Hành trạng quan Án Nguyễn Duy Kế
(QNO) - Quan Án Nguyễn Duy Kế là người duy nhất học hành, thi cử đỗ đạt và làm quan lớn dưới triều Nguyễn của dải đất phía bắc huyện Lễ Dương xưa (miệt đông Duy Xuyên nay). Mộ của ông tọa lạc ngay bên bờ Bàu Ấu, còn tấm văn bia khá nguyên vẹn tiết lộ về thân thế và hành trạng của ông…
Bàu Ấu vốn là tên một cái bàu nước - đoạn còn lại của “dòng sông chết” Khe Thủy (nay là thôn Thuận Trì, Duy Hải, Duy Xuyên), quê hương của Nguyễn Duy Kế.
Văn bia trên mộ Nguyễn Duy Kế. Ảnh: NGUYỄN THỊ MAI |
Độ học cấp hai, cấp ba, không chỉ nghe kể về Bàu Ấu, tôi còn được nghe nhiều bậc cao niên kể chuyện rằng, trong làng có một ngôi mộ cổ của quan Án có lúc đã bị cát trắng phủ vùi, mộ ông vẫn còn bia đá nhưng không ai biết gì về hành trạng và cũng không ai nhận phần hương hỏa cho ông. Về sau, phải gặp nhiều nhân duyên thuận lợi, tôi đã tìm hiểu và biết về ông - một người con của quê hương Bàu Ấu đã bị lãng quên hàng thế kỷ qua.
Lần theo vài thông tin trên văn bia, chúng tôi tiến hành thu thập, góp nhặt thêm sử liệu về Nguyễn Duy Kế. Ông sinh ở ấp Phương Trì, tổng An Thạnh Hạ, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là thôn Thuận Trì, xã Duy Hải, Duy Xuyên). Hiện chưa rõ ông sinh năm nào. Ông Nguyễn Duy Kế có hai vợ, vợ chính họ Nguyễn, vợ thứ họ Lê. Không rõ họ sinh hạ tất cả được bao nhiêu con cháu, chỉ biết con trai trưởng tên là Nguyễn Trọng Tuấn, đích tôn là Nguyễn Câu Lư/Lô. Ông mất một ngày mùa hạ năm Tân Tỵ (1881), có thể khi đương chức Án sát sứ Nam Định và chưa rõ nguyên nhân mất.
Khoa thi Giáp Tý, triều Tự Đức năm thứ 17 (1864), ông Nguyễn Duy Kế đi thi và đỗ cử nhân. Khoa thi này lấy 28 người, ông Nguyễn Duy Kế đỗ vị thứ 24, cùng với 8 vị khác của các huyện trong tỉnh Quảng Nam, trong đó có các vị như Nguyễn Đức Hoan, Nguyễn Huy Tháo, Phạm Thanh Thục đã đỗ cao và làm quan lớn. Không rõ khi nào, có lẽ ngay sau khi đỗ đạt, ông đã ra kinh đô Huế, được bổ lãnh chức Tri huyện Hương Trà. Đến năm 1872 thì được nâng lãnh chức Tri phủ phủ Ninh Hòa. Cuối năm 1873, cha mất, ông về quê chịu tang. Có thể vì vậy, thời gian từ năm 1873 đến năm 1876, ông tạm thời không giữ chức Tri phủ Ninh Hòa, còn chức Tri huyện huyện Hương Trà thì đã được giao cho Chủ sự Phạm Thanh Thục.
Thời gian sau tang cha, không rõ sau đó ông có kinh qua chức vụ nào không, nhưng đến mùa đông năm Đinh Sửu (1877), đã thấy chính sử triều Nguyễn là Đại Nam thực lục chép sự kiện ông đã được bổ nhiệm giữ chức Án sát sứ tỉnh Nam Định và thụ lý vụ án nhũng lạm công quỹ lớn của vùng này. Như vậy, có thể vào đầu năm 1877, sau khi mãn tang cha, ông Nguyễn Duy Kế đã ra giữ chức Án sát sứ một tỉnh lớn - tỉnh Nam Định. Từ đây, ông cùng với Bố chánh Đồng Sĩ Vịnh là hai tỉnh thần, hai vị quan có vai trò cao nhất, coi quản mọi mặt của tỉnh Nam Định, đặt dưới quyền quan Tổng đốc Định - Yên Nguyễn Trọng Hợp.
Ngay khi được bổ nhiệm giữ chức Án sát sứ, ông cùng quan Bố chánh Đồng Sĩ Vịnh đã thụ lý vụ án nhũng lạm công quỹ khổng lồ của vùng Nam Định - Hưng Yên đương thời. Thời gian điều tra kéo dài mấy năm, vua Tự Đức phải phái quan khâm sai Khâm phái Trần Đình Liêm kết hợp với hai quan Bố chánh, Án sát trực tiếp điều xét. Sau hơn 2 năm, đến cuối năm 1788, kết quả cuối cùng đã điều tra ra số quan lớn liên đới trong vụ án này rất nhiều, nhất là các chức quan Bố chánh, Án sát tiền nhiệm. Số tiền, thóc, gạo thiếu hụt tính thành tiền lên đến hơn 100.000 quan. Hình phạt bao gồm phạt trượng, giải chức, cách chức, cho lui về nhàn tản, trảm quyết giam bồi, phạt đồ hết bậc…
Nam Định ở thế kỉ XIX là một tỉnh lớn. Đương thời, vùng đất này cùng với Quảng Yên, Hưng Yên, Hải Dương... không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng trong việc phòng thủ của toàn hạt Bắc Kỳ mà còn được triều Nguyễn quan tâm nhiều về hoạt động mở mang khai khẩn đất hoang, phát triển kinh tế và thông thương với bên ngoài.
Sử liệu Châu bản triều Tự Đức năm thứ 32 - 33 (1879 - 1880) cho biết quan Án sát Nguyễn Duy Kế đã tham gia bàn bạc, mật bàn, cùng Tổng đốc Nguyễn Trọng Hợp, Bố chánh Đồng Sĩ Vịnh trình tấu lên triều đình, chịu trách nhiệm về nhiều vấn đề quan trọng ở vùng đất ông coi quản cũng như các vùng đất lân cận.
Sau thời gian này, chưa tìm thấy thêm sử liệu về ông. Chỉ biết rằng bia mộ quan Án đề được lập một ngày mùa hạ năm Tân Tỵ (1881). Vì thế, có thể đoán định rằng ông mất khoảng đầu năm 1881 khi đương nhiệm, chưa rõ nguyên nhân.
Như vậy, từ lúc đỗ đạt, ông Nguyễn Duy Kế đã bước vào chốn quan trường, làm quan ở nhiều nơi và kinh qua nhiều chức vụ như Tri huyện Hương Trà, Tri phủ Ninh Hòa, quyền Bố chánh tỉnh Nam Định, Án sát sứ tỉnh Nam Định… cho đến lúc mất.
Khói hương tàn lạnh Trên bờ Bàu Ấu nay là mộ quan Án sát Nguyễn Duy Kế - người con của quê hương, thi cử đỗ đạt và làm quan lớn. Quan nghiệp, nhân phẩm của ông là tấm gương sáng lưu truyền hậu thế. Hiện tại, mộ ông và mẫu thân không có người hương khói, thờ tự. Điều đáng tiếc là, hiện nay Bàu Ấu, mộ quan Án sát, khu mộ địa của làng xưa nay,... tất cả đều nằm trong khu vực giải tỏa, di dời, tái định cư của dự án khu nghĩ dưỡng Nam Hội An. Vì vậy, qua kết quả khảo cứu bước đầu này, chúng tôi xin kiến nghị với các cơ quan hữu quan xem xét công tác bảo tồn đối với các di tích cổ xưa này. |
Xét trong lịch sử khoa cử Quảng Nam, ông Nguyễn Duy Kế tuy đỗ không cao nhưng đã kinh qua nhiều chức vụ và chức cao nhất là Án sát sứ. Cùng với Bố chánh ty của quan Bố chánh Đồng Sĩ Vịnh, Án sát ty của ông là cơ quan giúp việc, cánh tay đắc lực cho đại thần Tổng đốc Nguyễn Trọng Hợp coi quản vùng đất Nam Định - Hưng Yên và các tỉnh lân cận. Ông cống hiến cho đất nước, nhất là phương diện trị an, phòng thủ, khai khẩn, giao thông… của vùng đất Nam Định trong phần lớn đời làm quan của mình. Bia mộ ông đề “Hoàng triều cáo thụ Phụng nghị đại phu thự Nam Định Án sát sứ hiển khảo Nguyễn hầu thụy Đoan Trực chi mộ”. Đó cũng là sự ghi nhận về quan nghiệp, công nghiệp lớn nhất của ông: quan Án sát sứ văn giai trật chánh ngũ phẩm, khi mất được truy thọ Phụng nghị đại phu, tước Hầu.
Xét về nguồn gốc xuất thân - tịch quán, ông là người duy nhất học hành thi cử đỗ đạt và làm quan lớn dưới triều Nguyễn của dải đất phía bắc huyện Lễ Dương xưa. Ông đã bước ra khỏi làng quê nghèo để theo đường công danh, cống hiến tài sức cho đất nước trong buổi giao thời gian khó và khi mất thì quay về, nằm lại ở quê cha đất tổ. Vào chốn quan trường, ông là một quan Án sát thanh liêm, chính trực; về đời tư, ông là người con giữ trọn hiếu đạo.
LÊ THỊ MAI