Bức tranh thêu trong chốn lao tù
Chị Trần Duy Phương - tác giả cuốn tự truyện “Tôi nghe tôi hát”, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng quê Gò Nổi, Điện Bàn. 13 tuổi chị tham gia phong trào xuống đường của học sinh - sinh viên. Năm 1965, chị bỏ học “lên xanh” và trở thành cán bộ tuyên huấn...
Chị Trần Duy Phương và mẹ. Ảnh: Q.HÀ |
Tháng 10.1968, Ban Tuyên huấn huyện ủy Quế Sơn, nơi chị Trần Duy Phương công tác, bị địch tập kích bất ngờ. Chị bị bắn trọng thương, gãy chân trái, gãy cột sống và toác khoang bụng. Địch bắt được chị đưa về khoa giam giữ điều trị tù binh cộng sản ở Bệnh viện Duy Tân - Đà Nẵng. Hơn một năm bị giam giữ ở đây, chị và cả chục nữ tù ở trong một căn phòng nhỏ, không đủ chỗ để đặt lưng, mỗi ngày chỉ có một lon nước để dùng; bản thân bị thương nặng nên suy kiệt sức lực và mắc bệnh thận. Tháng 3.1970, địch chuyển chị về giam ở nhà tù Phú Tài - nhà tù nữ lớn nhất miền Nam, khi chị mới tròn 20 tuổi. Được một thời gian, bọn chúng lại chuyển chị đến nhà giam Cần Thơ. Ở đâu, chị cũng luôn hòa mình với các nữ tù binh bất khuất, nhiều lần tuyệt thực đấu tranh cùng đồng đội. Khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 15.2.1973, chị được trao trả cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở sân bay Lộc Ninh cùng đoàn nữ tù chính trị.
Năm 1971, khi Trần Duy Phương bị giam giữ ở tại nhà tù Phú Tài (Quy Nhơn) cũng là lúc mẹ chị - bà Phạm Thị Hiền thường gọi bà Tường, mới ra tù và trên đường vào Sài Gòn sống với người dì ruột, vào thăm chị. Sau lần được gặp mẹ, nghĩ về hoàn cảnh gia đình mình, chị tự tay vẽ mẫu và thêu bức tranh “Đàn gà”. Kiểu thêu này tương đối khó, chị lại mới học thêu, suốt ngày nằm trên băng cáng vì thương tích quá nặng, hơn nữa, việc thêu thùa phải tránh né bọn cai tù nên chị thêu không đẹp lắm. Bức tranh thêu “Đàn gà” của chị hàm ý tả cuộc sống ở chốn lao tù gian khổ nhưng đầy lạc quan của người tù, phản ánh được hoàn cảnh của gia đình chị cũng như bao người dân thời loạn lạc. Trong bức tranh, có một gà mái và ba chú gà con đi về ba hướng. Gà mẹ tượng trưng cho mẹ chị. Con gà lông đen tượng trưng cho chị - đang sống xa mẹ nhất vì giam cầm trong nhà tù Mỹ ngụy, bị thương hai chân không đi lại được. Hai con gà con còn lại là hai người em của chị… Bức thêu không có gà trống (gà cha) vì lúc đó ba chị đã hy sinh.
Bức tranh thêu của chị Trần Duy Phương ở trong tù năm 1971. |
Chị Trần Duy Phương là nữ tù bị thương tật nặng nhất của nhà tù nên tổ chức hội Chữ Thập đỏ quốc tế rất quan tâm. Hồi ấy, địch thường đưa chị đi điều trị ở bệnh viện của Mỹ, lần nào xuất viện, y bác sĩ cũng cấp cho chị tấm nệm trải băng ca có bọc tấm drap bên ngoài, rồi lại được thêm một tấm để đắp trên người. Về trại giam đi ngang phòng giám thị, bọn chúng rất ấm ức nhưng không thể tịch thu. Bọn chúng sợ chị tố cáo nên ngại, không dám mạnh tay với chị. Trong những lần nằm điều trị tại bệnh viện của Mỹ, chị “chôm” thêm những những vải trắng bằng cách lén xé bớt những tấm drap trải giường vài ba tấc, lót dưới giường đem về. Tích thiểu thành đa. Nhờ thế, chị em trong phòng giam có vải để may đồ lót và làm khăn, gối. Chỉ thêu thì chị em gửi lính giữ tù hoặc y tá mua giúp, nhưng phải tùy người mà gửi, không khéo bị bọn chúng phát hiện thì nguy. Khi thêu thùa, may vá, hoặc học tập văn hóa… các chị phải giấu bọn địch vì nếu phát hiện ra chúng sẽ tịch thu ngay. Từ phòng giám thị đến nơi giam giữ chị em phải qua một cái sân rộng, việc bố trí một số chị trông chừng, báo động cho chị em cất giấu khá thuận lợi. Chính vì vậy, những đồ dùng sinh hoạt bất hợp pháp của chị em trong tù vẫn không bị giám thị phát hiện tịch thu.
Năm 1973, chị Trần Duy Phương được trao trả tù binh tại Lộc Ninh và được chuyển ra Bắc an dưỡng. Sau ngày nước nhà thống nhất, chị trở về cuộc sống đời thường cùng những vết thương trên cột sống, những mảnh đạn còn nguyên trên cơ thể. Thế nhưng chị vẫn cố gắng vượt qua nỗi đau thể xác, dồn sức viết nên cuốn tự truyện “Tôi nghe tôi hát”, kể lại cuộc đời chị cùng những người tù trung kiên trong những năm tháng lao tù đầy bi tráng với những kỷ vật trong tù, trong đó có bức thêu này.
Chế độ hà khắc của nhà tù khó có giấy bút nào tả hết, bọn chúng muốn tù nhân chết dần chết mòn trong ngục tối nên không cho uống nước, tắm gội... Vì vậy, chị bị sỏi thận nặng, khi được mổ lấy ra có tới chục viên sỏi, mà viên lớn to bằng ngón chân cái người lớn, lúc đó chị giữ lại làm kỷ niệm, cho đến ngày được trao trả ở Lộc Ninh, chị vứt bỏ trong rừng. Chị tiếc, nếu bây giờ mà còn thì nó cũng là kỷ vật. Hay tấm ni lông, chổi kết bằng tóc, lược bằng mảnh bom… Bởi lúc đó, chị em tù không được tắm gội, nghĩ ra cách bao kín người trong một tấm ni lông, khi vã mồ hôi thì bỏ tấm ni lông để kỳ cọ, sau đó lấy giẻ thấm nước lau lại. Hầu hết nữ tù nhân đều bị rụng tóc hoặc đều cắt tóc ngắn. Những sợi tóc ngắn được buộc thành chổi quét sạp ngủ, còn tóc dài gom lại và xe thành dây dài, được ghim bằng hai ghim nhỏ để phơi quần áo... Ông Phạm Đình Lân, bạn tù của chị ở trại giam Non Nước (Đà Nẵng) kể rằng, hồi ấy, ông chỉ có một cái quần độc nhất mặc trên người, được chị Trần Duy Phương may tặng cho hai cái quần đùi, ông giữ mãi đến tận ngày giải phóng, thật tiếc rằng bây giờ không còn nữa…
Bức tranh thêu “Đàn gà” ra đời đã cách đây đúng 45 năm, được chị giữ gìn như là báu vật. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tìm đến chị xin kỷ vật này để trưng bày. Dù rất tiếc nhưng chị vẫn trao tặng, vì chị nghĩ nó là minh chứng về sự mưu trí, khôn khéo của chị em nữ tù binh, về tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau của chị em trong những tháng ngày sống ở “địa ngục trần gian”. Nếu ai có dịp tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ bắt gặp bức tranh thêu “Đàn gà” của chị Trần Duy Phương cũng nhiều hiện vật khác của những người tù yêu nước. Những kỷ vật được làm ra trong chốn lao tù đã giúp nhiều nữ chiến sĩ quên đi cảnh tù đày, tiếp tục kiên cường đấu tranh mặc kẻ thù tra tấn dã man. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện cảm động, qua đó người xem hình dung được về cuộc đời, hồi ức của những người mà chiến công và sự hy sinh đóng góp của họ đã hòa vào lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam.
QUẾ HÀ