Bức thư gửi mẹ

MAI HỒNG LÂM 02/09/2016 09:16

1. Đã 57 năm trôi qua, bức thư dài 8 trang của chàng trai xóm Ấp Bắc, Kim Đới, Tam Thăng, Tam Kỳ, gửi về cho mẹ từ miền Bắc tuy đã phai nhòa màu mực nhưng vẫn còn nhận rõ từng nét chữ. Qua chiến tranh, bom đạn, khói lửa... bức thư của con trai như một kỷ vật quý báu được người mẹ nâng niu, giữ gìn, để rồi hôm nay, trở thành một trong những hiện vật quý được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng thuộc quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là bức thư của ông Lê Ngọc Lân từ khu Hồng Quảng, thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, gửi về cho mẹ Trình Thị Quy ở xóm Ấp Bắc, thôn Kim Đới, Tam Thăng, Tam Kỳ vào ngày 1.8.1959.

Ông Lê Ngọc Lân bồi hồi xem lại bức thư mà ông đã gửi về cho mẹ cách đây 57 năm; kế bên là ống tre và hũ sành mẹ ông dùng để chôn giấu bức thư. Ảnh: M.H.L
Ông Lê Ngọc Lân bồi hồi xem lại bức thư mà ông đã gửi về cho mẹ cách đây 57 năm; kế bên là ống tre và hũ sành mẹ ông dùng để chôn giấu bức thư. Ảnh: M.H.L

Về lai lịch của bức thư, theo lời kể của ông Lê Ngọc Lân, từ khi tập kết ra Bắc năm 1954, sống trong tâm trạng đêm Nam ngày Bắc, lúc nào ông cũng da diết, khôn nguôi nhớ về quê hương, gia đình, cha mẹ, anh em, bà con, hàng xóm... đang phải ngày đêm sống trong bom đạn, khói lửa chiến tranh. Lúc bấy giờ, theo hiệp định Giơnevơ đã được ký kết, có một điều khoản là hai miền Nam - Bắc được trao đổi tin tức, thư từ qua lại với nhau, nên những năm đầu khi mới đặt chân đến vùng đất Quảng Ninh, ông đã 4 lần gửi bưu thiếp và thư từ về cho gia đình nhưng tất cả đều không nhận được. Tấm bưu thiếp thứ nhất, ông nhờ người gửi qua địa chỉ người quen ở Hồng Kông để từ đó nhờ chuyển về miền Nam (vì Hồng Kông lúc đó là thuộc địa của Anh nên có quan hệ với chính quyền Sài Gòn, mọi thư từ đều có thể gửi được mà không phải bị kiểm duyệt gắt gao), tấm bưu thiếp thứ hai ông gửi qua Pháp để nhờ chuyển về miền Nam và hai lần ông viết thư gửi tận tay những cán bộ đi B mang về cho mẹ nhưng do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nên tất cả tình cảm da diết nhớ thương qua từng trang thư, con chữ của chàng trai xứ Quảng vẫn không thể đến được gia đình.

Mãi đến năm 1959, ông Lân tình cờ gặp ông Trịnh Bá (tên thường gọi là Sáu Xin), là người đồng hương ở cùng xóm và cũng là quân nhân tập kết ra Bắc. Ông Trịnh Bá sau thời gian học ở Trường Sĩ quan tại Sơn Tây - Hà Nội đã được điều trở lại miền Nam để tiếp tục chiến đấu. Nhân cơ hội này ông Lân viết lá thư thứ ba nhờ người đồng hương mang vào Nam và tìm đường dây liên lạc gửi xuống vùng quê Kim Đới - Tam Thăng cho mẹ. Để viết bức thư này, ông Lân phải trằn trọc suốt 3 đêm, hình dung lại hình ảnh mộc mạc, thân quen, những con người bình dị, chân chất khi còn ở quê nhà và hình ảnh cuộc sống trên đất Bắc gần 5 năm qua để viết một bức thư dài gửi về cho mẹ để thỏa lòng khao khát, mong đợi và nhớ nhung đối với mẹ, anh em, họ hàng, người thân. Viết xong, ông trực tiếp đến gặp và đưa thư cho ông Trịnh Bá. Nhưng lúc này theo lệnh của cấp trên, Trịnh Bá phải tiếp tục ở lại huấn luyện, chưa thể vào Nam được, bèn nhờ một đồng đội khác chuẩn bị vào Nam mang bức thư của ông Lân theo tìm cách gửi về cho gia đình... Thư đã được gửi đi rồi nhưng ông Lân cứ đứng ngồi không yên bần thần, lo lắng không biết thư có đến được tay mẹ hay không... Và niềm mong mỏi sự lo lắng của ông được đền đáp, lá thư đã theo hành trang người đồng đội của Trịnh Bá vượt qua mưa bom, lửa đạn, vượt Trường Sơn để đến tận tay người mẹ đang ngày đêm mong ngóng đứa con trai nơi đất Bắc xa xôi.

Tháng 10.1975, ông Lê Ngọc Lân mới lần đầu tiên trở về quê hương sau 21 năm học tập và công tác trên đất Bắc. Mẹ con, anh em, họ hàng gặp nhau mà nước mắt lưng tròng bởi chiến tranh gây bao đau thương mất mát, gây bao cảnh chia ly. Ngày trở về của ông Lân càng xúc động và khi phát hiện bức thư ông gửi bao tình cảm yêu thương, nhớ nhung vẫn được người mẹ già gìn giữ một cách nguyên vẹn như một vật bất ly thân. Thì ra, bức thư theo chân người đồng đội của ông Trịnh Bá về đến đất Quảng Nam được chuyền tay gửi qua bao nhiêu người cho đến khi nó đến tay một cán bộ hoạt động bí mật là cháu bên ngoại của mẹ ông Lân và chính người cháu này đã đọc bức thư cho mẹ ông nghe. Nhận được thư con vừa mừng, vừa cảm động vì biết con vẫn khỏe mạnh, vẫn ngày đêm học tập, công tác góp phần xây dựng miền Bắc thân yêu, nhưng cũng lo sợ địch phát hiện lá thư sẽ liên lụy đến gia đình, người mẹ của ông đã tìm mọi cách giấu lá thư đi. Bà cuộn tròn lá thư cho vào một ống tre già có nắp đậy kín, rồi bỏ vào chiếc hũ sành, sau đó đem chôn ở khu vườn phía sau nhà. Cũng nhờ đó, mặc dầu nằm trong vùng chiến sự ác liệt, bom đạn cày xới, quân thù liên tục lùng sục gắt gao nhưng lá thư vẫn vẹn nguyên và được gìn giữ cho đến hôm nay...

2. Bức thư dài 8 trang mà ông Lê Ngọc Lân gửi cho mẹ là những tình cảm da diết, nhớ thương của người con xa quê gửi về cho mẹ, cho gia đình; là những kỷ niệm khó quên khi còn sống với mẹ, với gia đình: “Hôm nay, con biên thư cho má nữa đây - lá thư thứ 3, không biết có đến tận tay má hay không? Dù đến hay không con cứ viết, viết để gửi vào trang giấy này những nỗi nhớ nhung thèm khát trong mối tình cảm thiêng liêng ấy. Viết để gió đưa đi, chim nhắn hộ, để cho âm vang vang mãi về phương Nam xé tan bầu trời hắc ám và nặng nề ấy đi...”. Ông Lân cũng hiểu để bức thư này đến tay mẹ già không phải là điều dễ dàng gì, và điều này cũng được ông giãi bày trong thư: “... Thư này dù không đến tận tay má, cũng mong má hiểu cho là con của má luôn biên thư cho má, nhưng bọn Mỹ - Diệm cố tình chia cắt mối tình ruột thịt, một nguyện vọng chính đáng nhất. Chắc má cũng rõ, lá thư đến được tay má phải qua muôn trùng khổ ải, nó phải vất vả long đong, lên thác xuống ghềnh, bao gian khổ nguy nan, nhưng rồi nó sẽ đến và má sẽ quý hơn vàng khi bắt được nó, có đúng thế không má?...”.

Ông Lê Ngọc Lân sinh năm 1932, năm 17 tuổi làm nhân viên văn thư ở Văn phòng Khu ủy 5. Năm 1951, ông xung phong vào bộ đội và được điều về công tác tại Đội Thông tin liên lạc khu 5. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc, vừa tiếp tục học vừa công tác tại Ty Lâm nghiệp Hồng Quảng (Quảng Ninh). Sau đó ông được cấp trên cho đi học chuyên ngành lâm nghiệp ở Cộng hòa dân chủ Đức (từ năm 1961 - 1967). Năm 1968, ông về nước và nhận nhiệm vụ tại Tổng cục Lâm nghiệp... Năm 1972, ông được điều về làm Giám đốc Lâm trường Đình Lập (Quảng Ninh) cho đến đầu năm 1976 được điều về công tác tại Ty Lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng, đến năm 1987 thì nghỉ hưu... Hiện nay, ông đang sinh sống tại đường Đỗ Thế Chấp, TP.Tam Kỳ.

Lá thư là những dòng chữ thể hiện niềm tin sắt đá vào cách mạng dù cho gia đình, làng xóm, quê hương đang ngày đêm phải sống trong cảnh lùng sục, đàn áp, khủng bố bắt bớ của Mỹ - Diệm: “...Sống trên miền Bắc tự do phấn khởi thì càng nghĩ đến miền Nam đau khổ, ngạt thở dưới chế độ Mỹ - Diệm. Miền Nam đã đứng lên chống giặc trước tiên, chịu đựng gian khổ nhiều, ngày nay một nửa đất nước hoàn toàn giải phóng, còn một nửa đất nước chịu bao tang tóc đau thương, nhưng càng đau khổ càng bền bỉ đấu tranh, lửa thử vàng gian nan thử sức, miền Nam xứng đáng là thành đồng Tổ quốc, miền Nam anh dũng mà muôn đời còn ghi mãi mãi...”. Bức thư cũng dành những dòng khá dài để miêu tả về không khí lao động thi đua sản xuất ở miền Bắc với niềm tin lạc quan, phấn khởi: “...Hiện nay sống trên đất Bắc tự do vui tươi, mọi người đều hăng hái lao động để xây dựng miền Bắc giàu mạnh.

Miền Bắc đương trên đà tiến lên chủ nghĩa xã hội, từ công trường, nông trường, nhà máy, hầm mỏ, trường học... đâu đâu cũng phấn khởi thi đua hoàn thành kế hoạch 3 năm, đã có hàng trăm nhà máy mọc lên khắp nơi ở miền Bắc từ miền xuôi đến miền ngược và trong kế hoạch 5 năm sẽ mọc lên hàng trăm nhà máy nữa. Chính phủ bỏ rất nhiều vốn vào việc kiến thiết đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh, ở nông thôn phong trào hợp tác hóa đương lên mạnh...”. Và điều đặc biệt, qua nội dung bức thư có thể thấy được nghị lực kiên cường, một lý tưởng cao đẹp của chàng trai trẻ xứ Quảng - người có thể hy sinh hạnh phúc cá nhân, tình cảm gia đình để làm tròn nghĩa vụ với quê hương, với đất nước: “... Má ạ! Hy sinh tình cảm rồi mà lại hy sinh cả hạnh phúc gia đình trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, trường hợp đó không riêng con đâu. Hoàn cảnh này hy sinh hạnh phúc cá nhân để xây dựng hạnh phúc chung lâu dài mới đáng quý, có phải thế không má...”.

Cho đến hôm nay, người mang thư hộ, người nhận thư, người đọc thư và cả người mẹ yêu quý của ông Lê Ngọc Lân đã không còn nữa, nhưng lá thư vẫn còn đây như gợi nhớ đến những kỷ niệm không phai mờ về một thời đất nước bị chia cắt, về một thời bom đạn chia ly, về tình cảm thiêng liêng của những người mẹ anh hùng.

MAI HỒNG LÂM

MAI HỒNG LÂM