã chuyển sang khuynh hướng chính trị đi theo Đảng Cộng sản Việt Nam” - ông Dương Trung Quốc nói.
Một trong những bài viết về thời sự Hoàng Sa 1938 đăng tải trên Tiếng Dân. |
Và một cách viết khôn khéo của cụ Huỳnh, khi muốn hiệu triệu lòng yêu nước, chính là kể lại câu chuyện sử học, của những nhân vật kiệt hiệt trong sử sách. Hay, cũng có khi phản ánh, mô tả lại một cuộc đấu tranh trước cường quyền của bộ máy cai trị người Pháp của những người dân thấp cổ bé họng. Số 507 của báo Tiếng Dân có bài ca ngợi nhân vật lịch sử Tô Hiến Thành do chủ bút Huỳnh Thúc Kháng viết, cũng là một con người không ham danh lợi, một lòng vì nước vì dân “đạt cái mục đích cao thượng của mình, tài hào kiệt mà gồm cả đạo đức thánh hiền”. Ca ngợi những nhân vật lịch sử, những người có công lao to lớn với sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, để từ đây khêu gợi lòng yêu nước với đông đảo tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, trong các sự kiện lịch sử đăng tải ở Tiếng Dân, cụ Huỳnh đã nêu bật về sức mạnh của quần chúng, gợi ra những vấn đề về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Làm báo trong gọng kìm của chính quyền bù nhìn, bị mật thám Pháp kiểm duyệt gắt gao, nhưng trước những tình thế căng thẳng của nước nhà, hoặc khi chủ quyền biển đảo Tổ quốc bị thách thức, Tiếng Dân của cụ Huỳnh đã mạnh mẽ lên tiếng. Và phải xuất phát đầu tiên từ quan niệm coi trọng sử học của cụ. “Thời sự Hoàng Sa” năm 1938, khi chiến tranh Trung - Nhật nổ ra, quân đội Thiên Hoàng xâm lược Trung Quốc. Người Nhật với tham vọng bá chủ châu Á muốn thôn tính quần đảo Hoàng Sa - bấy giờ đang do lính Pháp và lính An Nam quản lý. Loạt bài về quần đảo Hoàng Sa, với các số báo liên tiếp, từ ngày 12.7.1938 (số 1280) đăng bài “Quần đảo Tây Sa (Paracels) với Pháp”, “Quần đảo Tây Sa trở thành vấn đề quan trọng” (Tiếng Dân, số 1281), “Việc Paracels (Tây Sa), Pháp chính thức nhận chủ quyền đảo ấy” (Tiếng Dân, số 1282) và “Dấu tích đảo Tây Sa (Paracels) trên lịch sử Việt Nam ta và giá trị bản Phủ biên tạp lục” (Tiếng Dân, số 1284, 23.7.1938). Trong loạt bài, chứng cứ từ các nguồn sử liệu cũ như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Đại Nam nhất thống chí, Bản triều chính yếu thực lục của hai triều Gia Long và Minh Mạng, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú hay bản Việt sử cương giám của Nguyễn Thông… được cụ Huỳnh Thúc Kháng coi như là minh chứng để khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sắc sảo từ những cứ liệu khoa học mang tính lịch sử, cụ Huỳnh cùng với những bài báo mô tả cặn kẽ về quần đảo Tây Sa, cũng như đối sánh với các thư tịch cổ, đến hôm nay vẫn còn đủ đầy giá trị thời cuộc.
Hẳn nhiên, di sản cụ Huỳnh để lại cho hậu thế, từ tư tưởng đến những cống hiến của cụ với vận mệnh đất nước, xứng đáng để tên tuổi cụ còn truyền lưu đến hôm nay. Riêng câu chuyện nặng lòng với sử học của cụ, cũng đủ để người đời nay suy ngẫm…
LÊ QUÂN